Sự ra đời của Ready-to-wear và cú chuyển mình của fashion show
Ngày đăng: 21/04/24
Những năm 1960 fashion show truyền thống trải qua một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn hình thức trình diễn vì bị tác động bởi sự ra đời của Ready-to-wear (hay còn gọi là Pret-a-porter) và sự giảm sút của khách hàng Haute couture.
Các nhà thiết kế couture gồm cả Carven và Nina Ricci đều đồng loạt ra mắt fashion show cho bộ sưu tập Ready-to-wear của họ hai tuần trước bộ sưu tập Haute couture. Nếu trong những thập kỷ trước, các buổi fashion show cao cấp kín đáo và khá trang trọng thì ở thập niên 60 đã được thay thế bằng các buổi sự kiện tràn đầy năng lượng ở những địa điểm khác thường. Các nhà thiết kế như Mary Quant và André Courrèges khuyến khích người mẫu của họ từ bỏ hình thức catwalk truyền thống để cởi mở hơn với những chuyển động tự do.
Một buổi biểu diễn của Mary Quant tại Hamburg (Đức) năm 1967
Trong suốt những năm 1960, cuộc cách mạng giới tính cũng là tác nhân ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thời trang, với việc André Courreges cắt giảm độ dài váy vào năm 1965, và làn sóng các nhà thiết kế mới bao gồm Pierre Cardin và Paco Rabanne thiết kế cho khách hàng trẻ trung hơn.
Thay vì chỉ phục vụ báo chí và buyers với vẻ sang trọng và độc quyền, các nhà thiết kế giờ đây đã sử dụng các buổi fashion show của họ như một cách để tiếp cận văn hóa giới trẻ và chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng (mass consumerism). Tất nhiên, việc các người mẫu cười và nhảy có vẻ khá khác thường so với cách các nhà thiết kế ngày nay thể hiện trên sàn runway, nhưng những năm 1960 và 1970 đã giúp tạo tiền đề cho những buổi biểu diễn như thế trong tương lai.
Vào những năm 1970, Ready-to-wear đã thay thế cho Haute Couture và sàn catwalk trở thành phương tiện mới giúp truyền tải bộ sưu tập của các nhà thiết kế. Ở Paris, có rất nhiều nhà thiết kế đã trình diễn bộ sưu tập của họ hai lần một năm, vì thế vào năm 1973, Chambre Syndicale du Prêt-à-Porter des Couturiers et des Créateurs de Mode, được thành lập để điều phối các buổi fashion show. Đây là sự ra đời của Paris Fashion Week – Tuần lễ thời trang Paris.
Trong những năm 1980, fashion show ngày càng trở nên quan trọng hơn vì thế các nhà mốt không ngần ngại đầu tư vào fashion show. Thierry Mugler đã có một fashion show đầy ngoạn mục vào năm 1984 tại sân vận động Zénith ở Paris. Nửa số vé được bán cho công chúng với sự hiện diện của 6.000 khán giả.
Đó không phải fashion show duy nhất với quy mô cực đại như thế trong những năm này. Các nhà thiết kế khác đã đưa fashion show đến những thái cực tương tự, bao gồm cả Yves Saint Laurent. Năm 1998, nhà thiết kế người Pháp đã trình làng bộ sưu tập couture tại trận Chung kết World Cup ở Paris trước một sân vận động chật cứng khán giả và ước tính hơn 1 tỷ khán giả truyền hình đang theo dõi. Buổi trình diễn chỉ kéo dài 15 phút nhưng đã đạt được những con số ấn tượng: 300 looks từ các bộ sưu tập của Yves Saint Laurent, 300 người mẫu tham gia (gồm cả danh ca Carla Bruni), 900 người góp mặt trong khâu chuẩn bị.
Thực hiện: Như Quỳnh
Bài viết được tổng hợp từ Fashionista, The Guardian