Nguyễn Ngọc Tư nhận giải “Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất” và 4 tác phẩm nên đọc
Ngày đăng: 17/09/24
Truyện ngắn “Những biển” trong tập truyện ngắn “Cố định một đám mây” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa nhận giải thưởng “Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024” tại khuôn khổ lễ trao Giải Văn học Điền Trì 2024 vừa diễn ra tại thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Tạp chí Văn học Điền Trì, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vừa tổ chức lễ trao Giải Văn học Điền Trì 2024 tại thành phố Côn Minh. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vinh dự là một trong những tác giả được xướng tên tại sự kiện năm nay. Đây đã là lần thứ 20 Giải thưởng Văn học Điền Trì được tổ chức, nhằm tôn vinh các tác phẩm nổi bật đã xuất hiện trên tạp chí trong năm trước. Năm nay, ba truyện ngắn Cố định một đám mây, Một mùa sương thức, và Những biển thuộc tập truyện Cố định một đám mây của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được trao giải “Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024”.
Trong diễn từ gửi đến ban tổ chức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi thường tránh né việc đọc lại tác phẩm của mình sau khi đã in thành sách”. Một trong những lý do quan trọng đó là vì “tôi không muốn mất thời giờ quyến luyến những thứ đã viết xong, đã ở thì quá khứ, mà dành trọn tâm trí cho những gì đang và sẽ viết sắp tới đây”. Trích lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Việc “tạp chí Điền Trì trao giải cho chùm truyện ngắn của mình, tôi lại nghĩ những tác phẩm ấy vẫn nhận được hơi ấm, ánh sáng dẫu không được tôi thường xuyên hoài nhớ”; qua đó khẳng định một lần nữa “văn chương, nghệ thuật vốn không có biên giới nào”.
Trích lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Việc “tạp chí Điền Trì trao giải cho chùm truyện ngắn của mình, tôi lại nghĩ những tác phẩm ấy vẫn nhận được hơi ấm, ánh sáng dẫu không được tôi thường xuyên hoài nhớ”; qua đó khẳng định một lần nữa “văn chương, nghệ thuật vốn không có biên giới nào”.
Nguyễn Ngọc Tư là một giọng văn quen thuộc trong lòng bạn đọc. Bắt đầu sự nghiệp văn chương từ thập niên 1970, cô đã để lại dấu ấn với những câu chuyện giản dị nhưng đầy mới lạ, được thể hiện qua góc nhìn thông minh, dí dỏm và hồn hậu rất Nam Bộ.
Văn chương của cô thấm đượm nét đẹp mộc mạc của thôn quê miền Tây, không chỉ qua những lời văn tinh tế, gợi hình tạo nên bức tranh địa phương chân thực đến từng chi tiết, mà còn qua sự khéo léo trong việc khắc họa tên gọi, tính cách và giọng điệu của mỗi nhân vật. Chính điều đó đã tạo nên những câu chuyện buồn man mác, khó dứt và phảng phất nỗi tan hoang đặc trưng. Như Bùi Thạc Chuyên từng tâm sự: “Tôi yêu miền Tây qua truyện Nguyễn Ngọc Tư”.
Như Bùi Thạc Chuyên từng tâm sự: “Tôi yêu miền Tây qua truyện Nguyễn Ngọc Tư”.
Cố định một đám mây – tập truyện ngắn
Làm sao để cố định một đám mây – một thực thể vốn gắn liền với sự tự do?
Chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Tư gây thương nhớ bởi những ví von ẩn dụ sâu sắc, sử dụng ngôn tưởng giản dị mà khiến người đọc dưng dứt khó tả. Với bút pháp rất đời, cô khéo léo lồng ghép tầng tầng lớp lớp ý tứ, mở ra những khoảng lặng để mời gọi độc giả tự khám phá. Đôi khi, phải lật đi lật lại từng câu chuyện, người đọc mới có thể nắm bắt toàn vẹn ngữ nghĩa, không chỉ về nội dung truyện mà còn về chính bản thân mình.
Cố định một đám mây là một trong mười truyện ngắn trong tập sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Những cuộc gặp gỡ và những con người trong Cố định một đám mây tuy giản dị nhưng lại để lại trong lòng người đọc những nỗi day dứt khôn nguôi. Mười truyện ngắn là những lát cắt chua xót về thân phận con người, mỗi nhân vật như gắn chặt với câu hỏi đầy bất an: “Làm sao để cố định một đám mây?”
Yêu người ngóng núi – tản văn
“Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại thấy cô đơn đến rã rời…” – trích từ Yêu người ngóng núi.
Tản văn là thế mạnh, cũng là cái duyên của Nguyễn Ngọc Tư. Với lối viết “tản mạn” đầy tự nhiên, giọng văn tâm sự gần gũi đời thường, cô khéo léo chọn lựa những vấn đề giản đơn, không đanh thép hay sâu cay, nhưng day dứt khó tan những nỗi buồn tan tác, dù đôi khi không phải của chính mình.
Yêu người ngóng núi gồm 35 câu chuyện trong tập sách cùng tên, khắc họa nỗi nhớ quê hương da diết của những người con xa xứ. Tập truyện không chỉ gợi nên những rung động sâu sắc, đôi khi khiến người đọc nghẹn ngào, mà còn như một sự an ủi dịu dàng cho những ai đồng cảnh ngộ, để họ nhận ra mình không cô đơn giữa cuộc sống xa quê “ba phần cô độc, bảy phần cô liêu”.
Trôi – tập truyện ngắn
“Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời, sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời” – trích từ Trôi.
Từ “trôi” trở thành biểu tượng đầy ám ảnh khi miêu tả những cuộc di cư của người dân vùng sông nước, xoáy sâu vào cái nghèo khổ, bấp bênh của những mảnh đời lao động nơi vùng đất ngập mặn. Những phận đời “trôi” nổi ấy, như Nam Cao từng viết: “những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”.
Không chỉ bắt gặp “trôi” trong truyện Trôi, ta còn nhặt nhạnh được những phận người “trôi dạt” khắp các tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư. Mười ba truyện ngắn, trải dài trong tập sách chừng 150 trang, kết nối với nhau qua nỗi ám ảnh và sự dày vò trong tâm trí các nhân vật. Cuộc đời của họ nổi trôi qua từng câu chuyện, tưởng chừng như số phận của một nhân vật trôi nổi, ẩn náu, hiển hiện đâu đó trong vũ trụ chữ nghĩa Nguyễn Ngọc Tư ở những mảnh đời, những tên gọi, những kết nối rất khác nhưng chung một số phận: Trôi.
Sông – tiểu thuyết
“Bà già bán khói cũng nói, sống là một thứ bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm áy náy” – trích từ Sông.
Viết theo lối du khảo, tiểu thuyết Sông đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư mở ra với Ân, một nhà báo trẻ, quyết định thực hiện chuyến đi phượt dọc theo dòng sông Di sau cú sốc bị phản bội bởi người yêu cùng giới. Đồng hành cùng Ân là hai người bạn “duyên phận” – Xu và Bối. Trong hành trình này, những tâm hồn vụn vỡ gặp gỡ và đi dọc sông Di, chứng kiến những mảnh đời vụn vặt và chứng kiến chính mình cũng thăng trầm và vô thường như sông.
Dòng sông Di tưởng tượng nối dài theo mảnh đất hình chữ S, mở ra một thế giới nơi những mảnh đời nhỏ bé sinh sống nương tựa dòng sông rộng lớn. Bằng lối kể ẩn dụ đặc trưng, Nguyễn Ngọc Tư khéo léo biến dòng sông thành biểu tượng cho hành trình khám phá và đào sâu những cảm xúc sâu thẳm và khó nói như rễ cây cổ thụ. Đặc biệt, qua áng văn của mình, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện sự nhân văn và chất phác khi kể về người đồng tính. Cô tiếp cận vấn đề từ góc độ tinh thần và nội tâm, tập trung vào những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật, thay vì khai thác khía cạnh thể xác và nhục cảm. Như cô từng chia sẻ: “Tôi tiếp cận mảng đó về mặt tinh thần, về nội tâm con người, về những suy nghĩ và dằn vặt của nhân vật chứ tôi không hoàn toàn khai thác những gì thuộc về thân xác và nhục cảm. Tôi nghĩ rằng những vấn đề đó các tác giả khác đã làm rất tốt rồi.”
Thực hiện: Lenna