Tại sao các nhà mốt đang đầu tư vào việc trình diễn lại các bộ sưu tập cũ?
Ngày đăng: 30/12/22
Trên bãi cát của biển Miami, Chanel đã dựng lên một sàn catwalk tạm thời để tổ chức một buổi trình diễn thời trang vào đầu tháng 11.
Tuy nhiên, Chanel không tung ra bộ sưu tập mới mà thay vào đó, họ đã trưng bày những tác phẩm thuộc dòng Cruise gần đây nhất của mình. Chúng từng được cho ra mắt ở Monte Carlo vào tháng 5 và sẽ có mặt tại các cửa hàng trong vài tuần nữa. Nhà mốt đến từ Pháp ấy là một ví dụ điển hình về các thương hiệu xa xỉ đã tái hiện lại một sàn diễn có những bộ trang phục sắp được bán ra.
Vào ngày 4 tháng 11, Chanel đã có hai buổi trình diễn liền kề nhau. Một buổi được tổ chức vào chiều và dành riêng cho các khách hàng. Buổi còn lại diễn ra vào chiều tối và dành cho những vị khách còn lại, báo chí và các nhân vật quan trọng thuộc hàng VIP.
“Đây là thời điểm tốt để trở lại Florida – lần trước là năm 2008, một thời gian khá dài” Bruno Pavlovsky, chủ tịch thời trang của Chanel, nói với khán giả một ngày sau show diễn. “Bộ sưu tập này là hoàn hảo khi được diễn ra ở Miami” ông nói thêm.
Chanel đặt tên cho những buổi trình diễn này là “Replicas” (Bản sao) và đây không phải là thương hiệu duy nhất đầu tư vào các show re-staging (tái hiện lại). Louis Vuitton đang tổ chức một buổi biểu diễn riêng cho dòng Cruise 2023 của mình tại Dallas trước cuối năm nay khi lần cuối cùng chúng xuất hiện là ở San Diego vào tháng 5. Thật ra re-staging đã xuất hiện trong vài năm nay. Chanel đã từng tổ chức một show vào mùa hè ở Florence cho Métiers d’art 2022 (ban đầu được trưng bày tại xưởng 19M ở Paris vào tháng 12), ở Dubai cho dòng Cruise 2021 (ban đầu được tung ra ở Provence) và ở Bangkok cho dòng Cruise 2018 (ban đầu được tung ra ở Paris). Hành động re-staging này tạo ra một chu kì mới trong ngành thời trang.
Lí do tại sao Chanel lại “đánh” vào chiến lược này, thì đây dường như là cách mà nhà mốt này thu hút những vị khách mới và giữ chân các khách hàng trung thành của họ, bởi vì show diễn có cả những người bản xứ và các khách hàng đến từ nơi khác.
Từ góc độ tiếp thị POV, những cách dựng lại này cũng làm tăng độ thảo luận về bộ sưu tập nhiều tháng sau khi được ra mắt, với các điểm thu hút mới và bối cảnh mới thể hiện tính linh hoạt của sản phẩm. Trải nghiệm về các bộ trang phục mặc dù có thể ít hơn (bởi vì sản phẩm không mới về mặt thiết kế) nhưng các hãng thời trang đầu tư nhiều hơn về bối cảnh xung quanh. Đối với những vị khách đến từ bên ngoài thành phố, Chanel tổ chức các chuyến tham quan tại Bảo tàng Rubell; có một bữa tiệc sau đó tại một chiếc lều được dựng cách đó vài bước chân; mở cửa cho khách và sinh viên tại các trường đại học địa phương.
Ban đầu, việc dựng sàn diễn ở Monaco là ý tưởng của Gabrielle Chanel và Karl Lagerfeld, vì cả hai nhà thiết kế thường đi nghỉ ở đó. Ngoài ra, còn có một lí do khác là Lagerfeld đã trưng bày bộ sưu tập Métiers d’art năm 2006 của mình tại Nhà hát Opera Monte-Carlo. Chanel muốn tập trung đầu tư thương hiệu ở Miami vì năm ngoái, họ đã mở một cửa hàng mới do Peter Marino thiết kế ở Miami Design District và ủy quyền cho Es Devlin tạo ra một tác phẩm đặt trong Art Basel gần đây nhất để kỷ niệm 100 năm No. 5 perfume.
Virginie Viard không có mặt ở Miami để tham dự Cruise 2.0 vì cô và nhóm của mình phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện tiếp theo của Chanel: Métiers d’Art ra mắt tại Dakar. Nhà mốt này sắp ra mắt BST Haute Couture vào tháng Giêng, BST Ready-to-wear vào tháng Ba. Có thể thấy, bây giờ là khoảng thời gian bận rộn của Chanel và hãy đón xem những gì mà họ sẽ tung ra trong tương lai gần.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Fashionista