Tại sao kim cương nhân tạo đang gây sức nóng trên thị trường?

Ngày đăng: 29/06/24

Nếu người sử dụng và đầu tư vào trang sức tại Việt Nam và châu Á nói chung phần lớn vẫn ưa chuộng kim cương tự nhiên nhiều hơn thì các khu vực còn lại trên thế giới đã và đang đón nhận loại kim cương “biến thể” của nó ngày càng đông đảo: Kim cương phòng lab (lab-grown diamonds) – hay còn gọi là kim cương nhân tạo. Sự tăng tốc nhanh chóng của kim cương nhân tạo đặt ra câu hỏi: Vì đâu mà kim cương nhân tạo đang được đón nhận như vậy?

Doanh số bán kim cương nhân tạo đã tăng nhanh chóng, với doanh số toàn cầu tăng vọt lên gần 12 tỷ USD vào năm 2022, từ 1 tỷ USD vào năm 2016, với mức tăng 38% so với năm trước. Kim cương nhân tạo hiện đang chiếm 20% doanh số trang sức kim cương toàn cầu, tăng lên gấp 2 lần so với thị phần của nó vào năm 2022, và phần lớn còn lại vẫn thuộc về kim cương tự nhiên, theo Paul Zimnisky, một nhà phân tích ngành kim cương, báo cáo với Business of Fashion. 

Trang sức kim cương nhân tạo của Pandora. Nguồn: Glamour

Năm 2021, thương hiệu trang sức đại chúng Pandora thông báo sẽ ngừng sử dụng kim cương khai thác hoàn toàn để ưu tiên cho các lựa chọn kim cương nhân tạo, một quyết định được coi là một phần của chiến lược bền vững. Từ tháng 5, 2022, Kimaï đã có một mối quan hệ hợp tác nhỏ nhưng thành công với Net-a-Porter. Vrai, một thương hiệu trang sức kim cương nhân tạo khác, đã phát triển từ khi không có nhà bán lẻ nào đến khi thu hút được sáu nhà bán lẻ lớn trong năm ngoái, bao gồm Selfridges, Saks Fifth Avenue và Moda Operandi. 

Trong lúc các công ty kim cương nhân tạo đang thăng hoa, các công ty vẫn chuyên về kim cương tự nhiên đang gặp khó khăn do sự sụt giá gây ra bởi nhu cầu quá thấp và nguồn cung quá mức của kim cương truyền thống: Công ty mẹ của De Beers, vốn là đơn vị tiên phong sản xuất kim cương trong lịch sử, đang cân nhắc bán doanh nghiệp sau khi ghi nhận việc giảm giá trị công ty xuống 1,6 tỷ USD vào tháng Hai năm 2024, theo The Wall Street Journal báo cáo vào tháng 5, 2024.

Signet Jewelers, nhà bán lẻ trang sức kim cương lớn nhất thế giới tập trung vào kim cương tự nhiên — và chủ sở hữu của Kay Jewelers, Zales cùng nhiều thương hiệu khác — đã báo cáo doanh thu cùng cửa hàng giảm 9,6% trong quý gần đây nhất. CEO chia sẻ rằng những thách thức này là do các nhà kim hoàn độc lập đã đưa các “chương trình giảm giá lớn” trên các sản phẩm kim cương nhân tạo, khi người tiêu dùng tiếp tục ưu tiên giá cả phải chăng.

Sự tăng tốc nhanh chóng của kim cương nhân tạo đặt ra câu hỏi: Vì đâu mà kim cương nhân tạo đang được đón nhận như vậy?

Emma Watson từng đeo trang sức kim cương nhân tạo hiệu kimai và xuất hiện tại hội nghị G7. Ảnh kimai

(Kim cương nhân tạo được tạo ra bằng cách mô phỏng quá trình tự nhiên. Nếu kim cương tự nhiên hình thành dưới áp lực và nhiệt độ cực lớn trong lớp phủ của Trái Đất qua hàng triệu năm, thì kim cương phòng lab được tạo ra bằng việc đưa các nguyên tử carbon vào nhiệt độ và áp suất cao và hình thành tinh thể. Quá trình này mất vài tuần hoặc vài tháng, giúp các sản phẩm kim cương nhân tạo về mặt hóa học không thể phân biệt được với kim cương tự nhiên.)

Tại sao kim cương nhân tạo đang được ưa chuộng đến vậy? 

Làn sóng các công ty chuyển hướng từ kim cương tự nhiên sang kim cương nhân tạo là vì họ đã nhận thấy tiềm năng tăng trưởng cao của loại đá trang sức mới này, đặc biệt nhờ vào các đột phá công nghệ, giá cả cạnh tranh và sự suy giảm nhu cầu của kim cương tự nhiên.

“Trong những ngày đầu, rất nhiều nhà bán lẻ không muốn làm việc với kim cương nhân tạo,” Jessica Warch, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của thương hiệu trang sức kim cương nhân tạo Kimaï, nói với BoF. Điều đó đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Công nghệ tạo kim cương trong phòng thí nghiệm đã tồn tại từ những năm 1950. Nhưng quá trình này đắt đỏ và khó kiểm soát. Qua các năm, các cải tiến đã giúp giảm lượng năng lượng cần thiết để tạo ra một viên đá và cải thiện việc kiểm soát đối với thành phẩm cuối. Bước đột phá thực sự phải kể đến là từ các máy móc có thể tạo ra các viên đá lớn hơn và nhiều lượng kim cương cùng một lúc, dẫn đến việc sản xuất trang kim cương chất lượng đột nhiên được thương mại hóa.

Ngày nay, kim cương nhân tạo có thể rẻ hơn kim cương tự nhiên tới 75%, theo Nhà phân tích kim cương Paul Zimnisky, khiến người tiêu dùng cân nhắc sử dụng loại đá mới này.

Bùng nổ kim cương nhân tạo cũng đến vào thời điểm khi các đối thủ truyền thống của nó đang đối mặt với sự suy giảm. Mặc dù kim cương tự nhiên phát triển mạnh do chi tiêu tăng trong thời gian phong tỏa đại dịch, nhu cầu này giảm khi cuộc sống hàng ngày trở lại bình thường – để lại các nhà cung cấp với lượng dư lớn hàng tồn kho. Một lý do khác là người tiêu dùng liên tục bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao trong hai năm qua, CEO của Signet chia sẻ với BoF trong cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất. 

Trang sức kim cương De Beers trên người nữ diễn viên Florence Pugh tại thảm đỏ ra mắt Dune 2. Getty Images
De Beers Campaign “Where it begins” với diễn viên Lupita-Nyongo. Ảnh: De Beers campaign

Khi nhu cầu tiếp tục suy giảm, cùng với nguồn cung quá mức của kim cương tự nhiên, các nhà khai thác lớn như De Beers (công ty khai thác kim cương tự nhiên, phát minh ra khái niệm nhẫn kim cương đính hôn vào năm 1947) phải thực hiện một trong những đợt giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay để hồi phục doanh số. Ngoài ra, sự xuất hiện của kim cương nhân tạo như một lựa chọn thay thế khả thi với mức giá rẻ hơn nhiều đã kéo người tiêu dùng khỏi nhu cầu với kim cương tự nhiên. 

Ngày nay, kim cương nhân tạo có thể rẻ hơn kim cương tự nhiên tới 75%, theo Nhà phân tích kim cương Paul Zimnisky

Một lựa chọn bền vững thay thế cho kim cương truyền thống 

Cùng với các nguyên nhân chính ở trên, thì các nguyên nhân xúc tác nằm ở những nỗ lực tiếp thị và định vị kim cương nhân tạo rằng nó là một lựa chọn bền vững thay thế cho kim cương truyền thống vốn được khai thác trong môi trường làm việc thiếu đạo đức và ảnh hưởng đến tự nhiên.

Công nhân đãi kim cương tại một mỏ kim cương do chính phủ kiểm soát gần Kenema, Sierra Leone, vào ngày 15 tháng 6 năm 2001. Nguồn: Getty Images

Cyrille Vigneron, giám đốc điều hành của Cartier, từng nói trong một cuộc phỏng vấn với BOF, được xuất bản trong báo cáo The State of Fashion: Watches and Jewellery năm 2021, rằng: “Kim cương nhân tạo không có bất kỳ giá trị [lịch sử] nào”. Tuy nhiên, kim cương nhân tạo có những lợi thế cạnh tranh khi mà các nhà sản xuất và thương hiệu trang sức đã dựa vào câu chuyện bền vững, thúc đẩy chuỗi cung ứng minh bạch và giải phóng chuỗi cung ứng khỏi các vấn nạn về nhân quyền và ảnh hưởng môi trường.

“Nhiều khách hàng thích ý tưởng rằng [đá nhân tạo] không đến từ việc đào bới đất và làm xói mòn đất đai, … rằng nó thực sự được tạo ra trong một môi trường có kiểm soát,” Lorraine Brantner, quản lý bán hàng tại nhà bán lẻ trang sức trực tuyến JamesAllen.com, bắt đầu bán kim cương nhân tạo vào năm 2019, nói.

Các thương hiệu trang sức kim cương nhân tạo cũng tận dụng sự bùng nổ thương mại điện tử và trực tiếp đến người tiêu dùng, cho phép họ phá vỡ thế giới bán lẻ kim cương truyền thống và nhỏ bé, và bước vào thị trường theo cách riêng của họ. Họ có thể kiểm soát thông điệp về kim cương phòng lab rằng nó có ít các tác động tiêu cực hơn và khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn. Họ cũng thử nghiệm sự khao khát của người tiêu dùng trước khi các nhà bán lẻ lớn đến gõ cửa xưởng sản xuất của họ.

Góp phần vào việc thay đổi quan điểm tích cực của người tiêu dùng về kim cương nhân tạo ở khu vực Bắc Mỹ là sự công nhận pháp lý chính thức về loại đá này. Ban đầu, việc tiếp nhận diễn ra từ từ và được đánh dấu bằng một cuộc chiến nóng bỏng về việc đâu mới được coi là một viên kim cương “thật”. Nhưng vào năm 2018, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã thay đổi hướng dẫn để kim cương nhân tạo có thể được bao gồm trong định nghĩa kim cương của họ.

Những “tay chơi xa xỉ” cũng nhảy vào thị trường đang lớn dần này

Ngay cả các nhãn hiệu xa xỉ cũng đang tham gia: Prada, TAG Heuer và thương hiệu trang sức Fred (cả 2 thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH) đều tung ra các sản phẩm kim cương nhân tạo trong những tháng gần đây của 2024. 

Nhẫn logo Prada Eternal Gold bằng vàng trắng với kim cương nhân tạo Prada Cut. Ảnh: Luis Monteiro

Năm 2022, LVMH đầu tư vào nhà sản xuất kim cương nhân tạo Israel Lusix. Họ đã cho thử nghiệm kim cương nhân tạo với sản phẩm đồng hồ phiên bản giới hạn mang hiệu TAG Heuer, được bán với mức giá cực kỳ xa xỉ, khoảng 375.000 USD. Cùng năm này, thương hiệu đồng hồ Breitling có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn kim cương khai thác tự nhiên vào cuối năm 2024.

Siêu phẩm đồng hồ Carrera Plasma Tourbillon Nanograph của TAG Heuer ra mắt năm 2022 với trang trí kim cương nhân tạo. Nguồn ảnh: watchesbysjx

Năm 2021, cựu giám đốc điều hành Harry Winston Frédéric de Narp và giám đốc điều hành lâu năm của Cartier Coralie de Fontenay đã hợp tác để thành lập quỹ đầu tư Luximpact, với mục tiêu khôi phục các thương hiệu trang sức di sản chỉ sử dụng kim cương nhân tạo và vật liệu không nguyên sinh.

Thị trường kim cương đang chờ đợi điều gì trong tương lai?

Nhìn vào mặt khác của loại kim cương nhân tạo có tính cách mạng này, chúng đi kèm với các vấn đề môi trường riêng: cần rất nhiều năng lượng để tái tạo nhiệt độ và áp suất cao để hình thành một kim cương giống môi trường dưới lòng đất. Để giữ đúng lời hứa về thân thiện với môi trường, một số công ty, như Lusix và Vrai – chủ của Diamond Foundry, đang tìm cách tăng cường uy tín sinh thái của họ bằng việc cung cấp năng lượng cho máy móc với năng lượng tái tạo, trong khi Aether có trụ sở tại New York tạo ra kim cương từ carbon chiết xuất từ khí quyển.

Một yếu tố khác có thể gây khó khăn cho loại đá nhân tạo là sự giảm giá nhanh chóng, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà bán lẻ và công ty sản xuất loại đá mới này. Theo Edahn Golan, người sáng lập Edahn Golan Diamond Research and Data, doanh thu từ kim cương nhân tạo tiếp tục giảm ngay cả khi số lượng đơn vị bán ra tăng.

Trong bối cảnh này, kim cương tự nhiên đang cố gắng quay trở lại với thương hiệu kỳ cựu De Beers đang chạy chiến dịch nhấn mạnh các thành phần tự nhiên của kim cương của họ, với các khẩu hiệu như “Tạo hóa: Mẹ Thiên Nhiên,” và “Đỉnh cao của Tự Nhiên.”

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là: Liệu kim cương tự nhiên có thực sự là mãi mãi, ít nhất là về mặt thị phần?

Biên soạn: Kaitleen

Tham khảo: BoF, Forbes