Thế cờ toàn cầu Q2/2025: LVMH sa thải, thương chiến kéo dài, Việt Nam “đón sóng”

Ngày đăng: 05/05/25

Thế giới đang bước vào giai đoạn bất ổn mới, khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường không chỉ làm rung chuyển kinh tế toàn cầu, gây ra sự phân hóa sâu sắc, mà còn khiến cả ngành công nghiệp xa xỉ vốn từng được xem là ‘miễn nhiễm’ cũng phải đối mặt với làn sóng sa thải và tái cấu trúc chưa từng có.

Bước vào Quý 2 của 2025 với tháng 4 đầy biến động lớn, thế giới chứng kiến loạt diễn biến đáng chú ý từ bàn cờ thương mại toàn cầu đến biến động nội tại của ngành công nghiệp thời trang. Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng thương mại với các đòn thuế trả đũa và các tuyên bố cứng rắn về đàm phán khiến viễn cảnh kinh tế thế giới ngày càng khó đoán định.

Trên mặt trận kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực thời trang xa xỉ, hàng loạt ông lớn như Kering, LVMH buộc phải điều chỉnh chiến lược, sa thải nhân sự hoặc cắt giảm chi phí, trong khi những cái tên như Hermès, Prada hay Brunello Cucinelli cho thấy khả năng thích ứng vượt trội. Từ góc độ vĩ mô đến ngành hàng tiêu dùng cao cấp, những gì diễn ra trong quý I và đầu quý II/2025 đang vẽ nên bức tranh mới đầy thách thức khiến tất cả ngành nghề đều phải quan sát kỹ càng và cảnh giác cao độ, đặc biệt là về chuyển dịch kinh tế, thị trường và xu hướng tiêu dùng toàn cầu.

LVMH cắt giảm 10% nhân sự Moët Hennessy

Gã khổng lồ” LVMH vừa tuyên bố cắt giảm hơn 10% nhân sự tại Moët Hennessy. Đây là cột mốc chưa từng có trong ngành công nghiệp xa xỉ vốn được cho là miễn nhiễm với biến động. Quyết định này diễn ra giữa lúc thương chiến Mỹ – Trung leo thang, tăng trưởng toàn cầu suy yếu, và các tập đoàn lớn buộc phải tái cấu trúc để thích nghi với bức tranh kinh tế mới.

Alexandre Arnault – người con thứ 3 của ông trùm xa xỉ Bernard Arnault – sẽ chuyển từ Tiffany & Co. sang phụ trách mảng Rượu vang và Rượu mạnh của LVMH.

Kế hoạch cắt giảm hơn 10% nhân sự, tương đương khoảng 1.200 vị trí trong tổng số 9.400 người lao động hiện tại. Động thái này nhằm đưa quy mô nhân sự trở về mức của năm 2019, phản ánh tình trạng doanh thu trì trệ trong khi chi phí đã tăng tới 35% so với thời điểm đó. Việc tinh giản sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua nghỉ hưu tự nhiên và điều chuyển nội bộ, chưa xác định thời gian cụ thể.

@careercoachmandy

I’m honestly so embarrassed for them #metalayoff #lvmh

♬ original sound – Career Coach Mandy

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh sức mua ở phân khúc hàng xa xỉ đang chững lại, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, doanh số hữu cơ quý I của Moët Hennessy đã giảm 9%. Những khó khăn còn trầm trọng hơn do các rào cản thương mại, bao gồm thuế nhập khẩu từ Mỹ và các mức thuế mới của Trung Quốc áp lên rượu mạnh châu Âu.

Ông trùm Arnault của LVMH

Việc tái cơ cấu đang được giám sát bởi Giám đốc điều hành Jean-Jacques Guiony và Phó tổng giám đốc Alexandre Arnault – con trai của Chủ tịch LVMH, ông Bernard Arnault. Alexandre tiếp nhận vị trí này từ cuối năm 2024 với nhiệm vụ vực dậy hoạt động kinh doanh đang sa sút, trong bối cảnh nhiệm vụ này càng thêm thách thức khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế trả đũa 20% lên hàng hóa châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức tiêu thụ rượu vang và rượu mạnh Pháp tại Mỹ.

Trong một cuộc thảo luận trước đó về vấn đề sa thải nhân sự, Bernard Arnault từng dùng cách nói giảm nói tránh để gọi các đợt cắt giảm là “thăng chức ra ngoài” – lối chơi chữ đề cập đến việc Meta sa thải những nhân viên có hiệu suất thấp.

Những biến động tại LVMH cho thấy bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang phải điều chỉnh chiến lược dưới sức ép kinh tế, công nghệ và tái cơ cấu tổ chức. Một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy 41% doanh nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ cắt giảm nhân sự trong vòng 5 năm tới do tác động của trí tuệ nhân tạo.

Đối mặt với những thách thức đó, LVMH đang dồn lực vào các thương hiệu chủ lực như Moët & Chandon và Hennessy, đồng thời thu hẹp hoạt động mở rộng quốc tế và tập trung vào các nhãn hiệu có hiệu suất cao, với kỳ vọng tái sinh mảng rượu vang và rượu mạnh vốn đang giảm phong độ.

Ngành xa xỉ phân hóa mạnh, thời trang trung cấp – đại chúng xoay chuyển theo công nghệ và sức mua

Phân khúc hàng xa xỉ từ đầu tháng 4 đã đưa ra các báo cáo quý I/2025 với bức tranh phân hóa rõ rệt. Trong khi một số tập đoàn duy trì đà tăng trưởng, nhiều “ông lớn” lại đối mặt với sự suy giảm đáng báo động.

Kering ghi nhận mức sụt giảm  mạnh nhất: 14%, trong đó thương hiệu chủ lực Gucci giảm 25%, đặc biệt tại các thị trường châu Á và Bắc Mỹ. LVMH cũng giảm 3% doanh thu, riêng mảng Thời trang & Đồ da giảm 5%, dẫn đến quyết định cắt giảm 10% nhân sự tại Moët Hennessy. Ngược lại, Hermès, Prada Group và Brunello Cucinelli đang trên đà tăng trưởng. Hermès tăng 9% nhờ doanh số ổn định trên phạm vi toàn cầu, trong khi Prada đạt mức tăng 12,5%, chủ yếu nhờ Miu Miu tăng vọt 60% doanh thu bán lẻ. Brunello Cucinelli ghi nhận doanh thu tăng 10,5%, đạt 341,5 triệu euro, với tăng trưởng đồng đều tại Mỹ, châu Âu (khoảng 10%) và châu Á (~11,3%). Moncler tăng nhẹ 1%, chủ yếu nhờ thị trường châu Á.

Prada Group

Qua đến phân khúc trung cấp, kết quả kinh doanh có phần trái chiều nhưng vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, đặc biệt với các thương hiệu biết tận dụng công nghệ và định hình lại bản sắc. Miu Miu tiếp tục là điểm nhấn nổi bật trong tập đoàn Prada, trở thành một trong những thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thị trường. Trong khi đó, Adidas duy trì vị thế đặc biệt khi vừa đáp ứng nhu cầu thể thao chuyên dụng, vừa hợp thời trang, giúp doanh thu tăng 13%. Tăng trưởng của nhóm này phần lớn đến từ câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, đổi mới sản phẩm và khả năng kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Còn ở phân khúc đại chúng, thị trường đồng thời phản ánh cả áp lực lẫn khả năng thích ứng. Adidas tiếp tục là vượt kỳ vọng nhờ tăng trưởng ổn định từ cả kênh bán lẻ trực tiếp lẫn phân phối sỉ. Trong khi đó, Primark buộc phải điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng do nhu cầu giảm tại Anh, dù vẫn duy trì được tín hiệu tích cực tại châu Âu lục địa và thị trường Mỹ. Đáng chú ý, Forever 21 trở thành “nạn nhân” lớn nhất trong quý khi nộp đơn phá sản và đóng cửa hơn 200 cửa hàng – một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành bán lẻ giá rẻ.

Ảnh: REUTERS/Mark Makela

Mỹ – Trung siết đòn thương mại, Việt Nam tranh thủ đẩy mạnh đàm phán song phương

Tính đến ngày 4/5/2025, tình hình kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc đang thể hiện hai xu hướng trái ngược nhau trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài, với tín hiệu đàm phán vẫn còn mơ hồ và đối đầu thương mại tiếp tục gia tăng. Về phía Mỹ, nền kinh tế đã ghi nhận sự suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2022, với GDP quý I giảm 0,3% do nhập khẩu tăng vọt trước lo ngại thuế mới, trong khi thị trường lao động và chứng khoán đều cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Ảnh: The Guardian/Getty Images
Tăng trưởng GDP của Mỹ quý I năm 2025 giảm -0,3% so với quý trước, đánh dấu quý đầu tiên suy giảm sau chuỗi phục hồi từ 2022 đến 2024. Đây là tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế nếu xu hướng tiếp tục. Nguồn: Bureau of Economic Analysis – Nguồn: The Guardian.

Ngược lại, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP quý I đạt 5,4% nhờ xuất khẩu tăng mạnh trước thời điểm Mỹ áp thuế 145%, cũng như nhờ vào các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, dù thị trường bất động sản vẫn đang suy yếu. Tuy nhiên, có nhiều nhận định từ các chuyên gia kinh tế – tài chính rằng các số liệu trên của Trung Quốc chưa phản ánh đúng thực tế tình hình kinh tế của công xưởng lớn thứ nhất trên thế giới này – khi mà các chỉ số khác của kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu giảm phát (giảm tiêu dùng, quá tải sản xuất) đã tồn tại nhiều năm nay và được chính phủ Tập Cận Bình cố gắng điều chỉnh để tình hình không tệ đi.

Trung Quốc sản xuất hơn một nửa thép toàn cầu nhưng tiêu thụ ngày càng ít: năm 2023, chiếm 53,9% sản lượng nhưng chỉ 50,8% tiêu dùng – dấu hiệu dư thừa công suất. Nguồn: Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association).

Về diễn biến đàm phán, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đưa ra thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng giảm thuế xuống 50-65% nếu Trung Quốc chủ động đàm phán và đưa ra thỏa thuận hợp lý. Bất chấp hé lộ từ tổng thống Trump về việc Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp riêng trong gần cuối tháng 4 vừa qua, phía Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào đang diễn ra – một động thái cho thấy Trung Quốc không muốn bị thế giới nhìn nhận yếu thế hơn.

Thay vào đó, gần đây Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đang “đánh giá” đề xuất từ Washington nhưng đồng thời cảnh báo rằng các cuộc đối thoại sẽ không được chấp nhận nếu mang tính “cưỡng ép hay tống tiền”. Trung Quốc cũng đã chủ động miễn thuế cho khoảng 40 tỷ USD hàng hóa Mỹ, tập trung vào các mặt hàng chiến lược như dược phẩm, động cơ phản lực và chip – loại mặt hàng rất quan trọng trong việc phát triển công nghệ của Trung Quốc hiện nay. Trong khi đó, ngược lại, Mỹ lại chấm dứt việc miễn thuế cho các lô hàng giá trị thấp từ Trung Quốc và Hồng Kông – điều này gây thêm rất nhiều khó khăn cho các thương hiệu thời trang siêu nhanh như Shein, các thương hiệu bán trên sàn Temu.

Trong những tháng trước khi ông Trump nhậm chức, người tiêu dùng đã khuyên nhau tranh thủ mua sắm thật nhiều trên Temu và Shein, đề phòng chính quyền mới thực hiện lời hứa đánh thuế các đối tác thương mại của Mỹ. Ảnh: Imago/Alamy.
@reddefleurs51

#shein #temu #tariffs

♬ original sound – Irene Ruvalcaba868

Những động thái này phản ánh thế đối đầu vẫn dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, dù có dấu hiệu cả hai bên đang “dò ý” để hạ nhiệt. Chỉ khi Mỹ đưa ra thông báo \thành lập tổ đàm phán đại diện cho Mỹ và người đứng đầu để dẫn dắt cuộc đàm phán với đại diện Trung Quốc, thì chúng ta mới có thể chắc chắn rằng tình hình thương chiến đã thực sự “hạ nhiệt”.

Cuộc gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)

Về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tính đến đầu tháng 5/2025, hai nước đang có những bước tiến tích cực, đặc biệt trong việc khởi động đàm phán về thuế quan. Sau cuộc điện đàm ngày 23/4 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer, hai bên đã thống nhất khởi động tiến trình đàm phán thương mại song phương. Theo đó, đoàn công tác cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ để tham gia các cuộc họp khởi động đàm phán ngay trong tuần đầu tháng 5, thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí từ cả hai phía.

Chiều 28-4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Bên phải là ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam hiện thuộc nhóm đối tác được Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy vai trò then chốt của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart và Costco cũng bày tỏ sự ủng hộ, đồng thời cân nhắc tham gia Vietnam International Sourcing Expo 2025 vào tháng 9 tới – bước đi có thể mở ra triển vọng hợp tác thương mại sâu sắc hơn giữa hai quốc gia.

Thực hiện: Linh J.

Nguồn tham khảo chính: CNN, The Hill, Bloomberg, Reuters, LVMH, Bộ Thương mại Trung Quốc, SCMP, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Báo Mới, VnEconomy (VN)