The Devil Wears Prada 2: Hào quang báo in trước kỷ nguyên “ngón tay cái”

Ngày đăng: 22/03/25

Sau 20 năm kể từ thành công vang dội của phần đầu tiên, The Devil Wears Prada 2 sắp trở lại. 2 thập kỷ trôi qua, liệu thế giới thời trang trong phim sẽ được tái hiện ra sao khi “cán cân” truyền thông hiện nay đã có nhiều biến chuyển?

Trong thế giới thời trang đầy huyễn hoặc, nơi những giấc mơ được dệt bằng lụa là và quyền lực thể hiện trong từng trang tạp chí, có một huyền thoại chưa bao giờ phai nhạt: The Devil Wears Prada. Hai thập kỷ sau khi Miranda Priestly lạnh lùng gõ đôi giày cao gót xuống sàn văn phòng Runway, câu chuyện ấy lại được viết tiếp, như một bản giao hưởng vừa quen thuộc, vừa đầy bất ngờ. Nhưng lần này, bối cảnh đã đổi thay: thời đại của TikTok, Instagram và những cú click chuột đã “cất” các trang báo in vào một góc. Liệu sự trở lại này có đánh một cuộc phục hưng của truyền thông in ấn, hay như lời từ biệt đẹp đẽ?

Sự trở lại sau 20 năm của “The Devil Wears Prada”

Nội dung phim

Bộ phim xoay quanh Andrea “Andy” Sachs (Anne Hathaway), một cô gái trẻ thông minh, giàu tham vọng, nhưng không có kinh nghiệm trong ngành thời trang. Cô đảm nhiệm vị trí trợ lý cho Miranda Priestly (Meryl Streep), tổng biên tập quyền lực của Runway, một tạp chí thời trang danh tiếng.

Ban đầu, Andy xem đây là bước đệm để tiến xa trong sự nghiệp báo chí. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra công việc này khắc nghiệt hơn cô tưởng. Miranda là một người sếp lạnh lùng, yêu cầu khắt khe đến phi lý, môi trường Runway đầy áp lực với những đồng nghiệp kiêu căng. Để tồn tại, Andy thay đổi phong cách, làm việc ngày đêm và ngày một tốt hơn, nhưng cũng dần xa cách bạn bè, người yêu và những giá trị ban đầu của mình

Cao trào diễn ra khi Andy được Miranda tin tưởng, thậm chí được cùng dự Tuần lễ thời trang Paris – điều mà trợ lý kỳ cựu Emily (Emily Blunt) hằng ao ước. Tuy nhiên, tại Paris, Andy nhận ra Miranda cũng là con người mắc kẹt trong guồng quay quyền lực và khắc nghiệt của thời trang. Nhận thức này khiến Andy quyết định từ bỏ công việc mà hàng nghìn cô gái mơ ước.

Bộ phim khép lại với một Andy trưởng thành hơn và một Miranda vẫn lạnh lùng nhưng ngầm thừa nhận tài năng của cô.

Vì sao phần 2 quan trọng?

Hai mươi năm trước, The Devil Wears Prada mở ra một thế giới nơi thời trang không chỉ là bộ váy xa xỉ, mà là quyền lực, đam mê và sự khốc liệt ẩn sau những trang tạp chí bóng bẩy. Miranda Priestly bước vào lịch sử điện ảnh với ánh nhìn sắc lạnh, những câu thoại đanh thép và một đế chế nơi thời gian là xa xỉ phẩm, còn sự hoàn hảo là tiêu chuẩn bất biến. Và giờ đây, khi câu chuyện ấy chuẩn bị được viết tiếp, người ta tự hỏi: liệu Miranda còn quyền lực như trước, khi thế giới đã đổi thay quá nhiều?

“A million girls would kill for this job!”

Hai thập kỷ là khoảng thời gian vừa đủ để ngành công nghiệp thời trang đổi mới, không còn vận hành theo quy tắc cũ. Các tạp chí in ấn – từng là thánh địa của phong cách và sự ảnh hưởng dần nhường chỗ cho những cú lướt màn hình trên Instagram, TikTok,… Đội ngũ biên tập viên quyền lực giờ đây không còn chiếm thế độc tôn, những show diễn lộng lẫy nhất không chỉ diễn ra trên sàn runway mà còn qua màn hình trực tuyến. Trong bối cảnh đó, sự trở lại của The Devil Wears Prada không đơn thuần là phần tiếp nối, mà là phản chiếu một nền công nghiệp đã trải qua cuộc cách mạng lớn nhất lịch sử. Đặc biệt khiến chúng ta mở ra những suy tư về sự biến chuyển của truyền thông in ấn. 

Hai thập kỷ là khoảng thời gian vừa đủ để ngành công nghiệp thời trang đổi mới, không còn vận hành theo quy tắc cũ. Các tạp chí in ấn – từng là thánh địa của phong cách và sự ảnh hưởng dần nhường chỗ cho những cú lướt màn hình trên Instagram, TikTok,…

Chuyển mình của ngành công nghiệp thời trang: từ tạp chí in đến thế giới kỹ thuật số

Ngày trước, những trang tạp chí thời trang là cửa sổ duy nhất đưa công chúng đến với thế giới xa hoa của haute couture, nơi mọi xu hướng đều bắt đầu từ những trang giấy thơm phức. Trong thời kỳ hoàng kim của báo in, không ấn phẩm nào quyền lực hơn Vogue, đặc biệt là số tháng 9 –  ấn bản quan trọng nhất năm, định hình phong cách cho cả mùa mốt Thu Đông. Một cuốn Vogue September Issue có thể dày hàng trăm trang, chật kín những BST mới nhất, những bài viết sắc sảo và hình ảnh đầy cảm hứng từ các nhiếp ảnh gia huyền thoại. Đối với Vogue hay bất kỳ tạp chí nào khác, ấn bản tháng 9 không còn là một ấn phẩm mà là sự kiện. 

Vào thời điểm mà báo in phải đối mặt với những thách thức đáng kể, ấn bản tháng 9 vẫn là mặt hàng chủ lực của ngành. Trong khi nhiều độc giả hiện ưa thích nội dung thời trang trực tuyến, ấn bản tháng 9 vẫn giữ vững vị thế như một vật phẩm vật lý phải có, một món đồ sưu tầm thể hiện sự hấp dẫn của thế giới thời trang – The Glam Observer.

Sau năm 2006, khi mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến lên ngôi, ngành thời trang bước vào kỷ nguyên mới. Vogue và những tạp chí danh tiếng khác không còn là nguồn tham chiếu độc tôn, thay vào đó, Instagram, TikTok và YouTube trở thành “sân khấu chính”. Những influencer có thể ngay lập tức chia sẻ hình ảnh từ hàng ghế đầu của tuần lễ thời trang, trong khi các thương hiệu xa xỉ không còn phụ thuộc vào báo in để tiếp cận khách hàng. Tốc độ của tin tức thời trang đã thay đổi, không còn chậm rãi như những trang giấy mà trở nên nhanh chóng, trực quan và cá nhân hóa hơn.

Sự trỗi dậy của những “It-girl” như Kendall Jenner, Gigi Hadid hay Kaia Gerber là minh chứng cho cuộc cách mạng này. Trước đây, để trở thành siêu mẫu, một cô gái phải xuất hiện trên bìa Vogue, sải bước trên những sàn runway danh giá và được các biên tập viên thời trang công nhận. Nhưng trong kỷ nguyên số, người mẫu có thể tự định hình sự nghiệp của mình thông qua mạng xã hội, với hàng triệu người theo dõi và những bài đăng có thể ngay lập tức tạo xu hướng.

Sự trỗi dậy của những “It-girl” như Kendall Jenner, Gigi Hadid hay Kaia Gerber là minh chứng cho cuộc cách mạng này. Trước đây, để trở thành siêu mẫu, một cô gái phải xuất hiện trên bìa Vogue, sải bước trên những sàn runway danh giá và được các biên tập viên thời trang công nhận. Nhưng trong kỷ nguyên số, người mẫu có thể tự định hình sự nghiệp của mình thông qua mạng xã hội, với hàng triệu người theo dõi và những bài đăng có thể ngay lập tức tạo xu hướng.

Kendall Jenner có thể không cần sự bảo chứng của Anna Wintour để trở thành gương mặt đại diện của các thương hiệu xa xỉ – chỉ riêng sức ảnh hưởng của cô trên mạng xã hội đã đủ để đảm bảo điều đó.

Sự thay đổi này ảnh hưởng đến cách tiếp cận thời trang của công chúng. Trước đây, một tín đồ thời trang phải chờ đợi từng số tạp chí để cập nhật xu hướng, thì nay họ chỉ cần thao tác vài giầy trên màn hình. Những BST từng độc quyền VIP nay được xem trực tiếp qua livestream, và những bức ảnh hậu trường chỉ được xem trên báo in giờ đây tràn ngập trên mạng xã hội chỉ sau vài giây.

Từ ánh hào quang của Vogue September Issue đến những bài đăng trên TikTok, ngành thời trang đã thay đổi mãi mãi. Nhưng liệu sự phát triển của thế giới số có thực sự thay thế được cảm giác cầm trên tay một cuốn tạp chí dày cộm, nơi từng trang giấy đều được chăm chút tỉ mỉ? Hay phải chăng, giữa cơn sốt công nghệ, vẫn có chỗ cho sự chậm rãi, tinh tế của những ấn phẩm in?

Câu chuyện về sự phục hồi của truyền thông in ấn: liệu tạp chí thời trang có còn sức hấp dẫn?

Đứng trước cuộc khủng hoảng của truyền thông in ấn, có một thời gian báo chí truyền thống phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về tương lai. Thực tế cho thấy, các ấn phẩm thời trang truyền thống vẫn giữ được vị thế đặc biệt trong lòng độc giả. 

Ở Việt Nam, thị trường tạp chí thời trang gần đây có nhiều chuyển động tích cực. Sau hơn một năm tạm dừng xuất bản, Heritage Fashion đã trở lại đầy ngoạn mục, mang đến tinh thần tươi mới, trẻ trung và thời thượng. Đội ngũ biên tập đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, tìm hướng đi mới, không chỉ phục hồi thương hiệu tạp chí mà còn mở ra con đường với nhiều cơ hội kinh doanh mới, hướng đến sự phát triển bền vững. ​

Tạp chí thời trang vẫn là những nơi “dệt mộng” dưới những lớp “giấy vàng” thơm phức nhưng vẫn cần nhạy cảm với thời cuộc và thị hiếu tiêu dùng của độc giả. Sau hơn trăm năm tồn tại và phát triển, Vogue vẫn khẳng định vị trí hàng đầu của mình nhờ linh hoạt với các xu hướng hiện đại. Phiên bản digital cũng như các platform khác được mở ra nhằm tăng độ “căng phủ”, thích nghi với sự thay đổi của tệp khách hàng hiện đại. Mô hình này hiện cũng có thể bắt gặp hầu hết các tạp chí thời trang uy tín, danh giá. 

Thế kỷ 21, công nghệ phát triển mạnh mẽ không thể “giết chết” báo in hay các sản phẩm in ấn truyền thống. Sự hòa nhập giữa thế giới truyền thống và kỹ thuật số sẽ là chìa khóa không chỉ dành riêng cho thế giới thời trang mà còn là “kim chỉ nam” cho nhiều ngành công nghiệp khác. 

Với tất cả những thay đổi mạnh mẽ đó, chúng ta cùng đón chờ sự trở lại đầy hứa hẹn của The Devil Wears Prada 2, đón chờ những gương mặt mới sẽ xuất hiện và đặt biệt hơn hết là đón chờ đội ngũ sản xuất sẽ khắc họa thế giới thời trang trong kỷ nguyên mới như thế nào. 

Thực hiện: Elio