SR Forecast: Mỹ tăng thuế, đâu là thị trường tiềm năng dành cho Local Brands?
Ngày đăng: 05/04/25
Khi cánh cửa “American Dreams” dần trở nên khó khăn, đâu là những miền đất hứa – thị trường thời trang tiềm năng dành cho các thương hiệu nội địa?
Trong những năm gần đây, Local Brands Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc phục vụ thị trường nội địa mà còn nuôi tham vọng vươn xa, chinh phục thị trường quốc tế. Việc “go global” không chỉ là bước đi chiến lược để khẳng định tên tuổi thương hiệu mà còn góp phần nâng tầm thời trang Việt, giúp ngành công nghiệp này có chỗ đứng vững chắc và được công nhận trên bản đồ thời trang thế giới.
Tuy nhiên, giấc mơ ấy dường như đang bị đặt trong tình thế khó khăn khi mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã trở thành rào cản lớn, khiến kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế của nhiều thương hiệu buộc phải chững lại. Những doanh nghiệp từng coi Mỹ là thị trường mục tiêu giờ đây phải đối mặt với bài toán hóc búa: tiếp tục chiến đấu với mức thuế khổng lồ hay tìm kiếm hướng đi mới để giữ vững tham vọng toàn cầu.


Mức thuế 46% và thực tế “tiến thoái lưỡng nan”
Mức thuế cao áp dụng lên hàng hóa Việt Nam khiến giá thành xuất khẩu tăng mạnh, dẫn đến việc sản phẩm từ các local brands Việt không còn giữ được lợi thế về giá tại thị trường Mỹ. Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như Mỹ, nơi người tiêu dùng có hàng trăm lựa chọn từ các thương hiệu quốc tế, sản phẩm từ Việt Nam dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

Đồng thời, mức thuế cao còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và dòng tiền của các thương hiệu, khi nhiều đơn hàng bị hủy hoặc trì hoãn, kéo theo sự sụt giảm doanh thu và gián đoạn kế hoạch tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ cũng không hề đơn giản, khi các thị trường mới như châu Âu, Trung Đông hay Đông Nam Á yêu cầu những tiêu chuẩn khác biệt về văn hóa, gu thẩm mỹ và sản phẩm.
Điều này đòi hỏi các thương hiệu phải nghiên cứu lại sản phẩm, chiến lược marketing và hệ thống phân phối, tốn kém không ít thời gian và chi phí. Đặc biệt, đối với nhiều local brands, việc thâm nhập thị trường Mỹ không chỉ là mục tiêu thương mại, mà còn là biểu tượng của sự khẳng định chất lượng, vị thế và bản sắc thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Khi cánh cửa Mỹ khép lại, giấc mơ “go global” của nhiều thương hiệu trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.

Chủ thương hiệu đi tìm những “miền đất hứa” tiềm năng
Trong bối cảnh Mỹ từng là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm, sự thay đổi này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Nếu cánh cửa Mỹ thu hẹp, đâu sẽ là hướng đi tiếp theo cho các thương hiệu thời trang Việt đang ấp ủ giấc mơ vươn tầm thế giới?
Châu Âu – Cơ hội từ EVFTA
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp thời trang Việt. Với việc thuế nhập khẩu được giảm dần về 0%, các thương hiệu có thể tận dụng cơ hội này để thâm nhập vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn môi trường và lao động của EU rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đông Nam Á – “Sân nhà” giàu tiềm năng
Khu vực ASEAN với dân số hơn 600 triệu người và sức mua ngày càng tăng là một thị trường không thể bỏ qua. Đặc biệt, những nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines đang có nhu cầu cao về thời trang và không yêu cầu những tiêu chuẩn quá khắt khe như EU hay Mỹ. Việc tận dụng các hiệp định thương mại trong khu vực có thể giúp doanh nghiệp Việt giảm chi phí vận chuyển và tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Trung Quốc – Thị trường tỷ dân nhưng đầy thách thức
Dù là một trong những nhà sản xuất thời trang lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn có một thị trường tiêu thụ khổng lồ, đặc biệt là với các sản phẩm mang yếu tố văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để thành công tại đây, các thương hiệu Việt cần có chiến lược tiếp cận rõ ràng, từ việc thích nghi với xu hướng thời trang nội địa đến việc xây dựng quan hệ đối tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Tmall, JD.
Trung Đông – Điểm đến mới cho thời trang cao cấp
Các quốc gia như UAE, Ả Rập Xê Út đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang. Người tiêu dùng tại đây có xu hướng chi tiêu cao cho thời trang, đặc biệt là các sản phẩm có chất lượng tốt và thiết kế độc đáo. Việc thâm nhập thị trường Trung Đông đòi hỏi sự hiểu biết về văn hóa, tôn giáo và sở thích thời trang đặc trưng của khu vực.
Một lựa chọn khác dành cho Local Brands: Tập trung vào thị trường nội địa
Trong khi một số thương hiệu tập trung vào xuất khẩu, nhiều local brands đang nhìn nhận lại chiến lược và tập trung hơn vào “miếng bánh” nội địa – một thị trường thời trang tiềm năng. Việt Nam với hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng đang trở thành một mảnh đất đầy hứa hẹn. Xu hướng “Người Việt dùng hàng Việt” ngày càng mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và hệ thống bán lẻ trong nước, đang tạo ra một cơ hội lớn để các thương hiệu nội địa khẳng định vị thế.


Các doanh nghiệp giờ đây cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện trải nghiệm khách hàng và áp dụng mô hình bán lẻ đa kênh để tiếp cận nhiều phân khúc tiêu dùng hơn, hay nói một cách khác là tái định vị chiến lược để có thể thích nghi với thời cuộc mới.

Mức thuế 46% từ Mỹ là một trở ngại lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành thời trang Việt tái định vị và khám phá những thị trường mới, giàu tiềm năng phát triển. Châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc hay Trung Đông – mỗi khu vực đều có tiềm năng riêng, đòi hỏi các thương hiệu phải có chiến lược tiếp cận phù hợp. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng đang mở ra nhiều cơ hội để local brands phát triển bền vững. Trong một thế giới đầy biến động, sự linh hoạt và sáng tạo sẽ là chìa khóa giúp thời trang Việt vươn xa.

Thực hiện: Khánh Hòa