Sensorial Marketing: Chiến lược “ẩm thực hóa” thương hiệu

Ngày đăng: 06/04/25

Tìm hiểu về Sensorial Marketing – khi các thương hiệu thời trang kết hợp cùng nghệ sĩ ẩm thực để tạo ra những sản phẩm “ăn được”, mang đến trải nghiệm đa giác quan và lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Sensorial Marketing (hay còn gọi là marketing giác quan) là một chiến lược tiếp thị tập trung vào việc kích thích các giác quan của người tiêu dùng – bao gồm thị giác (nhìn), thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), và xúc giác (chạm) – nhằm tạo ra trải nghiệm cảm xúc tích cực và gắn kết sâu sắc hơn với thương hiệu.

Illustrated by Linh J. Cre: @dimda_

Trong thế giới thương hiệu ngày nay, khi mọi chiến dịch đều được trau chuốt về hình ảnh, các thương hiệu đang tìm các hướng đi sáng tạo hơn, đó chính là thông qua trải nghiệm giác quan. Thời trang và phong cách sống đang rẽ lối đầy bất ngờ: bước vào thế giới ẩm thực. Dẫn đầu là nghệ sĩ ẩm thực DIMDA_, người biến các biểu tượng thời trang thành tác phẩm ăn được. Các tác phẩm của anh đã khuấy đảo mạng xã hội và truyền thông, thể hiện chiến lược thông minh trong bối cảnh ngân sách quảng cáo thắt chặt.

Xu hướng này không chỉ thoả mãn vị giác, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trải nghiệm mới lạ, cảm xúc và cá nhân hóa. Nắm bắt tâm lý Gen Z và Millennials – nhóm đối tượng ưu tiên trải nghiệm hơn sở hữu, các thương hiệu với chiến lược chạm đến giác quan và cảm xúc chính đang có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Từ kệ hàng đến bàn ăn

Việc các thương hiệu từ đại chúng đến cao cấp mở rộng trải nghiệm khách hàng sang lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng không còn là điều mới mẻ. Tại Việt Nam, các thương hiệu nội địa cũng có những cú bắt tay liên ngành, mang đến trải nghiệm mới và thú vị cho khách hàng.

Chúng ta chứng kiến một làn sóng mới đang nổi lên: các thương hiệu bắt tay với nghệ sĩ ẩm thực để tái hiện sản phẩm của mình dưới dạng món ăn. Không còn là những chiếc cupcake in logo hay bánh quy hình túi xách, mà là bánh bao giống hệt giày PUMA, sandal KEEN làm từ chocolate đen, hay túi Birkin bằng phô mai, bánh mì và crepe.

Người đứng sau loạt tác phẩm này là nghệ sĩ người Nhật DIMDA_ (tên thật: Daisuke, IG: @dimda_). Anh là gương mặt tiên phong của làn sóng “ẩm thực hóa thương hiệu” – nơi món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn trở thành công cụ kể chuyện giàu cảm xúc. Thông qua các hợp tác với PUMA, UGG, KEEN, Hermès, Ganni… DIMDA_ đang chứng minh rằng ẩm thực hoàn toàn có thể trở thành ngôn ngữ truyền thông mới mẻ và đầy sức nặng của thương hiệu.

Nghệ sĩ “ẩm thực hóa thương hiệu” này là DIMDA_ (tên thật: Daisuke, IG: @dimda_).

Các màn kết hợp của thương hiệu với nghệ sĩ ẩm thực DIMDA_

PUMA x DIMDA_ – Giày sneaker bánh bao

DIMDA_ biến mẫu giày PUMA Mostro thành một chiếc bánh bao đặt trong xửng tre truyền thống. Vừa hài hước, vừa nghệ thuật, thiết kế này kết nối văn hoá streetwear với ẩm thực Á Đông, tạo nên một bản giao hưởng thị giác và cảm xúc cực kỳ hấp dẫn. Các thương hiệu muốn tạo kết nối sâu sắc với khách hàng cho dòng sản phẩm mới nên tận dụng văn hoá địa phương để tạo sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng khu vực. Phù hợp với các thương hiệu thời trang thể thao, streetwear hoặc local brand Việt muốn khẳng định cá tính văn hoá.

Cre: Puma

UGG x DIMDA_ – Dép nướng

Dáng dép lông quen thuộc của UGG được “nướng” thành ổ bánh mì mềm mại. Tác phẩm này vừa giữ được vẻ chân thực, vừa truyền tải tinh thần thương hiệu: sự ấm áp, thoải mái như ở nhà. Họ đã thể hiện cảm xúc và giá trị lõi của sản phẩm qua hình ảnh thực phẩm quen thuộc. Cách tiếp cận khách hàng này là phương án phù hợp với thương hiệu lifestyle, đồ mặc nhà hoặc giày dép tại Việt Nam đang muốn kết nối theo hướng cảm xúc gia đình.

KEEN x DIMDA_ – Sandal chocolate

DIMDA_ điêu khắc đôi sandal KEEN bằng chocolate đen với từng chi tiết tinh xảo. Từ sản phẩm ngoài trời khoẻ khoắn, giờ đây đôi sandal trở thành món tráng miệng sang trọng và hấp dẫn. Nhờ vậy, hãng đã định vị lại sản phẩm với một ấn tượng mạnh mẽ: từ tính thực dụng của sản phẩm sang vẽ lại góc nhìn tinh tế cho chúng, từ một sản phẩm để trải nghiệm ngoài trời sang sản phẩm có thể mang tới trải nghiệm cao cấp. Phù hợp với các thương hiệu outdoor Việt muốn mở rộng sang lifestyle hoặc phân khúc cao hơn.

Cre: KEEN

Hermès x DIMDA_ – Túi Birkin phô mai, bánh mì & crepe

DIMDA_ tái hiện biểu tượng túi Birkin của Hermès qua ba phiên bản: bánh kem đỏ thanh lịch, bánh mì nướng vàng ươm, và crepe mềm mại màu vàng tươi. Mỗi chất liệu gợi nên một cảm giác khác nhau – sang trọng, gần gũi, ngọt ngào – mà vẫn giữ trọn vẹn tinh thần thủ công của thương hiệu.

Như vậy, thương hiệu có thể tái định nghĩa xa xỉ không chỉ bằng giá trị vật chất, mà còn bằng cảm xúc và chất liệu văn hoá quen thuộc. Phù hợp với các thương hiệu cao cấp tại Việt Nam muốn phá bỏ định kiến “xa xỉ là xa cách” và tìm cách gắn kết với khách hàng qua những trải nghiệm bất ngờ, nhưng tinh tế.

Ganni x DIMDA_ – Tart socola hồng rực rỡ

@ganni_official

Bou good to eat 🍽️🍓 Our Bou bag reimagined by talented food artist Daisuke #GANNI

♬ som original – Vênus


Chiếc túi của Ganni được biến thành một chiếc tart hồng bóng mượt, được trang trí bằng dây buộc chocolate và dâu tây tươi – vừa thời trang, vừa đáng yêu. Gam màu rực rỡ, đường nét tối giản nhưng dứt khoát mang đậm tinh thần trẻ trung của Gen Z. Màu sắc và món ăn đều là ngôn ngữ cảm xúc – các thương hiệu thời trang trẻ trung tại Việt Nam, hoặc các brand nội địa có thể thử nghiệm cách tiếp cận tương tự để định vị mình như một phần của phong cách sống năng động và đầy màu sắc.

Tại sao cách làm này lại hiệu quả?

Chiến lược “ẩm thực hóa” thương hiệu không chỉ là một cú chơi thị giác bắt mắt. Đằng sau những chiếc bánh bao hình giày hay túi xách phô mai là cả một chiến lược Sensorial Marketing tinh vi – nơi thương hiệu được cảm nhận qua nhiều tầng giác quan, đặc biệt là thị giác, vị giác và khứu giác.

Ẩm thực luôn gắn liền với cảm xúc. Những hình ảnh món ăn gợi nhắc đến trải nghiệm quen thuộc: món ăn tuổi thơ, hương vị của một vùng đất, hay khoảnh khắc ấm cúng từ bữa ăn gia đình. Trong chớp mắt, thương hiệu không còn là món hàng để sở hữu, mà trở thành một phần của ký ức cá nhân – gợi hình, gợi cảm và khó quên. Đó chính là sức mạnh của Sensorial Marketing: bởi nó không bán sản phẩm, mà kể câu chuyện khiến người ta muốn tin, muốn chia sẻ, và muốn cảm nhận.

@jcrew

Our Edie bag in cake form, made with the finest ingredients by food artist Daisuke (@dimda_ on IG)

♬ original sound – tay

Hiệu ứng mạnh mẽ này càng được khuếch đại trong thời đại số. Những đôi sandal bằng chocolate hay chiếc bánh bao hình giày thể thao khiến người ta phải dừng lại, zoom thật kỹ và thốt lên: “Thật ư?”. Ngạc nhiên, thú vị, thậm chí có phần hài hước – chính là những chất liệu vàng cho nội dung viral. Và khi người dùng chia sẻ những khoảnh khắc đó, thương hiệu tự nhiên len vào cuộc trò chuyện đại chúng mà không cần tốn quá nhiều ngân sách quảng cáo. 

Sensorial Marketing, ở tầng sâu hơn, là nhịp cầu văn hóa kết nối truyền thống và hiện đại. Một xửng bánh bao trở thành sàn diễn cho đôi sneaker không chỉ là cú chơi hình ảnh, mà là sự tiếp nối của ký ức, được kể lại bằng ngôn ngữ của thời đại. Giống như một bản remix từ đĩa vinyl cũ được DJ thổi vào làn gió mới.

Những “món ăn thương hiệu” gợi lên cảm xúc không vì chúng lạ, mà vì chúng chạm đến điều gì đó thân quen trong mỗi người – một hương vị, một hình ảnh, một kỷ niệm.

ới thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đây là cơ hội để các thương hiệu vừa khai thác chất liệu văn hoá bản địa, vừa mang lại cảm giác mới lạ toàn cầu.

@thebrandblueprint

The strategy behind why brands like Rhode, Jacquemus & more are using food in their marketing #rhode #jacquemus #marketing

♬ original sound – Brooke 💡 The Brand Blueprint

Và không thể không nhắc đến đối tượng mục tiêu chính của xu hướng này: thế hệ Gen Z và Millennials – những người lớn lên cùng Instagram và TikTok, nơi mỗi khoảnh khắc đều có thể trở thành câu chuyện. Với họ, trải nghiệm đáng nhớ có giá trị hơn nhiều lần so với việc chỉ sở hữu một món đồ. Một đôi giày thì bình thường. Nhưng một đôi giày có thể ăn được, và lại còn ngon nữa? Thì đúng là khó quên. 

Không dừng lại ở đó, các bộ sưu tập “ăn được” phiên bản giới hạn – như một chiếc bánh mô phỏng sản phẩm thời trang hay mỹ phẩm – sẽ là một phần của chiến dịch marketing đặc biệt, giúp thương hiệu nổi bật giữa đám đông. Các bộ quà tặng ẩm thực dành riêng cho khách hàng thân thiết, sẽ trở thành công cụ quan trọng trong chiến lược chăm sóc khách hàng (CRM), nơi sự thấu cảm được thể hiện qua từng lớp bánh, từng vị ngọt.

Một vài tác phẩm khác của chàng nghệ sĩ người Nhật @dimda_

Tất cả những chuyển động này cho thấy một điều: đây không chỉ là một xu hướng ngắn hạn, mà là dấu hiệu rõ rệt của một kỷ nguyên tiếp thị mới – nơi cảm xúc và trải nghiệm là trung tâm. Khi thương hiệu có thể chạm đến nhiều giác quan cùng lúc, họ không chỉ tạo ấn tượng, mà còn chiếm được một vị trí sâu hơn trong trái tim người tiêu dùng.

Thực hiện: Linh J.