Thời trang ảo – nỗi buồn thật: Những người lao động bị lãng quên sau ánh hào quang của AI và thời trang số
Ngày đăng: 08/04/25
Cuộc cách mạng công nghệ trong ngành thời trang (với sự xuất hiện của AI và thời trang số) ảnh hưởng sâu sắc đến những người đứng sau cánh gà. Khi trí tuệ nhân tạo và hình ảnh ảo thay thế con người, liệu ngành công nghiệp này có mất đi những giá trị cốt lõi của sáng tạo và lao động thủ công?
Chiến dịch AI của H&M đã đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong cách thức thời trang giới thiệu bản thân với thế giới. Sự tiến hóa công nghệ này (mặc dù không thể tránh khỏi) lại mang đến những tác động đáng kể đối với một ngành công nghiệp vốn được xây dựng trên tay nghề thủ công và sự hợp tác. Từ những chuyên gia trang điểm đến nhiếp ảnh gia, tất cả đang đối mặt với những “mất mát vô hình” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Những nạn nhân vô hình của sự đổi mới
Hệ sinh thái thời trang không chỉ bao gồm nhà thiết kế và người mẫu. Đằng sau một chiến dịch là mạng lưới phức tạp gồm các stylist, chuyên gia trang điểm, thợ làm tóc, nhiếp ảnh gia và đội ngũ sản xuất, và giờ đây, họ đang bị lãng quên. Một chuyên gia trang điểm danh tiếng có trụ sở tại London chia sẻ rằng ngành công nghiệp làm đẹp hiện đang đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về cơ hội nghề nghiệp. “Khi các thương hiệu lớn cắt giảm ngân sách cho các buổi chụp hình, tác động tiêu cực sẽ lan rộng khắp chuỗi cung ứng sáng tạo”, ông nhận định.
Trước thực trạng này, ông đã mở rộng hoạt động sang thị trường Mỹ, đồng thời bổ nhiệm các đại diện tại New York và Los Angeles – những thành phố mà ông cho rằng vẫn còn tiềm năng thương mại.
Hành vi của ông phản ánh một xu hướng lớn hơn: làn sóng dịch chuyển của nhân sự sáng tạo rời khỏi các kinh đô thời trang truyền thống để tìm kiếm cơ hội bền vững hơn ở những thị trường mới.
Nghịch lý London: Giàu có sáng tạo, nghèo đói tài chính
London vẫn được xem là cái nôi nuôi dưỡng tài năng trẻ và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo ở lĩnh vực biên tập. Tuy nhiên, thành phố sáng tạo này đang vận hành trong một mô hình kinh tế thiếu bền vững. Những sản phẩm biên tập nổi bật tại đây thường dựa vào lòng nhiệt thành của các chuyên gia giàu kinh nghiệm – những người chấp nhận mức thù lao rất thấp, đổi lại lời hứa về “độ phủ sóng” truyền thông hay một dòng ghi nhận. Mô hình này được xem là bàn đạp cho những người mới, và khó chấp nhận với người đã có chuyên môn. Liệu London có thể duy trì vị thế hàng đầu khi chính những cá nhân góp phần làm nên danh tiếng của nó không được đền đáp xứng đáng?
Thế tiến thoái lưỡng nan của tự động hóa
Sự chuyển hướng của ngành thời trang sang các giải pháp kỹ thuật số phản ánh những yếu tố kinh tế lớn hơn mà ngành công nghiệp này đang đối mặt, đặc biệt là áp lực phải giảm chi phí trong khi tăng sản lượng. Tuy nhiên, sự tiến hóa công nghệ đặt ra những câu hỏi về sự cân bằng giữa hiệu quả và tính nhân văn trong biểu đạt sáng tạo.
Dù AI mang lại nhiều hiệu quả, nó cũng đồng thời đe dọa đồng nhất văn hóa thị giác khi góp phần loại bỏ những người thợ lành nghề – những người đã định hình hình ảnh thời trang qua bao thế hệ. Hãy tưởng tượng một chuyên gia trang điểm chỉ cần một ánh mắt của người mẫu để điều chỉnh màu son, hay một nhiếp ảnh gia ngừng lại đúng khoảnh khắc vì cảm nhận được sự lúng túng của người mẫu mới. Đó là những khoảnh khắc nhân văn mà máy móc khó có thể thay thế và cũng chính là thứ làm nên sự khác biệt giữa một bức ảnh “đẹp” và một bức ảnh “giàu cảm xúc”.
Hiệu chỉnh lại nền kinh tế sáng tạo
Khi thời trang kết hợp công nghệ, các nhà lãnh đạo trong ngành cần cân nhắc điều gì có thể tự động hóa và điều gì nên được giữ lại. Thách thức này không dừng ở từng doanh nghiệp, mà lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái: Làm sao để ngành có thể phát triển theo hướng tận dụng lợi thế công nghệ, mà vẫn duy trì được chuyên môn con người -yếu tố định hình chuẩn mực ngành trong suốt chiều dài lịch sử?

Câu trả lời nằm ở việc kết hợp linh hoạt: sử dụng AI cho các công việc lặp lại có quy trình, trong khi vẫn giữ sự sáng tạo của con người trong các dự án mang tính định hình thương hiệu. Nếu thiếu đi sự cân bằng này, thời trang sẽ đối mặt với nguy cơ đánh mất chính nguồn sáng tạo độc bản đã giúp nó duy trì vị thế văn hóa trong suốt nhiều thập kỷ.
Trong một ngành vốn đặt nền móng trên đổi mới, có lẽ bước tiến quan trọng nhất lúc này không nằm ở công nghệ, mà ở khả năng phát triển những mô hình kinh tế mới – những mô hình có thể nuôi dưỡng sức sáng tạo con người trong một thế giới ngày càng tự động hóa.
Chuyển ngữ theo Fashion United
Thực hiện: Elio