Thời trang giàu-nghèo trong phim điện ảnh Việt “Cô Dâu Hào Môn”
Ngày đăng: 22/10/24
Cô Dâu Hào Môn chính thức lên rạp với những suất chiếu đầu tiên 14/10 vừa qua. Cùng Style-Republik phân tích nội dung và thời trang trong phim có gì đặc sắc.
Vào ngày 14/10, Cô Dâu Hào Môn chính thức ra mắt những suất chiếu đầu tiên, đánh dấu bước chuyển mình trong phong cách kể chuyện của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Ngay ngày đầu công chiếu, bộ phim đã nhận được những tràng pháo tay và lời khen ngợi từ khán giả. Sự kiện với sự góp mặt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, nhà sản xuất Will Vũ, biên kịch Nhung Khin cùng dàn diễn viên trong phim gồm NSND Hồng Vân, Kiều Minh Tuấn, Lê Giang, Thu Trang, Uyển Ân, Samuel An, Quỳnh Lương và Huy Anh.
Tại buổi công chiếu, ngoài những câu chuyện hậu trường thú vị, dàn diễn viên còn hài hước chia sẻ rằng họ vẫn chưa có cơ hội xem phim trước và đây là lần đầu tiên được thưởng thức tác phẩm, khiến ai nấy đều hồi hộp. Hãy cùng Style-Republik phân tích xem Cô Dâu Hào Môn – sự chuyển mình đặc sắc của Vũ Ngọc Đãng có những yếu tố đặc sắc nhé!
Điện ảnh trong Cô Dâu Hào Môn
Trọng tâm của Cô Dâu Hào Môn xoay quanh Tú Lạc (Uyển Ân) – cô gái xuất thân nghèo khó, “thừa hưởng” dòng máu lừa đảo từ gia đình. Mang tham vọng đổi đời, cô giả danh thiên kim tiểu thư để bước chân vào giới hào môn. Với kế hoạch tinh vi và đầy toan tính, Tú Lạc âm thầm “gài bẫy” Bảo Hoàng (Samuel An) – CEO của một tập đoàn y tế giàu có, nhằm khiến anh rơi vào lưới tình và tiến tới hôn nhân, đưa cô và gia đình đến gần hơn với giấc mơ đủ đầy vật chất.
Từ đó, màn diễn gia đình phông bạt được dựng nên bao gồm Tú Lạc, ông Hòa (Kiều Minh Tuấn), bà Mạt (Lê Giang), và Lợi (Huy Anh). Giả danh một gia đình gia giáo và giàu có lâu đời, họ khoác lên mình những bộ đồ hiệu với phong thái thượng lưu và sống trong biệt thự xa hoa. Với chiếc mặt nạ “hàng hiệu”, cả gia đình phối hợp nhịp nhàng để lấy lòng bà Phượng (Thu Trang) – nữ doanh nhân, người mẹ sắc sảo, lạnh lùng, luôn khao khát tìm kiếm một cô con dâu “môn đăng hộ đối” cho con trai Bảo Hoàng.
Mở đầu bằng những khung hình đối lập giữa giàu và nghèo, bộ phim khắc họa sâu sắc khoảng cách vô tận giữa hai tầng lớp xã hội. Trong câu chuyện, bà Mạt làm nghề giúp việc cho hai mẹ con giàu có với gu thẩm mỹ phô trương, có phần kệch cỡm là bà Kỳ (NSND Hồng Vân) và nàng tiểu thư đỏng đảnh Luna Đào (Quỳnh Lương). Qua những chi tiết tương phản như khu chung cư cũ kỹ, trái nho xanh, và căn nhà màu hồng sặc sỡ đến lố lăng chất đầy hàng xa xỉ và biệt phủ “quite luxury” của bà Phượng và Bảo Hoàng, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã tạo nên hình ảnh đối lập rõ rệt: người nghèo luôn ngước lên với khao khát đủ đầy và ánh mắt căm ghét hướng về kẻ giàu sang tự cao, trong khi giới thượng lưu lại nhìn xuống tầng lớp dưới mình với sự khinh miệt và thương hại.
Qua những chi tiết tương phản như khu chung cư cũ kỹ, trái nho xanh, và căn nhà màu hồng sặc sỡ đến lố lăng chất đầy hàng xa xỉ và biệt phủ “quite luxury” của bà Phượng và Bảo Hoàng, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã tạo nên hình ảnh đối lập rõ rệt: người nghèo luôn ngước lên với khao khát đủ đầy và ánh mắt căm ghét hướng về kẻ giàu sang tự cao, trong khi giới thượng lưu lại nhìn xuống tầng lớp dưới mình với sự khinh miệt và thương hại.
Thời trang xa xỉ choáng ngợp trong phim
Là một bộ phim xoay quanh yếu tố phông bạt, phân cấp sâu sắc giữa giàu – nghèo. Chính vì thế, bên cạnh nét hoài cổ của một gia đình Á Đông đương thời, nét đẹp của kiến trúc và phong cách Đông Dương thì thời trang cũng là một trong những yếu tố then chốt góp phần lột tả chủ đề “Cô dâu hào môn”. CHANEL và Hermes dường như là hai nhà mốt được gọi tên nhiều nhất để làm nổi bật yếu tố giàu nghèo của bộ phim.
Bên cạnh nét hoài cổ của một gia đình Á Đông đương thời, nét đẹp của kiến trúc và phong cách Đông Dương thì thời trang cũng là một trong những yếu tố then chốt góp phần lột tả chủ đề “Cô dâu hào môn”. CHANEL và Hermes dường như là hai nhà mốt được gọi tên nhiều nhất để làm nổi bật yếu tố giàu nghèo của bộ phim.
Không khó để nhận ra rằng, CHANEL – nhà mốt xa xỉ của nước Pháp được lựa chọn để khắc họa hình tượng của những “new rich” – những người nghèo mới nổi. Từ người bạn gái cũ của Bảo Hoàng, cô gái có xuất thân từ xóm chợ nhỏ vụt sáng trở thành người giàu nhờ khiếu kinh doanh, trong những set đồ vải tweed được nữ chính Tú Lạc sử dụng để gây ấn tượng với Bảo Hoàng cũng đều có dấu ấn của CHANEL, hay với bà Mạt, mẹ nữ chính luôn chọn cho mình dây chuyền, trang sức mang biểu tượng đặc trưng của Chanel – logo với hai chữ C lồng ngược như một cách khoe khéo việc gia đình mình có địa vị, tiếng tăm.
Song, trái ngược với những “new rich”, bà Phượng, mẹ Bảo Hoàng và cũng đồng thời là người đứng đầu của một tập đoàn y tế danh giá lại chọn cho mình những thiết kế mang hơi hướng “quiet luxury”. Nếu không phải những thiết kế suit mạnh mẽ với tông đen tuyền làm chủ đạo, thì tính quyền lực của một nữ doanh nhân thành công lại được khắc họa rõ nét thông qua các thiết kế váy chiết eo với tông màu đậm, trầm như: xanh lục, xanh navy, màu đỏ rượu kết hợp với các trang sức đính đá màu bạc, không quá phô trương nhưng đủ để làm bật lên nét thanh lịch, thời thượng của một người giàu danh giá. Có lẽ chính vì thế mà khi xem phim, khán giả sẽ tuyệt nhiên không bao giờ thấy được hình ảnh bà Phượng sử dụng các items đến từ các nhà mốt danh giá có tiếng, thường được những người giàu xổi ưa chuộng. Mà thay vào đó, túi xách Hermes, giày cao gót YSL cùng chất liệu vải như lụa bóng satin lại được chú trọng và nhấn mạnh để làm bật lên tạo hình giàu, sang của mẹ Bảo Hoàng.
Bên cạnh việc sử dụng các nhà mốt xa xỉ nổi tiếng để xây dựng tạo hình đặc trưng của 2 giai cấp giàu nghèo thuộc tuyến nhân vật chính trong phim. Những thương hiệu đình đám như Dior, Louis Vuitton, D&G,… cũng được diện bởi 2 mẹ con nhà bà Kỳ (Hồng Vân thủ vai) và Luna Đào (do Quỳnh Lương đóng). Chia sẻ về việc sử dụng quá nhiều thương hiệu xa xỉ một cách chói mắt để làm nổi bật tạo hình nhân vật, NSX Will Vũ cho biết, các tuyến nhân vật trong phim xây dựng “không dựa theo một khuôn mẫu nào hết, mà nhân vật đó đại diện cho những người có tiền nhưng không có sang, có cách ăn nói rất là trịch thượng”.
Kịch bản của Cô Dâu Hào Môn khai thác những vấn đề xã hội nhức nhối bằng lăng kính hài hước, với nhiều tình huống và lời thoại gây cười. Đan xen vào đó là những nút thắt cay đắng và kịch tính, đẩy căng vở kịch “siêu giàu” của gia đình Tú Lạc và phơi bày những góc khuất của tầng lớp thượng lưu. Bộ phim không chỉ dừng lại ở sự khác biệt về vật chất giữa hai tầng lớp mà còn cho thấy những điểm chung sâu sắc: dù giàu hay nghèo, họ vẫn là con người, vẫn có những cảm xúc yêu ghét, vui buồn như nhau. Từ đó, bộ phim mang đến cho khán giả cái nhìn toàn diện và đồng cảm hơn với cả hai bên.
Đề tài cô dâu hào môn vốn không mới, nhưng việc cả một gia đình cùng nhau phông bạt đã tạo nên một nút thắt đầy thú vị. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: “Một cô gái phông bạt thì không quá xa lạ với khán giả, nhưng cả một gia đình chọn sống phông bạt thì hoàn toàn mới”. Bộ phim không chỉ tiếp cận vấn đề và truyền tải thông điệp một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp cận với đại chúng, mà còn đem lại trải nghiệm thị giác ấn tượng nhờ những bản phối thời trang thú vị được thực hiện và giám sát bởi hai tên tuổi lớn là Hà Đỗ và stylist Tô Quốc Sơn. Nói chung Cô Dâu Hào Môn là bộ phim dễ xem, dễ cười, nhưng để khán giả nhung nhớ và khơi gợi chiêm nghiệm sâu sắc thì cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Thực hiện: Khánh Hòa, Lenna