Thời trang là kiến trúc hay kiến trúc là thời trang?
Ngày đăng: 18/10/19
Trong khi các Fashion Designer như Hussein Chalayan, Issey Miyake, Iris van Herpen, Gareth Pugh, Alexander McQueen, Rei Kawakubo hay Junya Watanabe cố gắng mã hóa các kết cấu kiến trúc để áp dụng nó lên cơ thể con người, thì các Architect bậc thầy như Zaha Hadid, Thomas Heatherwick, Rem Koolhaas và Frank Gehry lại đang gấp nếp, bọc lại hay đan dệt bê tông, sắt thép như một người thợ vải.
Bạn muốn mặc một chiếc váy bê tông hay sống trong một tòa nhà bông gòn?
Thời trang đại diện cho những gì bị coi là phù phiếm trong khi kiến trúc lại phản ảnh cho các giá trị mang tính vĩnh hằng. Thời trang có thể chuyển động trong khi kiến trúc là những khối hình kiên cố.
Thoáng qua thì đây như là hai thái cực vô cùng đối lập, là hai lĩnh vực tách biệt nhau hoàn toàn. Nhưng nếu nghĩ kỹ hơn, ta sẽ thấy chúng như hai mặt của một đồng tiền luôn tương trợ lẫn nhau.
Thời trang và kiến trúc có một lịch sử sáng tạo từ rất lâu đời. Các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã áp dụng mọi thứ từ hình học để tạo nên các phom dáng hay cho ra đời những cấu trúc, đường kẻ và từng khối hình khác nhau. Thời trang là thứ con người khoác lên thân thể, kiến trúc là không gian để ta làm điều đó. Như Coco Chanel đã nói: “Thời trang là kiến trúc. Tất cả đều quy hướng về những con số của tỉ lệ.”
Bản giao hòa của hai lĩnh vực này đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Sự tương tác lẫn nhau, có khi là chồng chéo hay thậm chí quá mức giữa thời trang và kiến trúc đang tiếp tục phát triển theo những cách vô cùng sáng tạo, bất ngờ và điên rồ. Điều đó ta có thể dễ dàng bắt gặp qua những ô cửa kính của các của hàng, các nhãn hiệu đến những bộ sưu tập trình diễn trên những sàn runway. Một mặt, các kiến trúc sư đang nổ lực đẩy các tòa nhà cao lên và đứng vững. Mặt khác, các nhà thiết kế tiếp tục tạo tác các khối hình trên cơ thể con người. Nhà thiết kế đại tài quá cố người Pháp Pierre Balmain từng khẳng định rằng: “Thời trang là thứ kiến trúc có thể chuyển động.”
Trong khi các Fashion Designer như Hussein Chalayan, Issey Miyake, Iris van Herpen, Gareth Pugh, Alexander McQueen, Rei Kawakubo hay Junya Watanabe cố gắng mã hóa các kết cấu kiến trúc để áp dụng nó lên cơ thể con người, thì các Architect bậc thầy như Zaha Hadid, Thomas Heatherwick, Rem Koolhaas và Frank Gehry lại đang gấp nếp, bọc lại hay đan dệt bê tông, sắt thép như một người thợ vải.
Thời trang cùng với kiến trúc là hai lĩnh vực nghệ thuật có thể hiện thực hóa lý tưởng riêng của cá nhân cũng như của văn hóa và đặc tính xã hội. Chúng đại diện cho những gì con người hướng tới là và như những “món quà lưu niệm” của mỗi thời đại đi qua. Trong suốt lịch sử, mối liên kết giữa thời trang và kiến trúc rất phức tạp, đôi khi không thể đoán trước được, nhưng đồng thời tiếp thêm sinh lực và kích thích sự phát triển của chúng. Vì cả hai đều là những vấn đề vô cùng quan trọng đối với thương mại toàn cầu, bước đi của hai lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục chồng chéo và đan xen lẫn nhau. Ảnh hưởng của kiến trúc về thời trang ở khắp mọi nơi, từ Fondazione Prada và Louis Vuitton’s Foundation đến các buổi trình diễn thời trang xa hoa nơi trí tưởng tượng luôn ở vị trí áp đảo, và cuối cùng là nền tảng một kiến trúc sư của những ông lớn thời trang như Pierre Balmain, Gianfranco Ferré và ví dụ mới nhất Virgil Abloh.
Ngày nay, cả thời trang và kiến trúc đều bị tác động mạnh mẽ bởi Internet, các nhà thiết kế cùng với các kiến trúc sư đang nỗ lực tạo ra các trải nghiệm có tính đương đại, đó phải là những thứ mang “giá trị của Instagram” khi cả thế giới đang đổ xô về nền tảng xã hội này. Sức mạnh tổng hòa tối cao của những nhà thiết kế và kiến trúc sư bao phủ toàn bộ cuộc sống của ta. Trong khi kiến trúc cho ta không gian để sống và làm viêc, thời trang cao cấp hướng ta đến giá trị của nghệ thuật hình ảnh cá nhân. Vậy cuối cùng, chúng ta đã thật sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng của kiến trúc và đổi mới của thời trang chưa?
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo Mintsquare