Thời trang nam giới: Chuyến viễn du về miền quá khứ
Ngày đăng: 20/11/18
Trong ngành công nghiệp thời trang, các nhà thiết kế có xu hướng bỏ qua thời trang nam giới. Nó không thay đổi nhiều về kiểu dáng sau các mùa, mà thường chú trọng hơn về các chi tiết và từng loại vải. Đối với một số người, nó không thú vị như thời trang nữ, tuy nhiên ngày nay Menswear đã phát triển nhanh hơn so với Womenswear và dự kiến đạt 33 tỷ đô la vào năm 2020. Cùng tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển dòng sản phẩm thời trang phổ biến này.
Trong lịch sử, thời trang nam giới lúc đầu chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích giữ ấm và che chắn cơ thể. Những người du mục thời kì đồ đá sử dụng da động vật để bảo vệ họ khỏi điều kiện môi trường khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại được xem như những người đầu tiên ăn mặc trang phục nam giới theo cách thời trang. Trong giai đoạn này, trang phục và phụ kiện chính là biểu trưng cho địa vị và tài sản.
Sau đó, những người giàu có đã sử dụng áo chẽn, và xu hướng này tiếp tục với toga (áo choàng ngoài rộng của những người đàn ông thời La Mã cổ) ở Hy Lạp cổ đại và Rome, cũng như trong thời Trung Cổ. Vải là là vật dụng thiết yếu nhất và trở nên quý báu.
Cuộc cách mạng của Menswear
Một sự thay đổi lớn trong trang phục nam giới theo sau cuộc cách mạng Mỹ (1775-1783) và Pháp (1789-1799), khi thời trang trở nên tự chủ hơn và “trút bỏ trang phục” là sự phản đối phổ biến đối với những phục trang, phụ kiện đã định nghĩa tầng lớp quý tộc. Trong khi nam giới tiếp tục mặc áo ghi lê, áo khoác và quần ống túm của giai đoạn trước, chúng bây giờ được làm bằng cùng một loại vải, báo hiệu sự ra đời của bộ đồ ba mảnh. Đầu những năm 1800, những mẫu ren, thêu hay trang trí rườm rà từ trang phục những nhà quý tộc đã được phá bỏ. Thậm chí, mặc như vậy còn được coi là lố bịch.
Ở Anh, Beau Brummell, một người định hướng xu hướng thời này, đã giới thiệu phong cách thời trang và cà vạt của người đàn ông hiện đại. Savile Row, hoặc “The Row” như nó thường được gọi, trở thành tâm điểm của may mặc thủ công. Nó đã hình thành nên xu hướng mặc quần dài phổ biến trong trang phục nam giới ngày nay và đã tồn tại trong 200 năm qua.
Paris là kinh đô thời trang của nữ giới, London là của nam giới. Sau Nội chiến Mỹ (1861-1865), tiêu chuẩn hóa kích thước trong menswear đã giới thiệu khái niệm sản xuất hàng loạt, việc may đo cá nhân trở nên ít hơn và cà vạt được giới thiệu vào năm 1880.
Thời trang nam giới những năm 1900
Trong những năm 1900, Mỹ đã tiếp cận thời trang một cách dân dã hơn khi họ giới thiệu xu hướng ‘đồ thể thao’. Với sự phát minh của ô tô, thời trang Mỹ đã có mặt ở Anh và áo khoác tối màu, một phục trang giản dị hơn, đã trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ.
Một ảnh hưởng đến thời trang lớn của nước Mỹ vào thời điểm đó là nhạc Jazz. Thế hệ nam giới nổi loạn bắt đầu đứng lên chống lại truyền thống của cha ông họ với những bộ quần áo mang cảm hứng đương đại như trang phục bó sát cơ thể. Mỹ trở thành kinh đô của thời trang của nam giới, nơi đây cũng là khởi đầu của thời trang hiện đại.
Blazers lúc bấy giờ là trang phục mùa hè phổ biến, bộ vest là trang phục của buổi tối, và bộ đồ Zoot (giống vest nhưng quần được thiết kế rộng hơn và bó lại ở ống) rất phổ biến trong các câu lạc bộ đêm của Harlem (phía Bắc New York). Hình ảnh “mafia” đi kèm với trang phục vest cũng dần hình thành từ đây. Menswear, thời bấy giờ là cách mà người ta thể hiện bản thân trong xã hội.
Sự xuất hiện của trang phục ngày thường
Cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, áo sơ mi Hawaii ra đời, với những con sóng California và tiếp tục kéo cho đến ngày nay. Một xu hướng khác của thập niên 50 là “phong cách Preppy” (thời trang Preppy được mặc định là kiểu trang phục đặc trưng của các tiểu thư, công tử giới thượng lưu), kiểu trang phục này thường thấy tại các trường Ivy League (Các trường Ivy League là tập hợp các trường đại học ở Mỹ được nể trọng khắp thế giới), như áo sơ mi, áo chơi gôn, quần chinos (Tên gọi chinos được đặt theo kỹ thuật dệt chéo, được sản xuất lần đầu tiên tại Trung Quốc vào thế kỷ 19 – chinos nghĩa là “Chinese” theo tiếng Tây Ban Nha) và giày đi dạo.
Elvis Presley và Teddy Boys (Teddy Boys, hoặc được gọi tắt với cái tên Teds là một nhóm tiểu văn hóa có phần nổi loạn, xuất hiện nhiều trên đường phố Anh vào những năm 1950. Họ chịu ảnh hưởng từ thời đại Edward cũng như phong cách rock and roll của Mỹ) là người định hình phong cách menwear trong thập niên này. Các xu hướng trên được ưa chuộng vì sự thoải mái, giúp xác định nhóm tính cách và thể hiện phong cách mà họ theo đuổi ra bên ngoài.
Thời trang nam giới những năm 1960 và 1970
Những năm 1960, đến phiên thời trang của Ý dẫn đầu thế giới. Các thương hiệu nổi lên với những thợ may thủ công tinh tế, tiêu biểu có thể kể đến Brioni, Nino Cerutti và Ermenegildo Zegna.
Với làn sóng ‘British Invasion’ ở thập niên 60 mang đến một ảnh hưởng quan trọng khác đối với thời trang nam giới. Những bộ trang phục với cổ áo hình trụ gọi là ‘Collarless’ được khởi xướng bởi nhóm nhạc Beatles, thiết kế bởi Pierre Cardin và Douglas Millings mở ra thời đại của ‘mod’ (Mod là từ viết tắt của “modern”, đề cập đến một lối sống của thanh thiếu niên nổi lên ở Luân Đôn trong suốt những năm 1960s và nhanh chóng lan rộng ra châu Âu, Mỹ và Úc), tiếp đến là sau đó là ‘psychedelic look’ (Tạm dịch: ‘Phong cách ảo giác’, tạo hiệu ứng cao về hình ảnh và màu sắc một cách méo mó và siêu thực, hiệu ứng âm thanh âm vang, màu sắc quang phổ tươi sáng và chuyển động để khơi gợi và truyền tải đến người xem và người nghe trải nghiệm của người nghệ sĩ khi sử dụng chất thức thần).
Vào những năm 1970, ‘disco style’ trở nên phổ biến bởi ảnh hưởng từ bộ phim “Saturday Night Fever”, song song đó là ‘Punk style’ (phong cách cá tính, nổi loạn) từ London tác động mạnh đến thời trang nam giới bấy giờ.
Thời trang nam giới những năm 1980
Những năm 1980, thời kì bùng nổ dân số, khái niệm ‘địa vị xã hội’ cũng như ‘sự sang trọng’ ra đời. Trong bộ phim American Gigolo, Giorgio Armani thiết kế những bộ quần áo thanh lịch và thoải mái. Hình tượng người đàn ông trẻ tuổi (do Richard Gere thủ vai), là “playboy” (những người đàn ông giàu có, không ngại chi tiền vào những thú vui xa xỉ) bắt đầu được tạo dựng. Điều thú vị là xu hướng này trái ngược hoàn toàn với với thời trang đường phố cũng thịnh hành cùng lúc.
Thời trang nam giới những năm 1990
Như một phản ứng dữ dội cho ‘gu thời trang tồi tệ’ của những năm 80, những năm 1990 đại diện cho thời đại tối giản, menswear trở lại với những bộ đồ được may thủ công và màu sắc cổ điển, đặc biệt là những thương hiệu như Helmut Lang, Ermenegildo Zegna, Hugo Boss, Nino Cerutti, Giorgio Armani và Ralph Lauren.
Thuật ngữ “metrosexual” được nhà báo người Anh Mark Simpson đặt tên, chính là đặc điểm của giới thành thị có khuynh hướng tình dục (thường dị tính luyến ái) có ý thức thẩm mỹ mạnh và dành nhiều thời gian, tiền bạc cho vẻ ngoài và lối sống. Trang phục của Ý là cơ sở của những kiểu quần áo sang trọng và chất lượng nhất. Bộ đồ Armani chính là trang phục cho giới doanh nhân trong suốt thập kỷ qua cho đến khi “đồ công sở đơn giản” tiếp quản vào giữa những năm 1990. Các xu hướng khác đã du nhập và biến mất trong thập kỷ này bao gồm ‘phong cách grunge’ và trở lại phong cách punk, mặc dù lần này được gọi là ‘cyber punk’ (phong cách được giới trẻ ám ảnh về công nghệ theo đuổi, bao gồm đồ da, jeans và trang sức kim loại) và ‘hip-hop style’, lấy cảm hứng từ văn hóa đường phố. Mỉa mai, phong cách preppy cũng đã trở lại vào cuối những năm 90, gắn liền với dòng quần áo Tommy Hilfiger, mô phỏng phong cách xa xỉ hơn của tiền bối Ralph Lauren.
Kết: Thiên niên kỷ mới
Thiên niên kỷ mới bắt đầu với ảnh hưởng retro (xu hướng hoài cổ), một hỗn hợp của các xu hướng tuyệt vời nhất của các thập kỷ trước đó. Năm 1991, khi công ty lớn đầu tiên của Mỹ – Alcoa bác bỏ trang phục công sở. “Ngày thứ 6 tự do” (ngày mà các nhân viên công sở thời bấy giờ không phải mặc đồng phục) được thay thế bằng “mỗi ngày tự do”, trừ những vị trí bắt buộc phải mặc đồng phục như nhân viên tư vấn tài chính hay nhân viên sở thuế.
Năm 2000, nhà thiết kế Hedi Slimane đã giới thiệu các thiết kế ôm sát cơ thể tại Dior và phổ biến chúng sau này tại Saint Laurent, mở ra một sự thay đổi chấn động trong ngành thời trang nam.
Vào năm 2006, nhà thiết kế người Mỹ Thom Browne đã bước lên sân khấu trình diễn đồ menswear với bộ suit ngắn. Đồ thể thao, trang phục biểu diễn và athleisure wear (thường phục được thiết kế vừa để tập thể thao vừa có thể mặc cho nhu cầu chung) tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong trang phục nam giới.
Khi các nhà thiết kế cố gắng làm mờ ranh giới giữa thời trang nam và nữ, chẳng hạn như J.W. Anderson và khái niệm ‘chia sẻ tủ quần áo’ (nhiều người mặc chung tủ quần áo bằng cách thuê lại trong một khoảng thời gian với giá thành rẻ hơn nhiều so với giá trị thật của món đồ) của mình, phong trào thời trang unisex tiếp tục được khai thác.
Với một nền kinh tế đang bùng nổ, những thợ thiết kế thủ công tìm được chỗ đứng trong sự trở lại. Những thợ may thủ công mới đã trở nên nổi tiếng, với những thương hiệu như Ozwald Boateng (người Anh gốc Ghana) và Musika Frère (người Mỹ), những trang phục của họ có màu sắc và hoa văn khác thường, họ có những khách hàng nổi tiếng như Jay Z, Michael B. Jordan, Stephen Curry, Kevin Hart và cả Beyoncé.
Vào năm 2018, John Galiano đã giới thiệu thế giới với ‘thời trang cao cấp’ của nam giới với bộ đồ sử dụng kỹ thuật bias-cut cho Maison Margiela.
Ngày nay, các thương hiệu thời trang xa xỉ đã mang menswear đến một đẳng cấp toàn cầu. Trong top 10 có: Tom Ford (Mỹ), Gucci (Ý – Alessandro Michele), Neil Barrett (Anh), Thom Browne (Mỹ), DSquared2 (Canada – Dean và Dan Caten), Dolce & Gabbana (Ý), Moncler (Pháp), Louis Vuitton (Virgil Abloh), Prada (Ý) và Balmain (Pháp – Olivier Rousteing).
Menswear chắc chắn đã phát triển, từ một vẻ ngoài cứng nhắc, được kiểm soát tới một cái nhìn giản dị hơn, cá nhân hơn và kết nối nhiều hơn với lối sống ngày nay. Đúng là menswear không thay đổi triệt để, nhưng sự phát triển của nó chắc chắn đã cho thấy rằng nam giới đang sử dụng thời trang để thể hiện họ là ai. Họ cảm thấy tự do hơn dùng thời trang để thể hiện chính mình, thoải mái với bản thân mình. Đối với nhiều người đang sử dụng thời trang để tự thể hiện cái tôi của bản thân, tương lai của menswear có rất nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.
Chuyển ngữ và chú thích: Nhi Nguyễn
Tác giả Martha Neito/ Theo University of Fashion