Thời trang nam giới Việt Nam một thời phong lưu: thập niên 50 – 70
Ngày đăng: 10/06/20
Khi luận về cách ăn mặc và lối sống người Việt giai đoạn thập niên 50 – 70, không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng phủ trùm của văn hoá phương tây lên nhiều tầng lớp và thế hệ Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Thị thành hoá, cơ cấu kinh tế, bối cảnh chính sự phức tạp và sự pha trộn văn hoá đã tạo nên những luồng tác động khác nhau. Sự xáo trộn của những năm 1950 đã mở ra một thập niên náo động, tiếp theo đó là một “thập niên ‘me’” ngắn ngủi mà câu khẩu hiệu có lẽ còn chưa kịp cất lên [*1] của một bộ phận người Việt trẻ thời đó.
Dẫu vậy, đó là những “cú sốc rực rỡ” mà một thế hệ quý ông quý bà baby boomer – những chàng trai cô gái lớn lên dưới mái trường Tây học, gia đình phong giáo và trí thức, xã hội tiến bộ và biến động – đã đi qua, để những năm tháng trải đời về sau tự mỗi người lưu giữ một thước phim hồi ký của riêng mình, nhưng cũng là thước phim tư liệu của lịch sử, văn hoá mà người thời nay phải chiêm nghiệm.
Thị thành, phố, xe và phong cách
Từ đầu thập niên 60, không chỉ quần áo được gắn với cụm từ “thời trang” mà mọi đồ dùng, phương tiện, vật chất cũng đều chạy theo làn sóng mốt, mẫu mã phải tân thời, kiểu dáng phải được thiết kế sang trọng để hòa nhập cùng nhịp sống sành điệu của một thành phố Sài Gòn phồn hoa khi đó.
Kể từ khi ra đời, xe không chỉ là phương tiện giao thông mà tự lúc nào đã mang sứ mệnh như một biểu hiện phong cách của phái mạnh. Không bàn về sự giàu có, sang trọng hay địa vị xã hội mà là phong cách thẩm mỹ của chiếc xe đã phần nào phản ánh phong cách và thị hiếu cá nhân của người chủ.
“Thời trang đường phố” của nam giới thành thị miền Nam Việt Nam gắn liền với hình ảnh của những chiếc xe gắn máy, một “phụ kiện” không chỉ làm nổi bật phong cách của các quý anh, mà còn nhấn mạnh cá tính của những quý cô Sài Gòn xưa.
Xuất hiện sớm nhất chính là Mobylette của hãng Motobécane (Pháp ) do chính người Pháp đưa vào. Lần lượt sau đó là các hãng Mỹ và Đức cũng nhập cảng vào thị trường Đông Dương. Từ cuối thập niên 1950, Sài Gòn rất nhộn nhịp bởi các loại xe gắn máy đa quốc gia lưu thông trên đường phố.
Một góc đường Sài Gòn những năm trước 1975, nam giới Sài Gòn và những chiếc xe gắn máy Solex, Mobylette, Honda, Vespa,…
Saigon năm 1968, trên đại lộ Cách Mạng 1-11. Photo by J. Patrick Phelan.
Những dòng xe gây ấn tượng nhất ngay cả trong thời xưa lẫn thời nay đầu tiên phải kể đến Sachs của Sachs Motorcycles, Goebel (máy Sachs) và Puch của hãng Đức. Một cái tên của Pháp mà các nữ sinh và quý cô rất ưa thích là xe máy đạp Vélo Solex.
Đôi vợ chồng trên chiếc Gobel máy Sachs, ảnh chụp tại Công trường Diên Hồng, năm 1961. Nguồn: manhhai
Saigon Mod style: thanh niên “cool ngầu” trên chiếc Honda và thiếu nữ áo dài lái Cub Nhật
Sau năm 1965, các dòng xe Honda của Nhật bắt đầu phổ biến, trước đó Honda Nhật được người Mỹ mua sang để sử dụng. Cuối thập niên 60, các dòng xe scooter Vespa và Lambretta thời trang của Ý nhanh chóng chiếm được cảm tình của các quý ông Sài Gòn trưởng thành, bởi kiểu dáng thanh nhã và lãng mạn của chúng.
Một cặp vợ chồng trẻ người Việt Nam trên chiếc motor scooter, với cách ăn mặc điển hình của người Sài Gòn những năm 1960. Photo by Wilbur E. Garrett.National Geographic/Getty Images/October 10
Những năm 1960, các dòng xe scooter như vespa, lambretta rất phổ biến và được yêu thích bởi nam giới trưởng thành
Ngoài áo sơ mi, áo thun polo – ban đầu, những năm 1920, chỉ được sử dụng như một loại trang phục/đồng phục chơi thể thao – đã bắt đầu phổ biến trong phong cách “thời trang đường phố” của nam giới Sài Gòn. Ảnh chụp trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, năm 1968. Photo by Brian Wickham
Vào những năm 1960 – 1970 ở miền Nam Việt Nam, người ta có thể thấy những gã phong trần lãng tử, ăn mặc thư sinh, lạnh lùng điệu nghệ lái những con xe gắn máy bụi bặm. Nhưng cũng những chàng trai này sẽ bị hớp hồn bởi các cô nàng tóc chải phi-dê, mặc áo dài lụa, đeo kính mát Rayban Wayfare, cưỡi con xe Vélo Solex lao vun vút trên đường phố, nguyện lòng mong ước có một ngày được cô nàng vòng tay ôm lấy eo, bình yên bên nhau đi qua năm tháng cuộc đời trên con Vespa xình xịch. Những hình ảnh đó đó, dù là trong ký ức của các cô cậu thanh niên thiếu nữ thời ấy, hay trong trí tưởng tượng mà thế hệ ngày nay lục tìm qua những bức ảnh ố màu, đều đẹp đến chao lòng.
Gu ăn mặc phong nhã, lãng tử của nam giới Sài Gòn thập niên 60 – 70. Lúc này, giày loafer bắt đầu được nam giới Việt ưa chuộng vì tính tiện dụng của nó. Màu trắng rất phổ biến trong cách ăn mặc của nam giới Sài Gòn thời bấy giờ.
Ảnh chụp tại trung tâm thành phố Sài Gòn, 23/1/1968. Credit: Associated Press
Tại vòng xoay Công trường Lam Sơn, Sài Gòn, năm 1972. Phoby by Bruno Barbey
Sau một thế kỷ thuộc địa, người Pháp đã đưa vào ba miền Việt Nam hàng ngàn máy móc công nghiệp và phương tiện giao thông (*2). Từ đầu thế kỷ XX đến giữa thập niên 50, Sài Gòn là thị trường mới béo bở của hàng loạt các công ty xe hơi và vận tải. Nhà nghiên cứu lịch sử Đông Dương Stéphanie Ponsavady, đại học Wesleyan, Hoa Kỳ cho biết: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cụm từ “xe hơi” trong tài liệu lưu trữ là năm 1905. Đó là một bản thống kê, lập tại Sài Gòn vì thị trưởng Sài Gòn muốn lập danh sách số lượng xe hơi để đánh thuế” (trong phỏng vấn của RFI / Tiếng Việt)
Nhà nghiên cứu Stéphanie Ponsavady cũng cho biết thêm: “Trong những năm 1920, thị trường xe hơi Pháp mở rộng hơn ở Đông Dương. Thực ra là những chiếc xe hơi của người Pháp mua từ đầu những năm 1900 – 1910 được bán lại theo dạng xe đã qua sử dụng. Người châu Á địa phương thuộc tầng lớp khá giả mua lại để phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra, một số người mua lại xe tải hoặc xe có kích thước lớn để biến thành xe chở khách. Cả một nền công nghiệp lớn được hình thành, bắt đầu từ những năm 1910 và phát triển mạnh trong những năm 1920.”
Một bức ảnh chụp đường phố Sài Gòn giờ tan tầm, khoảng 1960 – 1970. Nguồn: Nhạc xưa thời báo
Có một điều ít được biết, chính là xe hơi Pháp ở Việt Nam không chỉ được sở hữu và sử dụng bởi người Pháp. Nhiều đại địa chủ và thương nhân người Việt giàu có đã sớm tìm mua những mẫu xe hơi đời mới nhất, thương hiệu danh tiếng nhất. Theo tư liệu của Đinh Công Thanh – Phó Chủ Tịch Hội Sử học Đồng Tháp, “… ông Châu Văn Tú, có tên Tây Pierre Tú, biệt danh “Thầy Năm Tú”, gốc gác Mỹ Tho là người “An Nam” sắm xe hơi đầu tiên ở Nam Kỳ năm 1907 (*3). Thầy Năm sở hữu chiếc xe hơi thứ 2 ở Việt Nam, chiếc đầu tiên là của một người Pháp. Thầy Năm Tú là người lập gánh hát cải lương mang tên “Ban hát Thầy Năm Tú – Mỹ Tho” một thời nổi danh lừng lẫy khắp Nam Kỳ lục tỉnh
Tưởng chừng, những quý ông An Nam giàu nứt vách đã bắt đầu sắm sửa xe hơi còn nhanh hơn đặt may đo một bộ âu phục, đóng một đôi giày tây. Theo tư liệu Hội Sử học Đồng Tháp, “chiếc số 7 và số 8 về xứ “An Nam” là của ông Nguyễn Minh Tho ở Gò Công, số 10, số 11 và 12 là của ông Lê Phát Tân. Ông Tân là em ruột ông Lê Phát Đạt biệt danh “Huyện Sĩ”, ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại”.
… Coi bộ trong ba người “An Nam” sắm xe hơi trước nhứt thì cũng đã thấy nhà giàu Nam Kỳ ta xài lớn. Xe mới có mà ông Tho mua một lần hai cái, ông Tân lại mua tới ba cái một lần, xài lớn thiệt – Báo Phụ Nữ Tân Văn, số 207 ngày 6/7/1933 viết.
“Trung Kỳ có xe hơi năm 1913, người đầu tiên mua xe hơi đất Trung Kỳ là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa. Đây cũng là năm chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Bắc Kỳ. Ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội là người đầu tiên có xe hơi xứ Bắc, xe hơi làm quen với vựa lúa Đông Dương đầu tiên là hiệu Clément rồi mới tới các hãng: Peugeot, Comtal, Griffon, Cottereau, Bolide, Panhard, Aleyon, Darracq, Diérich, Richard, De Dion, Berliet, Foullaren, Saving, Zidel…Cho đến năm 1920 thì hãng Citroen mới biết xứ Nam Kỳ”
Renault Fregate model 1951 trên đường Norodom (bây giờ là đường Lê Duẩn, ảnh chụp năm 1953.
Những loại xe thông dụng trong suốt 3 thập niên đầu thế kỷ XX đều là các hãng của Pháp, rất nhiều công ty xe hơi và đại lý độc quyền tại khắp 3 miền, cung cấp các loại xe Renault, Peugeot, Citroen, Panhard, Berliet, Hotchkiss và các hãng của Mỹ đã có mặt như Ford, Chevrolet, Chrysler…
Các loại xe Panhard, Austin 1100, Chevrolet, Renault , Volswagen, Simca, Peugeot, Jeep, Dauphine… chen chúc trên đường một chiều tại trung tâm Sài Gòn, năm 1967. Nguồn: maivantran.com
Trong ảnh là Simca Aronde đời 1968 trên đường Lê Lợi, ngày phía sau là International Harvester Scout 800 đời 1967. Nguồn: maivantran.com
Vào những năm 60 – 70, một bộ phận nam giới trung lưu Việt Nam đã có thể sở hữu những chiếc xe hơi mới coóng, bóng loáng, đẹp mã như lái ra từ phim điện ảnh, lái về đường làng rồi bẻ vô-lăng lượn khắp đường phố Sài Gòn, Hà Nội.
Xe hơi “về làng”, những năm 1950 – 1970
“Siêu xe” rước dâu trên phố Sinh Từ, Hà Nội vào những năm 1950. Khi xe đạp thậm chí vẫn còn là thứ đồ xa xỉ ở thập niên 50 thì đám cưới này đã cực kỳ thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội..
Một mẫu quảng cáo xe Vedette đời 1953 của hãng Ford, bối cảnh chụp ở cảng Hải Phòng. Trước năm 1954, hãng xe hơi nổi tiếng này đã có tới 4 chi nhánh tại Đông Dương.
Một mẫu quảng cáo Vedette Ford hướng tới đối tượng khách hàng là các thương nhân Hoa Kiều giàu có ở khu vực Chợ Lớn.
Trong thời kỳ này, có một cái tên mà người Việt không thể không nhắc đến chính là La Dalat, một mẫu xe bình dân thuộc dòng Citroen 2CV được thiết kế bởi các kỹ sư của Công ty Xe hơi Citroën – Société Automobile d’Extrême-Orient (SAEO), sau là Công ty Xe hơi Saigon, chi nhánh sản xuất xe hơi Citroën đầu tiên ở Đông Dương. La Dalat được chế tạo năm 1969 và xuất hãng từ năm 1970, đến năm 1975 thì hãng Citroën đóng cửa nhà máy tại Việt Nam. Từ năm 1969 – 1975, đã có khoảng 5.000 xe La Dalat được sản xuất tại Sài Gòn, do đó được mệnh danh là xe hơi “made in Vietnam” đầu tiên.
Saigon 1974 – Đường Hàm Nghi. Bên trái là dãy xe taxi “con cóc” Renault 4CV và bên phải là xe La Dalat (biển số) – được biết đến là mẫu xe hơi sản xuất đầu tiên ở Việt Nam
Những năm tháng tình ca
Màu sắc âm nhạc của miền Nam Việt Nam đến cuối thập niên 50 đã có sự phân ranh rõ rệt so với miền Bắc, và bản thân nó cũng phát sinh nhiều biến thể trong phong cách tình ca của nhiều thế hệ, tầng lớp. Những năm đầu 1960, một bộ phận cậu ấm cô chiêu ở các trường Tây học chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách nhạc “Yé-Yé” của Pháp, văn hoá Mod và hiện tượng Beatlemania của Anh, bắt đầu các phong trào đờn ca và biểu diễn cho nhau nghe, “cover” lại những ca khúc nổi tiếng của các thần tượng âm nhạc được hâm mộ nhất lúc bấy giờ, từ Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Serge Gainsbourg, Johnny Hallyday…cho đến Elvis Presley, The Rolling Stones, The Beatles…
Các ban nhạc thanh thiếu niên được lập ra, không ngừng thổi những giai điệu của thời đại mới vào nền văn hoá sơ khai đầy cởi mở của Sài Gòn. Học đường trở thành bệ phóng của các phong trào âm nhạc, bất chấp sự đè nén giữa khói lửa chiến tranh, như một cơn lốc cuộn trào tinh thần tuổi trẻ tự do, mơ mộng giữa thời tao loạn.
Nhạc trẻ bắt nguồn từ nhạc Pháp, do các cô cậu học sinh trường Tây, con nhà giàu, mua các băng và dĩa nhạc đem từ Pháp về, du nhập vào Việt Nam. Lúc mới đầu, họ thành lập ban nhạc chỉ để vui chơi trong trường – Nhạc sĩ Kỳ Phát, chủ nhiệm Báo nguyệt san Trẻ
Thuật ngữ “Nhạc Trẻ” đã chưa xuất hiện vào đầu thập niên 60, và nhiều người vẫn luôn nhầm lẫn giữa phong trào “kích động nhạc” và Nhạc Trẻ. Được khởi xướng bởi “thủ lĩnh Hippy” Trường Kỳ và một số tên tuổi của phong trào Nhạc Trẻ như Nam Lộc, Tùng Giang, Jo Marcel…, tên gọi Nhạc Trẻ nhằm diễn tả thể loại âm nhạc dành cho những người có tâm hồn trẻ, yêu đời và tự do, không nhất thiết chỉ những người trẻ tuổi mới nghe và viết dòng nhạc này.
Quả thực, âm nhạc học đường kể từ những năm 1950 – 1970 đã có sự phát triển mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc, từ thời trang đến tư tưởng, từ thị hiếu âm nhạc đến tiếng lóng của “dân chơi” Sài Gòn thời đó.
1. Hiện tượng Mod & Beatlemania
Bắt đầu từ cuối những năm 1950 và đầu 1960, Mod xuất phát từ một nhóm thanh niên theo chủ nghĩa hiện đại ở London và dẫn dắt một trào lưu âm nhạc, thời trang của thời kỳ này. Nghe nhạc jazz hiện đại, ăn mặc tinh giản, đi xe scooter và một phong thái sắc sảo, cuốn hút là đặc điểm nhận dạng của văn hoá Mod. Một thế hệ baby boomer trong các trường Tây học ở Việt Nam và Pháp đã dễ dàng hòa nhập, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Mod thông qua văn hoá phẩm ngoại quốc và niềm hâm mộ to lớn đối với các thần tượng âm nhạc nước ngoài.
Thời trang Ý & Anh giành được nhiều cảm tình của giới thanh niên Mod. Thời gian này, những bộ quần áo được thiết kế và may đo tinh tế, mọi chi tiết được tối giản, dứt khoát, nghiêm túc và không phô trương. Nam giới thành thị chọn cho mình những chiếc áo sơ mi (thường là các gam màu nhạt và sáng) vừa vặn, suit được cắt may tinh giản, cả ve áo – vạt áo – cravat đều chuộng kiểu mỏng mảnh, giày tây phố biến loại đế bệt mũi nhọn hẹp, oxford hoặc loafer.
Ban nhạc rock The Spotlight bao gồm Billy Shane, Đức Huy (đeo kính mát đen), Hồng Hải & Tiến Chỉnh, Sài Gòn năm 1967. Nguồn: FB Môi Café
“Phụ kiện” xe scooter du nhập vào cuối thập niên, bổ sung khá muộn vào phong cách Mod thanh lịch của nam giới Việt Nam ở Sài Gòn. Ảnh hưởng của Mod kéo dài suốt thập niên 60 cho đến khi “đứng sững lại” trước một cơn lốc Hippy náo nhiệt và rực rỡ thổi qua.
Văn hoá Mod gắn liền với thuở niên thiếu của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Phong cách thời trang trong giai đoạn đầu (1962 – 1964) của The Beatles cũng có sự ảnh hưởng đến văn hoá Mod đương thời chập chững ở Việt Nam, và trở thành một hiện tượng truyền cảm hứng đến tận ngày nay ở thế kỷ XXI – Beatlemania.
Ảnh chụp ban The Spotlight tại Đà Nẵng, năm 1967. Từ trái sang: Hồng Hải, Mario Cruz, Tiến Chỉnh, Đức Huy và Billy Shane.
Beatlemania là khái niệm để nói về hiện tượng hâm mộ cuồng nhiệt nhóm nhạc The Beatles (về sau này, hậu tố mania – trong tiếng Latin có nghĩa là đam mê, cũng trở thành thuật ngữ dùng để chỉ những hiện tượng hâm mộ khác). Beatlemania bắt đầu thông dụng trên toàn thế giới từ năm 1964, rất lớn mạnh ở Mỹ, lan truyền ra khắp thế giới và không ngoại trừ Việt Nam.
Hiện tượng Beatlemania không chỉ được định nghĩa bằng việc những ban nhạc người hâm mộ trình diễn lại ca khúc của Beatles, mà còn đề cập đến sự ảnh hưởng phong cách biểu diễn, phong cách sáng tác và cả phong cách thời trang của thần tượng.
Ban nhạc The Spotlight, ảnh chụp vào khoảng những năm cuối thập niên 60
Nhạc sĩ – ca sĩ Đức Huy (quê quán Sơn Tây) đã theo gia đình di cư đến nhiều thành phố Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang và cuối cùng là Sài Gòn. Chàng nhạc sĩ trẻ sớm đón nhận ảnh hưởng âm nhạc của The Beatles, The Shadows, Rolling Stones từ khi mới 15 – 16 tuổi. Đức Huy ban đầu là nhạc công của ban Les Vampires và là thành viên của nhiều ban nhạc trẻ tiên phong khác như Crazy Boys, Strawberry Four, Revolution…Trong suốt thập niên 60, hiện tượng Beatlemania bộc lộ qua phong cách âm nhạc, ăn mặc của cá nhân ông và cả ban nhạc The Spotlight.
We changed the hairstyles and clothes of the world, including America – they were a very square and sorry lot when we went over – John Lennon
Một điều thật đáng ngạc nhiên là hiện tượng Beatlemania cũng đã có thể len lỏi vào miền Bắc Việt Nam và cộng đồng người gốc Hoa ở Hà Nội (qua đài Hồng Kông) thời bấy giờ. Rất sớm, đầu thập niên 60, các dòng nhạc pop-rock nước ngoài và đặc biệt là của The Beatles, đã theo chân các thanh niên phu mỏ thiếc, phu đồn điền ở Tân Đảo (đảo Nouméa, thuộc Nouvelle Calédonie, lúc bấy giờ là cụm lãnh thổ thuộc Pháp) đi vào phố cảng Hải Phòng, rồi mới đến Hà Nội.
Ngày 30/12/1960, tại cảng Nouméa, con tàu Nữ Hoàng Phương Đông (Eastern Queen) chở 551 kiều bào Tân Đảo về nước. Đây là chuyến thứ nhất kể từ sau 10 năm gián đoạn hồi hương (tàu Sơn Tây, ngày 17/10/1950) từ Nouméa và Santo.
Phong trào văn hoá văn nghệ của thanh thiếu niên Việt tại Tân Đảo, 1950 – 1960
Các ban nhạc sống (thường chơi nhạc ngoại quốc) khá phổ biến ở Hải Phòng, trở thành cái nôi của hiện tượng Beatlemania ở miền Bắc cho đến cuối thập niên 90. Đó cũng là giai đoạn nhen nhuốm kiểu quần áo”lai căng” của thanh niên miền Bắc. Kiểu quần âu ống côn (ống tuýp) vốn không có sự chuyển đổi ồn ào ở miền Nam, lại vô tình trở thành mốt “đỏm dáng”, “nhét không vừa một chai bia” ở miền Bắc.
Lúc này. sức mạnh âm nhạc đã phá vỡ mọi rào cản biên giới và chủ nghĩa, mang theo ảnh hưởng của thời trang Mod hiện đại một cách vô hình và không tên. Hiện tượng Beatlemania trong âm nhạc khó có thế ngăn cản, nhưng biểu hiện thời trang “lai căng” lại dễ dàng bị bài xích khi những chiếc quần ống tuýp bó hẹp bị đem ra rạch ống giữa thị chúng.
2. Cơn sốt thời trang Hippy
Hippy (hay Hippie) được biết đến là phong trào lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên, phát sinh tại Mỹ trong khoảng giữa những năm 1960. Cao trào nhất là cuộc cách mạng Hippy có tên Summer of Love, với tinh thần Flower Power diễn ra vào mùa hè 1967 tại San Francisco, nơi mà sau này được xem là thủ phủ của cơn địa chấn “Make love, not war”.
“Hoa Hippy” tượng trưng cho sức mạnh hoà bình đối đầu với họng súng, lan tỏa sức ảnh hưởng ra khắp thế giới. Không lâu sau đó, người ta bắt đầu nhận thấy sự tồn tại của “hoa Hippy” trong trường học, trên đường phố và những tụ điểm giải trí của giới trẻ Sài Gòn.
For those who come to San Francisco. Summertime will be a love-in there. In the streets of San Francisco. Gentle people with flowers in their hair – San Francisco by Scott McKenzie, một bài hát rất nổi tiếng trong giới Hippy
Hệt như ở Phương Tây, “hoa Hippy” dễ dàng thông âm nhạc để tiếp cận giới thanh thiếu niên.Trường phái âm nhạc Hippy nổi lên ngày một vang. Qua tiếp thu từ sách báo, băng nhạc và những người lính, phong cách của giới trẻ Sài Gòn nhanh chóng tự biến mình thành một cơn sốt Hippy trong xã hội. Nhạc ngoại quốc và những sáng tác có tính cách “kích động” (thường được gọi là kích động nhạc) rất được yêu thích bởi tinh thần phản kháng thụ động, phi bạo lực, chống chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu và hoà bình, bác ái.
Nữ ca sĩ Thanh Lan và ban nhạc The Dreamers tại Đại hội Nhạc Trẻ trường Taberd, do “thủ lĩnh Hippy” Trường Kỳ tổ chức, khoảng những năm đầu 1960. Nguồn: Báo Thanh Niên
Ban nhạc The Crazy Dogs, Sài Gòn năm 1970 – bao gồm: ca sĩ Ngọc Bích, Ngọc Quý, Việt Châu, Nghĩa guitar, Thành bass, Việt Năng trống. Nguồn: FB Môi Café
Các sự kiện âm nhạc Hippy đã có sức ảnh hưởng lớn và được tổ chức ở Sài Gòn từ năm 1963. Nhưng đến sau Đại hội Âm Nhạc Woodstock của giới Hippy Mỹ (Woodstock Music Festival) diễn ra trong 3 ngày tại New York năm 1969, vào tháng 5/1971 tại Sài Gòn mới diễn ra sự kiện Rock Concert ngoài trời đầu tiên dành cho giới Hippy Việt Nam, tổ chức quy mô tại sân vận động Hoa Lư với gần 20 ngàn người và hơn 20 ban nhạc trẻ đến từ Mỹ, Úc, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và nước chủ nhà Việt Nam. Tại Đại Hội này còn tổ chức trao giải thời trang Hippy được yêu thích nhất.
Tại Đại Hội âm nhạc theo mô hình Woodstock trên sân Hoa Lư tại Sài Gòn, năm 1971. Nguồn: FB Môi Café
Hoa, hoạ tiết và màu sắc rực rỡ được thể hiện trên poster đại nhạc hội, trên sân khấu, trang trí trên guitar điện và quần áo, phụ kiện thời trang. Thanh niên để râu và tóc xõa dài, thiếu nữ điểm trang cá tính và ăn mặc thật mốt, sử dụng các loại trang sức, phụ kiện giống kiểu digan, bohemian mà giới trẻ thế kỷ XXI cũng rất ưa thích.
Lối sống của giới trẻ Sài Gòn đã từng được tường thuật như những buổi trình diễn thời trang vào cuối tuần. Cách đây đến hơn nửa thế kỷ nhưng thời trang Hippy Sài Gòn xưa cực kỳ đa dạng và biến tấu nhiều loại trang phục khác nhau, từ đầm váy vải xô, áo phông graphic, thắt lưng tua rua đến quần cigarette, giày Cléopatre, jumpsuit, quần jeans ống loe đến mũ cao bồi, mũ sombrero (Mexico)…Đeo kính mát tròn kiểu John Lennon, kính Jackie’O hay kính phi công Rayban, mang giày hiệu Bally (Thuỵ Sĩ) hay giày Torpedo (của hãng Torp của Ấn Độ)… Các kiểu quần áo và mốt trang sức phụ kiện thịnh hành nhất ở Phương Tây đều có mặt. Âm nhạc và thời trang cứ thế hoà ca cùng sức sống của thời đại đó.
Ban nhạc The Enterprises tại Đại hội nhạc trẻ Tao Đàn
Mang triết lý sống hiện sinh, ý nghĩa và chân thật, nhưng trào lưu Hippy cũng tự xuất hiện mặt trái của nó, ngây thơ và phóng túng. Chính vì thế, như bao thời, luôn mâu thuẫn với cha mẹ và những người trưởng thành, giới trẻ Hippy ăn mặc thật kỳ quái nhưng đó lại chính thời trang của tuổi trẻ, âm nhạc Hippy thật ồn ào nổi loạn nhưng đó mới chính là sức sống đương đại, tư tưởng Hippy thật lệch lạc buông thả nhưng với đó chính là ý chí canh tân và cải cách.
Vào những năm 1960, một nhóm anh chị em tuổi teen có năng khiếu âm nhạc ở Sài Gòn đã lập nên ban nhạc rock ‘n’ roll, đặt tên là CBC. Nhóm nhạc gia đình CBC gồm 7 thành viên, nhanh chóng trở thành nhóm nhạc rock lớn nhất ở miền Nam Việt Nam, dẫn đầu các lễ hội nhạc rock quốc tế đầu tiên trong nước.The CBC Band performing in Saigon in 1974. Credit: Associated Press/The New York Time
Trong khi những biểu hiện thời trang được lý tưởng âm nhạc tự do của Sài Gòn thời ấy đẩy lên thành văn hoá đại chúng (nhưng vẫn không đủ để vượt qua vĩ tuyến), thì ở miền Bắc, trào lưu âm nhạc và thời trang Hippy đã được truyền vào từ một con đường khác.
Đầu thập niên 70, mốt quần ống côn trôi qua chóng vánh và không lâu sau đó lại xuất hiện những thanh niên tóc dài-áo chẽn-quần ống loe đạp xe Peugeot trên phố thủ đô. Đó là đợt sóng trào mà du học sinh miền Bắc Việt Nam từ khắp các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Liên Xô…”vô tình” mang về nước.
Từ giữa đến cuối thập niên 70, nhu cầu ăn mặc thời trang của thanh thiếu niên Việt Nam trong giai đoạn bao cấp và đổi mới đã trải qua một công cuộc chấn chỉnh “cắt tóc ngắn, gọt ống loe”. Ký ức này mãi hằn sâu trong tâm trí của thế hệ trước, và có lẽ đã không ai ngờ rằng mốt ăn mặc “hư hỏng” đó không thể bị dập tắt, bằng cách nào đó tiến hoá thành “phong cách” và cứ vài năm sẽ quay trở lại như một vòng lặp suốt từ cuối thập niên 90 cho đến nay.
Một thời bảnh bao
Lịch sử thời trang thế giới đã chứng kiến sự vươn lên của phong cách Mỹ trong giai đoạn hậu Thế Chiến II. Vượt qua Paris, thành phố New York trở thành kinh đô mới lãnh đạo thời trang thế giới bằng một màu sắc khác hẳn. Sự phát triển của nền công nghiệp thúc đẩy sự phổ biến và hợp thời hoá trang phục thể thao. Nhưng thời trang không chịu sự thống trị của bất cứ vị thủ lĩnh nào. Những thập niên 50 – 70, ánh hào quang của “kinh đô thời trang” không ngừng dịch chuyển giữa nhiều quốc gia hàng đầu Âu, Mỹ, Ý, Anh và lan đến tận phương Đông.
Nơi Hòn Ngọc Viễn Đông, thời trang và lối sống của thành phố lúc này đương trong giai đoạn mở cửa tiếp nhận sự ảnh hưởng đa chiều. Thậm chí, trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ đầu đến giữa thập niên 70, cá tính thời trang của thành phố Sài Gòn năng động vẫn không ngừng chuyển hoá và không phân rõ lằn ranh nào.
Một bức ảnh được phóng viên chiến trường Lance Nix chụp và chú thích (chuyển ngữ bởi manhhai/flickr): “Tháng 1/1969. trên chuyến phà đi tỉnh Kiến Hòa (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hai anh chàng này là nhân viên Intel (Intel Staff) đến từ Saigon. Họ có nghe về ông Đạo Dừa (Coconut Monk – Nguyễn Thành Nam) và rủ tôi cùng đi với họ trong một ngày nghỉ công tác để thăm viếng. Có vẻ việc đi du ngoạn là điều kỳ quặc khó hiểu trong khi cuộc chiến đang diễn ra, thế nhưng vào thời gian ban ngày tình hình thường là an toàn. Ban đêm chính là lúc mọi sự sẽ nóng lên.”
Trên chuyến ghe trở về Kiến Hoà từ cồn Phụng (chùa Nam Quốc Phật, nơi tu hành của ông Đạo Dừa), Photo: Lance Nix/manhai/flickr
Chàng thanh niên trong bức ảnh hoàn toàn nổi bật giữa những người dân địa phương. Anh chàng mặc áo thun polo màu navy viền trắng, đeo kính mát và đồng hồ, trông hiện đại, khoẻ khoắn và thanh lịch như bất kỳ chàng trai nào trong thời buổi ngày nay, tức đã hơn nửa thế kỷ sau khi bức ảnh này được chụp. Từ vóc dáng và diện mạo không có vẻ là người Việt Nam, nhưng vào những năm 1960, đây chính là cách phục sức (đồng hồ + kính mát) thiết yếu đối với nhiều đàn ông Việt Nam thành thị, đặc biệt là ở Sài Gòn.
Kính mát là món phụ kiện không thể thiếu trong phong cách thời trang của nam giới Sài Gòn những năm 1950 – 1970
Ảnh chụp vào năm 1967, tại vòng xoay Công trường Lam Sơn. Bên kia đường là thương xá Eden. Photo: Thomas Southall
Một cặp đôi trong Thảo Cầm Viên, Sài Gòn năm 1972 – Photo by Bruno Barbey
Người Sài Gòn tụ tập để tham dự triển lãm sách giáo dục quốc tế trên tài Logos tại cảng Sài Gòn, tháng 8/1974
Ảnh chụp vào năm 1966, các nhà lãnh đạo của phong trào Nhạc Trẻ thập niên 60 – 70, lần lượt từ trái sang là Tùng Giang, Trường Kỳ và Jo Marcel.
Trong bức ảnh, “thủ lĩnh Hippy” Trường Kỳ mặc một chiếc áo thun polo tối màu, biểu tượng bên ngực trái trông như logo Playboy bunny. Cố nghệ sỹ, ký giả âm nhạc Trường Kỳ được nhắc đến như một biểu tượng của giới Hippy Sài Gòn xưa, mặc dù Trường Kỳ không chơi nhạc và cũng không thực thụ theo đuổi thời trang Hippy. Ông là nhà tiên phong tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc Hippy, sau đó khởi xướng, hoạt động và cỗ vũ phong trào Nhạc Trẻ của Việt Nam suốt từ thập niên 60.
Luôn có mặt trong các sự kiện âm nhạc đình đám của Sài Gòn thập niên 60 – 70, chàng thanh niên Trường Kỳ để tóc dài, đeo kính gọng đen như một “nerd guy” hoặc kính “John Lennon”, râu ria bụi bặm và trung thành những chiếc áo thun dệt kim thể thao, quần âu và giày tây.
Ca sĩ Elvis Phương và ca sĩ Ngọc Mỹ cùng ban nhạc biểu diễn tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung (tỉnh Gia Định), năm 1968. Trong bức ảnh, ca sĩ Elvis Phương (trái) đang mặc suit phong cách Ý, phom slim-fit, double-breasted jacket (6×3). (6×3) (button 3, show 3) là một trong những kiểu hàng nút hợp thời nhất trong giai đoạn cuối thập niên 60. Double-breasted navy jacket, kiểu nút 6×3 cũng rất nổi tiếng khi được mặc bởi Jame Bond (do diễn viên George Lazenby thủ vai) trong tập phim On Her Majesty’s Secret Service (phát hành năm 1969).
Ban nhạc Phượng Hoàng, Sài Gòn năm 1971. Nguồn: FB Môi Café
Những chi tiết nhỏ làm nên sự khác biệt phong cách và cá tính của các chàng trai. Áo thun body, thắt lưng bản to mang dư âm của Hippy. Sơ mi mix cardigan (cổ V sâu) thanh lịch và trẻ trung. Chàng lãng tử Elvis Phương với sơ mi hoạ tiết. Một chút “điệu” nhưng cũng khá “mốt” chính là chàng trai áo thun polo với phiên bản cổ áo to kiểu Ý (Italian vintage 70s).
Ban nhạc Phượng Hoàng, Sài Gòn năm 1971. Nguồn: FB Môi Café
Từ Sài Gòn về đến làng quê, khái niệm “thời trang” cũng dần dần xâm nhập vào đời sống của người Nam Bộ. Trong sách “Sài Gòn chuyện đời của phố”, tác giả Phạm Công Luận (*3) miêu tả rất tỉ mỉ cách ăn vận của người Sài Gòn ở những năm đầu thập niên 70. Trong đó, hình ảnh những người đàn ông thời ấy hiện lên rất đa dạng, không chỉ đủ mọi thành phần tầng lớp người dân mà còn đa dạng trong cách ăn diện của những người ở những bối cảnh xã hội khác nhau.
“Ngày Tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi. Sau đó là ông ký giả nhựt trình, trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu kaki như mọi ngày nhưng là áo mới coóng. Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần tây đen, mang giầy đen, nhìn trẻ trung”. Trong một chi tiết, tác giả kể “Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo montagut mới toanh màu vàng nhạt… Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp”.
Montagut là một hãng thời trang Pháp, chính thức thành lập từ năm 1935 tại Saint-Sauveur-de-Montagut, thung lũng Auzeze, Pháp. Đây là một công ty gia đình, xây dựng nhà máy sản xuất sợi tơ từ năm 1880 và nhà máy dệt kim từ năm 1925. Năm 1939, hãng Montagut bắt đầu sáng chế sợi tổng hợp, nhanh chóng trở thành một chuyên gia dệt sợi và nắm giữ các công thức sợi nhân tạo độc đáo. Trải qua gần 90 năm, công nghệ sợi bí mật làm nên chất lượng và phong cách tuyệt vời của chiếc áo Montagut vẫn được bảo vệ kỹ lưỡng và ngày càng nâng tầm giá trị bởi nhiều thế hệ của thương hiệu.
Hãng thời trang Montagut đã phát triển hưng thịnh nhất trong những năm 60 của thế kỷ trước, và từng đặt chi nhánh tại Sài Gòn vào năm 1970 (người Việt Nam quen gọi là áo Mông-ta-ghi). Tuy nhiên, trước bối cảnh chính sự phức tạp của Việt Nam, chi nhánh Montagut ở Sài Gòn đã nhanh chóng chuyển đến Hồng Kông vào năm 1971. Điều này khiến chiếc áo Montagut trứ danh càng được khao khát, việc mua được áo Montagut càng sành điệu hơn, sang trọng hơn.
Bắt đầu kết hợp với nhau và trở thành cặp bạn diễn ăn ý từ năm 1966, cố nghệ sĩ Hùng Cường và nữ nghệ sỹ Bạch Tuyết được mệnh danh là “cải lương chi bảo” của miền Nam Việt Nam. Trong bức ảnh, độ bóng mịn và sự mỏng nhẹ quan sát được của chiếc áo polo xanh mà nghệ sỹ Hùng Cường đang mặc, cho thấy đây có thể là áo polo chất liệu Fil-lumière tiên tiến của hãng Montagut, loại vật liệu được sáng chế từ năm 1962 và đem lại sự thành công của thương hiệu trên khắp thế giới.
Trong thước phim “Cao Minh Sài Gòn – 70 năm kể chuyển quý ông”, trang phục nam giới Sài Gòn giới thượng lưu đã được nhà may danh tiếng này kể lại một cách sinh động, tinh tế và nhiều cung bậc cảm xúc. Một thế kỷ đã trôi qua trong chuyện kể chưa đầy 4 phút, từ kiểu suit ve rộng cùng mái tóc đen láy chải ngược đầy vẻ hào hoa, cho đến những chàng trai phong nhã với áo montagut của Pháp, hay bộ comple kiểu Ý lịch lãm, và cả dấu vết một thời phong trần tuổi trẻ của chiếc quần âu ống rộng trào lưu Hippy.
Giờ đây, ở thập niên 20 của thế kỷ XXI, phong thái quý ông được nhắc lại, thời trang nam giới bảnh bao lịch lãm được theo đuổi, phong cách cá nhân được nhấn mạnh. Người thời nay vẫn nhớ về Sài Gòn của những năm 50 – 70 bằng hình ảnh của những cô thiếu nữ kiêu hãnh, những chàng thanh niên phong nhã, biết chăm chút cho việc ăn mặc và thông hiểu lối sống tân thời. Ngẫm lại, dẫu thời gian có làm nhạt phai ký ức thì quá khứ phong lưu một thời của thời trang nam giới Việt Nam vẫn được xem là biểu tượng, là kim chỉ nam để nhiều thế hệ sau không ngừng hướng đến.
Chú thích
[*1] ” ‘me’ decade” (tạm dịch: thập niên ‘me’) là một thuật ngữ dùng để mô tả một thái độ chung, một phản ứng xã hội của người Mỹ trong thập niên 1970. Thuật ngữ này được đặt ra bởi tác giả người Mỹ Tom Wolfe, trong tiểu luận The ‘Me’ Decade and the Third Great Awakening (xuất bản lần đầu vào 23/3/1976), để rồi ‘me’ decade trở nên phổ biến như một nickname của thập niên 70. Khẩu hiệu của ‘me’ decade là ‘please yourself’
[*2] Tham khảo số liệu thống kê trong tài liệu nghiên cứu The Road Less Traveled: Automobiles in French Colonial Indochina của tác giả Ryan S. Mayfield, vào năm 1937, số lượng xe hơi Pháp ở miền Nam có 6,000 chiếc và miền Bắc khoảng 4,300 chiếc, không kể các loại xe vận tải, xe bus, xe cơ giới khác.
[*3] Nhà báo Phạm Công Luận (sinh năm 1961) tại Sài Gòn, từng làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò, cơ quan đại diện tại TP.HCM, là tác giả của nhiều tựa sách best-seller ở Việt Nam.
Ảnh bìa: © AP Photo / Eddie Adams
Thực hiện: Xu