Các thương hiệu thời trang nhanh đã chú trọng thời trang bền vững ra sao giữa COVID-19?
Ngày đăng: 31/07/20
Lectra cùng Retviews vừa công bố kết quả khảo sát tổng quan về tình hình các thương hiệu thời trang nhanh lớn trên thế giới như Zara, H&M, Uniqlo, Mango đã khai triển và duy trì yếu tốthời trang bền vững trong các bộ sưu tập của mình như thế nào trong quá trình trước và sau đại dịch COVID-19. Dữ liệu khảo sát được công bố tại Pháp, ngày 7 tháng Bảy 2020.
Độ xác thực và tin cậy của cuộc khảo sát này là rất cao, khi mà Lectra là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất trên thế giới chuyên cung cấp dịch vụ giải pháp thiết kế rập CAD/CAM bằng phần mềm chương trình chuyên nghiệp cho các nhóm ngành như thời trang, nội thất và sản xuất ô tô. Tất cả những thương hiệu tham gia cuộc khảo sát này đều là khách hàng lớn và lâu năm của Lectra.
Retviews là một công ty con được thành lập vào 2017 và được mua lại bởi tập đoàn Lectra với mục tiêu phát triển và cung ứng dịch vụ công nghệ tiên tiến dựa trên mô hình kết hợp trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu số lớn. Retviews giúp các thương hiệu thời trang phân tích thị trường hiệu quả tức thì, cũng như cung cấp cho họ cái nhìn toàn cảnh về thị trường với các đối thủ cạnh tranh của họ.
Kết quả của cuộc khảo sát này, về tổng quan, các thương hiệu chỉ có khả năng đáp ứng 10% sản phẩm thời trang bền vững trong giai đoạn này. Chất liệu cotton thân thiện với môi trường được coi là tiêu chí hàng đầu cho các doanh nghiệp bán lẻ thời trang trong việc thực hành bền vững. Một tín hiệu đáng mừng khác là các chất liệu sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững sẽ có giá thành rẻ hơn những chất liệu thông thường trong những năm tới.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới tâm thức của cả xã hội, với nhiều khoảng thời gian cách ly để hầu hết tất cả người tiêu dùng phải chiêm nghiệm và nhìn nhận rằng đã đến lúc cần phải tổ chức một cuộc sống có nhiều ý nghĩa và có trách nhiệm hơn. Ngành thời trang cũng tương tự khi nhận diện được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc thay đổi cách thức vận hành vốn có phần lãng phí tài nguyên, quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Người tiêu dùng đã ý thức được rằng hành vi mua sắm của bản thân chính là một cách tốt nhất để thể hiện trách nhiệm, sự ủng hộ và cam kết những giá trị mà họ tin tưởng vào. Các thương hiệu nhờ đó có được sự khích lệ để chuẩn bị cho các hoạch định trong tương lai, bằng cách trở nên có trách nhiệm hơn tới môi trường sống, và có những cách thức minh bạch, xác đáng để triển khai.
Mặc dù những yêu cầu về ý thức bền vững đã rõ ràng trước đại dịch, nhưng giờ đây chúng đã trở thành yếu tố tác động chính để doanh nghiệp thiết lập sự kết nối tốt đẹp với người tiêu dùng, những người luôn mong muốn có một sự thay đổi với mức độ trách nhiệm cao hơn. Đây chính là thời đại mà các nhà hoạt động tiêu dùng đã đấu tranh từ lâu, và giờ thì các thương hiệu phải thích nghi để đáp ứng.
Các BST thời trang bền vững vẫn chỉ mang tính chất thiểu số
Tỷ lệ thời trang bền vững trong các bộ sưu tập thay đổi đáng kể giữa các thương hiệu tham gia khảo sát. Ví dụ, các bộ sưu tập thân thiện với môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các sản phẩm bởi các ông lớn ngành bán lẻ thời trang nhanh như Zara và H&M, là những bên đã ký Hiệp ước Thời trang trong Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz. Bộ sưu tập Zara “Join Life” chiếm 14% trong phạm vi của nó, trong khi đó BST “Wear The Change” của thương hiệu C&A có 30% sản phẩm được gắn mác là bền vững trong tổng thể. Bộ sưu tập Conscious của H&M, vốn là thương hiệu đứng đầu trong danh sách công khai chỉ số minh bạch trong ngành thời trang (được tạo ra bởi tổ chức Fashion Revolution), chiếm chưa đến 10% tổng số sản phẩm sản xuất.
Cấu thành của sản phẩm trong các bộ sưu tập thân thiện với môi trường (eco-friendly)
C&A, H&M và Inditex (Zara) là một trong số 4 thương hiệu sử dụng chất liệu cotton tự nhiên nhiều nhất cho sản phẩm. Tất cả các thương hiệu được phân tích trong danh sách khảo sát này của Retviews đã nhận định chất liệu cotton do họ sản xuất là thân thiện với môi trường, và xem đó là giải pháp cho năm 2020 và các giai đoạn sau.
Có rất ít sự khác biệt giữa các loại vải được sử dụng phổ biến nhất trong thị trường bình dân và thị trường dành cho những người có ý thức trách nhiệm muốn hướng tới nhu cầu bền vững hơn. Cotton, các loại vải tổng hợp như polyester, elastane và cả viscose là những loại vải được cung ứng và sử dụng rộng rãi nhất.
Liệu sản phẩm bền vững có giá thành nguyên liệu cao hơn?
Sự ngộ nhận rằng chất liệu bền vững hay organic tự nhiên sẽ luôn mắc tiền hơn là một điều phổ biến rộng rãi, dựa theo kết quả của cuộc khảo sát. Dòng sản phẩm bền vững “Conscious” của H&M là một ví dụ điển hình. Giá trị thương mại trung bình của một chiếc đầm trong BST bình thường là 39.90 Euro, trong khi đó trong BST “Join Life” gần nhất thì giá trung bình của một sản phẩm tương tự chỉ có 31,70 Euro.
“Thị trường của thời trang bền vững là vô cùng lớn. Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn hơn nhiều người trẻ thuộc thế hệ Z, và các nhà bán lẻ đã lắng nghe và đưa những mối quan tâm này lên hàng đầu. 90% người tiêu dùng nói rằng họ nhận thức được tình hình và sẵn sàng thay đổi hành vi mua sắm để góp phần chống biến đổi khí hậu (theo nghiên cứu của công ty Oney vào tháng Hai 2020, thực hiện tại thị trường châu Âu). Điều này cho thấy thiên hướng thực sự của họ để các thương hiệu đầu tư vào các sản phẩm chịu trách nhiệm sinh thái. Trước sự thay đổi này, các thương hiệu có trách nhiệm xã hội để thông báo cho khách hàng của mình một cách minh bạch về tiến trình của họ trong lĩnh vực này, cũng như chia sẻ một số những thách thức họ gặp phải để truyền đạt thông tin, giáo dục tới cộng đồng của họ. Hiện tại không có quy định quốc tế nào đối với ngành hàng may sẵn nhằm xác định những gì có thể được mô tả là bền vững. Điều này có nghĩa là vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được tiêu chuẩn hóa thời trang bền vững”, chia sẻ của Giám đốc điều hành Retviews – Quentin Richelle.
Thực hiện: Fellini Rose