Vì sao thời trang vẫn không ngừng “nói” về nữ quyền?
Ngày đăng: 07/03/21
Thông điệp nữ quyền của nhà Dior chưa bao giờ “đọc lên” bằng một giọng điệu cao vang và rõ ràng như thế, kể từ sau khi NTK Maria Grazia Chiuri trở thành người phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo của Dior. Thành lập vào năm 1947, trải qua các đời kế vị từ Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Bill Gaytten và Raf Simons; đến khi chính thức bổ nhiệm Maria Grazia Chiuri vào cuối thu 2016. Trong tư cách nữ giám đốc sáng tạo của nhà Dior, NTK Chiuri đã mang đến BST Xuân Hè 2017 một chiếc áo phông trắng in slogan gây chú ý: “WE SHOULD ALL BE FEMINISTS”.
Lời tuyên bố gây ngạc nhiên này đã “vay mượn” tiêu đề của một bài luận được xuất bản vào năm 2014, soạn bởi nhà văn nữ quyền Chimamanda Ngozi Adichie – tác giả của hai quyển tiểu thuyết Americanah và Purple Hibiscus, người được mời làm gương mặt đại diện của dòng sản phẩm No7, thuộc Boots – thương hiệu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp nổi tiếng của Anh.
Bỏ lại làn sóng nữ quyền nổi lên mạnh mẽ trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thông điệp nữ quyền được bày tỏ một cách nhẹ nhàng trong suốt show diễn Xuân Hè 2017 của nhà Dior, từ “We Should All Be Feminists”, L’Eloile (The star), Amoureux (Lover), cho đến các kiểu chơi chữ như DIO(R)EVOLUTION hay J’adior – ghép từ Dior và J’adore có nghĩa là “I just love it”,…ngay lập tức dấy lên một sự xôn xao mới. Mọi ánh mắt đang dõi theo từng bước của Maria Grazia Chiuri khi bà bước chân vào ngôi nhà thời trang mang tính di sản vĩ đại này, nay lại càng đổ dồn vào hơn nữa, khi đó bà chỉ từ tốn thốt lên những điều giản dị về nữ quyền trong thời đại mới của nhà Dior.
Không dừng lại ở đó, khi sàn runway Dior Xuân Hè 2018 bừng sáng trên nền nhạc cổ điển, bước ra đầu tiên là người mẫu Sasha Pivovarova trong chiếc áo phông sọc breton với một dòng chữ in đen: “WHY HAVE THERE BEEN NO GREAT WOMEN ARTISTS?” – Một câu hỏi gây không ít bối rối cho khách tham dự và cả những người hâm mộ của nhà Dior. Nhưng rốt cuộc, không cần biện luận, điều này rõ ràng không hề có nghĩa là NTK Maria Grazia Chiuri đang vờ như không biết đến sự tồn tại của nhiều nữ nghệ sỹ danh tiếng.
Một tuyên ngôn có vẻ gây sốc như vậy thực chất lại là tiêu đề của một bài luận, viết bởi nhà sử học nghệ thuật người Mỹ – Linda Nochlin vào năm 1971, được coi là một bài tiểu luận tiên phong cho lịch sử nghệ thuật nữ quyền và lý thuyết nghệ thuật nữ quyền – khám phá câu chuyện của những nữ nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn về định kiến để đạt được thành công trên con đường nghệ thuật. Vậy, “Why Have There Been No Great Women Artists” có phải là một tuyên bố đanh thép và hoàn toàn phù hợp, trong bối cảnh mà ngành công nghiệp thời trang hiện vẫn do nam giới kiểm soát là chủ yếu, và càng phù hợp hơn nữa trong thời điểm 70 năm lịch sử của nhà Dior mở cửa chào đón vị nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên?
Thời trang có một tiếng nói riêng
Được khẳng định qua nhiều cột mốc lịch sử của thời trang, chứng tỏ: quần áo có thể đóng một vai trò bất ngờ trong cách chúng ta truyền đạt quan điểm đối với thế giới. Bạn có thể đột nhiên thay đổi cách ăn mặc bằng một bộ pantsuits hay áo lụa thắt nơ + chân váy xòe, áo phông slogan đậm nét hay một chiếc boyfriend-jeans rách toạc gối, ngay lập tức trở thành một hành động bộc lộ quan điểm dù là về chính trị, môi trường, nhân quyền, phúc lợi động vật, hay chỉ đơn giản là sống thật với chính mình. Tại buổi trình diễn đầu tiên của mình ở nhà Dior, NTK Chiuri chia sẻ rằng:”Tôi cố gắng hướng sự chú ý và cởi mở đến thế giới, và tạo ra thời trang giống như những người phụ nữ ngày nay“. Thực sự, điều này chính là một trong những chức năng hàng đầu của thời trang, phản ánh thời đại và thể hiện quan điểm của những người làm công việc thiết kế.
Các NTK trẻ vẫn tiếp tục thông qua thời trang để diễn đạt sự ủng hộ nữ quyền (bao gồm quyền lực và các quyền cơ bản của phụ nữ), như cách mà cộng đồng này đã luôn làm trong một số thời điểm quan trọng của lịch sử thời trang. Nhiều NTK nữ, Phoebe Philo (người đã rời Céline vào cuối tháng 12/2017) hay Stella McCartney – một người ủng hộ mạnh mẽ và bảo vệ quyền động vật, đã sáng tạo những bộ quần áo không chỉ để ăn diện, mà còn truyền tải thông điệp ý nghĩa, tiết lộ sự phức tạp và hỗn loạn của cuộc sống phụ nữ ngày nay.
NTK Prabal Gurung đã kết thúc chương trình Thu Đông 2017 tại New York Fashion Week bằng một màn catwalk ấn tượng: dàn người mẫu, Bella Hadid dẫn đầu và bao gồm cả người mẫu plus-size Candice Huffine và Marquita Pring, đã cởi bỏ những chiếc áo choàng lông xa hoa và bộ cánh điệu đà, tưởng như tách biệt nhưng lại là một phần quan trọng của BST, bước đi trên những câu hát Imagine của John Lennon, xen kẽ trong 2 màu đen trắng, những chiếc áo phông xuất hiện với một loạt slogan mang thông điệp nữ quyền như “The Future is Female”, “Voices for Choices”, “Our Minds Our Bodies Our Power”, “We Will Not Be Silenced”.
Thuyết bình quyền nữ giới đã thực sự được xem là xu hướng có độ bao phủ lớn trong mùa New York Fashion Week Thu Đông 2017. Ngoài Prabal Gurung, Christian Siriano và Jonathan Simkhai cũng tự cảm thấy thời trang không thể đứng ngoài những sự kiện chính trị xã hội. Nhưng riêng Gurung, NTK người Mỹ gốc Nepal này, chủ nghĩa nữ quyền không chỉ là một phong trào là còn một ý niệm mà anh đã dùng thời trang để bày tỏ ngay từ những ngày đầu.
Ở mùa Xuân Hè 2017, xúc cảm trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Prabal Gurung đã vinh danh những người phụ nữ tiên phong như Emily E. Dickinson (*1) và Gloria M.Steinem (*2) bằng những trích dẫn trong suốt BST của mình. Một chiếc áo phông đen trang trí sequin và tua sợi, trích dẫn một câu của Susan B.Anthony (*3): “They threw things at me then but they were not Roses”.
Tại New York Fashion Week mùa Thu Đông 2017, Prabal Gurung cũng đã “say yes” và bày tỏ lời cám ơn với nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie và NTK Maria Grazia Chiuri bằng “tiếng nói thời trang” của mình. Trong số hàng loạt chiếc áo phông, có một chiếc màu đen in dòng chữ trắng: “YES, WE SHOULD ALL BE FEMINIST…(Thank you, Chimamanda and Maria)”. Và chính Gurung với tuyên ngôn “THIS IS WHAT THE FEMISNIST LOOKS LIKE” khi xuất hiện cúi chào khách tham dự.
Tiếng nói riêng…
Nhưng ai đang lắng nghe thời trang nói?
Thời trang là một ngôn ngữ phổ quát. Phụ nữ ngày càng ít bị kỳ thị hơn khi nói về thời trang và “styled herself” tại nơi làm việc, hơn là mặc như nam giới và tỏ ra như một “người đàn bà thép” để có thể tiến tới những vị trí cao hơn. Menswear ko còn là cách duy nhất để bày tỏ ý kiến về nữ quyền nữa, cũng không hề là một thái độ đòi hỏi tính thống trị. Nhận thức về nữ quyền có thể trở nên dễ hiểu hơn và đúng là chính nó, khi chúng ta đặt câu hỏi nếu như giới đàn ông cũng bị đánh giá theo cùng một cách. Nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The New York Times: “Khi chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông ăn diện bảnh bao, chúng tôi không đánh giá anh ta phải là một kẻ nông cạn hay một người nghiêm túc”.
Nhà sử học Linda Nochlin phê bình thế giới nghệ thuật và chủ nghĩa tình dục vốn có của nó, tập trung vào những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi tạo ra và trình bày công việc của họ trong lĩnh vực này. Bà giải thích quan điểm và lý tưởng của nam giới được ưu tiên như thế nào, và cụm từ “thiên tài nghệ thuật” chủ yếu chỉ được gán cho nam giới ra sao. Bằng cách kết nối nghệ thuật với làn sống chủ nghĩa nữ quyền, trong sách của Nochlin cho thấy ngay cả trong lĩnh vực thẩm mỹ, bất bình đẳng góp phần xác định ai được xem là một nghệ sỹ và công việc nào được coi là có giá trị văn hóa.
Theo Nochlin, vấn đề không phải là sự thiếu hụt những nữ nghệ sỹ vĩ đại, mà chính không thấu hiểu sự mất cân bằng quyền lực có sức tác động lớn đến nghệ thuật và xã hội. Câu hỏi “Why have there been no great women artists” chỉ mới phản ánh một phần nhỏ trông thấy được của một tảng băng đông đặc những diễn dịch sai lệch và quan niệm sai lầm. Phần chìm của tảng băng trôi là một khối đồ sộ những ý niệm lung lạc về bản chất của nghệ thuật và những tình huống “phu xướng phụ tùy” của nó, về khả năng tự nhiên của con người nói chung và năng lực xuất sắc nói riêng, và về vai trò của trật tự xã hội cũng như sự phát triển vốn đang bao hàm rất nhiều vấn đề.
Khi phụ nữ thiếu các quyền và cơ hội như nam giới ở mọi khía cạnh của cuộc sống, họ sẽ bị đánh giá thấp và không được đại diện trong các lĩnh vực sáng tạo. Ngay cả trong thời trang, một ngành công nghiệp sôi động được thúc đẩy bởi sức mua và sự cuồng tín của những người phụ nữ. Chúng ta thực sự phải nhìn nhận, có rất ít NTK nữ có cơ hội giống như nam giới, thậm chí số NTK nữ thành danh có thể còn ít hơn số nữ nghệ sỹ được công nhận xứng đáng tại các bảo tàng.
Khác với Donatella Versace bước lên sàn runway trong vị thế của một người thừa kế, Maria Grazia Chiuri là một trong số ít những NTK nữ có cơ hội nắm quyền sáng tạo tại ngôi nhà thời trang mang giá trị di sản của toàn cầu. Trong đoạn video behind-the-scenes trên kênh Instagram của Dior trước ngày khai mạc show Xuân Hè 2018, NTK Chiuri đã đặt một câu hỏi và tự chia sẻ: “Có phải ‘feminine art’ đối nghịch với ‘masculine art’? Không, tôi không nghĩ thế. Có nhiều nữ nghệ sỹ trong nhiều lĩnh vực. Chắc chắn, số nhiều ấy vẫn không phải là rất nhiều vì những lý do không liên quan gì đến năng lực. Mỗi câu chuyện điển hình cho mỗi một người, không điển hình cho giới tính của người đó. Mỗi phụ nữ đều có một cái gì đó để nói”.
Đoạn đầu trong bài blog viết bởi NTK Prabal Gurung (Tựa “On Women, Power and Fashion” đăng tải trên Huffingtonpost vào năm 2013), anh bày tỏ rằng: “Luôn có một cảm giác thù địch giữa thời trang và phụ nữ quyền lực, một niềm tin rằng phụ nữ phải hy sinh sự nữ tính để đạt được quyền lực, thẩm quyền và sự tôn trọng – và thời trang nữ tính thì quá phù phiếm đối với một người phụ nữ nghiêm túc. Tôi chưa bao giờ hiểu khái niệm này, và tôi sẽ không làm những gì tôi đang làm hôm nay nếu tin vào điều đó”.
Fashion be what it do. Fashion do what it be
Trong “cuộc đấu tranh văn hóa” đang ngày càng lan rộng về phía đường chân trời, chắc chắn bao gồm nhiều vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt trên khắp thế giới. Thời trang sẽ ngày càng trở thành một phương tiện biểu hiện có tính tiếp cận cao. Mặc dù, thật khó để tưởng tượng phong trào nữ quyền sẽ ra sao trong những năm tới, nhưng khả năng sáng tạo và tư duy đổi mới liên tục trong thời trang sẽ đưa ra những ví dụ tốt, đặc biệt khi xem xét các khía cạnh tiêu cực của ngành công nghiệp này, mà chính nó cũng đã và đang tạo ra một hiệu ứng ngược trong nhiều thập kỷ.
Ngày nay, các nhà hoạt động nữ quyền đã bắt đầu công nhận ý nghĩa của việc ăn mặc hợp thời trang và của các loại trang phục khác nhau. Điều này thậm chí đã đi ngược lại quan điểm nghi ngờ của lý thuyết nữ quyền trong quá khứ. Những hoạt động đấu tranh trước đây, từ bảo thủ đến cực đoan, rất nhiều nhà nữ quyền bác bỏ thời trang vì nhiều lý do chưa thực sự sâu sát, như: thời trang cổ súy sự bộc lộ tính dục của phụ nữ trong việc ăn mặc gợi cảm, càng hợp mốt càng mất phẩm giá; hay vì thời trang tấn công vào tính tiêu thụ và đánh giá năng lực tài chính của phụ nữ; và thật dễ hiểu, thời trang khiến phụ nữ quy phục, cố xỏ chân vào đôi giày cao gót hay bó thắt eo để chạy theo tiêu chuẩn của cái đẹp mà giới thời trang định ra. Những điều này và nhiều điều khác tương tự, đang dần dần thay đổi khi thời trang đương đại đang thể hiện rằng: tiếng nói của thời trang có thể đứng cân bằng trên thuyết bình quyền nam nữ.
Một ngày tháng 3 năm 2017, trước tòa nhà quốc hội của bang Texas, đột nhiên xuất hiện một nhóm phụ nữ mặc áo choàng đỏ dài chấm gót và đội mũ bonnet trắng. Nhóm phụ nữ đã ăn mặc trông giống như đồng phục của những người hầu gái trong tiểu thuyết cổ điển The Handmaid’s Tale – một tác phẩm của Margaret Atwood (*4).
Kể từ khi được xuất bản vào năm 1985, The Handmaid’s Tale đã trở thành “hạt giống tâm hồn” của những người phụ nữ trẻ. Mặc dù đó có thể là một câu chuyện có sức ám ảnh khủng khiếp, soi rọi một ngọn lửa thịnh nộ với một số người, nhưng cũng chỉ là một câu chuyện mà người ta phải tin rằng: không thể xảy ra. Các nhà nữ quyền đã vay mượn những bộ đồng phục, hoàn toàn không khác gì bước ra từ chế độ độc tài toàn trị Gilead trong tiểu thuyết, để nhằm phản đối một loạt các dự luật chống phá thai trong lịch trình lập pháp của bang Texas. Những bức ảnh chụp lại, đã nói lên được nhiều điều mà đến nỗi khiến Ane Crabtree – nhà thiết kế trang phục của bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Handmaid’s Tale, phải bật khóc xúc động và ngồi lặng yên suốt cả giờ đồng hồ.
Series phim The Handmaid’s Tale của kênh truyền hình trực tuyến Hulu đã chiến thắng hạng mục “Phim truyền hình xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Emmy lần 69. Tháng 6/2017, “Vaquera x The Handmaid’s Tale” – một chương trình được tài trợ bởi Hulu và sáng tạo bởi thương hiệu Vaquera, đã trình diễn trong nguồn cảm hứng nghệ thuật độc lập đối với tác phẩm, theo cách một các tiếp cận hoàn toàn khác với điện ảnh – cách tiếp cận của thời trang.
“Việc mất tự do cá nhân, nỗi sợ bị trả thù, sự tàn bạo khi cưỡng ép phụ nữ để phân tầng và phân loại, và hầu hết tất cả họ phải bôi xóa quá khứ và bản sắc của mình là những thứ gây nên sự đau khổ cùng cực” – chính là lời tuyên bố của NTK Vera Wang trước buổi trình diễn Xuân Hè 2018. BST của Vera Wang thực sự là một tham chiếu rõ ràng, phản ánh “tiếng nói” của bà đối với tác phẩm The Handmaid’s Tale, cả với bộ phim do Hulu chuyển thể và những sự kiện chính trị xã hội xảy ra trước đó. Một tông màu xám đặc, không có một dấu vết đỏ và trắng nào của những người hầu gái, nhưng câu chuyện thời trang của Vera Wang lại không bước ra khỏi bối cảnh hư cấu của chế độ gia trưởng độc tài Gilead.
Khác với những chi tiết nặng nề và đè nén của Vera Wang, tại London Fashion Week mùa Xuân Hè 2018, cặp đôi NTK Thea Bregazzi và Justin Thornton của Preen, diễn đạt sức ép giữa chủ nghĩa bảo thủ và tình dục, thông qua những chiếc váy lụa trắng thuần khiết và váy ren đỏ gợi cảm, làm thoát ra nguồn cảm hứng xen lẫn giữa The Handmaid’s Tale và The Scarlet Letter (của tiểu thuyết gia Nathaniel Hawthorne, xuất bản năm 1850).
Thật không quá khó hiểu tại sao các nhà thời trang lại “ngã đổ hàng loạt” trước The Handmaid’s Tale. Những bộ trang phục đỏ luôn gây chú ý, dù là tác phẩm văn học kinh điển, hay chương trình truyền hình hoặc sàn runway. Tuy nhiên, vì một bản chất mà thời trang theo đuổi chính là tính biểu tượng. The Handmaid’s Tale là tượng đài của một sự áp bức, và những người phụ nữ lật đổ cái thế giới tàn nhẫn nén chặt lấy họ, giải phóng cho chính mình. Như Offred – người kể chuyện trong The Hanmaid’s Tale, sau tất cả đã khẳng định: “They should never have given us uniforms if they didn’t want us to be an army” (Tạm dịch: “Họ không nên ép chúng tôi vào những bộ đồng phục nếu họ không muốn chúng tôi trở thành một đội quân”. Có lẽ nào, thời trang cũng vậy, chưa bao giờ ngừng “anti-uniform”.
Chú thích
(*1) Emily Elizabeth Dickinson là một nhà thơ Mỹ có cách sống tự cô lập trong phần lớn cuộc đời của mình. Mặc dù các thành viên khác trong gia đình đều là những nhân vật tích cực tham gia vào chính trị, đóng góp và phục vụ cho tiểu bang, quốc hội và quốc gia.
(*2) Gloria Marie Steinem là một nhà hoạt động chính trị xã hội người Mỹ, được quốc gia công nhận là một nhà lãnh đạo và phát ngôn viên cho phong trào nữ quyền của Mỹ vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.
(*3) Susan Brownell Anthony là một nhà cải cách xã hội Mỹ. Bà còn là một nhà hoạt động vì bình quyền nữ giới, đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử của phụ nữ.
(*4) Margaret Eleanor Atwood – tác giả của The Handmaid’s Tale là một tiểu thuyết gia người Canada, đồng thời là một nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà viết tiểu luận, nhà phát minh, và nhà hoạt động môi trường.
Bài: Xu