Thời trang xa xỉ “chột dạ” trước cáo buộc “Made in China”? 

Ngày đăng: 22/04/25

Cả thế giới như dậy sóng khi loạt video ghi lại cảnh các xưởng gia công tại Trung Quốc sản xuất cho những thương hiệu xa xỉ lan truyền rộng rãi. Từ khóa “Made in China” bất ngờ trở thành tâm điểm tranh cãi. Nhận thức của người tiêu dùng về khái niệm xa xỉ cũng đang dần thay đổi. Liệu các nhà mốt cao cấp có còn giữ được thế độc tôn như trước?

Trong suốt nhiều thập kỷ, ngành thời trang xa xỉ được xem như thành trì bất khả xâm phạm của phương Tây – nơi sự sang trọng được dệt nên từ chất liệu cao cấp, di sản lâu đời và hình ảnh những nghệ nhân thủ công lành nghề sống giữa lòng Florence hay Paris. Thế nhưng, làn sóng toàn cầu hóa cùng những biến động chính trị và công nghệ đang làm rung chuyển nền tảng ấy. 

Trung Quốc – từ lâu bị gắn với định kiến về hàng giả, hàng nhái – nay lại được cho là chính là nơi sản xuất thực tế của hàng loạt sản phẩm xa xỉ bậc nhất thế giới. Câu chuyện “Made in China” không còn bị che giấu, mà đang được phơi bày… công khai trên TikTok.

Khi Tiktok là “toà án” của sự minh bạch 

Ngày 17/4/2025, hàng loạt video lan truyền trên TikTok khiến cả ngành thời trang phải chấn động. Các xưởng may tại Quảng Đông, Thâm Quyến, Hàng Châu… tự nhận là nhà gia công chính thức cho những thương hiệu lừng danh như Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Balenciaga, Estée Lauder, đồng thời hé lộ các công đoạn sản xuất, bảng giá xuất xưởng và thậm chí cả tên thương hiệu mà họ đang sản xuất cho.

Những đoạn clip không chỉ gây sửng sốt bởi độ chân thực – quay trực tiếp từ nhà máy – mà còn bởi mức giá chênh lệch khủng khiếp: một chiếc túi trị giá 20.000 USD ngoài thị trường, nhưng giá xuất xưởng chỉ khoảng 800 – 1.200 USD. Những con số này làm lung lay niềm tin vốn đã mong manh của người tiêu dùng về giá trị thực sự đằng sau cái mác “xa xỉ”.

Không thương hiệu nào lên tiếng xác nhận hay phủ nhận trực tiếp, nhưng trong bối cảnh căng thẳng của thương chiến Mỹ – Trung, nhiều người cho rằng đây là “đòn phản đòn mềm” từ các xưởng Trung Quốc – nhằm giải cứu doanh thu, khẳng định năng lực sản xuất và… vạch trần “sự giả dối” trong cách xây dựng hình ảnh của các “ông lớn” thời trang phương Tây.

@sen.bags_ What on earth are the differences between our bags and those in the brand stores ? #senbag #senbags #china #chinatiktok ♬ original sound – SEN BAGS

Trung Quốc – từ kẻ sao chép đến ông vua gia công cao cấp

Trong mắt người tiêu dùng, “Made in China” từng là nhãn hiệu của sự rẻ tiền và sao chép. Thế nhưng, thực tế đang thay đổi. Trung Quốc đã có nhiều năm tích lũy công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật, đào tạo lao động tay nghề cao và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Từ những mặt hàng fast fashion, Trung Quốc âm thầm vươn lên trở thành trung tâm gia công chính thức của ngành xa xỉ.

Việc các thương hiệu thời trang phương Tây hợp tác với các xưởng gia công tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác không còn là quá xa lạ. Ví dụ như năm 2012, Polo Ralph Lauren vấp phải chỉ trích vì đồng phục đội tuyển Mỹ tại Olympics được may tại Trung Quốc, hoặc như một số sản phẩm của hãng có nhãn mác ghi “made in Vietnam” hay “Made in Cambodia”. 

Khi “xa xỉ” không còn là lãnh thổ độc quyền của phương Tây

Thời trang xa xỉ theo định nghĩa truyền thống là sự kết hợp của 4 yếu tố: tay nghề thủ công, khan hiếm, di sản và xuất xứ. Trong đó, yếu tố “xuất xứ” luôn được các thương hiệu khai thác triệt để như một phần của chiến lược marketing. Một chiếc túi từ Louis Vuitton kể câu chuyện về Paris, là dấu ấn của nước Pháp hoa lệ. Một bộ suit từ Gucci là biểu tượng của văn hóa Ý, của những người thợ Florence sống cùng vải vóc.

Thế nhưng, khi người tiêu dùng biết rằng chiếc túi ấy được may tại Thâm Quyến bởi một công nhân không tên tuổi, không di sản – tất cả “câu chuyện” ấy trở nên mất kết nối, thậm chí bị xem là lừa dối.

“Sức hấp dẫn của các thương hiệu xa xỉ không chỉ nằm ở bản thân sản phẩm; nó gắn chặt với các chiến lược tâm lý và xã hội mà các thương hiệu này sử dụng” Cass Almendral, một nhà phát triển doanh nghiệp ở New York đã viết trên tài khoản LinkedIn của mình. 

“Bằng cách sản xuất tính độc quyền, tận dụng các kết nối cảm xúc và định vị sản phẩm của mình như biểu tượng địa vị, các thương hiệu xa xỉ khéo léo thao túng nhận thức của người tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu”.

Nói cách khác, xa xỉ là một sự tưởng tượng được dàn dựng khéo léo và “Made in China” là cú đánh trực diện vào tưởng tượng ấy.

Khủng hoảng niềm tin và sự lung lay quyền lực thương hiệu

Theo South China Morning Post, doanh thu quý I năm 2025 của tập đoàn LVMH – chủ sở hữu Louis Vuitton, Dior, Celine đã giảm 3%, đánh mất vị trí số 1 về giá trị thị trường vào tay đối thủ Hermès. Một số chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô, cuộc khủng hoảng về niềm tin vào thương hiệu cũng đóng vai trò không nhỏ.

Người tiêu dùng đang cảm thấy bị phản bội. Họ không còn muốn trả 10.000 USD cho một món hàng được sản xuất hàng loạt, thiếu câu chuyện thật, thiếu cảm xúc thật. Việc các xưởng Trung Quốc công khai vai trò của mình đang mở ra một cuộc tái định nghĩa lại “xa xỉ”, nơi sự minh bạch, đạo đức và con người thực sự quan trọng hơn logo và di sản hư cấu.

Phương Tây đã gán vào trong các sản phẩm của mình thứ gọi là “giá trị cảm xúc”. Họ tạo ra sự “hơn người” nhờ vào các chiến dịch tiếp thị, sàn diễn thời trang, hình ảnh ngôi sao và hơn hết là những sự “giới hạn giả định” để đẩy mức giá sản phẩm lên cao ngút trời.  

Đây là một loại “thao túng” hiện đại, nơi phương Tây giữ vị trí người định nghĩa cái đẹp, và phần còn lại của thế giới trở thành người tiêu dùng của định nghĩa đó. Khi thẩm mỹ trở thành công cụ kiểm soát tư duy, thì thời trang xa xỉ không chỉ là ngành công nghiệp, mà là một hệ tư tưởng được đóng gói dưới dạng hàng hóa.

“More than a lipstick – it’s a couture statement” (tạm dịch: Hơn cả một thỏi son – đây là tuyên ngôn của đẳng cấp) – caption trong một bài post quảng bá dòng son mới với đại sứ Jisoo của Dior Beauty.

Chưa thể nói ngành thời trang xa xỉ đang “suy tàn” bởi Made in China, nhưng có thể nói các quy chuẩn truyền thống đang bị thử thách và sự độc quyền về đẳng cấp phương Tây không còn là bất biến.

Nhãn mác là lời cam kết, không phải cái cớ

Các thương hiệu xa xỉ quốc tế một phần nào đó đã “gián tiếp” định nghĩa hàng Trung Quốc là hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là tay nghề mà là cảm nhận của người tiêu dùng.

Khi một thương hiệu cao cấp quảng bá chiếc túi 5.000 USD, khách hàng thường không chỉ mua da, chỉ khâu, hay kim loại. Họ đang mua một câu chuyện: một câu chuyện về di sản, về hàng thế hệ thợ thủ công, về sự độc quyền. Ý tưởng rằng món đồ này có thể được sản xuất hàng loạt tại một nhà máy ở Quảng Đông hay Thượng Hải dường như xóa bỏ đi vẻ huyền bí trong cách chế tác của nó.

Đối với nhiều người, nhãn “Made in China” không gợi lên cảm giác xa xỉ; ngược lại, nó gợi lên cảm giác sản xuất hàng loạt, rẻ tiền, và thiếu tính xác thực.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu các sản phẩm “Made in China” có thực sự xấu? và người tiêu dùng có đang bị lừa dối?  Đây là câu hỏi gây tranh cãi. Một điểm cần nhấn mạnh: sản xuất tại Trung Quốc không đồng nghĩa với kém chất lượng.

“Chất lượng kém chủ yếu là yêu cầu – để tiết kiệm tiền – của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Hàng rẻ tiền sẽ có chất lượng kém, bạn đang mong đợi điều gì?” một người dùng viết trên tài khoản Quora của mình. 

Vấn đề không nằm ở năng lực sản xuất, mà nằm ở sự thiếu minh bạch trong cách truyền thông và xây dựng hình ảnh của thương hiệu.

Người tiêu dùng – đặc biệt là Millennials và Gen Z đang ngày càng quan tâm đến tính minh bạch, đạo đức trong sản xuất, và nguồn gốc thực sự của sản phẩm. Họ đặt câu hỏi: sản phẩm này được làm ở đâu? Ai là người làm ra nó? Có công bằng với người lao động không?

Nếu thời trang là nghệ thuật kể chuyện, thì nhãn mác phải là đoạn kết – nơi câu chuyện được xác thực, không phải được thêu dệt.

Thực hiện: Song Uyên