Thương mại điện tử xa xỉ đang đối mặt với suy thoái?
Ngày đăng: 21/12/23
Các nền tảng thương mại điện tử của ngành hàng xa xỉ đang phải vật lộn với những thách thức đáng kể trong thời gian gần đây.
Điển hình là Farfetch có trụ sở tại London, trong nỗ lực ngăn chặn phá sản, đã chọn bán phần lớn cổ phần cho Coupang, được mệnh danh là “Amazon của Hàn Quốc”. Năm 2021, Farfetch từng được định giá 21 tỷ USD giờ xuống chỉ còn 250 triệu USD vào tuần trước.
Matchesfashion, ban đầu là một doanh nghiệp nhỏ ở Tây Nam London, cũng phải đối mặt với số phận tương tự. Được định giá khoảng 800 triệu bảng trong quá trình Apex Partners mua lại vào năm 2017, gần đây đã được Frasers Group mua lại với giá chưa đến 100 triệu bảng, dẫn đến một khoản lỗ đáng kể cho Apex.
Net-a-Porter thuộc sở hữu của Richemont, với hơn hai thập kỷ hoạt động trong ngành, đã phải vật lộn để đạt được lợi nhuận trong suốt lịch sử của mình với tư cách là công ty tiên phong trong lĩnh vực hàng xa xỉ trực tuyến. Net-a-Porter từng định sáp nhật với Farfetch vào năm ngoái, nhưng quá trình thực hiện quá phức tạp, khiến Richemont phải từ bỏ thỏa thuận.
Mytheresa, một người chơi khác trong lĩnh vực xa xỉ trực tuyến, đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể 70% cổ phiếu trong năm nay. Đối mặt với lợi nhuận giảm dần và “nhu cầu tiếp tục chậm lại”, Giám đốc điều hành Michael Kliger đã báo cáo khoản lỗ ròng 11 triệu euro trong quý kết thúc vào tháng 9 năm 2023, gần gấp ba lần so với mức 3,8 triệu euro trong cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn xa xỉ Kering báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến của các thương hiệu của mình giảm 30% trong quý 3. Trong khi các thương hiệu cao cấp có cửa hàng thực tế có lợi thế là mang lại trải nghiệm mua sắm phong phú hơn tại cửa hàng, thì các nền tảng thiếu sự hiện diện truyền thống sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Farfetch, mong đợi một cứu cánh với khoản tiền mặt trị giá 500 triệu USD từ bên mua Coupang. Tuy nhiên, một mối lo ngại sâu sắc hơn xuất hiện là các nền tảng trực tuyến của hàng xa xỉ sẽ phải cạnh tranh thu hút người mua, đối tượng giờ đang thận trọng và dè dặt trong chi tiêu dành cho mua sắm.
Theo quan sát của Wall Street Journal, “mua sắm hàng xa xỉ trực tuyến đã không còn hợp thời nữa” đối với nhóm nhân khẩu học này. Bối cảnh thay đổi thúc đẩy các nền tảng thương mại điện tử của ngành hàng cao cấp phải xem xét lại các chiến lược và tìm kiếm các phương pháp tiếp cận sáng tạo mới, nhằm khơi dậy sức hấp dẫn của hàng xa xỉ trong bối cảnh thị trường đang phải đối mặt với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và những bất ổn kinh tế.
Thực hiện: K.
Theo Fashion United