Tiền thân tenniscore – thời trang tennis qua từng thời kỳ
Ngày đăng: 16/09/24
Thời trang tennis đã trải qua một cuộc cách mạng ấn tượng, từ những bộ trang phục trắng truyền thống trong thập niên 1900 đến trở thành các xu hướng đa dạng, phong phú về mẫu mã, từ bình dân đến cao cấp. Sự chuyển mình này đánh dấu bước tiến từ trang phục thể thao chuyên dụng sang biểu tượng văn hóa và phong cách cá nhân.
Tại US Open 2024 (giải quần vợt Mỹ mở rộng), Naomi Osaka gây thích thú trong lần quay lại sau thời gian nghỉ ngơi của mình khi diện trang phục thi đấu lấy cảm hứng từ phong cách Lolita và Harajuku dễ thương xuất phát từ văn hóa Nhật Bản – thể hiện sự tôn kính với cội nguồn của mình. Được thiết kế bởi Yoon Ahn từ công ty sáng tạo Ambush, kết hợp với Nike, bộ trang phục nổi bật với sắc xanh neon và trắng. Thiết kế gồm một chiếc váy xếp tầng xanh neon, được chiết eo bằng chiếc nơ trắng, kết hợp với áo khoác trắng đính nơ xanh quá khổ. Điểm nhấn hoàn hảo là đôi giày Nike được thiết kế riêng, trang trí bằng những chiếc nơ nhỏ xinh. Chiếc nơ nữ tính xuất hiện ở khắp nơi, từ áo khoác, váy, đến túi đồ, giày và cả tai nghe, tạo nên tổng thể đầy gây hứng thú không chỉ giới thể thao mà còn tín đồ thời trang khắp thế giới.
Trong ngày thi đấu thứ hai, Naomi Osaka tiếp tục thu hút sự chú ý khi chọn phiên bản trang phục thi đấu với tông màu trắng-đen. Những chiếc nơ ở mọi kích cỡ được gắn khéo léo trên trang phục, tạo nên hiệu ứng thị giác vui mắt, chuyển động theo từng cú đánh, khiến cô trông như một nhân vật hoạt hình bước ra đời thực.
Cùng nhìn lại chặng đường phát triển của thời trang tennis, từ những bộ trang phục thuần trắng và kín đáo dành cho vận động viên, đến những thiết kế đa dạng và táo bạo như bộ trang phục gây ấn tượng của Osaka, chúng ta thấy rõ sự tiến hóa mạnh mẽ, phản ánh sự kết hợp giữa thể thao và thời trang hiện đại.
Những năm 1900 đến 1920
Vào đầu thế kỷ 20, trang phục chơi tennis ưu tiên sự tiện dụng và thanh lịch. Phụ nữ khi ra sân thường diện đầm dài, corset, và mũ rộng vành, trong khi nam giới chọn quần dài và áo sơ mi. Chuẩn mực trang phục thuần trắng đến từ Wimbledon – giải quần vợt danh giá nhất thế giới, được biết đến với quy định nghiêm ngặt yêu cầu các tay vợt phải mặc đồ trắng và đây đã trở thành thông lệ lâu đời cho giải đấu. Màu trắng không chỉ giúp phản xạ nhiệt dưới ánh nắng mà còn khéo léo che đi những vết mồ hôi, giữ cho các tay vợt vẻ ngoài trang nhã, lịch sự.
Vào những năm 1920, tay vợt huyền thoại người Pháp Suzanne Lenglen đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trang phục tennis nữ. Thay cho những chiếc đầm dài đến mắt cá chân gò bó, Lenglen chọn váy xếp ly dài đến bắp chân kết hợp với áo ngắn tay, mang đến sự thoải mái và hiện đại. Chính sự thay đổi được cho là táo bạo tại thời điểm này đã thiết lập một chuẩn mực mới, mở ra kỷ nguyên mới cho thời trang quần vợt nữ, kết hợp giữa tính ứng dụng và phong cách thời trang cá nhân.
Những năm 1930 đến 1940
Những năm 1930 đánh dấu bước ngoặt lớn trong thời trang tennis khi nhà vô địch quần vợt người Pháp René Lacoste ra mắt thương hiệu Lacoste vào năm 1933. Thương hiệu này nhanh chóng nổi tiếng với mẫu áo polo cùng biểu tượng cá sấu đặc trưng, nay đã trở thành “quốc dân” trong phong cách thời trang quần vợt. Phong cách ăn mặc chơi tennis thời kỳ này dần chuyển hướng, trở nên mềm mại, tinh tế và tối giản hơn, vượt khỏi khuôn khổ thể thao để lấn sân sang thời trang.
Một trong những dấu mốc nổi bật là tay vợt người Mỹ Gussie Moran, người đã phá vỡ những quy tắc gò bó của Wimbledon khi táo bạo mặc váy ngắn trên đầu gối, để lộ quần lót viền ren trong lúc thi đấu. Chính sự thể hiện nổi loạn này đã gây chấn động một thời và mở ra cái nhìn mới cho cách ăn mặc tự do và thoải mái trên sân đấu.
Những năm 1950 đến 1960
Cởi mở hơn giai đoạn đầu thế kỷ 20, đến những năm 1950, vẻ đẹp nữ giới không còn bị gò bó trong khuôn khổ kín đáo, và trang phục bắt đầu có xu hướng “lộ” nhiều da thịt hơn, bó sát hơn để tôn vinh những đường cong nữ tính. Thời trang quần vợt cũng không ngoại lệ, khi giai đoạn này chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ với trang phục thi đấu ngày càng ngắn và ôm sát cơ thể. Váy tennis trở nên ngắn đáng kể, trong khi nam giới cũng ưa chuộng kiểu quần short ngắn hơn. Bên cạnh đó, những điểm nhấn đa sắc, logo và phụ kiện dần xuất hiện, làm tăng thêm tính cá nhân hóa, dù màu trắng vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Những năm 1970 đến 1980
Giai đoạn khi thời trang tennis bắt đầu chuyển mình rõ rệt hơn. Hai tay vợt Björn Borg và John McEnroe đã thách thức quy tắc về trang phục với phong cách Flamboyant (phong cách thời trang lòe loẹt, dễ gây chú ý khi sử dụng màu sắc phong phú với các chi tiết thêu, họa tiết..). Björn Borg nổi bật với trang phục thi đấu gắn liền chiếc băng đô đặc trưng và áo polo ôm sát, trở thành biểu tượng của sự sành điệu trên sân đấu. Trong khi đó, John McEnroe không chỉ gây chú ý với lối chơi và cá tính nổi loạn mà còn với phong cách thời trang táo bạo. Họ đã đưa thời trang quần vợt vượt xa giới hạn thể thao, mở ra một thời kỳ mới, nơi trang phục thi đấu thể hiện cá tính và phong cách riêng của mỗi vận động viên.
Quần vợt nữ đã chứng kiến sự trỗi dậy của những thiết kế kết hợp hoàn hảo giữa tính nữ tính và tiện dụng, với dấu ấn đậm nét từ phong cách thanh lịch của Chris Evert. Những bộ trang phục của cô không chỉ tinh tế mà còn được nhấn nhá bằng các phụ kiện đồng bộ, tạo nên hình ảnh vừa duyên dáng vừa mạnh mẽ trên sân đấu, góp phần đưa thời trang quần vợt nữ lên một tầm cao mới.
Những năm 1990 đến những năm 2000
Bước sang thiên niên kỷ mới, ngành thời trang tennis đã bước vào kỷ nguyên của các loại vải hiệu suất cao và thiết kế tiên tiến. Các chất liệu thấm hút mồ hôi, chống tia UV, và những kiểu dáng khí động học trở thành tiêu chuẩn. Bộ đôi vận động viên tennis Venus và Serena Williams không chỉ thống trị môn thể thao này mà còn mở ra tiêu chuẩn mới cho thời trang tennis khi diện những bộ trang phục cắt khoét táo bạo, bó sát và đi ngược lại với quy tắc truyền thống thiếu cởi mở trong thời trang quần vợt truyền thống.
Những năm 2010 đến nay
Ngày nay, thời trang tennis đã trở thành “sân chơi” hấp dẫn cho các thương hiệu xa xỉ, luôn dẫn đầu trong xu hướng đổi mới của trang phục thể thao. Thời trang quần vợt có thể xem là sự giao thoa hoàn hảo giữa phong cách, tính tiện dụng và bản sắc cá nhân. Những tay vợt hàng đầu thường hợp tác với các nhà thiết kế danh tiếng để sáng tạo nên những bộ trang phục độc quyền, không chỉ khẳng định thương hiệu cá nhân mà còn nâng cao phong độ của họ khi thi đấu. Những bộ trang phục thi đấu đặt riêng đã trở thành chuẩn mực của các tay vợt hàng đầu và các nhà tài trợ. Tiêu biểu có thể kể đến sự hợp tác của Rafael Nadal với Nike, Roger Federer với Uniqlo, và Leylah Fernandez với Lululemon, khi họ cùng nhau cá nhân hóa trang phục thi đấu, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho các vận động viên trên sàn đấu.
Từ những thiết kế sáng tạo của Nike, kết hợp tinh tế giữa thời trang đường phố và phong cách thi đấu, cho đến các bộ sưu tập thân thiện với môi trường của NTK Stella McCartney hợp tác cùng Adidas, các thương hiệu xa xỉ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong làng thời trang tennis. Sự giao thoa giữa thời trang cao cấp và tính ứng dụng vượt trội không chỉ giúp các vận động viên tỏa sáng trên sân đấu mà còn thu hút cả giới “ngoại đạo”, những người yêu thời trang và các tay vợt nghiệp dư. Nhìn về tương lai, thời trang tennis sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với những xu hướng vi mô thịnh hành như tenniscore hứa hẹn tiếp tục mở rộng và biến hóa, mang đến những diện mạo mới mẻ, phản ánh tinh thần của môn thể thao và thời đại chúng ta đang sống.
Thực hiện: Lenna