Tự hào màu đỏ sao vàng, Quốc kỳ phấp phới 50 năm hòa bình

Ngày đăng: 30/04/25

Quốc kỳ Việt Nam – lá cờ đỏ sao vàng vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt ký ức và khát vọng của người Việt trong từng khoảnh khắc thường nhật.

Hãy nhớ về hình ảnh người lính năm xưa kiêu hãnh phất cao lá cờ giữa khói lửa chiến tranh. Chính từ những khoảnh khắc ấy, hôm nay ta được sống trong hòa bình, tự do phất cao Quốc kỳ Việt Nam với trọn vẹn niềm hân hoan và tự hào.

Mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ta bắt gặp sắc cờ đỏ sao vàng khắp phố phường để thể hiện niềm tự hào và tưởng nhớ đến những ký ức hào hùng. Lá cờ ấy không chỉ là biểu tượng của chiến thắng, mà còn là lời nhắc về những hy sinh thầm lặng, những khát vọng bền bỉ của dân tộc.

Hòa chung không khí, hình ảnh Quốc kỳ trên áo, trên khăn, trên những chiếc nón lá rất đỗi thân thuộc chắc chắn sẽ luôn là hình ảnh khiến người ta nhận ra rằng, thì ra đây là nét đẹp của hòa bình, độc lập và tự do. 

Nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ Việt Nam

Lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ thiêng liêng của nước Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1940, giữa cao trào của phong trào cách mạng Nam Kỳ. Trong những ngày tháng rực lửa ấy, khát vọng tự do và độc lập đã thôi thúc những người chiến sĩ yêu nước vẽ nên biểu tượng cho một tương lai mới.

Vẫn chưa chắc chắn về người đầu tiên phác thảo lá cờ. Một số tư liệu cho rằng đó là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng đội trước cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong khi đó, một số nguồn lại cho rằng đồng chí Lê Quang Sô tại Mỹ Tho mới chính là người vẽ nên hình dáng đầu tiên của lá cờ. Dù câu chuyện về tác giả còn có những cách nhìn khác nhau, điều không thể phủ nhận là Quốc Kỳ của nước ta ra đời từ một thời khắc đặc biệt: khi dân tộc đứng giữa ngưỡng cửa định mệnh, khao khát được làm chủ vận mệnh của chính mình. Sắc đỏ rực là màu của hy sinh, của tình yêu nước cháy bỏng và ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết của năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh.

Tháng Tám năm 1945, khi Cách mạng giành thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên bầu trời độc lập trong niềm tự hào vô hạn của toàn dân tộc. Và đến ngày 9/11/1946, lá cờ ấy chính thức được ghi vào Hiến pháp, trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua thời gian, hình thức của lá cờ có đôi chút thay đổi, như việc chuyển đường cong cánh sao thành đường thẳng vào năm 1956 nhằm hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, nhưng giá trị biểu tượng và linh hồn của nó vẫn không thay đổi. Lá cờ đỏ sao vàng, đến hôm nay, vẫn là biểu tượng thiêng liêng kết tinh từ máu, từ lòng yêu nước và khát vọng độc lập của hàng triệu con người Việt Nam.

Sắc lệnh số 5-SL ngày 5/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam và Phụ lục mẫu Quốc kỳ kèm theo Sắc lệnh. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).
Phụ lục hình ảnh Quốc kỳ có chỉnh sửa về hình thức theo Sắc lệnh số 249-SL ngày 30/11/1955. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).

Ngắm nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường mỗi dịp lễ lớn, lòng người không khỏi bồi hồi. Giữa sắc đỏ rực rỡ ấy, ký ức lịch sử như sống dậy – những khoảnh khắc thiêng liêng gắn liền với một thời chiến đấu gian khổ và hào hùng. Năm 1973, giữa thời khắc được thông báo chuẩn bị trao trả, đồng chí Hoàng Văn Cờ – chiến sĩ cách mạng đang bị giam đã rạch đùi, rồi cuộn tròn lá cờ đỏ sao vàng quanh vết thương để thoát khỏi sự khám xét nghiêm ngặt của kẻ thù. Biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc đã được ông mang trọn vẹn trở về. Tháng 3 năm ấy, bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), đồng chí Hoàng Văn Cờ đã trân trọng trao lại lá cờ cho ban tiếp nhận tù binh giải phóng. Ngày nay, lá cờ ấy được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 như một hiện vật lịch sử và một minh chứng sống động cho lòng trung thành sắt son, cho tinh thần bất khuất của người lính cách mạng Việt Nam.

Lá cờ thắm máu đào do các cựu tù ở nhà tù Biên Hòa cất giữ. Ảnh: suckhoedoisong.vn.

Trong thời bình, lá cờ ấy vẫn tiếp tục sống, không chỉ trên những công trình công cộng hay mỗi dịp Tết, lễ, mà trong cả những khoảnh khắc đời thường. Mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng, phố xá lại rợp sắc cờ, tiếng hò reo hòa vào nhịp đập yêu nước. Có người từng hỏi: vì sao người Việt lại cuồng nhiệt đến thế với bóng đá? Một nhà báo Anh từng viết một câu rất đắt: “Người Việt Nam không hề yêu bóng đá. Thứ họ yêu chính là Quốc kỳ của họ, và bóng đá là cơ hội để họ mang Quốc kỳ ra, thể hiện lòng yêu nước”. Lá cờ đỏ sao vàng, qua năm tháng, đã vượt khỏi khuôn khổ một biểu tượng chính trị. Nó trở thành một phần ký ức chung, một sợi dây gắn kết lặng lẽ nhưng bền chặt giữa những người con Việt Nam, ở khắp mọi miền đất nước và cả nơi xa xứ.

Ảnh: qdnd.vn

Từ những dòng lịch sử ấy, hình ảnh lá cờ dần trở thành một phần của đời sống tinh thần, từ đại lộ lớn đến từng góc phố nhỏ, từ trang sử đến từng thiết kế áo phông giản dị…

Cờ đỏ sao vàng sống trong thời hiện đại 

Mỗi dịp lễ lớn hay tết cổ truyền, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thân thuộc lại rực rỡ khắp phố phường, không chỉ tung bay trong gió mà còn hiện diện trên vành khăn, nón lá, những chiếc áo đỏ thắm, cùng hàng ngàn nụ cười bừng sáng niềm tự hào.

Ngay lúc này đây, trong không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sắc đỏ thiêng liêng ấy càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ đại lộ đến ngõ nhỏ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc xuất hiện bằng muôn vàn hình thức, mang đến sức hiệu triệu đầy xúc động trong lòng mỗi người Việt Nam.

Dễ thấy và quen thuộc nhất là những chiếc áo phông đỏ in ngôi sao vàng năm cánh với thiết kế đơn giản, dễ mặc và dễ kết hợp, đã trở thành lựa chọn ưu tiên để người dân thể hiện tinh thần nhiệt huyết trong những ngày lễ trọng đại. Trên các sàn thương mại điện tử, lượng tiêu thụ mặt hàng này luôn ở mức cao, thậm chí có cửa hàng ghi nhận hơn gần 100 nghìn lượt bán, với mức giá phổ biến từ 50.000 – 70.000 đồng/chiếc.

Ảnh: Lê Nguyễn Bảo Ngọc.
Ảnh: Thanh Thủy.
Bùi Xuân Hạnh.
Ảnh: Harper’s Bazaar Vietnam.

Không chỉ dừng lại ở những chiếc áo phông, hình ảnh cờ đỏ sao vàng còn được vẽ tay, in ấn, biến tấu đầy sáng tạo trên nón, khăn, huy hiệu và nhiều phụ kiện khác. Những sắc đỏ, sắc vàng thân thuộc len lỏi vào từng chi tiết nhỏ, tạo nên những khoảnh khắc vừa sinh động, vừa dễ thương trong không khí rộn ràng chào mừng ngày lễ trọng đại sắp đến.

Ảnh: bietbeading
Ảnh: ngaos.official
Ảnh: bearbrickbtws
Ảnh: trangbui.official
Ảnh: trangbui.official

Việc khoác lên mình những chiếc áo, chiếc khăn, hay những món phụ kiện in hình cờ đỏ sao vàng là cách người ta thầm nhắc nhớ về cội nguồn, về những tháng ngày gian khổ mà cha ông đã đi qua để giành lấy độc lập, tự do. Trong sắc đỏ rực rỡ ấy, trong ngôi sao vàng lấp lánh ấy, ta như nhìn thấy cả một hành trình dài của dân tộc – một hành trình được viết nên bằng máu, nước mắt và niềm tin bất diệt.

Ảnh: saigonswagger.
Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh Niên.

Ngày nay, tinh thần ấy tiếp tục được thắp sáng trong lòng những người trẻ. Dù mỗi người trẻ có thể mang trong mình những cá tính riêng, những cách thể hiện rất khác biệt, thì sâu trong đó, tình yêu nước vẫn là sợi chỉ đỏ âm thầm nối liền mọi thế hệ. Thông qua sức sáng tạo của lực lượng trẻ, hình ảnh cờ đỏ sao vàng không ngừng được làm mới, được thổi vào sức sống mới, mang theo niềm tự hào nhưng cũng rất tự nhiên, rất đời thường. Việc khai thác yếu tố truyền thống không chỉ là tìm về những giá trị xưa cũ, mà còn là cách để chạm vào trái tim, để kể những câu chuyện mới mẻ và đầy cảm xúc về tinh thần Việt Nam trong thời đại hôm nay.

Thực hiện: Elio