Global Updates 2025: Shein mở xưởng lớn tại Việt Nam, Valentino và Dior dính bê bối

Ngày đăng: 18/05/25

Tổng hợp tin thời trang tuần 2 tháng 5/2025: Dù thương chiến Mỹ – Trung tạm thời hạ nhiệt, ngành bán lẻ toàn cầu vẫn áp lực. Burberry hé lộ tín hiệu hồi phục, Valentino dính bê bối lao động, Dior bị tấn công mạng. Shein mở kho lớn tại Việt Nam giữa căng thẳng chuỗi cung ứng.

Trong tuần thứ hai của tháng 5/2025, ngành thời trang toàn cầu tiếp tục chứng kiến những biến động mạnh mẽ khi các yếu tố địa chính trị, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng cùng lúc gây ảnh hưởng sâu sắc lên thị trường. Tạm thời hạ nhiệt sau thỏa thuận 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến thuế quan đang để lại dư chấn rõ rệt cho các thương hiệu thời trang – từ việc rối loạn hàng tồn kho cho đến loay hoay điều chỉnh chiến lược sản xuất. Trong khi đó, Shein – ông lớn thời trang nhanh – bất ngờ đặt cược lớn tại Việt Nam, đặt ra dấu hỏi về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng “made in Vietnam”.

illustration by Linh J.

Bên cạnh đó, Burberry gây chú ý với tín hiệu hồi phục nhờ chiến dịch bản địa hóa hình ảnh sâu sắc, dù tài chính vẫn chưa bền vững. Ở chiều ngược lại, Valentino vướng bê bối lao động tại Ý, Dior bị tấn công mạng, làm dấy lên lo ngại về rủi ro đạo đức và bảo mật trong ngành xa xỉ. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng thượng lưu lại âm thầm thay đổi – giảm mua hàng hiệu, tăng thời gian tận hưởng cuộc sống riêng tư. Đây là bức tranh thời trang rất cần được theo dõi sát sao.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Tạm hạ nhiệt nhưng bán lẻ thời trang vẫn đối mặt nhiều áp lực

Sau nhiều tuần leo thang căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày. Cụ thể, mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc được hạ từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng giảm thuế với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Đây là bước đi được đánh giá là “giảm sốt” tạm thời cho thị trường toàn cầu, trong đó có ngành thời trang, vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, giới chuyên môn nhấn mạnh: thỏa thuận này chỉ mang tính “ngưng chiến”, không phải kết thúc. Với mức thuế vẫn cao và chỉ có hiệu lực ngắn hạn, các nhà bán lẻ thời trang vẫn đang phải xoay xở để ứng phó với chuỗi cung ứng thiếu ổn định, rủi ro logistics và nguy cơ mất kiểm soát hàng tồn kho.

Các thương hiệu như Temu buộc phải tạm ngưng bán hàng sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ, trong khi Lafayette 148 – thương hiệu thời trang nữ cao cấp của Mỹ (sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc, phân phối tại các cửa hàng như Bergdorf Goodman) nhanh chóng nối lại sản xuất sau khi thuế giảm, cho thấy tâm lý thị trường đang chia rẽ giữa thận trọng và cơ hội. Một số thương hiệu khác như Bogg Bag – thương hiệu Mỹ chuyên túi nhựa chống đổ, phân khúc bình dân và Miista – thương hiệu giày thủ công đến từ Anh, phân khúc trung – cận cao cấp đã cắt giảm quy mô bộ sưu tập Thu/Đông tới 50% để tránh rủi ro dư thừa tồn kho.

Cơn sốt tồn kho là điểm đau đặc biệt với các chuỗi bán lẻ quy mô lớn. American Eagle ghi nhận khoản lỗ 75 triệu USD vì hàng tồn không bán được đúng mùa. Coach (thuộc tập đoàn Tapestry, chuyên túi và phụ kiện thời trang cao cấp) và Aritzia – thương hiệu Canada theo đuổi định vị “everyday luxury”, dành cho phụ nữ trẻ cũng tăng tồn kho lần lượt 6% và 12% trong quý I/2025. Nhiều nhà bán lẻ buộc phải đặt hàng thận trọng hơn, ưu tiên các sản phẩm cơ bản như áo thun, đồ lót… thay vì chạy theo các xu hướng mạo hiểm như blazer oversize, chân váy micro.

Một diễn biến quan trọng khác trong chiến lược chuỗi cung ứng chính là sự kiện Shein chính thức thuê gần 15 hecta đất tại khu công nghiệp gần TP.HCM (Việt Nam) để xây dựng kho vận. Đây là nhà kho đầu tiên của Shein tại Việt Nam và được kỳ vọng giúp hãng giảm phụ thuộc vào hàng sản xuất từ Trung Quốc, trong bối cảnh mức thuế cao và các đặc quyền “de minimis” (miễn thuế với đơn hàng dưới 800 USD) đang bị siết chặt ở Mỹ.

Ảnh minh họa, Shein – kho hàng tại Whitestown Indiana

Với diện tích tương đương 26 sân bóng đá, kho này sẽ trở thành cứ điểm chiến lược giúp Shein xử lý đơn hàng nhanh hơn cho thị trường Bắc Mỹ. Việc chọn Việt Nam – nơi vẫn được hưởng ưu đãi thuế với đơn hàng nhỏ cho thấy hướng đi “chia bài” thông minh giữa các mắt xích chuỗi cung ứng mới.

Nếu chính sách tại Mỹ tiếp tục thay đổi, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sản xuất – phân phối thay thế cho hàng triệu đơn hàng fast fashion toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đặt một dấu hỏi lớn khi mà Việt Nam đang chịu áp lực từ Mỹ về việc ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để tránh thuế. Chính phủ Việt Nam đã cam kết kiểm soát chặt chẽ việc này để duy trì mối quan hệ thương mại ổn định với Mỹ. Liệu chiến lược này của Shein sẽ thực sự suôn sẻ là điều cần theo dõi. 

Cre: Shein

Tạm thời, chiến tranh thương mại đã lắng dịu. Nhưng dưới bề mặt, làn sóng điều chỉnh chuỗi cung ứng, chiến lược tồn kho và mô hình phân phối đang diễn ra mạnh mẽ – và cuộc chơi thực sự có thể mới chỉ bắt đầu.

Burberry: Bắt đầu hồi phục, nhưng chưa chắc “comeback”

Cre: Burberry

Mặc dù doanh thu quý I/2025 của Burberry giảm 6%, kết quả này vẫn “tốt hơn dự báo” (so với mức giảm 8% theo Bloomberg). Cổ phiếu của hãng đã tăng 15% nhờ tín hiệu tích cực ban đầu từ chiến lược tái cấu trúc do CEO mới Joshua Schulman đề xuất. Dưới chiến lược “Burberry Forward”, hãng tập trung quay về giá trị cốt lõi: thiết kế outerwear kinh điển, mức giá dễ tiếp cận hơn, và chiến dịch truyền thông “It’s Always Burberry Weather” gây tiếng vang.

Chiến dịch “London in Love” với dàn celeb như Kate Winslet, Son Sukku hay Naomi Campbell được đánh giá là cú hích truyền thông hiệu quả, khơi gợi cảm xúc bản địa sâu sắc. Song song đó, hãng công bố kế hoạch cắt giảm 1.700 nhân sự để tiết kiệm chi phí và tái đầu tư vào marketing và thiết kế.

Cre: Burberry

Tuy nhiên, Burberry vẫn đang chịu lỗ ròng hơn 66 triệu bảng trong năm tài chính vừa qua. Dù giới đầu tư thể hiện lạc quan, giới chuyên môn cảnh báo rằng đà phục hồi vẫn mong manh khi nhu cầu hàng xa xỉ toàn cầu chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Valentino & Dior: Những cú sốc về đạo đức và bảo mật

Cre: Valentino

Tuần qua, Valentino gây chấn động với thông tin thương hiệu này rơi vào tình trạng giám sát hành chính tại Ý do cáo buộc bóc lột lao động, cụ thể là sử dụng chuỗi cung ứng không minh bạch liên quan đến các xưởng sản xuất thời vụ. Nếu các cáo buộc được xác minh, đây sẽ là cú đánh mạnh vào danh tiếng của Valentino trong bối cảnh ngành thời trang ngày càng bị soi xét về trách nhiệm xã hội và ESG.

Christian Dior thì lại trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, khiến hệ thống bảo mật dữ liệu khách hàng bị đe dọa. Vụ việc đang được điều tra nhưng cho thấy thách thức lớn về an ninh số trong ngành xa xỉ, đặc biệt khi các thương hiệu ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu cá nhân để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.

Người tiêu dùng xa xỉ: Ít đồ hiệu, nhiều đất đai

Cre: Topping rose house, Bloomberg

Bloomberg ghi nhận xu hướng ngày càng rõ rệt: tầng lớp thượng lưu Mỹ đang cắt giảm chi tiêu xa xỉ và dành nhiều thời gian hơn ở các căn nhà nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và thuế tăng, nhiều người giàu chọn cuộc sống “ẩn cư sang trọng” thay vì mua sắm túi hiệu hay đồng hồ xa xỉ. Các thương hiệu đang phải thích nghi với hành vi tiêu dùng mới này bằng cách cá nhân hóa trải nghiệm, tổ chức sự kiện thân mật tại các địa điểm biệt lập hoặc hợp tác với các bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.

Tham khảo: Bloomberg, Business of Fashion (BoF), Vogue Business

Thực hiện: Linh J.