Tom Ford và các thương hiệu thời trang trẻ sẽ ra sao sau sự ra đi của nhà sáng lập?
Ngày đăng: 27/07/24
Sự rời đi của các nhà sáng lập đang đặt ra một thách thức lớn cho thời trang xa xỉ, đặc biệt đối với những thương hiệu trẻ.
Tom Ford đang trải qua giai đoạn chuyển đổi quan trọng sau thời gian ngắn Peter Hawkings làm giám đốc sáng tạo. Cùng với Helmut Lang, Martin Margiela và Jil Sander, các thương hiệu này đang phải đối mặt với những thách thức của việc duy trì động lực sáng tạo trong thời kỳ đầu không có người sáng lập.
Sự khó khăn này trái ngược với sự ổn định tương đối của Chanel, Balenciaga và Givenchy, những nhà mốt đã trải qua quá trình chuyển đổi tương tự từ lâu. Khác biệt này đặt ra một câu hỏi quan trọng mà ngành thời trang phải đối mặt: làm thế nào các thương hiệu xa xỉ trẻ hơn có thể phát triển thành công vượt ra ngoài những người sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng trong khi vẫn bảo tồn được DNA cốt lõi của họ?
Làm thế nào các thương hiệu xa xỉ trẻ hơn có thể phát triển thành công vượt ra ngoài những người sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng trong khi vẫn bảo tồn được DNA cốt lõi của họ?
Vấn đề bảo tồn DNA thương hiệu
Điều này bao gồm nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là khái niệm về di sản thương hiệu. Những nhà mốt lâu đời có lợi thế về thời gian, khi bản sắc của họ được lưu giữ và phát triển qua nhiều thập kỷ.
Như trường hợp của Dior, Chanel và Louis Vuitton, các thương hiệu đã tồn tại qua nhiều thế hệ sau những người sáng lập. Sự trường tồn này mang đến cơ hội phát triển DNA thương hiệu vượt qua mọi tầm nhìn sáng tạo đơn lẻ, tạo điều kiện cho việc chuyển giao thuận lợi giữa các giám đốc nghệ thuật.
Khi đặt lên bàn cân so sánh với Chanel – hiện cũng đang trong quá trình bổ nhiệm người dẫn đầu sáng tạo mới sau khi chia tay Virginie Viard, có thể chắc chắn rằng thương hiệu này sẽ chịu ít biến động hơn Tom Ford.
Bất lợi về thời gian
Ngược lại, các thương hiệu trẻ như Tom Ford ở trong một vị thế bấp bênh hơn. Sự ra đi của người sáng lập khi thương hiệu còn non trẻ để lại một di sản chưa đủ sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng và giới mộ điệu thời trang. Do vậy, những nhà lãnh đạo mới phải gồng gánh một nhiệm vụ khó khăn: điều hướng sự cân bằng giữa việc vạch ra lộ trình phát triển mới cho thương hiệu mà vẫn tôn vinh bản sắc của nhà mốt.
Đối với các thương hiệu mới, khách hàng thường đưa ra kỳ vọng rất cao dựa trên những thành tựu mà nhà sáng lập để lại. Do đó, bất kỳ sự sai lệch nào cũng có thể trở thành điểm gây tranh cãi.
Bối cảnh công ty càng làm vấn đề phức tạp hơn
Các thương hiệu cao cấp như Balenciaga và Fendi từ lâu đã được sáp nhập vào các tập đoàn xa xỉ lớn với hệ thống quản lý chuyển đổi nhà thiết kế được vận hành trơn tru.
Trong khi đó, các thương hiệu trẻ thường trải qua những thay đổi lớn đầu tiên về mặt lãnh đạo dưới sự điều hành của các công ty mới. Điều này có thể dẫn đến xung đột giữa kỳ vọng sáng tạo và áp lực kinh doanh, làm gia tăng thêm những bất ổn trong quá trình chuyển đổi.
Bản thân ngành thời trang cũng đã trải qua những thay đổi lớn. Quá trình chuyển đổi của các thương hiệu lâu đời diễn ra trong thời đại truyền thông ít bị giám sát chặt chẽ và chu kỳ thời trang diễn ra chậm hơn.
Ngược lại, các thương hiệu ngày nay phải điều hướng quá trình phát triển dưới sự giám sát 24/7 của vô vàn phương tiện truyền thông xã hội, trong một thị trường đòi hỏi sự đổi mới liên tục, chưa kể đến lợi nhuận của cổ đông.
Các nhà mốt lâu đời còn có lợi thế về danh mục sản phẩm đa dạng và nhiều luồng doanh thu, giúp bảo vệ thương hiệu khỏi sự hỗn loạn trong quá trình chuyển đổi sáng tạo.
Trong khi các thương hiệu trẻ thường phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm đặc trưng hoặc gu thẩm mỹ của nhà sáng lập, khiến họ phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn trong thời kỳ biến động sáng tạo.
Khi chứng kiến Tom Ford đối mặt với thách thức này, nhiều người đặt ra câu hỏi: liệu những nhà mốt trẻ có thể chuyển đổi thành công như các thương hiệu lâu đời không? Câu trả lời nằm ở khả năng chắt lọc bản chất của tầm nhìn sáng lập thành một tập hợp các giá trị thương hiệu cốt lõi có thể chịu được và thích ứng với sự thay đổi trong lãnh đạo sáng tạo.
Ví dụ, Helmut Lang chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao thành công dưới thời giám đốc sáng tạo như khi ông Lang thiết kế. Jil Sander cũng trải qua nhiều lần thay đổi sáng tạo, bao gồm Milan Vukmirovic, Raf Simons, Rodolfo Paglialunga, sự trở lại ngắn ngủi của người sáng lập Jil Sander và hiện tại là Lucie và Luke Meier.
Đối với Tom Ford, công ty chủ quản Estée Lauder đã phải trả giá đắt khi để doanh số suy giảm. Dưới sự chỉ đạo của ông Ford, mọi khía cạnh từ tiếp thị, thiết kế cửa hàng, chiến dịch quảng cáo, trình diễn thời trang và thiết kế các bộ sưu tập đều được mài giũa theo tầm nhìn của ông. Nhưng nếu doanh số bán mỹ phẩm và nước hoa giảm, Estée Lauder sẽ cần một kế hoạch dự phòng nếu người kế nhiệm đầu tiên của ông Ford, Peter Hawkings, không thể duy trì quá trình chuyển đổi.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Fashion United