Sức mạnh của tính biểu tượng: Trang phục Olympic đã kể câu chuyện văn hóa như thế nào?
Ngày đăng: 23/07/24
Tận dụng tiếng vang của thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh, các quốc gia đã chiêu đãi khán giả một bữa tiệc thị giác mãn nhãn. Sự kết hợp giữa chuyển động cơ thể với những bộ trang phục mang tính biểu tượng đã kể lên những câu chuyện thú vị về văn hóa đất nước.
Olympic Paris 2024 đang diễn ra đã thắp lên ngọn lửa hân hoan trên toàn thế giới khi trình diện hàng loạt đồng phục mãn nhãn, đa dạng từ chất liệu, màu sắc đến họa tiết. Những bộ trang phục này không chỉ đơn thuần là bắt mắt mà còn chứa đựng những câu chuyện đang chờ được kể.
Câu chuyện được kể qua trang phục thi đấu
Những thiết kế đặc biệt này đã vượt ra khỏi khuôn mẫu trang phục thi đấu thông thường. Dưới bàn tay tài hoa của những nhà thiết kế danh tiếng, những bộ cánh thi đấu đã vươn lên thành biểu tượng văn hóa kiêu hãnh của mỗi quốc gia, khoác lên tuyển thủ như một lá cờ tổ quốc, đại diện cho tinh thần thể thao và ý chí dân tộc. Những bộ trang phục được chắt lọc qua từng đường khâu mũi chỉ, nghiêm ngặt trong lựa chọn chất liệu, màu sắc và họa tiết để mang dấu ấn đặc trưng của từng nền văn hóa. Qua những kiệt tác nghệ thuật này, nhà thiết kế đã thể hiện sự tôn vinh với giá trị văn hóa bản địa, giúp các quốc gia khẳng định vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu.
Song song với giá trị văn hóa, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng của trang phục là điều quan trọng không kém. Nhà thiết kế cần đảm bảo sản phẩm phù hợp với từng vóc dáng và các môn thể thao riêng biệt, đồng thời đảm bảo sự thoải mái khi vận động, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho tuyển thủ. Vì vậy, chất liệu vải là một yếu tố quan trọng. Ví dụ như thương hiệu Puma trong Olympics 2024 đã sử dụng vải jacquard trong thiết kế, kết hợp với công nghệ thermoadapt điều chỉnh nhiệt độ để tạo nên bộ trang phục có khả năng thoáng khí và thấm hút cao, giúp vận động viên luôn khô ráo trong mọi điều kiện thời tiết.
Những chuyển động họa tiết bắt mắt
Theo từng chuyển động cơ thể của tuyển thủ, những họa tiết cầu kì trong bộ trang phục ôm sát cơ thể đã sống động hơn bao giờ giờ, tạo nên những chuyển động họa tiết mãn nhãn cho khán giả. Màn trình diễn các môn thể thao không chỉ gói gọn trong phương diện so tài thể chất và tôn vinh giá trị nỗ lực của con người, mà còn là sự thể hiện của cái đẹp thẩm mỹ của bản sắc văn hóa. Những họa tiết được sắp xếp và phối hợp có dụng ý, vượt xa khỏi khuôn khổ trang trí đơn thuần, giúp nâng tầm màn thi đấu về mặt thẩm mỹ và hoàn thành xuất sắc chức năng kể chuyện.
Olympic 2024 nổi bật với đội tuyển Mông Cổ với trang phục nghi lễ đậm tính Á Đông được thổi hồn trong từng chi tiết. Thiết kế ấn tượng này là sự kết hợp ăn ý giữa biểu tượng thể thao và giá trị văn hóa quốc gia. Những họa tiết được thêu tay tinh xảo bằng chỉ vàng với hình ảnh mặt trăng, mặt trời, Gua-Maral đặc trưng của xứ Mông Cổ cùng biểu tượng ngọn đuốc Olympic, mang đến tổng thể trang phục sang trọng, nội lực và uy nghiêm.
Nhưng sự trầm trồ trước những chuyển động họa tiết không chỉ gói gọn trong Olympic 2024, thế vận hội những năm về trước cũng từng chứng kiến và ngất ngây trước hàng loạt những trang phục mang màu văn hóa từ nhiều nơi trên thế giới tụ về. Giới phù thủy làng thiết kế đã biến hóa những họa tiết phức tạp, dạo chơi với màu sắc và chất liệu để hình thành nên những đứa con tinh thần đáng tự hào.
Cùng tìm hiểu những bộ trang phục bắt mắt, đã xuất sắc kể nên câu chuyện văn hóa trong các mùa trước qua từng thiết kế riêng biệt cho những môn thể thao và nền văn hóa khác nhau.
Bơi lội nghệ thuật
Bơi lội nghệ thuật là sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và thể thao. Môn thi đấu này là màn biểu diễn có cốt truyện, và vận động viên sẽ trở thành người kể chuyện thông qua các động tác nhuần nhuyễn được thực hiện trên nền nhạc. Có thể nói, mỗi tiết mục thi đấu là một vở diễn, nơi hồ bơi là sân khấu và vận động viên với tư cách người biểu diễn đang chinh phục khán giả bằng kỹ năng kể chuyện của mình. Vì vậy, trang phục đóng vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao sức hấp dẫn thị giác mà còn truyền tải thông điệp một cách sinh động.
Vào Olympic năm 2016, nữ vận động viên từ Trung Quốc đã khoác lên mình bộ trang phục có họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa Á Đông, đặc trưng bởi màu sắc ấm nóng, cùng biểu tượng con rồng kết hợp với những đường viền đính đá lấp lánh. Tổng thể tạo nên một bức tranh rực rỡ như pháo hoa ngày Tết, thu hút mọi ánh nhìn của khán giả và khắc họa sâu sắc câu chuyện văn hóa.
Trượt băng nghệ thuật
Trượt băng nghệ thuật là một môn thể thao trên băng, vận động viên cần kỹ thuật, sức khỏe và sự dẻo dai để thực hiện nhiều động tác như trượt, nhảy, xoay và các động tác kết hợp khác. Qua từng chuyển động của người biểu diễn, câu chuyện sẽ được kể khéo léo kết hợp âm nhạc và trang phục.
Tại Olympic Bắc Kinh 2022, Misato Komatsubara và Tim Koleto bày tỏ lòng tôn kính đối với quê hương Nhật Bản của Misato Komatsubara bằng cách lựa chọn trang phục lấy cảm hứng từ kimono. Tính biểu tượng được thể hiện qua những họa tiết thêu tay hoa anh đào với chi tiết ánh bạc tinh xảo, kết hợp với màu đỏ rượu đặc trưng của xứ mặt trời mọc.
Wang Shiyue và Liu Xinyu đến từ Trung Quốc tại thế vận hồi cùng năm đã mặc trang phục mang hơi thở của phong cách tranh thủy mặc. Đây là loại hình hội họa truyền thống của Trung Quốc, gắn liền với hình ảnh sông, núi, nước non hữu tính. Khi khoác lên mình lá cờ tự hào dân tộc, người nghệ sĩ như hòa làm một cùng câu chuyện, trở thành người kể chuyện chân thật nhất, khéo léo mời gọi khán giả bước vào bức tranh truyền thống ngàn đời.
Thể dục nhịp điệu
Thể dục nhịp điệu (rhythmic gymnastics) là môn thể thao nghệ thuật. Vận động viên sẽ sử dụng các dụng cụ như ruy băng, vòng, bóng và gậy kết hợp với các động tác phức tạp. Người tham gia thi đấu cần có khả năng giữ thăng bằng, sự dẻo dai và sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, để tạo nên những tư thế đẹp mắt, tuyển thủ cần giữ sự tập trung tuyệt đối dưới áp lực cao để có thể kiểm soát nhịp độ cơ thể nhịp nhàng với thao tác sử dụng dụng cụ.
Trang phục biểu diễn bộ môn này thường được thiết kế bó sát với chất liệu đàn hồi cao, giúp vận động viên có thể tự do chuyển động và giải phóng cơ thể. Những họa tiết thường được chế tác cầu kỳ với những đường viền lấp lánh, sinh động di chuyển theo từng nhịp điệu của vận động viên, tạo nên những chuyển động bắt mắt. Tại Thế vận hội Rio 2016, nữ vận động viên Natalia Azevedo Gaudio đến Brazil đã biểu diễn trong bộ trang phục với màu sắc chủ đạo xanh lá của lá cờ quê hương. Thiết kế được kết hợp cùng họa tiết thêu tay cầu kỳ, những đường cong mang màu xanh dương được cắt may tinh tế, cùng chi tiết tua rua đặc trưng của “xứ sở Samba” đã thể hiện niềm tự hào dân tộc, và thành công truyền tải bản sắc văn hóa nước nhà đến với toàn thế giới.
Trượt tuyết Alpine
Trượt tuyết Alpine là một môn thể thao trong đó vận động viên sử dụng ván trượt tuyết để di chuyển xuống các sườn núi có độ dốc lớn. Bộ môn thể thao này đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật điều khiển tốc độ và khả năng định hương chính xác. Tất nhiên, với bộ môn mạo hiểm này thì chất liệu vải và khả năng bảo vệ là điều được đặc biệt quan tâm. Dù vậy, điều này không thể ngăn cản các nhà thiết kế trổ tài sáng tạo để thể hiện bản sắc dân tộc qua những họa tiết ấn tượng.
Tại thế vận hội 2018, nhóm tuyển thủ đến từ Mexico đã diện bộ trang phục ôm sát với những họa tiết và màu sắc rực rỡ, thổi vào cuộc thi không khí tưng bừng mùa lễ hội đặc trưng của văn hóa nơi đây. Thiết kế với hàng loạt họa tiết đầu lâu phức tạp được xuất hiện dày đặc với chủ đích tôn vinh ngày lễ truyền thống “Day of the Dead”. Đây là ngày lễ của Mexico được tổ chức vào ngày 1 và 2 tháng 11 để tri ân và tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất.
Môn thể thao tưởng chừng như mạo hiểm, khô khan lại truyền tải một bức tranh giàu lòng trắc ẩn với những cảm xúc tinh tế và phức tạp của con người. Bộ trang phục như mở ra một thế giới “bên kia” nhiệm màu và huyền diệu như những khung hình mãn nhãn trong bộ phim hoạt hình Coco nổi tiếng.
Thực hiện: Lan Hương