“Trashcore” – Xu hướng ăn mặc “lộn xộn” lên ngôi
Ngày đăng: 21/04/25
Thời trang vốn là một vùng đất hào nhoáng; nó hoàn mỹ đến mức phi thực tế. Thế giới đó luôn muốn nhấn chìm và xóa sổ sự tồn tại của thuật ngữ “lộn xộn”; cho đến khi chúng ta bước vào kỷ nguyên đề cao sự bứt phá, để chứng kiến màn lấy lại thanh danh của nét thẩm mỹ tương phản này, trong hình hài của xu hướng trashcore.
Từ Timothée Chalamet, Kristen Stewart cho đến các ngôi sao nhạc pop như Justin Bieber và Addison Rae, những bức ảnh paparazzi mới nhất của họ khi lượn quanh Hollywood dẫn lối ta trở về giữa những năm 2000 hoài niệm.
Đó là những bức ảnh chụp được khoảnh khắc luộm thuộm của nhiều ngôi sao nổi tiếng. Những vẻ ngoài thời trang “phớt lờ” sự tồn tại của các stylist chuyên nghiệp trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều tạp chí, trang tin thời trang lúc bấy giờ, nhưng với khía cạnh tiêu cực.
Bởi lẽ, khái niệm “luộm thuộm” chưa được chào đón trong bối cảnh thời trang được cai trị bởi sự hào nhoáng và cường điệu. Một chiếc áo khoác quá cỡ kết hợp “bất quy tắc” với chiếc đầm satin lụa dự tiệc tối qua, chiếc áo thun ngắn cũn cỡn mặc đại với chiếc quần cạp trễ trong bộ tracksuit,…những bản phối hỗn loạn này ngày đó được định nghĩa như một bản sao “xấu xí” hơn của phong cách Y2K nóng bỏng, đầy phóng khoáng.

Từ bộ phim hài “Zoolander” làm khuynh đảo ngành thời trang năm 2001 khi giới thiệu bộ sưu tập lấy cảm hứng từ người vô gia cư có tên gọi “Derelicte”.
Sau đó, một phiên bản đời thực đã xuất hiện trên sàn diễn chỉ một năm trước đó, khi vĩ nhân John Galliano trình làng bộ sưu tập thời trang Couture mùa mốt Xuân/ Hè 2001 cho Christian Dior, với những chiếc quần ống rộng rách nát cùng đai thắt lưng được làm từ nhiều chai rượu, tách uống trà nhỏ xíu treo lủng lẳng ở eo, nhiều chiếc đầm chấp vá bằng nhiều loại chất liệu,…Tuy nhiên, tất cả sự hỗn loạn đó không được đón nhận vào thời điểm đó, thậm chí còn được cho là phản cảm và không phù hợp với thị hiếu đại chúng.

Mặt trái của vẻ hào nhoáng và hoàn mỹ trong thời trang luôn ở đó, tồn tại trong bóng tối và sự “ruồng bỏ”. Nó chờ đợi thời khắc để toả sáng, hoặc ít nhất là lấy lại sự công bằng. Trong thời đại số, kỷ nguyên đề cao sự thể hiện và bộc lộ bản sắc khác biệt, làng mốt chứng kiến vẻ ngoài lộn xộn trở thành nét thẩm mỹ len lỏi vào tủ quần áo xa xỉ của nhiều ngôi sao Hollywood ngày nay.
Nhưng, không giống như những gì đã xảy ra cách đây hai mươi năm, sự hồi sinh nét thẩm mỹ đặc biệt này không còn là kết quả của sự bất cẩn hay tự phát. Nó không còn là sự cẩu thả tự nhiên nữa, giờ đây các bản phối lộn xộn đó được sắp xếp một cách có chủ ý, có chiến lược và thậm chí mang theo giá trị nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Trashcore là gì?
Tuy là sự kết hợp “bất trật tự”, nhưng ngày nay mọi chi tiết đều được nghiên cứu tỉ mỉ. Tờ Wall Street Journal đã định nghĩa nét thẩm mỹ mới này là xu hướng “trashcore”, trong khi Dazed đưa ra một cách đọc có mục tiêu hơn, đổi tên thành “quirked-up white boy”.
Mặc dù vẫn chưa có tên gọi cụ thể, nhưng khái niệm thẩm mỹ thời trang mới này được định nghĩa khá rõ ràng. Nó là cách ăn mặc bước ra từ những bộ phim lãng mạn đầu những năm 2000, pha trộn với chủ nghĩa hippie cực đoan, cuối cùng là kết hợp với định hướng đương đại.
Các tín đồ hưởng ứng xu hướng trashcore thích diện nhiều thứ cùng một lúc, nhiều kiểu dáng trang phục trong cùng một bản phối mà không cần nó đúng, sai hay phù hợp hay không. Nếu trang phục của họ sờn rách thì chúng cũng được cố ý làm vậy. Vượt xa một xu hướng thời trang, bên trong bản phối trashcore hiện thân cho tinh thần luôn muốn bứt phá, thái độ mỉa mai và tinh nghịch trước một thời đại của thuật toán.

Sự trở lại của phong cách còn được xem là sự phản ứng của làng mốt sau nhiều năm thống trị của làn sóng “quiet- luxury”; đồng thời phản đối một trong những thách thức cấp bách nhất của ngành công nghiệp sáng tạo đương đại, nhất là khi chủ nghĩa bảo thủ về mặt thẩm mỹ đang phát triển mạnh mẽ.
Các “nguồn tư liệu” tham khảo “sống” để bắt nhịp xu hướng trashcore
Trong số những ngôi sao tiên phong dẫn đầu cơn lốc xoáy xu hướng mang tên “trashcore” , Timothée Chalamet và Addison Rae là cái tên nổi bật.
Trong chuyến press tour quảng bá bộ phim “A Complete Unknown”, nam ngôi sao Chalamet đã xuất hiện trước thảm đỏ với một phong cách hoàn toàn kháctrước đây. Nếu trong era của “Dune” và “Wonka”, Timothée Chalamet trở thành một biểu tượng thời trang mới với phong cách thanh lịch, tinh tế và mang tính thử nghiệm cao, thì trong hệ quy chiếu của “Bob Dylan” (nhân vật anh thủ vai trong A Complete Unknown) nam ngôi sao theo đuổi một diện mạo mang tính chiết trung hơn.
Trong một nốt nhạc, stylist Taylor McNeill đã chuyển hoá tủ quần áo ngập tràn những bộ vest may đo tinh xảo của Timothée Chalamet sang các bản phối tinh nghịch hơn – mix & match không theo quy tắc chính thống từ cách hoàn thiện chúng với chiếc khăn choàng màu mè, nón lưỡi trai cho đến thay thế chiếc quần âu bằng quần jeans bụi bặm.
Đối với Addison Rae, một ngôi sao sáng đầy tiềm năng được thế giới thời trang đang o bế, cuộc thảo luận về “trashcore” trở nên phức tạp hơn. Trên thảm đỏ và sân khấu biểu diễn, Addison Rae và stylist Dara Allen là bộ đôi chinh phục được sự khó tính của làng mốt bằng nhiều vẻ ngoài tiên phong. Tuy nhiên, trên đường phố nữ ca sĩ toả sáng với độ nhận diện hoàn toàn khác biệt. Cô bỏ ngoài tai những nguyên tắc thời trang cứng nhắc, để cái tôi bứt phá và bản chất thực sự của trashcore bên trong cô ấy được bộc lộ mạnh mẽ hơn. Những bản phối áo thun có slogan mà Addison Rae diện dưới phố làm chúng ta dễ dàng liên tưởng đến vẻ ngoài mang tính biểu tượng của Britney Spears, đặc biệt là ở kỷ nguyên gữa các album “In the Zone” và “Blackout”.
Một trong những vẻ ngoài mang phong cách trashcore của Addison Rae để lại dấu ấn khó phai chính là khi nữ ca sĩ diện ở buổi ra mắt đĩa đơn “Aquarine”: một chiếc áo ngực hình vỏ sò, quần tất lưới màu xanh, khăn choàng lông giả, dây chuyền ngọc trai dài và kính râm bản to của Jacques Marie Mage. Tưởng chừng là một bản hoà phối “đau tai” nhưng những món đồ đó đã tạo nên một diện mạo thời trang cao cấp đầy bất ngờ.
Trong sân chơi sáng tạo đầy tự do của trashcore, cái tên Justin Bieber không thể không nhắc đến. Trong những năm gần đây rũ bỏ hình tượng “hoàng tử nhạc Pop” – được biết bao cô gái mê mẩn, cũng như vẻ ngoài đậm chất hiphop của ego Bizzle, Justin Bieber đã để ngôn ngữ hỗn loạn của trashcore định hình nên phong cách thời trang đặc trưng của mình. Những bộ quần áo của chủ nhân bản hit mọi thời đại “Baby” luộm thuộm và lộn xộn đến mức chúng khiến nam ngôi sao nhận về những lời buộc tội có vấn đề với chất gây nghiện.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine