Triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” – Cuộc đối thoại đầy khiêu khích với nghệ thuật cổ điển
Ngày đăng: 30/06/24
Tại Galleria Borghese, với sự hậu thuẫn của nhà mốt Fendi, “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” là triển lãm đầu tiên dành riêng cho nữ nghệ sĩ đương đại ở Rome, Ý.
Từ năm 1925, cuộc gặp gỡ giữa nhà mốt Fendi và thế giới nghệ thuật, văn hóa đã được hình thành, khi Edoardo và Adele Fendi thành lập cửa hàng sang trọng ở Rome. Mối liên kết đó ngày thêm sâu sắc nhờ vào móc nối bền chặt giữa các giá trị truyền thống, hiện đại, sự khéo léo, sự sáng tạo, và cả tinh thần Ý.
Tất cả được củng cố theo thời gian nhờ vào cam kết mạnh mẽ của nhà mốt Ý, khi thiết lập những mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa Ý trên khắp thế giới, với tất cả những thành tựu và tài năng xuất sắc của đất nước này. Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cũng như củng cố mối quan hệ với nghệ thuật, văn hóa ngày thêm vững mạnh, Fendi hậu thuẫn cho cuộc triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” được tổ chức tại không gian trưng bày đầy thăng hoa của Galleria Borghese. Sau lần hợp tác đầu tiên từ năm 2017 đến năm 2020, vào tháng 3 năm 2023, Fendi “nối lại tình xưa”, tái thiết lập mối quan hệ hợp tác với Galleria Borghese bằng cách hỗ trợ triển lãm Giuseppe Penone. Gesti Universali từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 và tiếp theo là triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories”
Được diễn ra kéo dài từ ngày 21 tháng 6 cho đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, đây là cuộc triển lãm đầu tiên dành riêng cho một nữ nghệ sĩ đương đại người Mỹ gốc Pháp, một trong những người có sức ảnh hưởng nhất đến lãnh địa nghệ thuật trong suốt thế kỷ trước – Louise Bourgeois. “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” là sự tôn kính dành cho những đóng góp sâu sắc của bà đối với nghệ thuật điêu khắc, được đặt để trong cuộc đối thoại với bộ sưu tập trưng bày trong cảnh sắc tráng lệ của Galleria Borghese. Là một người Mỹ gốc Pháp, nổi tiếng trong nghệ thuật đương đại, tên tuổi của Louise Bourgeois vốn gắn liền với tác phẩm nhện Maman, từ đó bà cũng được gọi là “Spiderwoman”. Louise Bourgeois, “Bà Nhện” còn được xem là người sáng lập ra “confessional art” – một khuynh hướng nghệ thuật, trong đó tác giả đưa những yếu tố (có thật) của đời mình vào một cách công khai.
Louise Bourgeois, mặc dù đã từng làm hàng loạt hoạt động nghệ thuật khác nhau trong suốt 70 năm trong sự nghiệp bao gồm biểu diễn, hội họa cũng như printmaking (nghệ thuật tranh in), nhưng bà được biết đến nhiều nhất với tư cách là một nhà điêu khắc. Bourgeois sống ở thành phố New York từ năm 1938 cho đến khi qua đời, nhưng phần lớn cảm hứng của bà đều bắt nguồn từ thời thơ ấu.
Lớn lên ở vùng ngoại ô của Paris trong một gia đình chuyên phục chế thảm cổ, từ nhỏ bà đã thực hành nghệ thuật từ rất sớm. Năm 1967, Bourgeois bắt đầu làm việc ở Ý lần đầu tiên và thành lập một studio ở Pietrasanta, Tuscany. Chuyến đi này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của bà, truyền cảm hứng cho bà để tạo ra những hình thức mới và đưa đá cẩm thạch vào các thử nghiệm của mình.
Trong vài năm tiếp theo, nữ nghệ sĩ quay lại Ý, ở lại đây lâu hơn và tạo ra loạt tác phẩm mang tính biểu tượng và có ảnh hưởng nhất nhất sự nghiệp của bà. Các tác phẩm điêu khắc được trưng bày trong các phòng chọn lọc của Galleria Borghese có niên đại từ sau thời kỳ then chốt này ở Ý. Ở tuổi đôi mươi, Bourgeois nghiên cứu lịch sử nghệ thuật tại École du Louvre ở Paris, nơi bà cũng làm hướng dẫn viên. Sự gắn bó giữa bà và nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là với bộ sưu tập của Scipione Borghese – được trưng bày tại bảo tàng Louvre từ năm 1808, cũng đã gây được tiếng vang trong các tác phẩm được chọn cho triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories.”
“Mọi tác phẩm của tôi trong mấy mươi năm qua, mọi chủ đề của tôi, đều lấy cảm hứng từ những tháng ngày tuổi thơ. Một tuổi thơ gắn liền với sự bi kịch.” Trong nhiều cuộc phỏng vấn với truyền thông, Bourgeois chưa bao giờ giấu diếm khi công khai chấn thương tâm lý từ tuổi thơ đã định hình nên nguồn xúc cảm dồi dào, tư liệu sáng tạo cốt lõi trong hầu hết các tác phẩm của bà. Thân phụ của bà là người đàn ông không chung thủy, ngoại tình với người đàn bà khác; trong khi, mẹ của bà lại thường xuyên ốm yếu kinh niên. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta đều có thể cảm nhận được sự tội lỗi, ghen tị, phản bội và bị bỏ rơi trong tác phẩm của các tác phẩm của bà. “Bạn biết đấy, tôi luôn luôn căm ghét người đàn bà đã phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi. Ắt hẳn đó cũng là lý do vì sao tác phẩm của tôi toàn nói về kẻ sát nhân…”
Bourgeois thường chia sẻ rằng quá trình sáng tạo như một hình thức xây dựng lại ký ức và sắp xếp lại các mảnh ghép cảm xúc, để giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của chúng. Từ những bức vẽ gần gũi đến những tác phẩm sắp đặt vĩ mô trừu tượng và được chế tác từ đa dạng loại vật liệu bao gồm gỗ, mủ cao su, đá cẩm thạch, đồng và vải, Bourgeois thể hiện nhiều loại cảm xúc thông qua vốn “từ vựng” của các vật liệu tương đương về hình thức lẫn biểu tượng. Đối với Louise Bourgeois, nghệ thuật và cuộc sống là thứ không thể tách rời: “Tượng tôi điêu khắc là cơ thể của tôi. Cơ thể tôi là tượng của tôi.” Sáng tạo nghệ thuật là một cách để bà tái sinh, khơi dậy quá khứ của của mình, truyền cho những cảm xúc ấy một hình hài nhất định và cuối cùng giải thoát cho chúng.
Đối với Louise Bourgeois, nghệ thuật và cuộc sống là thứ không thể tách rời: “Tượng tôi điêu khắc là cơ thể của tôi. Cơ thể tôi là tượng của tôi.” Sáng tạo nghệ thuật là một cách để bà tái sinh, khơi dậy quá khứ của của mình, truyền cho những cảm xúc ấy một hình hài nhất định và cuối cùng giải thoát cho chúng.
Do Cloé Perrone cùng Geraldine Leardi và Philip LarrattSmith lên ý tưởng và giám tuyển, buổi triển lãm được thực hiện với sự hợp tác của Quỹ Easton và Học viện Pháp – Villa Medici, tập trung vào sự đóng góp to lớn của Bourgeois cho nghệ thuật điêu khắc và mối liên hệ sâu sắc giữa hoạt động nghệ thuật của bà với Galleria Borghese.
Màn hợp tác này còn là tiền đề để buổi trưng bày tác phẩm “No Exit” của Bourgeois tại giảng đường, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của triển lãm vượt khỏi phạm vi của Galleria Borghese.
“Louise Bourgeois: Unconscious Memories” là một hành trình đan xen ký ức cá nhân của nữ nghệ sĩ, kết nối với quá khứ và hiện tại thông qua cuộc chuyện trò giữa các tác phẩm đương đại và cổ điển bên trong Galleria Borghese. Hành trình đó được diễn giải qua từng căn phòng của Bảo tàng, Aviary và Meridiana Garden, một địa điểm mà Bourgeois đã từng khám phá với sự ngưỡng mộ, trong chuyến thăm đầu tiên tới Rome vào năm 1967. Khoảng 20 tác phẩm điêu khắc của nữ nghệ sĩ sẽ đối thoại với kiến trúc độc đáo của Casino Borghese và bộ sưu tập bên trong nó.
Hành trình đó được diễn giải qua từng căn phòng của Bảo tàng, Aviary và Meridiana Garden, một địa điểm mà Bourgeois đã từng khám phá với sự ngưỡng mộ, trong chuyến thăm đầu tiên tới Rome vào năm 1967. Khoảng 20 tác phẩm điêu khắc của nữ nghệ sĩ sẽ đối thoại với kiến trúc độc đáo của Casino Borghese và bộ sưu tập bên trong nó.
Sự nghiệp nghệ thuật kéo dài bảy thập kỷ của Louise Bourgeois đã thúc đẩy đáng kể cho các cuộc thảo luận phê phán về nghệ thuật đương đại, kết hợp các chủ đề phân tâm học và nữ quyền. Vào những năm 1960, sau một thời gian nghiên cứu psychoanalysis (phân tâm học) căng thẳng, bà bắt đầu thực hành các kiểu hình sinh học, thử nghiệm với mủ cao su, thạch cao, sáp và các vật liệu khác.
Vào đầu những năm 1990, bà đã trình bày nhóm tác phẩm (hay được gọi là “Cell”) đầu tiên của mình, giới thiệu các cấu trúc khép kín, một số căn phòng giống nhau chứa đựng các tác phẩm điêu khắc, cũng như những món đồ mà bà đã sưu tầm trong suốt cuộc đời mình. Trong đó, những tác phẩm làm bằng vải đã có từ mười lăm năm cuối cùng trong sự nghiệp của bà.
Chủ đề trọng tâm trong tác phẩm của bà, sự biến hóa (Metamorphosis) được lồng ghép và phát triển khéo léo thông qua các tác phẩm bằng đồng và đá cẩm thạch như “Janus Fleuri”, “Topiary” và “Passage Dangereux.” Sự bí ẩn và kỳ vĩ của chúng biến những căn phòng trang trí công phu và khu vườn lãng mạn của Galleria Borghese thành một mê cung khám phá tâm lý, cảm xúc của nhân loại.
Hình dáng đối xứng và mơ hồ của “Janus Fleuri” quay mặt về hai hướng, ám chỉ vị thần La Mã, đồng thời tượng trưng cho sự tồn tại vừa song hành vừa đối lập giữa quá khứ và tương lai, giữa sự khởi đầu và sự chuyển tiếp. “Topiary” thể hiện quá trình phát triển tự nhiên của một cô gái từ một cô gái nhỏ đến một thiếu nữ trưởng thành. Tương tự, “Passage Dangereux”, “Cell” sáng tạo lớn nhất của Louise Bourgeois, được trưng bày tại Lanfranco Hall, gói gọn hành trình trưởng thành của một cô gái.
Khả năng tiếp cận nghệ thuật bằng chất liệu của Louise Bourgeois – chuyển từ độ rắn chắc lạnh lùng của đồng đến độ mềm mại đáng kinh ngạc của vải, mang đến một hành trình xúc giác cộng hưởng với nỗi ám ảnh liên tục của thời trang về kết cấu và độ tương phản.
Tác phẩm trọng tâm của triển lãm, “Cells” của Louise Bourgeois là một giấc mộng mỹ miều về thời trang được hiện thực hóa bằng loạt tuyệt tác điêu khắc vĩ đại. Những tác phẩm sắp đặt có kích thước khổng lồ, các hình khối điêu khắc khám phá các chủ đề về miền ký ức, ham muốn, kiến trúc và năm giác quan,… tất cả gợi lên sự gần gũi của một xưởng may thời trang cao cấp – nơi ký ức được thêu dệt vào chính kết cấu của sự sáng tạo.
Những người đam mê thời trang sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận trong những mô hình thu nhỏ được tuyển chọn tỉ mỉ này, mỗi mô hình thu nhỏ là minh chứng cho sức mạnh của lịch sử cá nhân trong việc định hình tầm nhìn nghệ thuật. “Cell XX (Portrait)” và “Cell (The Last Climb)” mang đến những khám phá đặc biệt sâu sắc về những khung cảnh giàu cảm xúc.
Trong “Cell (The Last Climb)”, mở đầu cuộc triển lãm ở trung tâm của Entrance Hall, mô típ hình xoắn ốc là chiếm ưu thế. Mô-típ này tái diễn xuyên suốt tác phẩm của Bourgeois và có thể được nhìn thấy lại trong “Spiral Woman”, được trưng bày trong Aviary. Cầu thang xoắn ốc trong “Cell (The Last Climb)” còn là phép ẩn dụ cho những vòng quay vô tận của cuộc sống; trong khi đó, những quả cầu màu xanh lơ lửng trong không gian thể hiện một ý nghĩa tâm linh một cách mạnh mẽ hơn. “Cell XX (Portrait)” đi sâu vào bức chân dung của cảm xúc, thể hiện cái nhìn sâu sắc về tâm hồn con người. Với sự trao đổi thầm lặng giữa hai chiếc đầu, tác phẩm tô đậm sự phá vỡ cấu trúc trong chân dung truyền thống của Bourgeois, nhằm nhấn mạnh chiều sâu tâm lý dựa vào địa vị và bản sắc xã hội, đồng thời khám phá cảm xúc phức tạp trong mối quan hệ giữa người và người.
Bên cạnh đó, các tác phẩm khác đề cập rộng hơn đến hành trình của nữ nghệ sĩ. Trong khu vườn, tác phẩm “The Welcoming Hands” có hình bàn tay của Bourgeois đan xen với bàn tay của Jerry Gorovoy, người bạn thân và trợ lý lâu năm của bà, tượng trưng cho sự tương trợ, sự thân mật lẫn sự bảo vệ. Tác phẩm con nhện bằng đồng khổng lồ, được đặt trong Vườn Meridiana, là hình ảnh ẩn dụ cho bản chất bảo vệ và kiên cường của người mẹ đã khuất của bà. “Tác phẩm Nhện là một lời ca tụng dành riêng cho mẹ tôi. Bà là người bạn thân nhất của tôi. Như một con nhện, mẹ tôi cũng ngày đêm ‘dệt tơ’. Gia đình tôi làm nghề phục chế thảm, và mẹ tôi là người trông coi xưởng. Giống như những con nhện, mẹ tôi rất thông minh. Nhện ăn muỗi, loài truyền nhiễm bệnh mà con người chẳng muốn thấy. Vì thế, nhện có ích, bảo vệ được mọi người, như mẹ tôi vậy.” nữ nghệ sĩ đã từng chia sẻ như thế.
Tương phản với chất đồng cứng rắn là sự mềm mại của đá cẩm thạch màu hồng, mà Bourgeois tạo ra trong các tác phẩm như “Jambes Enlacées” – một kiểu bắt chéo chân tinh tế được trưng bày trong Room I; cũng như Untitled (No. 7) – tác phẩm về hai đôi tay đan chặt vào nhau trong tình đoàn kết; và một ngôi nhà nhỏ tượng trưng cho nơi ẩn náu và bảo vệ.
Trong Emperors Hall, khách đến triển lãm sẽ tìm thấy một loạt tác phẩm hình đầu người bằng vải của Bourgeois, được trưng bày bên cạnh tượng bán thân của Caesars và những người đàn ông “lộng lẫy” chế tác từ đá xốp và thạch cao phương Đông. Tất cả tựa như một lời thách thức các quan niệm truyền thống về vẽ chân dung. Trong những căn phòng này, những quả cầu rỗng ruột hoặc những cái miệng hé mở, những tác phẩm điêu khắc này được làm từ những mảnh thảm trang trí có họa tiết hoa hoặc hình học được hỗ trợ bởi khung nhôm và trở nên tinh tế, sang trọng hơn với chất liệu xa xỉ của Caesars
Ngay từ tựa đề, “Louise Bourgeois: Unconscious Memories”, triển lãm đã thể hiện hai khía cạnh quan trọng trong tác phẩm của nữ nghệ sĩ: tâm trí vô thức và ký ức. Trong đó, Galleria Borghese khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nghệ thuật cổ đại và đương đại, trở thành nơi gặp gỡ và đối thoại giữa các bậc thầy từ các thời đại và hoàn cảnh khác nhau.
Ở Galleria Borghese, việc lưu giữ ký ức về nhà sưu tập sáng lập của nó, Scipione Borghese, là mục đích trọng tâm. Tất cả những kiệt tác mà ông sưu tầm đều kể lại câu chuyện của ông, sau đó trở thành câu chuyện về một trong những bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới. Các tác phẩm cá nhân lưu giữ ký ức về người sáng tạo và cuộc sống của họ. Bourgeois dường như không giấu giếm mà bộc lộ bản thân nhiều nhất có thể, cố gắng nói ra ngay cả trong tiềm thức của mình những cung bậc cảm xúc khó diễn tả.
Khi các tác phẩm đương đại của Bourgeois tham gia vào cuộc trò chuyện “thầm lặng” với các tác phẩm điêu khắc của Bernini và tranh của Caravaggio, du khách được cảm thức lại bản chất cốt lõi của vẻ đẹp và bản sắc. Sự kết hợp giữa cũ và mới này mang đến một góc nhìn mới mẻ về cơ thể – một chủ đề trọng tâm của thời trang cao cấp cũng như mỹ thuật. Khả năng biến những trải nghiệm cá nhân sâu sắc của Louise Bourgeois thành các loại hình nghệ thuật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến bà trở thành tiêu chuẩn cho các nhà thiết kế đang tìm cách truyền tải chiều sâu cảm xúc vào bộ sưu tập của họ.
Triển lãm “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” không chỉ là sự tôn vinh đánh kính mà địa hạt nghệ thuật điêu khắc đương đại, văn hóa nhân loại và thời trang dành cho những đóng góp to lớn của nữ nghệ sĩ. Ngoài phạm vi của lãnh địa nghệ thuật, bà còn là một nguồn cảm hứng lâu năm trong thế giới thời trang cao cấp. Sự tài trợ của Fendi nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài giữa nghệ thuật và thời trang, hai lĩnh vực mà ảnh hưởng của Bourgeois tiếp tục gây tiếng vang.
Là triển lãm đầu tiên dành riêng cho một nữ nghệ sĩ đương đại tại Galleria Borghese, “Louise Bourgeois: Unconscious Memories” mở cửa cho công chúng vào ngày 21 tháng 6, kéo dài đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, diễn ra từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Rome luôn là thành phố thách thức mọi quy ước. Với các tác phẩm của Bourgeois hiện đang tô điểm cho các hội trường thiêng liêng nhất nơi đây, cùng sự hậu thuẫn từ nhà mốt Fendi, thành phố vĩnh cửu này đã có cơ hội tái khẳng định vị thế của mình ở vị trí đi đầu trong đổi mới nghệ thuật và tư duy luôn hướng tới địa hạt thời trang. Cho dù bạn là người yêu nghệ thuật, đam mê thời trang hay chỉ đơn giản là tò mò về sự giao thoa giữa thẩm mỹ đương đại và cổ điển, mùa hè này ở Rome mang đến cơ hội không thể bỏ qua để khám phá sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, tất cả đều nằm trong khung cảnh tráng lệ của Galleria Borghese và thế giới siêu thực của Louise Bourgeois.
Thực hiện Dory
Theo Fendi, Rain Magazine