Trò chuyện cùng anh Lê Viết Thanh: Nhà sáng lập chuỗi cửa hàng thời trang K&K Fashion

Ngày đăng: 19/05/23

Trên thị trường thời trang đầy cạnh tranh như hiện nay, mỗi năm lại có hàng ngàn thương hiệu mới ra đời, cũng không ít những tên tuổi ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên, có những cái tên lặng thầm trước dòng chảy của thời gian, nhưng vẫn duy trì được nhận diện thương hiệu và bản sắc riêng. K&K Fashion là một thương hiệu thời trang như thế. 

Thương hiệu K&K Fashion ra đời hơn một thập kỷ, cũng từ đó mà anh Lê Viết Thanh đã chứng kiến sự thăng trầm và thay đổi của thị trường thời trang Việt suốt bao năm nay. Từ sự bùng nổ của các tên tuổi lớn trong thời trang Việt, đến sự đổ bộ của các thương hiệu ngoại, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử như chúng ta đã thấy ngày nay. Style-Republik đã có cuộc trò chuyện cùng anh Lê Viết Thanh để tìm hiểu về cách mà anh vận hành vận hành một thương hiệu với 13 showroom vượt qua khỏi thời kỳ khó khăn trong đại dịch mà không hề phải đóng cửa bất kỳ cửa hàng nào, cùng với cách anh nhận định về từng tiềm năng trong phân khúc khách hàng: khách hàng trung thành của thời kỳ đầu, thế hệ Millennial thời kỳ đầu và cuối, và nhất là Gen Z. 

Anh Lê Viết Thanh – Nhà sáng lập chuỗi cửa hàng thời trang K&K Fashion

Bên cạnh đó, anh Lê Viết Thanh cũng bật mí về việc hợp tác của K&K Fashion cùng NTK trẻ Nguyễn Minh Công trước thềm SR Celebrating Local Pride Spring/Summer 2023 Powered by Vascara tới đây.

K&K Fashion là thương hiệu thời trang ra đời từ năm 2010. Anh cho thể cho biết vì sao vào thời điểm đó anh quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh thời trang khi mà thị trường local brand lúc đó không hề nở rộ như bây giờ?

Thời điểm K&K Fashion ra đời, thị trường có nhu cầu lớn về những sản phẩm mang tính thời trang, tiện dụng giá cả tốt thay vì phải chờ đợi cả tháng trời ở các tiệm may đo với công may cao nhưng thành phẩm nhiều khi không được như mong muốn. Ở phân khúc công sở cho dành cho nữ lúc này đã có một số thương hiệu cũng đi lên từ tiệm may như Hạnh Hoa, Senorita… nhưng giá bán khá cao so với thu nhập của dân văn phòng, đối tượng có khả năng chi trả. Giá mỗi bộ đầm từ năm, bảy trăm ngàn trở lên. Đó là lý do K&K Fashion chọn phân khúc giá dưới ba trăm ngàn với mục tiêu tiếp cận số đông, mua được mọi lúc chứ không phải chờ giảm giá.

BST “Soak Up the Sun” K&K Fashion

Đối tượng khách hàng của K&K Fashion tập trung vào phụ nữ công sở và họ thích những sản phẩm bình dân. Cho đến thời điểm hiện nay, đối tượng khách hàng của K&K Fashion đã có sự mở rộng hay thay đổi nào không, thưa anh?

Đến thời điểm hiện tại, đối tượng khách hàng của K&K Fashion đã khác rất nhiều so với trước đây. Phân khúc khách hàng được mở rộng ra hơn, trẻ hoá hơn và đa dạng style hơn. Khách hàng thời điểm hiện tại rất có gu ăn mặc, biết mình muốn gì và cần gì và quan trọng hơn hết là luôn cập nhập update các xu hướng thời trang mới nhất. Về chi tiêu, họ sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có mức giá thành cao hơn nếu như kiểu dáng đặc sắc hơn và chất lượng tốt hơn.

Được biết, anh đã mở thương hiệu cùng vợ mình, vốn là một người xuất thân và am hiểu nghề may. Phải chăng vì vậy mà sản phẩm có được sự gần gũi với khách hàng cùng với chất lượng tốt mà được khách hàng yêu thích?

Từ việc tự thiết kế may đo các mẫu cho khách hoặc may theo catalogue khách hàng mang đến, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm, K&K Fashion dần chuyển sang sản xuất hàng loạt với thông số hình thể tự nghiên cứu, phát triển. Chính đặc điểm này đã giúp các thiết kế của K&K Fashion có khả năng che khuyết điểm cực kỳ tốt, tôn phom dáng cùng đường may tỉ mỉ, tinh tế… là điểm thu hút và giữ chân lượng khách hàng trung thành lớn của K&K Fashion. 

Thời điểm xây dựng K&K Fashion nhu cầu tại thị trường rất lớn nhưng giá cả rất cao và sự lựa chọn rất ít, các sản phẩm về thời trang không được đa dạng cũng như theo kịp xu hướng của thế giới như thời điểm hiện tại. Giới công sở văn phòng muốn mua sản phẩm thời trang chủ yếu sẽ tìm đến các tiệm may đo truyền thống hoặc các shop thời trang cao cấp với mức giá cao.

Đâu thời điểm khó khăn nhất của K&K Fashion? Thương hiệu có chịu sự cạnh tranh gay gắt của những thương hiệu thời trang lớn trong nước như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT2000, Việt Thy, Ha Gattini…? Tầm 10 năm trước, các thương hiệu này xuất hiện nhiều ở những con phố lớn ở trung tâm các thành phố lớn và thậm chí còn đến các tỉnh thành cả nước.

Ở thời điểm 2012-2013, khi các nhãn hàng vẫn tập trung tiếp thị bằng các bộ hình đẹp trên tạp chí thì K&K Fashion sử dụng Internet với các công cụ quảng cáo miễn phí từ Google, các diễn đàn trực tuyến hoặc báo mạng có giá đặt banner, bài viết về xu hướng giá rẻ… giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, tạo nền tảng tốt và không chịu sự cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu thời trang lớn trong nước vào thời điểm đó.

Có phải thị trường kinh doanh thời trang tại Việt Nam ngày càng khốc liệt? Nhất là khi các thương hiệu như H&M, Zara vào Việt Nam? Điều này có khiến anh trăn trở? Và anh đã làm thế nào để xây dựng và phát triển lợi thế cạnh tranh của mình?

Thị trường thời trang Việt Nam hiện tại ngày càng khốc liệt. Ngoài sự cạnh tranh gay gắt của các local brand trẻ với style riêng biệt và bắt trend cực nhanh nhạy do được đào tạo bài bản cũng như tiếp cận nhanh với xu hướng thế giới, thì việc các global brand như H&M, Zara tham gia vào thị trường thời trang cũng góp phần khiến cho sân chơi trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn rất nhiều.

Điều này tạo áp lực cho K&K Fashion, buộc bản thân thương hiệu phải cập nhật liên tục từ nhân sự, sản phẩm, các tiếp thị, mô hình cho đến hệ thống quản trị. Làm được thì tồn tại, không thì bị đào thải.

Kinh doanh thời trang, ta có thể nói phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nền kinh tế thị trường, thị trường vải vóc, vận hành kinh doanh, nhân sự, cửa hàng… Làm thế nào mà K&K Fashion đã vượt qua được thời kỳ Covid cũng như làm sao anh có thể xây dựng được thương hiệu của mình vững vàng qua hơn 10 năm nay?

K&K Fashion tính toán chi li việc mở cửa hàng trong khi các thương hiệu khác mở cửa hàng khá nhanh chính vì vậy K&K Fashion chỉ mở 1-2 cửa hàng mỗi năm và duy trì đều đến nay, không phải đóng bất kỳ cửa hàng nào trong dịch COVID-19. “Hệ thống càng lớn thì càng khó thay đổi, huống hồ ngành thời trang là ngành cần thay đổi liên tục”.

2019 là cột mốc quan trọng của K&K Fashion, khi K&K Fashion dừng lại để tái cấu trúc cơ cấu, định vị, thay đổi sản phẩm để phù hợp với khách hàng. Những khách hàng cũ của K&K Fashion được định vị từ đầu là trẻ 35 tuổi, giờ cũng đã lên trung niên nhu cầu thay đổi. Các khách hàng mới ở thế hệ Millennials đời đầu và cuối cũng khác nhau. Chưa kể Gen Z, khách hàng tiềm năng lại quá khác biệt, đòi hỏi trải nghiệm bằng chất liệu, thiết kế, chưa kể sản phẩm còn phải theo xu hướng, theo thần tượng, theo mùa…

Việc thay đổi các mẫu thiết kế không chỉ trẻ hơn, bắt kịp xu hướng hơn trên cơ sở nghiên cứu sâu xu thế thị trường, đo đếm được các yếu tố nguyên vật liệu theo các tiêu chí cụ thể qua các đơn vị cung cấp dịch vụ thay vì chủ quan tự tìm kiếm như trước. Đồng thời, thay đổi các nhà cung ứng, đơn vị gia công vì không còn phù hợp. Các nội dung tiếp thị cũng được đầu tư bằng các buổi chụp hình ngoại cảnh, không gian phù hợp… Kết quả là K&K Fashion duy trì được doanh số dù dịch bệnh, tệp khách hàng mở rộng hơn.

Có thể thấy, K&K Fashion hiểu rất rõ về khách hàng trung thành của mình qua các thiết kế. Nhưng đồng thời cũng nắm bắt được tâm lý tiêu dùng thay đổi theo thời gian. Từ việc chuyển đổi cửa hàng theo hướng hiện đại hơn, bày trí không gian cửa hàng để nâng cao trải nghiệm, cho đến chế độ khuyến mãi & hậu mãi, và gần đây nhất là hợp tác cùng nhà thiết kế trẻ như Nguyễn Minh Công để mang đến món quà cho khách hàng của mình: một màu sắc mới, một diện mạo mới đầy ấn tượng. 

Điều gì đã khiến K&K Fashion quyết định chọn nhà thiết kế Nguyễn Minh Công cho sự hợp tác lần tác này?

Độ nhận diện thương hiệu đối với khách hàng trẻ hiện tại còn hạn chế nên sau lần hợp tác cùng Nguyễn Minh Công, K&K Fashion mong muốn đem đến cho khách hàng hình ảnh mới mẻ, trẻ trung: 1 thương hiệu thời trang thiết kế đa dạng phong cách, luôn cập nhật và “update” xu hướng.

Nguyễn Minh Công là nhà thiết kế trẻ được khán giả gọi là “NTK Công Chúa” bởi phong cách nhẹ nhàng, bay bổng tựa như những nàng công chúa trong truyện cổ tích. Chất thơ, lãng mạn luôn là hình thái tạo thành chất riêng trong phong cách thiết kế của Nguyễn Minh Công. Đây chính là điểm mà K&K Fashion đang thiếu và cần được bổ sung để tạo ra được sự da dạng trong màu sắc của thương hiệu.

K&K Fashion x Nguyễn Minh Công sẽ ra mắt tại show diễn SR Celebrating Local Pride Spring/Summer 2023 Powered by Vascara

Anh hi vọng lần hợp tác này sẽ mang lại điều gì cho khách hàng của mình? Có gì đặc biệt trong việc tạo nên BST mà anh có bật mí trước thềm show diễn SR Celebrating Local Pride Spring/Summer 2023 Powered by Vascara tới đây.

Thổi 1 làn gió mới vào thiết kế vừa mang tính nhẹ nhàng, mộng mơ của NTK trẻ Nguyễn Minh Công vừa thanh lịch, tinh tế của K&K Fashion. Fashion Show được tổ chức chuyên nghiệp, uy tín với đội ngũ cũng như khách mời chất lượng là một bước để K&K Fashion có thể khẳng định được thương hiệu của mình với cộng đồng thời trang trong nước. 

Với kinh nghiệm hơn 12 năm hoạt động trong thị trường thời trang Việt, đồng thời vận hành một thương hiệu với 13 showroom tại Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tiền Giang. Anh dự đoán thế nào về tình hình kinh doanh thời trang trong thời gian tới?

Thị trường trang trong những năm sắp tới , đặc biệt là thị trường thời trang nội địa chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ hơn so với hiện tại vì giới trẻ kinh doanh hiện tại đang có kiến thức và cập nhật rất tốt với những kiến thức về thời trang một cách bài bản, tiệm cận với ngành công nghiệp thời trang của thế giới nên sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường nội địa một cách phù hợp. Đây là điều mà các thương hiệu thời trang nhanh như Zara, H&M, Shein… khó tiếp cận được. 

Với tư cách một nhà điều hành, anh nhận thấy thương mại điện tử có tạo nên nhiều rủi ro cho các chuỗi thương hiệu? Hay thương mại điện tử cùng với công nghệ có thể chắp cánh cho các thương hiệu hiện nay?

Với tư cách là một nhà điều hành, thương mại điện tử là một cơ hội, một xu thế không thể thay đổi do đó các brand phải tập trung vào mảng này vì đây là kênh giúp các brand tiếp cận khách hàng của mình dễ dàng mọi lúc và mọi nơi.

Thương mại điện tử cùng với công nghệ hiện nay đang giúp cho các brand dễ dàng tiếp cận khách hàng và khách hàng cũng dễ dàng lựa chọn sản phẩm của mình, giúp cho các sản phẩm của thương hiệu được lan tỏa đến khách hàng một cách nhanh chóng hơn.

Anh có thể chia sẻ chiến lược phát triển của bản thân anh cũng như của K&K Fashion trong thời gian tới?

Ngành thời trang là một trong những ngành có sự thay đổi liên tục nên bản thân người điều hành cũng như brand phải liên tục cập nhật update kiến thức mới để thay đổi của thị tường và đáp ứng sự thay đổi của khách hàng. 

Anh có thể chia sẻ lời khuyên của mình cho những ai muốn bước chân vào con đường kinh doanh thời trang? Điều mà họ nên ghi nhớ là gì?

Kinh doanh thời trang nên được chia làm 2 mảng riêng biệt: kinh doanh và thời trang. Tuy nhiên, là 2 mảng khác nhau cần phải kết hợp với nhau. Kinh doanh phải có yếu tố thời trang và thời trang phải có yếu tố kinh doanh.

Cám ơn những chia sẻ của anh dành cho Style-Republik! 

Thực hiện: Hoàng Khôi


Style-Republik ra mắt series “The Future Vietnam’s Fashion Leaders” – Chuyên mục bao gồm những bài viết khắc hoạ chân dung của các nhà lãnh đạo trẻ của thời trang Việt. Qua những câu chuyện làm nghề, chia sẻ kiến thức cùng kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi mong rằng có thể tiếp lửa và khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ – những người làm thời trang tương lai.