Tuần lễ thời trang Copenhagen thực hiện sứ mệnh tôn vinh nét đẹp đa dạng bằng sự tỏa sáng của các người mẫu ngoại cỡ
Ngày đăng: 11/08/24
Không chỉ thực hiện cam kết bền vững với môi trường, Copenhagen Fashion Week Xuân Hè 2025 còn tôn vinh vẻ đẹp đa dạng trên sàn diễn bằng màn “lăng xê” nhiệt tình cho dàn mẫu ngoại cỡ.
London, Paris, Milan và New York từ lâu đã được công nhận là “tứ địa” thời trang lớn, tự hào khi mang đến các thương hiệu ấn tượng, các show diễn hoành tráng, sự kiện xa hoa và các tuần lễ thời trang hai năm một lần có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, sau ánh hào quang rực rỡ, sau giấc mơ mà bất kỳ tín đồ nào cũng ao ước được chạm tay đến là sự thật phũ phàng mà ngành công nghiệp này bấy lâu đã che giấu.
Không chỉ có thực trạng ô nhiễm môi trường, bóc lột sức lao động, ăn cắp chất xám, địa hạt thời trang còn bị lên án vì các vấn đề về đa dạng, cũng như bất bình đẳng trong nghề mẫu. Theo nhiều thống kê, chỉ có 0,8% người mẫu trình diễn tại các tuần lễ thời trang ở London, New York, Paris và Milan vào tháng 2 là người mẫu ngoại cỡ.
Dù ngày nay những người mẫu ngoại cỡ có nhiều cơ hội tỏa sáng hơn trong ngành công nghiệp thời trang tỉ đô, nhưng trên các sàn diễn cao cấp họ vẫn bị “lãng quên”. Tuy nhiên, tại Copenhagen, tình thế đó đã được xoay chuyển. Trong những năm gần đây, Copenhagen đã tự mình khẳng định là một “đối thủ” nặng ký, đứng ngang hàng so tài cùng bốn “ông trùm” London, New York, Paris và Milan.
Tuần lễ thời trang Copenhagen thường gây ấn tượng với phong cách đường phố độc đáo cùng màn ra mắt của các nhà thiết kế mới. Trong khi đó, làng mốt lại thường không chú ý đến cách thời trang Đan Mạch tác động đến xã hội, môi trường và văn hóa. Không chỉ tạo sân chơi cho các thương hiệu thời trang, Copenhagen Fashion Week là một số ít tuần lễ thời trang trên thế giới nỗ lực thúc đẩy tính bền vững (mỗi thương hiệu trình diễn phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định để được tham dự lịch trình) vả cả sự đa dạng. Chính điều này đã khiến Tuần lễ thời trang Copenhagen trở nên nổi tiếng với sàn diễn “lăng xê” người mẫu ngoại cỡ tích cực nhất.
Thời trang là ngành công nghiệp tôn vinh cái đẹp, sự hoàn mỹ; vì thế từ lâu nơi đây đã thiếu sự đa dạng ở nhiều khía cạnh, từ tuổi tác, chủng tộc, địa vị kinh tế xã hội, vóc dáng hay sự lành lặn của cơ thể.
Thời trang là ngành công nghiệp tôn vinh cái đẹp, sự hoàn mỹ; vì thế từ lâu nơi đây đã thiếu sự đa dạng ở nhiều khía cạnh, từ tuổi tác, chủng tộc, địa vị kinh tế xã hội, vóc dáng hay sự lành lặn của cơ thể. Một người phụ nữ da màu chưa từng được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue Mỹ cho đến năm 1974, với “phát súng tiên phong” của người mẫu Beverley Johnson.
Ashley Graham là người mẫu ngoại cỡ đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue Anh vào năm 2016. Trong khi đó, một bài báo của Vogue Business đã đưa tin về “những tia sáng hy vọng về tính đa dạng trong kích thước của người mẫu”, nhưng bày tỏ lo ngại rằng, sau các buổi trình diễn Thu Đông 2024, tính bao trùm về kích thước này có thể chỉ là “một thử nghiệm một lần”. Số liệu thống kê đã tổng kết được trong đó có 0,8% người mẫu sải bước tại các buổi trình diễn ở London, New York, Paris và Milan vào tháng 2 là người ngoại cỡ và 3,7% là người cỡ trung bình.
Tuy số liệu chính thức về sự đa dạng của người mẫu tại Tuần lễ thời trang Copenhagen đã không được báo cáo trong hơn một năm nay, nhưng các buổi trình diễn Thu Đông 2023 dã có khoảng 7,39% người mẫu ngoại cỡ và trung bình thạm. Tỉ lệ này được dự đoán sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2024.
“Người mẫu size 0 không còn bền vững và thực tế nữa”, Stephanie Gundelach và Awa Malina Stelter, bộ đôi người sáng lập OpéraSport, thương hiệu đã khai mạc Tuần lễ thời trang Copenhagen vào thứ Hai vừa qua, cho biết. “Chúng tôi cố gắng tôn vinh nét đẹp của những người phụ nữ từ mọi hoàn cảnh và sở hữu đa dạng vóc dáng trên sàn diễn. Vì sự hòa nhập là điều quan trọng đối với thương hiệu chúng tôi nói riêng, cả thế giới thời trang nói chung, nhất là trong thời đại cởi mở hiện tại.” Đại diện OpéraSport nói thêm: “Chúng tôi muốn mọi người đều cảm thức được sự hòa nhập, do đó mục tiêu chính của thương hiệu là đảm bảo mọi kiểu hình mẫu của phụ nữ đều xuất hiện và đại diện cho từng nét đẹp riêng biệt trong các buổi trình diễn của chúng tôi.”
Theo dõi hàng loạt show diễn của OpéraSport, chắc chắn làng mốt sẽ phải khen ngợi và khâm phục thương hiệu trong việc tuyển chọn người mẫu, đặc biệt là sự góp mặt của một số cái tên mới trong nghề, bao gồm cả biên tập viên chuyên mục thời trang April Ru Wan. “Tôi là người Trung Quốc và tôi lớn lên trong một nền văn hóa mà vóc dáng của tôi không được tôn vinh”, Wan nói. “Mọi người từng nói rằng để làm việc trong ngành thời trang, tôi phải gầy để mặc quần áo đẹp. Tôi không gầy và giờ tôi đã làm người mẫu, mặc quần áo đẹp; vì vậy họ đã nhận định sai về tiêu chuẩn cái đẹp”. Bên cạnh đó cô cũng thừa nhận rằng bản thân cần phải trau dồi, cải thiện nhiều hơn nữa.
Trong nỗ lực thúc đẩy sự cải thiện này, Tuần lễ thời trang Copenhagen cũng có điều khoản về sự đa dạng và hòa nhập trong các yêu cầu của mình đối với bất kỳ thương hiệu nào tham gia lịch trình. “Các thương hiệu phải nhận ra tầm quan trọng của sự đa dạng bao gồm các khía cạnh như giới tính, độ tuổi, nền tảng văn hóa, quốc tịch, dân tộc, khả năng thể chất/tinh thần, niềm tin chính trị và tôn giáo và khuynh hướng tình dục”, trang web của Tuần lễ thời trang Copenhagen cho biết, nhấn mạnh rằng điều này áp dụng cho cả khâu tuyển chọn người mẫu và những người hỗ trợ hậu trường. Mặc dù Tuần lễ thời trang Copenhagen là một trong những tuần lễ thời trang hòa nhập nhất, nhưng cuối cùng “điều đó phụ thuộc vào từng nhà thiết kế và liệu bản thân họ có muốn truyền tải cũng như thúc đẩy sự đa dạng hơn hay không”, Gundelach nói.
Một nhà thiết kế liên tục gây ấn tượng vì sự xuất sắc trong khâu tuyển chọn người mẫu là Sinead O’Dwyer. Tên tuổi của cô không còn quá xa lạ với Tuần lễ thời trang London và lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu tại Copenhagen trong mùa này. O’Dwyer nổi tiếng là một trong số ít nhà thiết kế “nhiệt thành” tôn vinh vẻ đẹp đa dạng trong dàn người mẫu của mình. Cô để những phát thanh viên, nhà hoạt động vì người khuyết tật và người sáng tạo nội dung Lucy Edwards – người mẫu khiếm thị,… sải bước trên sàn diễn của mình.
Người mẫu khiếm thị Lucy Edwards cho biết: “Sự đa dạng giúp trang phục của thương hiệu bạn trở nên đẹp hơn và thực tế hơn. Nó kể một câu chuyện chân thực hơn với đại đa số đối tượng khán giả mà thương hiệu muốn đại diện. Thời trang dành cho tất cả mọi người và sẽ luôn như vậy – ngay cả thời trang cao cấp”.
Với tiền đề vững mạnh của Tuần lễ thời trang Copenhagen, làng mốt hy vọng sẽ thấy nhiều thương hiệu và tuần lễ thời trang khác có thể “noi gương” theo để giúp tương lai thời trang đa dạng, cởi mở và rực rỡ hơn Copenhagen.
Thực hiện Dory
Theo Stylist