Những điều thú vị về Tuần lễ thời trang Paris: Từ cột mốc lịch sử đến luật chơi của Haute Couture
Ngày đăng: 05/10/21
Là cái nôi của nền kỹ nghệ Haute Couture, những xưởng may (Atelier) bậc thầy và ngành thời trang hiện đại ngày nay, đã từ rất lâu, kinh đô ánh sáng Paris luôn được tụng ca như thánh địa của thời trang cao cấp. Mặc dù các buổi trình diễn thời trang đã tồn tại cách đây 170 năm, như những sàn runway xa hoa như chúng ta biết ngày nay chỉ được ra đời vào những năm 70 và diễn ra 2 lần một năm với cái tên Tuần lễ thời trang Paris, tạo nên sự ảnh hưởng của thành phố này đến lịch sử thời trang và văn hóa nói chung.
Paris giới thiệu đến công chúng và quan khách những sàn diễn táo bạo và vô cùng công phu – giá trị cốt lõi tạo nên danh tiếng của nó. Trải qua mỗi mùa, Tuần lễ thời trang Paris tiếp tục mang đến nhiều không gian lộng lẫy để trình diễn những tác phẩm được tạo nên bởi những người thợ may bậc thầy. Hãy cùng Style-Republik điểm lại những điều thú vị và lý do nó ra đời!
Những người mẫu đầu tiên
“Défilés de mode” hay “buổi trình diễn thời trang” đã được tổ chức ở Paris vào đầu thế kỷ 18 như một cuộc trao đổi thương mại giữa khách hàng và nhà thiết kế. Ban đầu, sản phẩm được trình diễn trên những con ma-nơ-canh đơ cứng, khiến khách hàng khó hình dung quần áo sẽ như thế nào trên cơ thể thật. Mãi đến những năm 1850, khi cha đẻ của thời trang cao cấp, Charles Frederick Worth, lần đầu tiên đưa ra ý tưởng giới thiệu những tác phẩm của mình trên những người phụ nữ thật, nghề mẫu đã ra đời.
Luật chơi của Haute Couture
Chỉ những nhà mốt được công nhận bởi Hiệp hội thời trang Pháp (Chambre Syndicale de la Haute Couture) mới được phép sử dụng thuật ngữ haute couture cho các bộ sưu tập của mình. Một trong những yêu cầu là thương hiệu phải trình diễn ít nhất 35 mẫu (bao gồm cả trang phục mặc ngày và ban đêm) mỗi mùa (sẽ có bài viết chia sẻ cụ thể về bộ quy tắc này). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, nhiều nhà mốt trình diễn ít hơn con số trên trong Paris Couture Week (Tuần lễ thời trang cao cấp) vừa qua. Được thành lập vào năm 1945, bộ quy tắc này mở đường cho khái niệm Tuần lễ thời trang cao cấp đầu tiên, được diễn ra 6 tháng/lần.
Tuần lễ thời trang Paris đầu tiên trong lịch sử
Tuần lễ thời trang Paris đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 11 năm 1973 và được giám sát bởi người sáng lập Tuần lễ thời trang New York, Eleanor Lambert. Đây là lần đầu tiên các bộ sưu tập thời trang cao cấp (haute couture), may sẵn (prêt-à-porter) và quần áo nam được giới thiệu cùng nhau tại Paris. Sự kiện được tổ chức như một buổi gây quỹ tại Cung điện Versailles với nỗ lực đóng góp vào chi phí cải tạo dinh thự hoàng gia, ước tính khoảng 60 triệu USD thời bấy giờ.
Trận chiến thành Versailles
Tuần lễ thời trang Paris đầu tiên cũng châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh lớn ghi dấu vào lịch sử thời trang. Sự kiện có sự góp mặt của 5 nhà thiết kế tiêu biểu của Mỹ Quốc Anne Klein, Bill Blass, Halston, Oscar de la Renta, và Stephen Burrows tranh tài cùng 5 nhà thiết kế người Pháp – Marc Bohan cho Christian Dior, Emanuel Ungaro, Hubert de Givenchy, Pierre Cardin và Yves Saint Laurent, các đội đã đọ sức với nhau để tạo ra 8 sàn diễn đại diện cho thời trang Pháp và Mỹ. Sự kiện đã thu hút hơn 700 khách mời tham dự, bao gồm một danh sách khách mời toàn người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng như Josephine Baker, Elizabeth Taylor và Liza Minnelli. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt, một hội chợ xuyên lục địa được mệnh danh là “Trận chiến thành Versailles.”
Sự xuất hiện của người mẫu da đen trên sàn diễn Pháp
Tại “Trận chiến Versailles”, các nhà thiết kế người Mỹ đã cùng nhau mang đến một buổi trình diễn đặc biệt. Trong số 36 người mẫu được tuyển chọn, 11 trong số đó là người mẫu da đen, một con số chưa từng có vào thời điểm đó. Sự đa dạng của họ đã gây nên sự kinh ngạc cho quan khách và tạo nên cú nổ truyền thông.
Buổi diễn đại chúng đầu tiên
Năm 1984, Thierry Mugler trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên cho phép công chúng Pháp đến xem một buổi trình diễn thời trang. Để kỷ niệm 10 năm thành lập nhà mốt, Mugler đã dàn dựng một buổi biểu diễn trên sàn diễn hoành tráng cho bộ sưu tập Thu – Đông 1984 của mình. Được tổ chức tại sân vận động le Zénith trước sự chứng kiến của hơn 6.000 khán giả trả tiền, chương trình là buổi trình diễn thời trang đầu tiên mở cửa cho công chúng.
Cú chạm của Karl Lagerfeld
Thông qua vị trí giám đốc sáng tạo của hai nhà mốt lừng lẫy Chanel và Fendi, Karl Lagerfeld quá cố đã tạo nên những khung cảnh ấn tượng nhất khi nhắc đến tháng thời trang. Từ một sòng bài, bệ phóng tên lửa đến đường băng thủy tinh trên hồ, thác nước,… Đặc biệt là sàn diễn Chanel Haute Couture Thu 2017 khi ông mang chính tháp Eiffel vào giữa lòng Grand Palais.
Tầm quan trọng của địa điểm trình diễn
Những buổi diễn thường được tổ chức tại một số di tích lịch sử. Các thương hiệu tranh giành nhau những địa điểm tráng lệ để tăng thêm sự mê hoặc cho sàn diễn của mình. Như một mặc định, các bộ sưu tập của Chanel luôn được tổ chức tại Grand Palais, thương hiệu cũng đã tài trợ độc quyền để giành được quyền sử dụng địa điểm này. Trong khi đó, Dior lại chọn ra mắt bộ sưu tập trong khu vườn thuộc Le Musée Rodin. Dior đã công bố chương trình cải tạo nơi đây. Còn với Louvre, bảo tàng luôn được thắp sáng bởi những sàn diễn của Louis Vuitton mỗi mùa. Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, Saint Laurent đã chọn tháp Eiffel là địa điểm quan trọng để ra mắt bộ sưu tập, sử dụng ánh sáng của công trình biểu tượng để tô điểm cho các sáng tạo. Hay với Celine, Palais des Tokyo chính là bến đỗ mới mà thương hiệu sẽ gắn bó lâu dài.
Nuôi dưỡng những tài năng tương lai
Bất chấp sự có mặt của những tên tuổi lâu năm, các thương hiệu trẻ đang thể hiện mình và là một phần trong lịch trình của Tuần lễ thời trang Paris. Các tài năng trẻ mong muốn kết nối và phát triển sẽ chọn giới thiệu bộ sưu tập thông qua phòng trưng bày, tạo buổi hẹn với khách hàng, nhà phân phối và báo chí để giới thiệu sản phẩm.
Tiệc hậu show diễn
Vào đầu những năm 1900, nhà thiết kế lừng danh Paul Poiret trở thành người đầu tiên tổ chức những bữa tiệc xa hoa sau các buổi trình diễn giới thiệu bộ sưu tập của mình. Ngày nay, việc tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi là truyền thống giúp cho nhà thiết kế giao tiếp với bạn bè, đối tác kinh doanh, khách hàng và báo chí trong một môi trường thân mật, vui tươi (tất nhiên là chỉ những ai được mời).
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: CR Fashion Book