Tương lai đầy tiềm năng của kĩ thuật in 3D trong ngành hàng xa xỉ

Ngày đăng: 19/10/24

Gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những thiết kế được ứng dụng kỹ thuật in 3D – thứ đang tạo nên cơn sốt bởi các nhà thiết kế thời trang ưa thử thách. Nhưng liệu công nghệ này có đóng vai trò lớn hơn và trở thành một nhân tố quan trọng hơn trong ngành xa xỉ phẩm không?

Coperni, một thương hiệu đi đầu trong lĩnh này, đã tiết lộ bước đột phá mới nhất của mình tại buổi trình diễn thời trang Paris Xuân/Hạ 2025 lấy cảm hứng từ truyện cổ tích với một chiếc túi xách được in 3D. 

Jing Daily
Chiếc túi Ariel Swipe của Coperni được chế tác bằng phương pháp in 3D vừa được ra mắt trong Tháng 10 sử dụng vật liệu đặc biệt

Chiếc túi này có tên Ariel Swipe, được sáng tạo ra với sự hợp tác của thương hiệu cùng công ty sản xuất Rapid Liquid Print có trụ sở tại Boston, sử dụng vật liệu silicon có thể tái chế được và quá trình in được thực hiện trong môi trường không trọng lực hoặc gần như không trọng lực. Điều đặc biệt ở đây là quy trình này diễn ra bên trong một loại gel có thành phần chính là nước, cho phép tạo hình chính xác và tạo ra những sản phẩm phức tạp với sự hỗ trợ của môi trường in đặc biệt.

Công nghệ này có tiềm năng giảm lãng phí và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Họ tiêm silicone vào gel để tạo hình dạng đặc trưng của túi Swipe Bag của Coperni và sau khi quá trình in hoàn tất, bạn có thể sử dụng chúng ngay ngay lập tức. 

Túi Swipe đã trở thành một dạng ‘đặc điểm nhận dạng’ cho sự sáng tạo của Coperni. Vào mùa Thu năm 2024, những người đồng sáng lập Sébastien Meyer và Arnaud Vaillant đã hợp tác với NASA để sản xuất một phiên bản đặc biệt được làm từ silica aerogel của cơ quan nghiên cứu vũ trụ này – một vật liệu siêu nhẹ được gọi là chất rắn nhẹ nhất trên Trái đất, thường được sử dụng để thu thập bụi sao. Chỉ nặng 33 gram, chiếc túi được thiết kế để chỉ chứa những thứ nhẹ nhất, do đó mà chúng trông rất giống như một đám mây trôi.

Coperni không phải là công ty duy nhất khám phá tiềm năng của công nghệ in 3D. Thương hiệu có trụ sở tại Vienna, Published By đã thu hút sự chú ý với những chiếc túi “IT” được làm bằng các kỹ thuật tương tự. Mặc dù công nghệ in 3D có thể sẽ tốn kém và không chắc chắn có thể đem đến lợi nhuận không, nhưng cam kết đổi mới của Published By dường như vẫn đang mang lại kết quả; doanh số dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vào năm 2024, theo Vogue Business, với doanh thu dự kiến ​​vượt qua 1 triệu euro (1,1 triệu USD).

Thay vì chạy theo xu hướng của từng mùa, Published By tập trung chiến lược của mình vào việc phát triển các phong cách cốt lõi có thể tồn tại lâu dài. Đây là mục tiêu đạt được thông qua kỹ thuật ép phun, cho phép tái sử dụng cùng một kiểu dáng nhiều lần.

Behind the Scenes of Iris van Herpen's 3-D Printed Spring 2018 Couture Collection | Vogue
BST Couture Xuân 2018 của Iris Van Herpen được triển khai kĩ thuật in 3D

Nhà thiết kế người Trung Quốc Kay Kwok, một người tham gia vào vườn ươm thời trang kỹ thuật số Syky Collective, đang sử dụng công nghệ in 3D cho các tác phẩm tiên phong của mình, và đã nhận được sự công nhận từ các ngôi sao nổi tiếng như Beyoncé và Björk. Các nhãn hiệu giày thể thao thế hệ tiếp theo như Sol3mates và Zellerfeld của Chalhoub Group cũng đang tích hợp công nghệ in 3D vào quy trình sản xuất của họ, trong khi thương hiệu thể thao giải trí đang nổi On đã gây chú ý với lần ra mắt giày in 3D chạy bằng rô-bốt trong Thế vận hội Paris, thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông vì bước đột phá của mình.

Meet Kay Kwok, the first Hong Kong designer to dress Beyoncé: he created a 3D-printed piece for the pop star's Renaissance tour, interned at Alexander McQueen – and worked with Nike and
Beyoncé diện tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bởi KWK by Kay Kwok

Mặc dù công nghệ in 3D thường bị coi là một mánh lới quảng cáo nhất thời, nhưng tiềm năng tài chính là có thật. Vào năm 2021, công ty nghiên cứu thị trường SmarTech Analysis đã báo cáo rằng lĩnh vực này đã tạo ra doanh thu 10,6 tỷ USD, không bao gồm doanh thu từ bảo trì phần cứng và hậu xử lý. Công ty dự đoán rằng quy trình ‘additive manufacturing’ – phương pháp sản xuất theo lớp, vật liệu được thêm vào từng lớp một để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh, thường sử dụng các công nghệ như in 3D – sẽ phát triển đạt trên 50 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, thách thức đối với in 3D nằm ở những hạn chế của nó đối với sản xuất hàng loạt, do đó mà những sản phẩm in 3D chỉ có thể sản xuất với số lượng ít. Điều này vừa mang lại cơ hội vừa là thách thức cho các thương hiệu xa xỉ. Phương pháp ấy có thể giúp các nhà mốt tập trung vào các sản phẩm siêu độc quyền và phiên bản giới hạn nhưng nó lại hạn chế khả năng thương mại hóa sản phẩm ở quy mô lớn – một hướng đi mà các thương hiệu xa xỉ đã theo đuổi nhiều hơn trong thập kỷ qua. 

SUSAN FANG 3D PRINTED BEADED FLOWER BAG (BLUE) – dim at noon
Chiếc túi được làm từ kĩ thuật in 3D của thương hiệu Susan Fang

Các thương hiệu như Coperni và Published By đã xây dựng danh tiếng của mình bằng cách đánh cược vào những cải tiến tiên tiến như in 3D. Nhưng liệu công nghệ này có được các ông lớn trong ngành xa xỉ ưa chuộng hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Ngay cả khi công nghệ này thành công, câu hỏi đặt ra là liệu in 3D có thể chứng minh được rằng nó không chỉ là một xu hướng nhất thời trong một ngành nổi tiếng với việc nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới nhất và loại bỏ những công nghệ đã hết thời hay không.

Thực hiện: Mỹ Tâm

Theo Jing Daily