Tương lai nào cho ngành dự đoán thời trang?

Ngày đăng: 07/09/21

Nghiên cứu và dự đoán xu hướng là một công cụ được sử dụng hầu hết trong các lĩnh vực thương mại ngày nay. Và nó gần như được xem là một ngành nghề công việc chính thống, với sự ra đời của các công ty agency và các cá nhân nổi bật chuyên về lĩnh vực này. Việc phân tích chính xác các xu hướng của người tiêu dùng và thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hướng và phát triển của thương hiệu trong tương lai gần.

Riêng với ngành thời trang, một ngành công nghiệp với bề dày lịch sử đáng kinh ngạc, cùng sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, với những kỹ thuật chế tác khác nhau, đã tạo nên một thị trường luôn thiên biến vạn hóa và không ai có thể đoán trước được điều gì. Không như những ngành công nghiệp khác, luôn phát triển với những xu hướng công nghệ tối tân nhất, ngành thời trang đôi khi sẽ khiến ta bất ngờ bởi sự tái xuất của một vài “chứng nhân lịch sử”. Không đâu xa, đầu năm nay chúng ta đã được chứng kiến sự trở lại của một Y2K style (Year 2000) hoàn toàn khác: cổ điển, phóng khoáng, và nổi loạn hơn bao giờ hết.

Xin phép mượn một câu nói nổi tiếng của làng thời trang mà hầu như nhà thiết kế nào cũng cố gắng áp dụng: “Tôi không chạy theo xu hướng, tôi tạo ra chúng”. Tương tự như vậy, việc dự đoán trước được chuyển động của thị trường, xác định được điều gì sẽ “trendy” và điều gì không là một bước đi chiến lược quan trọng để đón đầu làng mốt và dẫn trước đối thủ một bước.

SS 21 Women's fashion weeks x SS 21 Peclers'trend forecast - Peclers Paris

Vậy, dự đoán thời trang chính xác là làm gì?

Vai trò của một người dự đoán là phân tích sự biến động của thị trường, tìm kiếm và thu thập các thông tin từ hành vi của người dùng, từ đó tìm ra “sợi chỉ đỏ” liên kết và thống nhất các dữ liệu đó. Đây là nền tảng và cơ sở cho sự ra đời của một “điều lớn lao tiếp theo” (the next big thing). 

Để có thể gọi tên chính xác một xu hướng sắp tới, một chuyên viên dự đoán phải tập hợp được càng nhiều thông tin càng tốt, từ nhiều nguồn uy tín khác nhau để tạo nên một cơ sở đánh giá khách quan, cũng như củng cố cho sự tiềm năng của dự đoán cuối cùng. Lời dự đoán sau cùng nên được kết luận từ các dữ liệu một cách logic, dễ hiểu và có tính khả thi.

Một thách thức không nhỏ nhưng cũng đầy thú vị đối với những ai thích thú và muốn dấn thân cho vị trí “tiên tri” này: không chỉ thường xuyên đọc các báo cáo về thị trường và thói quen của người dùng, còn cần phải làm đầy vốn tự có của mình, quan tâm đến tất cả các khía cạnh của văn hóa từ nghệ thuật sáng tạo, truyền thông và du lịch, cho đến dòng chảy lịch sử của các phong trào và sự phát triển của những tiểu văn hóa ngầm trong khoa học và công nghệ. Khi kết hợp với các dữ liệu thống kê từ kinh tế và thương mại, những nguồn thông tin này sẽ mang lại một cái nhìn sâu sắc và nhạy bén hơn về những xu hướng tiếp theo.

FASHION VIGNETTE: >>INTERFILIERE FASHION TRENDS A/W 2012/13

Hơn thế, dự đoán thời trang là một công việc có tính chất xoay vòng. Một chu trình dự đoán sẽ không bao giờ kết thúc, kể cả khi đã “chỉ mặt gọi tên” đích danh xu hướng đó. Khoảng thời gian áp dụng lời dự đoán, từ khi ra mắt cho đến khi chấm dứt vẫn sẽ được theo dõi nghiêm ngặt để lấy thông tin và cải thiện ý tưởng cho chu trình dự đoán tiếp theo. Khi xu hướng thời trang đã được xác định, các “material” cho bộ sưu tập như kiểu dáng, màu sắc, họa tiết, chất liệu sẽ dần lộ diện một cách trực quan hơn. Không những thế, việc dự đoán xu hướng còn góp phần sáng tạo và xây dựng ý tưởng cho những hoạt động truyền thông và thương mại bên lề. 

“Thế lực mới” của ngành dự đoán thời trang

Chỉ tính đến năm 2011, tiềm năng của ngành dự đoán thời trang đã được “định giá” lên đến 36 tỷ USD. Khi thị trường thời trang chuyển động nhanh hơn, việc nhu cầu tìm kiếm các thông tin tăng mạnh, vòng đời của một chu kỳ dự đoán cũng sẽ được rút ngắn lại về mặt thời gian. Điều này không chỉ dẫn đến sự tăng trưởng lớn trong ngành dự đoán, mà còn gây ra một số thay đổi nhất định. 

Nếu như trước đây, dự đoán xu hướng thời trang là một “thị trường độc quyền” của những công ty dự đoán (trend forecasting agency) như WGSN, Trends Tablet, Derelers Paris và Nelly Rodi Lab, thì ngày nay, nó là một miếng bánh ngon dành cho tất cả. 

Những ông lớn này có sự hậu thuẫn và tài trợ từ những đế chế thời trang, đủ nguồn lực và vốn để nghiên cứu cũng như sử dụng công nghệ với vô vàn thuật toán phức tạp để thống kê và tổng hợp kết quả. Các công ty tận dụng các mối quan hệ từ văn hóa xã hội, đến giới kinh tế chính trị để tìm ra những nhân tố và sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến thời trang để dự đoán các xu hướng cho mùa tiếp theo. Vì thế, các xu hướng thường được các công ty này dự đoán trước ít nhất là 2 năm, thậm chí có những xu hướng được “cảnh báo” từ 10 năm trước.

Cũng vì lẽ đó, các công ty dự đoán luôn “một mình một ngựa” trong việc cung cấp loại hình dịch vụ này. Và những ông trùm thời trang như LVMH, Kering, Richemont, PUIG, Label Lux Group và OTB luôn là những cái tên đầu tiên được xem những báo cáo xu hướng hàng năm, qua đó nắm quyền định đoạt cuộc chơi mỗi mùa.

Tuy nhiên, với sự phát triển của Internet và sự ra đời của các cá nhân làm việc độc lập như blogger thời trang, nhà dự báo tự do hoặc những agency nhỏ hơn, cán cân của ngành công nghiệp dự đoán đã không còn nghiêng hẳn về những tên tuổi sừng sỏ trên. Cứ mỗi mùa qua đi, các cây bút thời trang với nguồn thông tin và kiến thức phong phú luôn là nguồn cảm hứng cho một bộ phận không nhỏ người dùng. So với những tài liệu, báo cáo đồ sộ, khó hiểu và có phần khó tiếp cận của những công ty dự báo truyền thống, ngòi bút của các bloggers trên mạng xã hội luôn gần gũi, là kênh thông tin dồi dào và đầy đủ nhất về việc định hình và chỉ ra các xu hướng thời trang mới nhất cho người dùng.

Editorial by Zalando - Shrads

Sự “đối đầu” này hẳn đã góp phần nâng cao giá trị của dịch vụ dự đoán xu hướng đối với các doanh nghiệp kinh doanh thời trang. Ngày càng nhiều công ty xem việc đăng ký dịch vụ dự đoán xu hướng như là một phần không thể thiếu trong cuộc đua bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày một hiểu biết hơn về xu hướng thời trang.

Những vấn đề tiềm ẩn

Không thể phủ nhận, sự phát triển của ngành dự đoán xu hướng đã mang lại một lợi thế không nhỏ cho những doanh nghiệp thời trang, giúp họ dễ thở và bớt mông lung hơn trước khi bắt đầu một mùa mốt mới. Nhưng ở một góc nhìn khác, dù muốn dù không, sự phát triển đấy đang giết chết bản chất và cũng là sự thú vị của ngành công nghiệp thời trang: sự sáng tạo và bất ngờ.

Câu chuyện về thời trang nhanh, về những thương hiệu bán lẻ toàn cầu như Zara, H&M đang làm lu mờ và giảm giá trị của những ý đồ nghệ thuật, của những tác phẩm điên rồ từ những nhà thiết kế độc lập hoặc những tên tuổi haute couture không phải chỉ mới được phân tích ngày một ngày hai. Thông thường, bí quyết thành công của các hãng thời trang “mì ăn liền” chủ yếu xuất phát từ khả năng nắm bắt xu hướng thời trang nhanh chóng và thể hiện điều đó qua các bộ sưu tập. Họ theo dõi sát sao sự thay đổi mỗi ngày trên toàn thế giới của xu hướng thời trang và cho ra mắt các mẫu thiết kế chỉ trong một hoặc hai tuần. Khi đó, dự báo xu hướng không còn là nguồn cảm hứng cho một thế giới thời trang hào hoa, mà chỉ là một công cụ giúp các thương hiệu bán lẻ chiến thắng trong cuộc chiến lợi nhuận và chiếm giữ thị phần.

Ngoài ra, hãy thử tưởng tượng, một ngành công nghiệp thời trang không còn sự đa dạng của những Alexander McQueen điên rồ, một Gucci nổi loạn, một Chanel tinh tế, hay một Dolce & Gabbana sắc màu. Mỗi mùa mốt, không còn màn “đánh úp” của những câu chuyện từ kinh đô điện ảnh Hollywood (Chanel), nguồn cảm hứng từ tư tưởng nữ quyền (Dior), hành trình tìm về với thiên nhiên (Burberry) hay truyền thống lịch sử văn hóa vùng Sicilia nước Ý (Dolce and Gabbana), cùng màn phô diễn của những kỹ thuật cắt may và xử lý chất liệu đỉnh cao từ các thợ thủ công lành nghề. Chỉ còn lại những xu hướng mà ai cũng biết từ trước, và những bộ sưu tập rập khuôn theo yêu cầu của xu hướng năm đó. Ngành công nghiệp thời trang khi đó liệu có còn đáng giá hàng nghìn tỷ USD?

Sự phát triển vượt bậc và tầm quan trọng của dự báo xu hướng đã đặt ra một câu hỏi hoài nghi về tính phát triển bền vững của nó trong ngành thời trang. Liệu nó là một nguồn cảm hứng, là một thứ vũ khí trong cuộc chiến doanh thu khốc liệt, hay tệ hơn, là một sợi dây thòng lọng đang quàng vào cổ những yếu tố và giá trị nghệ thuật của ngành thời trang?

Thực hiện: Diana Nguyễn

Tham khảo: Not Just A Label