Tương lai thời trang Việt được dự đoán trong buổi chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên thiết kế trường Đại học Văn Lang 

Ngày đăng: 09/01/25

Tại buổi chấm đồ án tốt nghiệp đợt tháng 1/ 2025, những nhà thiết kế trẻ theo học dưới mái trường Đại học Văn Lang đã trình bày tầm nhìn sáng tạo trong những bộ sưu tập đặc sắc.

Bên cạnh những show diễn hoành tráng của các nhà thiết kế/ thương hiệu lớn, nhịp đập sôi động của thời trang Việt không thể thiếu vắng những màn trình diễn đồ án tốt nghiệp của các sinh viên thời trang. Trước khi ra “biển lớn”, chinh phục thời trang trong nước lẫn đấu trường quốc tế, những sinh viên được đào tạo trở thành nhà thiết kế trẻ phải khẳng định tư duy sáng tạo của bản thân thông qua bộ sưu tập đầu tiên. Được xem là những người giữ trong tay “chìa khóa” của tương lai thời trang Việt, bộ sưu tập đầu tiên của các nhà thiết kế trẻ được đặt kỳ vọng cao và đánh giá nghiêm khắc. Đồng thời, sự thành công của bộ sưu tập đầu tiên chính bảo chứng cho nhiều năm học tập, tích lũy nghiêm túc và một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong tương lai.

Đối với sinh viên theo học tại khoa thiết kế thời trang tại trường Đại học Văn Lang, cột mốc mở đầu sự nghiệp chính là bộ sưu tập đồ án tốt nghiệp. Nổi tiếng là “cái nôi” nuôi dưỡng biết bao nhà thiết kế tài năng của Việt Nam, những buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của ngành Thiết Kế Thời Trang trường Đại học Văn Lang luôn được mong đợi và thu hút sự chú ý từ giới mộ điệu trong nước. Vào hai ngày 3, 4 tháng 1 năm 2025 vừa qua, các sinh viên ngành thiết kế thời trang của trường Đại học Văn Lang đã vừa chính thức khép lại hành trình trải nghiệm và học tập qua kì bảo vệ đồ án tốt nghiệp với nhiều nỗ lực và cố gắng. Những lời đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng từ hội đồng chuyên môn chấm điểm chính là động lực và “kim chỉ nam” để các sinh viên tiếp tục theo đuổi giấc mơ thời trang trong tương lai.

Dưới đây là 10 đồ án tốt nghiệp để lại ấn tượng khó phai cho một khởi đầu đầy hy vọng của thời trang Việt năm 2025:

“Huế 1961” – NTK Trần Thị Phương Linh

Bộ sưu tập tốt nghiệp “Huế 1961” là sự lượm nhặt những mảnh ký ức và cảm xúc rời rạc từ những câu chuyện kể về Huế của mẹ nhà thiết kế trẻ Trần Thị Phương Linh. Những mẩu chuyện về Huế trong ký ức đó được hòa quyện cùng chất liệu hữu hình từ bộ ảnh chụp khung cảnh thơ mộng nơi đây vào năm 1961 của nhiếp ảnh gia John Dominis. Bộ sưu tập khai thác một cách thú vị các giá trị thẩm mỹ trong bộ ảnh, từ trang phục, kiến trúc, phong cảnh đến lối sống. Từ nguồn cảm hứng nhuốm màu thời gian, “Huế 1961” mang đến những thiết kế vừa đậm tinh thần truyền thống vừa phù hợp với xu hướng hiện đại.

Phom dáng chủ đạo được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của nước Việt như áo dài và áo bà ba. Trên nền trang phục truyền thống là sự kết hợp tinh tế với các họa tiết mang tính vị lai cũng như kỹ thuật đan lát, draping – được tạo hình 3D để gợi lại chuyển động của vải khi đạp xe đạp. Những họa tiết truyền thống khác như “Hoa lá hóa rồng” và “Lưỡng long triều nguyệt” được kết hợp với các chi tiết kiến trúc nhà thờ, tái hiện qua các kỹ thuật như dệt kim cải màu, chạm khắc da, in 3D… mang đến vẻ đẹp vừa quen thuộc vừa mới mẻ. 

Trong “Huế 1961” của Trần Thị Phương Linh, hình ảnh đời thường của người dân Huế xưa được hoán dụ đầy lãng mạn nhưng cũng thật mạnh mẽ, vừa cũ vừa mới, vừa thể hiện được giá trị di sản truyền thống vừa hướng đến một tương lai tươi mới. Bộ sưu tập này không chỉ tôn vinh di sản văn hóa cố đô mà còn tạo nên cầu nối giữa ký ức cá nhân và cảm hứng nghệ thuật đương đại, tái hiện một Huế trong quá khứ vẫn truyền thống, nhưng đầy mới mẻ và thú vị.

Tinh thần tôn vinh di sản truyền thống, tư duy sáng tạo độc bản cùng kỹ thuật được trau chuốt tỉ mẩn của NTK Trần Thị Phương Linh đã chinh phục được hội đồng chấm điểm, khi trở thành tân Thủ khoa trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp thời trang tháng 1/2025.

“Imagery” – NTK Lê Tuấn Hiển

Được khai thác từ GIẤY và GIÀY – 2 yếu tố mặc dù nghe có vẻ khác nhau nhưng lại có mối liên hệ sâu sắc trong khả năng truyền tải câu chuyện của những người tạo ra, sử dụng hoặc trải nghiệm chúng, bộ sưu tập “Imagery” của NTK trẻ Lê Tuấn Hiển mời người thưởng thức bước vào miền sáng tạo vô song. Sự đồng điệu ẩn trong màn kết hợp giữa hai ý tưởng không điểm chung đã chắp cánh cho những sáng tạo mang tính độc bản, và thử nghiệm cao của nhà thiết kế trẻ. 

“Imagery” để lại ấn tượng ở những phom dáng ngoại cỡ, và trừu tượng: một chiếc váy được làm từ các “cuộn giấy” metallic nối lại với nhau, đôi khi được gắn thêm tà váy kéo dài phía sau; vạt mũ và tà váy được “cắt xé” thủ công phức tạp; trong khi đó, tinh thần thiết kế avant-garde tiên phong được khắc họa trọn nét trên chiếc áo phom kén hay những đôi giày hình thù kỳ quái như thể chỉ thấy ở ngoài vũ trụ. Tô điểm toàn bộ bộ sưu tập chính là những chiếc mũ lấy cảm hứng từ mũ bearskin, được phủ nhiều lớp lông vũ màu mè sặc sỡ. Qua màn thử nghiệm mang tính sáng tạo cao, đồ án khám phá tính ứng dụng và độ linh hoạt của trang phục. 

“Ngọc Khảm” – NTK Nguyễn Nhật Huy

Bộ sưu tập “Ngọc Khảm” của nhà thiết kế trẻ Nguyễn Nhật Huy là một sự kết hợp giữa nghệ thuật khảm xà cừ truyền thống và phong cách thời trang thập niên 1930s. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật khảm xà cừ độc đáo của làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, Tiền Giang, nhà thiết kế trẻ đưa nét di sản mang tính văn hóa cao vào ngôn ngữ thời trang duy mỹ. Kỹ thuật khảm, mài cưa ốc, đánh bóng được kết hợp tinh tế trên vải vóc. Trong khi đó, phom đầm suông phổ biến của những năm 1930s được đan cài cùng kỹ thuật draping mềm mại. 

Bộ sưu tập “Ngọc Khảm” không chỉ là một sự tri ân dành cho làng nghề khảm xà cừ Gò Công mà còn là một tuyên ngôn về giá trị bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Thông qua những thiết kế bộ sưu tập khẳng định sự sáng tạo vô tận của thời trang và tinh thần giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

“Camellia in 1920s” – NTK Đoàn Phương Thảo Nguyên

“Camellia in 1920s” là bộ sưu tập mô tả nét duyên dáng trong thời trang cưới vào những năm 1920 qua từng cánh hoa trà (Camellia) trắng tinh khiết. Không đầm xòe công chúa, thắt eo cổ điển, thời trang cưới của những năm phong cách flapper ngự trị đặc trưng với phom dáng suông, không chiết eo, phần eo được hạ thấp, điểm xuyết bằng phần cổ áo xẻ sâu, đuôi váy bằng vải tulle bay phấp phới và mặc cùng voan đội đầu dài. Dấu ấn thiết kế đặc trưng đó được xuất hiện trọn vẹn trong đồ án tốt nghiệp của NTK Đoàn Phương Thảo Nguyên. 

Vẻ đẹp thuần khiết, đằm thắm và trang nhã của cô dâu trong ngày trọng đại được lồng ghép cùng bông hoa trà – tượng trưng cho sự thanh lịch vượt thời gian. Hoa trà trắng được “trồng” trên thước vải lụa, ren, len. Những chất liệu quen thuộc trong thời trang cưới đó được trải qua nhiều kỹ thuật xử lý như đắp ren, thêu lắc tay, cut out…

“Thực vật khô” – NTK Võ Quỳnh Như

Hoa lá mê hoặc bởi sự tươi tắn và đẹp nhất khi nở rộ; tuy nhiên khi héo tàn chúng tỏa ra một sức hút đặc biệt. Nó chạm đến nhiều tâm hồn thích khám phá nét đẹp không theo tiêu chuẩn; trong số đó có nhà thiết kế trẻ Võ Quỳnh Như. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp bị héo úa, bào mòn bởi dòng thời gian của thực vật, đồ án tốt nghiệp của Võ Quỳnh Như khai thác hình ảnh, bề mặt, màu sắc và những đặc điểm của những thực vật khô.

Bề mặt khi sấy khô, hay được cắt lát của nhiều loại thực vật được gài gắm qua ngôn ngữ thời trang bằng các kỹ thuật như thêu, in, phối theo hướng Art Decor…kết hợp với chi tiết kết cườm. Bảng màu xuyên suốt bộ sưu tập trải dài từ đỏ sẫm, cam đất, xanh rêu, nâu, be,… và nhiều sắc thái trầm ấm khác. Chất liệu cũng mang nhiều tính gợi hình – mô tả bề mặt sần sùi, nhăn nhúm của thực vật khô. Từ cảm hứng từ vẻ đẹp của những điều nhỏ nhắn trong cuộc sống, Võ Quỳnh Như đem đến những thiết kế đương đại đầy sáng tạo.

“ALL ME IN ME” – NTK Bùi Phạm Bích Phương

BST “ALL ME IN ME” lấy cảm hứng từ hành trình nuôi dưỡng tính nữ của bản thân nhà thiết kế Bùi Phạm Bích Phương. Tính nữ sâu thẳm trong cá thể được ẩn dụ qua hình ảnh hoa ly ẩn trong băng – một biểu tượng cho vẻ đẹp nữ tính, mềm mại nhưng vẫn mạnh mẽ và kiên cường. Trong bộ sưu tập, loài hoa mang nhiều ý nghĩa đó được phác họa bằng nhiều phương pháp tạo hình hiện đại như video art (3D render), digital art (digital painting), và AI art (AI image generation) và hình ảnh thật tự dựng. Họa tiết hoa ly không đơn thuần được in trên nền vải, mà còn trở nên sống động hơn khi được tạo hình bằng vải, những đường cắt, chi tiết ruffle mềm mại. 

Tính nữ được nhấn mạnh trên phom áo corset cổ điển, váy đuôi cá dài quét đất và phần cổ yếm. Các thiết kế trong bộ sưu tập được phát triển từ cấu trúc và đặc điểm của ba phong cách mà bản thân NTK thiết kế như sporty, sultry glam, và Y2K. BST là hành trình tôn vinh sự phong phú trong tính cách và phong cách của bản thân cũng như người phụ nữ hiện đại. Dù ở bất kỳ sắc thái nào, người phụ nữ được khuyến khích yêu thương bản thân, tự tin thể hiện vẻ đẹp nội tâm cũng như ngoại hình một cách tự tin và chân thật. Chỉ có tình yêu bản thân mới giúp tính nữ trở nên mạnh mẽ. 

“Oceanic Plankters” – NTK Dư Hoài Phương

“Oceanic Plankters” là bộ sưu tập của NTK trẻ được thiết kế lấy cảm hứng từ vẻ đẹp diệu kỳ của các sinh vật phù du biển sâu. Hình dáng và các chuyển động dưới lòng đại dương sâu thẳm của các sinh vật biển được mô phỏng trên phom dáng hình khối, và kết hợp cùng hơi thở vị lai của thời trang Space Age vào thập niên 60. Chất liệu chủ đạo xuyên suốt bộ sưu tập là vải organza, ren, vải thun và các chất liệu khác như mica để thể hiện độ trong suốt, óng ánh của các loài sinh vật biển.

 

Trong khi đó, bề mặt và họa tiết trang trí trên làn da của sứa biển, san hô hay bất kỳ loài cá nào được đặc tả đầy chân thật qua các kỹ thuật in chuyển nhiệt, in decal, thêu, đính kết, in 3D kết hợp với các kỹ thuật buộc shibori, xếp nếp tạo độ sống động. Màu sắc được sử dụng (các tông màu đen, xanh dương, xanh biển, xanh tím, trắng) cũng gợi nhớ đến hình ảnh của các sinh vật biển nhưng không được nhìn bằng mắt, mà là dưới kính hiển vi. Từ vẻ đẹp đầy mê hoặc của sinh vật biển, NTK mong muốn lan tỏa tình yêu dành cho thiên nhiên với mọi người, từ đó hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường. 

“IKE” – NTK Lê Đức Hiếu

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật cắm hoa Ikebana, nhà thiết kế trẻ Lê Đức Hiếu tạo nên bộ sưu tập “IKE”. Các cấu trúc trang phục trong bộ sưu tập đồ án được phát triển từ trang phục truyền thống của Nhật Bản thời kỳ Edo, kết hợp tinh tế cùng lễ phục phương Tây hiện đại như tuxedo, vest, quần tây, đầm dạ hội cổ điển. Đó là phom kén phồng, cổ áo đan chéo đổ về sau, chi tiết xếp nếp, layering nhiều lớp… được đặt cạnh cùng kỹ thuật may đo của âu phục như free cutting, TR cutting, magic pattern, draping. 

Các bố cục cắm hoa trong nghệ thuật Ikebana được cách điệu thành các họa tiết trang trí như mạng ren thủ công, thêu tay, thêu ruy băng, đính kết cườm, đính lông vũ. Đồng thời các trạng thái biến đổi liên hồi theo thời gian: cũ – mới, tươi – tàn của bình hoa được đặc tả bằng các kỹ thuật xử lý bề mặt như devore, chần dây ruy băng tạo bề mặt, đánh tưa vải,… Bộ sưu tập còn sử dụng đa dạng nhiều chất liệu vải và phụ liệu như lụa tơ tằm, chỉ tơ, sợi cotton, gốm, sơn mài.

Bộ sưu tập hướng đến thể hiện tính tương phản nhưng hài hòa đúng với tinh thần của nghệ thuật cắm hoa Ikebana. “IKE” – thể hiện sự yêu thích và góc nhìn từ cá nhân NTK trẻ với nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản – một bộ môn đề cao việc thấu hiểu bản chất tự nhiên của cây và hoa, từ đó truyền tải vẻ đẹp của thiên nhiên.  

“Gánh hàng rong” – NTK Nguyễn Nhật Linh 

Gánh hàng rong – một hình ảnh bình dị và mộc mạc trong cuộc sống, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo độc đáo cho đồ án của NTK trẻ Nguyễn Nhật Linh. Dưới lăng kính sáng tạo và trí tưởng tượng của Nguyễn Nhật Linh, những gánh hàng, yên xe chất đầy hàng hóa, được cố định bằng dây ràng trên khắp phố phường được mô phỏng qua các họa tiết ngoằn ngoèo, rực rỡ màu sắc. Hình ảnh phức tạp đó được mô phỏng lại bằng họa tiết pixel. Các chi tiết hình trái cây, cây cảnh, cá cảnh và nhiều món hàng khác dưới dạng pixel được in chuyển nhiệt, thêu chữ thập, và khắc laser trên đa dạng nền chất liệu như vải jean, vải lưới. Các màu sắc như màu xanh jean, trắng, kết hợp sắc xanh lá, hồng, cam, vàng,.. mang đến sự sinh động, vui nhộn và tràn đầy sức sống. 

Trong mắt của nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến Việt Nam ghé chơi, hình ảnh chiếc xe chở hàng hay một gánh hàng rong chất đầy hàng hóa di chuyển mượt mà trên đường phố là một sự phi thường. Nó tượng trưng cho sức mạnh kiên cường và sự linh hoạt của người Việt. Sự linh hoạt đó dưới ngôn ngữ thiết kế trong đồ án tốt nghiệp của Nguyễn Nhật Linh được thể hiện qua chi tiết quần túi hộp hiện đại, phom dáng bất đối xứng tạo bề mặt phức tạp cho tổng thể cũng như cách styling nhiều lớp quần áo. 

Bộ sưu tập mang đến một góc nhìn vui tươi và nhộn nhịp về đường phố Sài Gòn, tôn vinh niềm vui lao động của những người bán hàng rong, đồng thời kết nối di sản truyền thống cùng tinh thần hiện đại.

“Day Dreaming” – NTK Bùi Phan Ngọc Hà

Bộ sưu tập “Day Dreaming” của NTK Bùi Phan Ngọc Hà là một bản hòa ca của cảm xúc, nơi vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam giao thoa cùng sức sống mê đắm của thiên nhiên. Thế giới sơn dầu đầy mộng mơ của họa sĩ Lê Phổ đã chắp cánh cảm hứng đứng sau bản hòa ca đó. Chân dung người phụ nữ thanh khiết trong “Day Dreaming” được phác họa bằng nét thanh tú của cảnh sắc đất trời, hoa cỏ. Đề tài không chỉ khai thác sâu sắc vẻ đẹp hội họa mà còn chuyển hóa nó thành ngôn ngữ thời trang đương đại. 

Những họa tiết trừu tượng từ đường nét của thiên nhiên, kết hợp cùng hình ảnh người phụ nữ trong tranh, được tái hiện qua kỹ thuật thêu tay, in kỹ thuật số, và đính kết tỉ mỉ. Trong khi đó, phom dáng trang phục lấy cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam truyền thống và sử dụng chất liệu mềm mại, bay bổng như lụa organza. Bộ sưu tập tựa như một áng thơ lãng mạn, vừa tôn vinh vẻ đẹp trường tồn của người phụ nữ Việt, vừa nối dài tinh thần phiêu bồng trong nghệ thuật Lê Phổ – tạo nên một hành trình trọn vẹn khám phá vẻ đẹp giao thoa giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa ký ức và hiện thực.

Thực hiện Dory

 Nguồn ảnh, thông tin tham khảo: Khoa Thiết kế Thời Trang Văn Lang, LIGHT TOUCH