Tương tác thực tế ảo trong ngành bán lẻ dự đoán tương lai của ngành hàng xa xỉ

Ngày đăng: 20/06/20

Gần đây, các trung tâm thương mại lớn tại Singapore đã đẩy mạnh kết hợp công nghệ tương tác thực tế ảo (AR), làm mờ lằn ranh giữa bán lẻ xa xỉ truyền thống và kỹ thuật số, mang đến tiềm năng rất lớn để tăng cường sự gắn kết với khách hàng.

AR (Augmented Reality – Thực tế Tăng cường) là một công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo vào thế giới thực (và ngược lại), nó giúp người sử dụng tương tác với những nội dung số trong thực tại (như chạm vào, phủ vật thể lên trên – nói dễ hiểu là ghép ảnh theo dạng 3D),…

Gần bốn tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế đang phải đối mặt với thực tế “bình thường mới” mà họ không chắc nó sẽ như thế nào thời gian tới. Đối với ngành công nghiệp thời trang, hàng loạt đơn hàng bị dừng lại và làm gián đoạn chuỗi cung ứng khổng lồ dẫn đến những tổn thất cực kỳ nghiêm trọng cho thương hiệu, đến mức nhiều thương hiệu nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Hình ảnh một cửa hàng của hãng kim hoàn Tiffany

Với chính sách tự cách ly và thắt chặt an ninh trước các mối đe dọa về một đợt bùng phát thứ hai, mọi hoạt động du lịch cả trong và ngoài của một số nước đều đang đóng băng – mặc dù lượng mua sắm cuối tuần tại các trung tâm địa phương đã có sự tăng nhẹ, các trung tâm thương mại ra sức tung những chiến lược mới nhằm thu hút và giữ chân người tiêu dùng. Khi các quốc gia chuyển sang giai đoạn hậu dịch, mức tăng trưởng của các phương tiện tại nhà cũng tăng đáng kể: trình duyệt web tăng 70%, tiếp theo là lượt xem truyền hình truyền thống với 63% trong khi lưu lượng tham gia mạng xã hội tăng 61%.

Việc hạn chế du lịch nước ngoài là một vấn đề đặc biệt đối với các thương hiệu nhắm vào người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc, với một tỷ lệ cực lớn chi tiêu xa xỉ được thực hiện ở nước ngoài. Năm 2018, khoảng 70% chi tiêu xa xỉ phẩm của Trung Quốc được thực hiện ở các điểm đến du lịch, theo báo cáo của McKinsey China Luxury Report năm 2019.

Giai đoạn 1 của “Bình thường mới”: Giản lược

Theo công ty tư vấn thông tin dữ liệu Kantar, nhiều thương hiệu và nhà sản xuất đang cân nhắc việc giản lược để tiết kiệm chi phí với lý do là vì người tiêu dùng đang “thắt lưng buộc bụng” nên khả năng tiêu thụ đang ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, Kantar tin rằng nếu bỏ qua việc truyền thông cho thương hiệu sau sáu tháng có thể làm giảm 39% độ nhận diện thương hiệu. Như một điểm sáng cuối đường hầm, với sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ tương tác ảo còn non trẻ, các thương hiệu đang thử nghiệm nhiều kênh truyền thông mới, vượt khỏi những quảng cáo thông thường với nỗ lực tái khám phá vùng đất bị lãng quên do đại dịch.

Cô Bell Beh, nhà sáng lập công ty Buzz AR khi đang học đại học Công nghệ và Luật tại UC Berkeley, và gần đây, cô ấy là người tiên phong triển khai công nghệ mới nổi này tại các điểm mua sắm xa xỉ hàng đầu của Singapore với sự tham gia của Tổng cục Du lịch Singapore.

Tương tác thực tế ảo tại các cửa hàng bán lẻ dự đoán tương lai của ngành hàng xa xỉ

Ngành bán lẻ thời trang đã tồn tại nhiều bất cập trong vòng 10 năm qua, đại dịch chỉ đóng vai trò thúc đẩy chúng ta giải quyết chúng theo hướng số hóa các trải nghiệm mua sắm: Các cửa hàng sẽ giống như các trang web và trang web sẽ giống như các cửa hàng.

Một số công nghệ mới nổi sẽ đóng vai trò chính trong việc định hình cách mọi người trải nghiệm mua sắm. Công nghệ tương tác thực tế ảo (AR) chỉ là một trong những công nghệ đó, nhưng được đánh giá là một công nghệ chủ đạo. Tại sao? Bởi nếu bạn bị buộc phải ở nhà hoặc ngại ra các cửa hàng, nơi tập trung đông người (mà bạn không thể kiểm soát tiềm tăng bị nhiễm bệnh), thì bản thân hẳn sẽ mong muốn các sản phẩm xuất hiện rõ và chân thật qua màn hình điện thoại. Với sự phổ biến hơn bao giờ hết của internet tốc độ cao và sự tăng lên không ngừng của thiết bị điện tử trong các hộ gia đình, sự kết hợp của Công nghệ tương tác thực tế ảo (AR), thực tế ảo (VR) và trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ biến tương lai ngành xa xỉ thành sự thật.

Túi xách tích hợp công nghệ AR của Louis Vuitton

Giai đoạn hai của “Bình thường mới”: Ngành bán lẻ hậu đại dịch xóa nhòa lằn ranh trực tuyến và ngoại tuyến

Các chuỗi bách hóa Sears và Toys-R-Us tại Mỹ là hai thất bại lớn nhất trong năm 2018, nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra, cũng đến lượt những gã khổng lồ khác như JC Penny và Macy. Tại Đông Nam Á, doanh số bán lẻ của Singapore đã giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp từ cuối tháng 8, so với một năm trước.

Trong bối cảnh tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ với sự góp mặt của Amazon Prime tại Singapore, Lazada và Shopee, chi 1 triệu đô la để Cristiano Ronaldo xuất hiện trong một quảng cáo 10 giây, các nhà bán lẻ truyền thống và nhà sản xuất trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ phải thích nghi với một môi trường bán lẻ ngày càng phức tạp. Với cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ Đại suy thoái, các thương hiệu và doanh nghiệp sẽ cần suy nghĩ lại về việc sử dụng mặt tiền cửa hàng của họ như thế nào để thu hút khách hàng, đồng thời sử dụng công nghệ và dữ liệu theo cách thông minh hơn.

Làm thế nào để cửa hàng truyền thống có thể tồn tại và phát triển?

Một vài điểm mua sắm sang trọng nổi tiếng của Singapore đang cho thấy một hướng đi tiềm năng bằng cách áp dụng công nghệ mới nổi. Buzz AR đang triển khai AR wayfinding, một bảng hướng dẫn khách hàng về những điều thú vị, độc đáo để khám phá trong một “mê cung” mua sắm của các trung tâm thương mại ở Singapore, dù đang trong quá trình phát triển, nhưng Buzz AR cũng đã nhận được sự chào đón của các thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, sự đình trệ của các sàn diễn đã thúc đẩy các nhà mốt như Marc Jacobs, Sandy Liang và Valentino thể hiện những sản phẩm mới nhất của họ trong Animal Crossing, trò chơi đình đám gần đây của Nintendo.

Sự tham gia của các công nghệ như AR và VR giúp xóa nhòa lằn ranh mua sắm truyền thống và trực tuyến, thể hiện tầm nhìn của tương lai khi việc mua sắm có thể diễn ra bất cứ lúc nào, 24/7 và không phụ thuộc vào khung giờ hoạt động hay vấn đề địa lý, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.

Điểm mấu chốt của công nghệ mua hàng: “Điều mà các cửa hàng truyền thống có thể tạo ra chính là sự độc đáo, một trong những trải nghiệm tốt cho người mua hàng,” Giám đốc điều hành MVP Interactive nói. “Đó có thể là nội thất sang trọng, phòng thử đồ VIP hay tinh vi hơn là các công nghệ bán hàng được tích hợp, tạo nên sự độc đáo và đặc biệt cho các cửa hàng.”

Gia tăng lượng khách hàng bằng kỹ thuật số: Nhiều nhà bán lẻ cần phải hoàn thiện kỹ năng tương tác với khách hàng bằng kỹ thuật số – tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch, chiếm được sự tin tưởng, xây dựng ý thức cộng đồng và làm chủ việc phát triển nội dung để thúc đẩy sự trung thành của khách hàng. Trọng tâm bây giờ là làm thế nào để mang đến những trải nghiệm mới cho tâm lý khách hàng.

Sử dụng Bảng quảng cáo AR thu hút khách hàng: Trải nghiệm mua sắm sẽ hấp dẫn hơn nếu có thể tạo nên những hình ảnh tương tác với khách hàng bằng công nghệ AR, thay vì phát những quảng cáo một chiều mà họ không muốn thấy.

Gucci – người sớm nhận ra tiềm năng của AR

Thương hiệu chủ chốt của tập đoàn Kering, Gucci đã kiên trì cập nhật các tính năng mới để đẩy mạnh thương mại điện tử của hãng. Kể từ khi ra mắt phiên bản 6.0 hai tháng trước, ứng dụng của Gucci đã có năm bản cập nhật, mới nhất là tính năng thực tế ảo AR. Khi sử dụng, người dùng có thể xem chính xác giày, kính, mũ và son môi mới của Gucci xuất hiện như thế nào thông qua các bản thử AR, họ cũng có thể sử dụng nó để xem các vật trang trí, nội thất Gucci trong chính không gian làm việc/nhà ở của mình. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chơi các trò chơi điện tử và xem một danh sách các địa điểm có hợp tác văn hóa với nhà mốt.

Công nghệ tăng cường thực tế ảo của Gucci

Điều đó nói lên rằng, ngành công nghiệp xa xỉ đang chìm trong nhiều thế kỷ của truyền thống và công nghệ vẫn là một hạn chế tại Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, những ông lớn thương mại điện tử như Alibaba đã biến AR và VR thành một kỷ nguyên bán lẻ mới, trở thành nơi mà các thương hiệu trực tuyến và ngoại tuyến học hỏi lẫn nhau và cung cấp trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho người tiêu dùng.

Công nghệ số quyết định hành vi của khách hàng

Các thương hiệu sáng tạo nhất đã sử dụng công nghệ để làm giàu và quản lý trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng. Thương hiệu có thể hiển thị thông tin sản phẩm và hàng tồn kho tại cửa hàng trên máy tính của người tiêu dùng và điều hướng lượng người đến cửa hàng.

Công nghệ AR và VR như Bezz của cô Beh sẽ giúp lược bỏ sự lúng túng trong trải nghiệm mua sắm nơi khách hàng, giúp họ tìm được sản phẩm mà mình muốn. Việc xem và cảm nhận sản phẩm qua AR cũng giúp khách hàng không bị tâm lý e ngại do lấy quá nhiều thời gian của nhân viên và tiện lợi trong việc thử nhiều loại sản phẩm. Các cửa hàng tự động hóa sẽ dần trở nên phổ biến trong ngành bán lẻ thông thường, với các tính năng tương tự như đang được áp dụng tại cửa hàng của Apple hiện nay. Khi xu hướng này chạm đến ngành hàng xa xỉ, việc của nhân viên tại cửa hàng là đeo găng tay trắng vào để gói món đồ và trao tận tay cho khách hàng.

“Chúng tôi muốn đi trước khách hàng về công nghệ số – nhưng không quá xa.” – Bridget Dolan

Những ai sớm nhận ra tiềm năng của AR sẽ dễ dàng chiến thắng thị trường và sở hữu nhiều quyền lợi hơn; còn với những người chọn phớt lờ nó, đó là một thiệt thòi rất lớn. Hầu hết các thương hiệu bán lẻ lớn dường như nhận thức được sự chuyển đổi sắp xảy ra và đang nghiên cứu cách thức và thời điểm đổi mới. Như Bridget Dolan, người đứng đầu Sephora Innovation Labs đã giải thích, “Chúng tôi muốn đi trước khách hàng về công nghệ số – nhưng không quá xa.”

Lấy thông tin người dùng làm trung tâm: Các nhà bán lẻ thành công sẽ là những cá nhân có thể hiểu được các yêu cầu và mong đợi khác nhau của khách hàng – cho dù trong thế giới kỹ thuật số hay ngoại tuyến. Tận dụng dữ liệu làm trung tâm và đặt trải nghiệm của khách hàng vào trọng tâm của các quyết định là chìa khóa để tạo ra thành công. Ngoài ra, ông Dolan còn nhấn mạnh việc sử dụng dữ liệu khách hàng. “Đối với các cửa hàng bán lẻ từ tầm trung đến cao cấp, những kỳ vọng của khách hàng dành cho trải nghiệm tại cửa hàng là rất cao, và nó không chỉ là về việc sử dụng công nghệ, mà còn là cách kỳ vọng ấy kết hợp hoàn hảo với quá trình mua sắm.”

Nhiều thương hiệu đã dùng công nghệ AR để kể những câu chuyện thương hiệu một cách sống động và hiệu quả hơn. Loewe en Casa là một dự án của của nhà mốt Tây Ban Nha thể hiện sự quan tâm đặc biệt của họ đối với tài nghệ thủ công nhà nghề và các nghệ nhân đằng sau mỗi sản phẩm, cũng như tiết lộ kỹ thuật đan lát của người Galicia cổ đại bởi nghệ sĩ trang sức người Chile Rita Soto và nghệ sĩ Tây Ban Nha Álvaro Leiro.

Ngoài việc thực hiện các hội thảo và các tour du lịch như Loewe, Prada đã khởi xướng một chuỗi các cuộc thảo luận kỹ thuật số kết nối những bộ óc vĩ đại trong lĩnh vực phong cách, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và tư tưởng để trò chuyện với nhau, tạo ra trải nghiệm thú vị cho người dùng trên ứng dụng Zoom.

AR đang mở ra tương lai cho ngành bán lẻ nói chung và xa xỉ phẩm nói riêng. Bởi không chỉ mang đến những trải nghiệm độc đáo, sáng tạo, nó còn giúp tối ưu hóa quá trình mua sắm, giảm thiểu chi phí và công sức của cả khách hàng lẫn thương hiệu. Công nghệ này vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đã có các thương hiệu, công ty nhận ra tiềm năng thật sự lớn của nó và sẽ phát triển công nghệ này trong tương lai gần.

Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo Luxuo.com