Văn hóa Siêu tăng cường – một trong những xu hướng chủ đạo toàn cầu 2025-2026
Ngày đăng: 13/04/25
Văn hóa truyền thống không còn nằm yên trong viện bảo tàng, mà đang “siêu tăng cường” trên mạng xã hội, trong tách cafe, show diễn, giai điệu TikTok và trở thành “vũ khí” chinh phục khách hàng và kể câu chuyện của các thương hiệu thời trang.
Khi WGSN dự báo Văn hóa Siêu tăng cường (Hyper-cultural) là một trong những xu hướng chủ đạo toàn cầu giai đoạn 2025-2026, thì tại Việt Nam, làn sóng này đã âm thầm phát triển và dần định hình một thế hệ thương hiệu và tệp khách hàng mới. Văn hóa truyền thống dần di chuyển khỏi “bảo tàng” và trở thành nguồn cảm hứng chính cho thời trang, nghệ thuật thị giác, ẩm thực và truyền thông. Đặc biệt trong lĩnh vực thời trang Việt, “siêu tăng cường văn hóa” không chỉ là một chiến lược sáng tạo, mà còn là lý do tồn tại của thương hiệu.
Hiểu đơn giản, đây là cách thương hiệu “thêm muối” cho văn hóa – biến một yếu tố xưa cũ và xa cách thành chất liệu sáng tạo thú vị và gần gũi với thế hệ trẻ. Từ những show truyền hình, chiến dịch viral như Anh trai vượt ngàn chông gai, MV ca nhạc Bắc Bling của Hòa Minzy, các thương hiệu F&B như BÔNG BIÊNG, An Cafe – Từ vùng Kinh Bắc, đến các thương hiệu thời trang Việt như Duc Studio, Soulvenir,…đã và đang sử dụng văn hóa như nguồn cảm hứng một cách kính cẩn, thú vị và trẻ trung.


Văn hóa Siêu tăng cường: Từ chiến lược thương hiệu đến triết lý phát triển
Trong quá khứ, văn hóa thường chỉ là điểm nhấn mang tính biểu tượng. Nhưng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa – nơi tính đồng nhất đang lấn át sự khác biệt thì Văn hóa Siêu tăng cường (Hyper-cultural) nổi lên như một triết lý phát triển chủ đạo. Ở đó, bản sắc địa phương được gìn giữ, tái tạo và khuếch đại thành nguồn năng lượng cho đổi mới và cạnh tranh.
Không còn là yếu tố “nice-to-have”, văn hóa đang trở thành “must-have” trong chiến lược thương hiệu. Xu hướng này vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa thúc đẩy bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.
Văn hóa truyền thống Việt không còn nằm ngoài đời sống thị trường – nó đang được tái sinh mạnh mẽ qua lăng kính sáng tạo. Không dừng ở yếu tố hình thức, các thương hiệu đi sâu vào tinh thần, triết lý và câu chuyện bản địa để tạo nên sản phẩm vừa đậm tính di sản, vừa hợp gu nhóm khách hàng chính là Gen Z và Millennials.
Làn sóng này thể hiện rõ qua các dự án văn hóa đại chúng. Anh trai vượt ngàn chông gai tái sinh những giai điệu xưa trong hình thức hiện đại, khơi dậy niềm hứng thú với cổ phục và thúc đẩy giới trẻ kết nối trở lại với cội nguồn văn hóa. Trong khi đó, Bắc Bling của Hòa Minzy táo bạo hòa trộn quan họ và dân gian với nhạc đương đại, thể hiện cách truyền thống có thể sống động và hợp thời mà không mất đi chiều sâu bản sắc.



Từ thiết kế sản phẩm đến thông điệp truyền thông, từ trải nghiệm dịch vụ đến lối kể chuyện – các nhà sáng tạo đang chủ động khai thác yếu tố truyền thống theo cách tân hiện đại. Đó chính là bản sắc của Văn hóa Siêu tăng cường: vừa giữ gốc rễ, vừa không ngừng tiến hóa.
Thời trang Việt và hành trình “siêu tăng cường” văn hóa bản địa
Trong dòng chảy “Văn hóa Siêu tăng cường”, thời trang Việt Nam đang chứng minh sức bật mạnh mẽ nhờ khả năng tái cấu trúc văn hóa theo lăng kính đương đại. Không dừng ở việc sử dụng họa tiết hay chất liệu truyền thống, nhiều thương hiệu chọn cách kể lại bản sắc Việt bằng những ngôn ngữ thiết kế độc bản. Một số tên tuổi như Công Trí, Phan Đăng Hoàng, Trần Hùng tiếp tục khẳng định bản lĩnh qua những bộ sưu tập haute couture giao thoa giữa tinh thần quốc tế và bản ngã địa phương. Trong khi đó, lớp thương hiệu mới đang mở rộng khái niệm “thời trang bản địa” với nhiều thử nghiệm táo bạo.
Công Trí đã đưa lụa Lãnh Mỹ A – một loại lụa quý của Việt Nam đang dần bị mai một vào bộ sưu tập Thu Đông 2025 như lời tri ân dành cho giá trị truyền thống.
Duc studio, chẳng hạn, chọn đời sống đô thị làm chất liệu chính. Tháng 2 vừa qua, thương hiệu vừa trình diện tới giới mộ điệu thời trang Sài Thành với 20 mẫu thiết kế mới nhất thuộc BST The Brown Label kết hợp cùng với Saigon Ink. Show diễn được diễn ra trong khuôn khổ triển lãm của Saigon Tattoo Expo tại quận 4, Theo tinh thần muốn khai thác tính thẩm mỹ của văn hoá xăm mình và con người quận 4, từng mẫu thiết kế trong bộ sưu tập được khắc họa đậm nét dấu ấn của nghệ thuật xăm mình và phong cách đường phố, đan xen với nét truyền thống và tinh thần thể nghiệm hiện đại.
Với Luuvietanh, văn hóa Việt được tái hiện bằng chất thơ và sự sâu lắng. Những chiếc túi không chỉ là sản phẩm thời trang mà là hình thái kể chuyện, nơi công nghệ số hòa quyện cùng ký ức tập thể – về tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, hay vẻ đẹp phụ nữ Việt.
Dù khác biệt về định hướng, các thương hiệu này đang cùng mở ra một giai đoạn mới cho thời trang Việt – nơi văn hóa không còn là “chất liệu tham khảo” mà trở thành nền tảng sáng tạo. Một sự siêu tăng cường không chỉ bằng kỹ thuật hay công nghệ, mà bằng tinh thần bản địa dũng cảm và tiến bộ.
Thực hiện: Thảo Mèo