Vì sao Liên hoan phim Venice giữ được cốt lõi thời trang cổ điển hơn Cannes Film Festival?

Ngày đăng: 02/09/24

Thường được đặt trên cùng “bàn cân” với Liên hoan phim Cannes nhờ tầm ảnh hưởng mạnh mẽ gắn liền với tích sử hình thành lâu đời; tuy nhiên Liên hoan phim Venice vẫn tạo nên sức hút riêng biệt bởi những đóng góp cũng như dấu ấn đặc trưng trong thế giới điện ảnh.

Ngày 28/8 vừa qua là “phát súng” đầu tiên khai màn cho một trong những Liên hoan phim tầm cỡ và có uy tín nhất toàn cầu. Tiếp tục điểm danh những bộ phim “bom tấn” mới trong năm 2024, mở đầu là buổi ra mắt bộ phim kinh dị – hài hước Beetlejuice Beetlejuice của đạo diễn người Anh Tim Burton, Venice Film Festival 2024 đã khiến giới mộ điệu, đặc biệt là những tín đồ yêu điện ảnh, giới phê bình háo hức. Liên hoan phim Venice được mệnh danh là “cuộc đua” tiền Oscars, vì đây là sân chơi để các bộ phim thuộc hàng loạt thể loại, trên khắp thế giới trong năm được ra mắt giới điện ảnh trước khi chính thức ra rạp chiếu và tranh giải Oscars danh giá vào đầu năm sau. 

Ra đời vào năm 1932, Liên hoan phim Venice là sự kiện điện ảnh lâu đời nhất tuy nhiên chỉ đơn thuần là nơi trình chiếu các bộ phim mới. Venice Festival Film dần hình thành nên một chuẩn mực cho ngành điện ảnh. Tuy nhiên, các giải thưởng của Liên hoan phim Venice bắt đầu vướng phải các cáo buộc thiên vị, thiên vị, khi ca tụng cho những bộ phim của Đức và Ý cũng như những quốc gia trong liên minh phát xít một cách lộ liễu. Điều đó đã khiến uy tín của Liên hoan phim ở Ý giảm đáng kể đối với những nhà làm phim của mọi quốc gia khác như Pháp, Mỹ, Anh… Cho đến năm 1939, một Liên hoan phim Quốc tế khác được tổ chức tại thành phố Cannes bên bờ Địa Trung Hải của nước Pháp, Cannes Film Festival ra đời như một “lá chắn” bảo vệ giá trị nghệ thuật điện ảnh đích thực. Ở đó những bộ phim tham gia tranh giải không phải chịu bất cứ đàn áp nào của chính trị. Từ màn đối đầu “ngầm” này, Venice và Cannes Festival Film thường xuyên bị so sánh, từ quy mô tổ chức, cách thức các ngôi sao tham gia cho đến những giá trị giao thoa giữa điện ảnh, nghệ thuật, kinh doanh phía sau.

Vào thời điểm Cannes bắt đầu hoạt động vào năm 1946, thế giới đã háo hức chờ đợi có thể chiêm ngưỡng những khoảnh khắc lung linh của điện ảnh. Màn khai mạc lúc bấy giờ tích hợp nhiều sự kiện ngoạn mục với màn thả chim bồ câu ấn tượng, pháo hoa, diễu hành thắp đuốc, các buổi  trình diễn thời trang và cuộc bầu chọn Hoa hậu đầu tiên của Liên hoan phim khi thị trấn ven biển nhỏ bé này khẳng định vị thế của mình trên thị trường giải trí.

Những người phụ nữ màn bạc lão luyện như Sophia Loren, Grace Kelly và Brigitte Bardot cũng đã phải đặt vé máy bay bay đến đây để hòa chung bầu không khí. Tuy nhiên, ở một “góc” yên tĩnh hơn của ngành điện ảnh, cách đó 14 năm về trước, Liên hoan phim Venice đã tổ chức các hoạt động của mình ngoài trời như vậy, cụ thể là trên sân thượng của Khách sạn Excelsior trên Lido. 

Trong khi Cannes đã trở thành “bàn đạp” cho các hoạt động tài trợ trang sức, một “miếng bánh ngon” mà hàng loạt thương hiệu muốn dành phần (Chopard đã từng giới thiệu dòng đồ bơi cùng tên của Elizabeth Hurley tại Nikki Beach vào năm 2006), Venice lại “kín tiếng” hơn nhiều. Vẻ hào nhoáng của Venice không được thể hiện một cách “ồn ào” như vậy. Thảm đỏ Cannes chào đón các siêu mẫu lừng danh, các ngôi sao nhạc pop, diễn viên khiêu dâm, ngôi sao truyền hình thực tế và bất kỳ ai có khả năng chi trả cho một màn xuất hiện đặc sắc bậc nhất. Tuy nhiên, phía bên kia “thế giới”, Venice để tinh thần và nét duy mỹ của dòng chữ “la dolce vita” đại diện cho đất nước hình chiếc ủng tự nói lên sự hào nhoáng của ngành điện ảnh. Nhìn lại các thảm đỏ trong Liên hoan phim Venice nhiều năm trước, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được màn thống trị của vẻ ngoài từ tốn, trang nhã, kiêu hãnh và đầy cổ điển.

Ngày đầu tiên của thảm đỏ Liên hoan phim Venice 2024 tiếp tục là một minh chứng cho điều đó. Sau Zendaya, Jenna Ortega và Taylor Russell có lẽ là hai “ứng cử viên” sáng giá trong đường đua tranh giành giải mặc đẹp nhất lịch sử thời trang thảm của Venice. Jenna Ortega tri ân cặp đôi Lydia Deetz – Beetlejuice qua một chiếc váy Dior custom riêng màu đỏ chói chang và một bộ suit màu đỏ tía, được Paul Smith thiết kế riêng.

Trong khi đó, Taylor Russell khiến giới mộ điệu thời trang “thỏa mãn” khi “khai quật” hai thiết kế mang tính biểu tượng: một là trong bộ sưu tập Chanel Spring/Summer 1993 Couture, hai là John Galliano Spring/Summer 1995. 

Tâm lý “muốn đến thì đến”, đón khách nồng nhiệt, thậm chí là bất chấp của Cannes vô hình dung trở thành một “cái tát”, chống đối lại quy định trang phục thảm đỏ nghiêm ngặt nổi tiếng lúc bấy giờ – vốn từng phù hợp với các sòng bạc sang trọng của thị trấn nghỉ dưỡng – nhưng giờ đã bị coi là lỗi thời. Tuy lựa chọn thời trang trên thảm đỏ LHP Cannes tự do, nhưng khách mời đến tham dự phải bước lên những bậc cầu thang màu đỏ biểu tượng bằng giày cao gót. Trong khi đó, Liên hoan phim Venice lại không có quy định ăn mặc nào về giày dép dành cho khách mời.

Không thể phủ nhận sự quyến rũ đầy hấp dẫn trên thảm đỏ Cannes trứ danh. Hãy nhớ lại những khoảnh khắc tạo nên lịch sử, khi Madonna lần đầu tiên xuất hiện trên thảm đỏ với chiếc áo ngực hình chóp của Jean Paul Gaultier vào năm 1991, hoặc thời điểm Milla Jovovich mặc hàng loạt chiếc đầm đính đá trong các buổi ra mắt “The Fifth Element” (1997). Mỗi lần một nữ ngôi sao (như Julia Roberts, Kristen Stewart và Jennifer Lawrence) xuất hiện trên thảm đỏ bằng chân đất hoặc đi dép tông, báo chí lại được phen phát điên lên, xôn xao đưa tin. Venice thì không như vậy, nơi lặng lẽ đưa khách vào thị trấn bằng những chiếc thuyền lãng mạn mà không cần quá cầu kỳ.  Bầu không khí đón khách mời tham dự của Venice dễ chịu và không quá “ngột ngạt” bởi sự xuất hiện đàn áp của các ngôi sao Hollywood. Đó là một không gian tuyệt vời để tất cả chúng ta đắm chìm vào các giá trị nghệ thuật sâu thẳm của làng điện ảnh. 

Lựa chọn thời trang thảm đỏ của LHP Cannes táo bạo gấp nhiều lần nếu so với Venice. Nhìn lại hàng loạt thảm đỏ Cannes từ những ngày đầu cho đến nay, sẽ hiếm có một màn ra mắt nào trùng lặp với nhau. Ví dụ, đến tận lần thứ 77, chúng ta vẫn chưa tìm thấy màn xuất hiện nào ấn tượng có 1-0-2 như Monica Bellucci vào năm 1997. Nhưng tại Liên hoan phim Venice lại mở ra “cánh cửa” cho những khoảnh khắc thời trang theo một cách khác.

Tại “bữa tiệc thời trang” đề cao vẻ đẹp cổ điện đầy sang trọng này, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều màn lột xác chưa từng có của những ngôi sao. Ví dụ, Venice Festival Film 2018 đã chứng kiến ​​Lady Gaga không phải chui ra từ một quả trứng Latex Chalayan, mà là trong một chiếc đầm dạ hội lông vũ lộng lẫy, màu hồng phấn của nhà mốt Valentino, với tư cách là một ngôi sao điện ảnh thực thụ. Dưới cơn mưa, Lady Gaga đã không ngại để chiếc đầm xa xỉ bị ướt sũng, ngược lại là tận hưởng và phục vụ khán giả một màn trình diễn đầy tự tin. Diện mạo kiêu hãnh ở thảm đỏ LHP Venice năm đó đã cho tất cả chúng ta thấy một phiên bản hoàn toàn mới: nữ tính – dịu dàng, của Lady Gaga hoặc môt “Monster Mother” nổi tiếng với phong cách thời trang táo bạo.

Cannes hay Venice, cả hai Liên hoan phim nổi bật của thế giới điện ảnh đều sở hữu dấu ấn riêng biệt. Không phải được tổ chức vào mùa thu ảm đạm (so với mùa hè năng động), mà không khí của Venice Festival Film bị ảnh hưởng. Mới ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, LHP Venice 2024 tiếp tục khiến người hâm mộ háo hức về loạt hoạt động tiếp theo.

Đối với các tín đồ thời trang, chắc chắn họ đang mong đợi và đặt cược hy vọng vào màn ra mắt trên thảm đỏ của hàng loạt ngôi sao từ những người ăn mặc chu đáo như Cate Blanchett đến những người luôn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường thông qua trang phục như Angelina Jolie;… Liên hoan phim Venice 2024 chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ!

Thực hiện Dory

Theo Vogue