[Opinion] Vì sao Local Brand không có size của tôi?

Ngày đăng: 02/12/24

Có câu nói rằng “Mua sắm thời trang là niềm vui thuần tuý của con người.” Có lẽ là thế khi mỗi tế bào dopamine tận hưởng trong niềm vui tột độ vì khi nhìn thấy món quần áo ưng ý và tưởng tượng bản thân sẽ rạng rỡ như thế nào khi diện chúng trên người. Với đại đa số, bước tiếp theo sẽ đơn giản thôi: Hãy mua nó đi! Tuy nhiên với nhiều người khác, trải nghiệm mua sắm sẽ không dừng lại ở đó. Đây là lúc bạn bắt đầu suy nghĩ “Liệu có size của mình không?”

Tôi tin rằng rất nhiều cô gái/chàng trai khác cũng từng trải qua cảm giác “Hãy chọn size đúng!” mỗi khi mua quần áo, đặc biệt nếu size của bạn không thuộc về bảng chữ cái “S” và “M”. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đã là size S hoặc M, công cuộc đi tìm “chiếc quần jeans chân ái” hoặc những sản phẩm khác cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi mỗi thương hiệu lại có số đo size khác nhau.

Bất chấp chiếc tag trên món đồ bạn đang cầm như thế nào, bạn có thể là size M ở chỗ này, cỡ L ở chỗ khác hoặc có thể là XL ở chỗ kia. Sự bối rối và mệt mỏi khi phải thử quần áo liên tục khiến bạn tự hỏi “Đâu mới thật sự là size tiêu chuẩn?” và “Vì sao hầu hết các thương hiệu thời trang chỉ làm size nhỏ thôi?”

Sự bối rối và mệt mỏi khi phải thử quần áo liên tục khiến bạn tự hỏi “Đâu mới thật sự là size tiêu chuẩn?” và “Vì sao hầu hết các thương hiệu thời trang chỉ làm size nhỏ thôi?”

Ngược lại, một người bạn làm trong mảng sản xuất thời trang chia sẻ rằng “Việc tăng size không hề dễ dàng như mọi người nghĩ. Không phải cứ cắt một miếng vải to hơn là được.” Thấu hiểu cho người bạn của mình nhưng ở vai trò là người tiêu dùng, tôi cũng không thể làm ngơ với sự thất vọng của những người tiêu dùng khác gặp phải.

Khi việc chọn size trở thành cuộc chiến

Hầu hết các cửa hàng từ online đến offline sẽ hỏi bạn “Cân nặng và chiều cao của bạn là bao nhiêu?” Tôi không nghĩ có người phụ nữ nào thích chia sẻ thông tin cân nặng và chiều cao của mình cho một người lạ, thế nhưng làm gì có cách nào khác, bạn trả lời một cách thành thật. Và rồi khi nhận được bảng size của họ, bạn thảng thốt “Trời ạ! Mình đến tận size L sao?” Thế nhưng, qua một cửa hàng khác, bạn lại quay trở lại size S hoặc M. Nào có ai thích sự phiền hà khi phải đổi trả và đối mặt với sự thất vọng khi biết chiếc váy mình yêu chẳng vừa cơ thể mình. Liệu chỉ hỏi cân nặng và chiều cao của khách hàng thôi có đủ?

Vốn dĩ câu chuyện này đã tồn tại từ lâu và gần đây trên mạng xã hội Thread, một lần nữa người tiêu dùng đặt ra vấn đề tại sao local brand ở Việt Nam lại làm đồ quá nhỏ.

Vốn dĩ câu chuyện này đã tồn tại từ lâu và gần đây trên mạng xã hội Thread, một lần nữa người tiêu dùng đặt ra vấn đề tại sao local brand ở Việt Nam lại làm đồ quá nhỏ. Với 836.000 lượt view cùng hàng ngàn lời bình luận, tài khoản H. bày tỏ sự bất bình khi hầu hết các thương hiệu tại Việt Nam đều sử dụng các size rất nhỏ, thậm chí size M ở một thương hiệu A có thể trở thành XS tại thương hiệu B. 

Một số khách hàng cho rằng họ cảm thấy mua sắm tại các thương hiệu quốc tế như H&M, Uniqlo, Zara thoải mái hơn do bảng size đa dạng dù trong lòng rất muốn ủng hộ local brand Việt Nam. Mặt khác, không ít khách hàng cho rằng thế giới đang ủng hộ sự đa dạng, “inclusivity” là cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong những năm gần đây. Hãng đồ lót Victoria’s Secret đã chuyển mình thay đổi theo chiến lược này sau khi nhận được vô số chỉ trích và doanh thu giảm sút do quảng bá hình tượng người phụ nữ size 0 bao lâu nay. Liệu các thương hiệu Việt đã sẵn sàng cho sự thay đổi này?

Khi những gì chúng ta thấy trên truyền thông là hình mẫu những cô gái phải đẹp không tì vết, một vẻ đẹp siêu thực: cô ấy phải cao X cm, phải có cân nặng Y kg, góc cạnh gương mặt cần một tỉ lệ Z,… Và nếu tình cờ có một cô gái quá khổ hoặc không đáp ứng được những điều trên, mặc nhiên cô ấy sẽ là nhân vật phụ, nhân vật gây cười,…

Tuy vậy, là một người phụ nữ Á Đông, chính tôi cũng bị ảnh hưởng bởi “tiêu chuẩn cái đẹp” từ bấy lâu nay. Khi những gì chúng ta thấy trên truyền thông là hình mẫu những cô gái phải đẹp không tì vết, một vẻ đẹp siêu thực: cô ấy phải cao X cm, phải có cân nặng Y kg, góc cạnh gương mặt cần một tỉ lệ Z,… Và nếu tình cờ có một cô gái quá khổ hoặc không đáp ứng được những điều trên, mặc nhiên cô ấy sẽ là nhân vật phụ, nhân vật gây cười,… Chính vì thế, sự khao khát ẩn sâu của phần lớn phụ nữ châu Á chính là số đo dưới 50kg.

Ngay cả trong các mẫu quảng cáo thời trang của hầu hết các thương hiệu tại Việt Nam, người mẫu gầy, thon gọn bao giờ cũng làm bạn mê mệt và mong muốn có được sản phẩm đó hơn bao giờ hết. Thậm chí, đã có những giây phút biết mình không hề vừa trong bộ trang phục ấy, chúng ta cố gắng thuyết phục bản thân “Mua để dành lúc ốm rồi mặc cũng được mà!”

Ảnh: Subtle Le Nguyen

Nếu như nhu cầu đa dạng hoá các size quần áo là thật, vì sao vấn đề vẫn chưa được giải quyết?

Không phải có một miếng vải to là được!

Như hai mặt của đồng xu, vấn đề này cần được nhìn từ cả hai phía. Tôi không nghĩ có chủ thương hiệu nào không mong muốn được bán nhiều thêm, gia tăng lợi nhuận và tình cảm của khách hàng. Từ góc độ của thương hiệu, việc kinh doanh và sản xuất quần áo với nhiều kích cỡ là một bài toán phức tạp. 

Bên cạnh chi phí gia công, một thách thức lớn khác là dự báo chính xác nhu cầu của từng size. Nếu sản xuất quá ít size lớn, họ sẽ bỏ lỡ khách hàng tiềm năng. Nhưng nếu sản xuất quá nhiều, việc tồn kho và giảm giá thanh lý sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, việc mở rộng size cũng đòi hỏi đầu tư thêm vào thiết kế, kiểm tra form dáng, và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Những chi phí này đặc biệt nặng nề đối với các local brand nhỏ hoặc mới thành lập, vốn đã chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu lớn.

Việc mở rộng size cũng đòi hỏi đầu tư thêm vào thiết kế, kiểm tra form dáng, và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Những chi phí này đặc biệt nặng nề đối với các local brand nhỏ hoặc mới thành lập, vốn đã chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu lớn.

Các thương hiệu thường bắt đầu sản xuất từ size M – size “ở giữa”, để việc mở rộng hoặc thu nhỏ các kích cỡ không bị sai số. Nhưng việc nhảy size lớn hơn hoặc nhỏ hơn lại đòi hỏi điều chỉnh phức tạp về form dáng, tăng khối lượng công việc cho đội ngũ thiết kế, và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Với các thương hiệu trẻ hoặc nhỏ, sản xuất quần áo lớn hơn size M còn gặp phải rào cản chi phí. Nhiều xưởng gia công yêu cầu MOQ (Minimum Order Quantity – số lượng tối thiểu), và nếu số lượng size lớn đặt quá ít, họ có thể từ chối hoặc tăng giá gia công. Đối với local brand nhắm đến nhóm khách hàng gen Z – chủ yếu là những người có vóc dáng nhỏ gọn, rủi ro sản xuất size lớn hơn rất cao do nhu cầu thấp và nguy cơ tồn kho lớn.

Dù một số thương hiệu đã cố gắng mở rộng size lớn hơn, lượng tồn kho của các size này thường cao, dẫn đến rủi ro tài chính.

Bài toán sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kinh doanh và tình hình tài chính của một thương hiệu. Với các thương hiệu mới, khách hàng tiềm năng của họ nằm ở gen Z. Nếu nhìn một cách khách quan, hầu hết phụ nữ tại Việt Nam có thân hình nhỏ nhắn so với thế giới với chiều cao trung bình là 156,2 cm (Theo Số liệu của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 thuộc Bộ Y Tế, được thực hiện 10 năm một lần). Từ đó, để đảm bảo sự an toàn, hầu hết các thương hiệu sẽ ưu tiên làm size S và M. 

Dù một số thương hiệu đã cố gắng mở rộng size lớn hơn, lượng tồn kho của các size này thường cao, dẫn đến rủi ro tài chính. “Chúng tôi muốn làm, nhưng cần sự ủng hộ từ khách hàng” – đây là lời tâm sự của không ít chủ thương hiệu trẻ.

Vì sao sự bức xúc dâng cao?

Cuộc tranh luận về kích cỡ quần áo trở nên đầy cảm xúc vì nó không chỉ liên quan đến những con số trên nhãn mác, mà còn chạm đến cách con người nhìn nhận giá trị bản thân và cảm giác thuộc về trong xã hội. Kích cỡ quần áo thường được coi là một biểu tượng của bản sắc cá nhân, và khi không tìm được thứ vừa vặn, người ta có thể cảm thấy bị loại trừ, đứng ngoài tiêu chuẩn của xã hội. Trong nhiều thập kỷ, ngành thời trang ưu ái phục vụ một hình mẫu lý tưởng, phớt lờ sự đa dạng về hình thể trong xã hội. Điều này khiến những ai không phù hợp với chuẩn mực đó cảm thấy tổn thương hoặc cảm giác mình “chưa đủ tốt”. 

Cuộc tranh luận về kích cỡ quần áo trở nên đầy cảm xúc vì nó không chỉ liên quan đến những con số trên nhãn mác, mà còn chạm đến cách con người nhìn nhận giá trị bản thân và cảm giác thuộc về trong xã hội. Kích cỡ quần áo thường được coi là một biểu tượng của bản sắc cá nhân, và khi không tìm được thứ vừa vặn, người ta có thể cảm thấy bị loại trừ, đứng ngoài tiêu chuẩn của xã hội.

Thời trang không dừng lại ở nhu cầu ăn mặc cơ bản, ở khía cạnh khác đây là cách để thể hiện cá tính và sự tự tin, nên việc bị các thương hiệu bỏ mặc, không quan tâm đối với người tiêu dùng là hành động phủ nhận bản sắc riêng của họ. Chính sự bất công, cảm giác bị gạt ra bên lề, và sự chậm trễ trong việc thay đổi của các thương hiệu đã làm cho vấn đề kích cỡ quần áo trở thành một chủ đề gây bức xúc mạnh mẽ.

Ẩn sau tất cả là một câu hỏi khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Trong khi chúng ta cố gắng phát triển các công nghệ nhằm giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, việc kinh điển nhất “tìm size vừa vặn” lại vẫn khó khăn đến vậy? Liệu có những cách nào để thay đổi điều này?

Ảnh: Subtle Le Nguyen

Trong khi chúng ta cố gắng phát triển các công nghệ nhằm giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, việc kinh điển nhất “tìm size vừa vặn” lại vẫn khó khăn đến vậy? Liệu có những cách nào để thay đổi điều này?

Từ may đo thủ công đến sản xuất hàng loạt: Một hành trình thay đổi

Để hiểu tại sao sự bức xúc này lại tồn tại, chúng ta cần quay lại thời kỳ mà việc may đo còn là chuẩn mực và ngành dệt may Việt Nam bắt đầu hình thành những bước đi đầu tiên.

Ngược dòng lịch sử, ngành dệt may là một trong những ngành phát triển lâu đời tại Việt Nam. Ngày xưa, việc may đo quần áo theo số đo cá nhân từng là chuyện rất đỗi bình thường ở Việt Nam. Trong các gia đình truyền thống, những người phụ nữ thường biết may vá và tự tay làm trang phục cho cả nhà. Những dịp đặc biệt như lễ Tết hay cưới hỏi, mọi người đều đến tiệm may để đặt một bộ áo dài hoặc trang phục được đo ni đóng giày cho mình. Thậm chí, có những gia đình khá giả còn thuê thợ may riêng, đảm bảo quần áo luôn vừa vặn và thể hiện sự tỉ mỉ, cầu kỳ. 

Trong thời kỳ bao cấp, chẳng ai nghĩ đến thời trang khi cái đói còn treo trên đầu và việc giữ sổ gạo còn quan trọng hơn việc năm nay mình có được mấy cái áo mới. Đến năm 1998, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp hội quốc tế, đẩy mạnh giao thương, ngành dệt may phát triển theo. Với hàng triệu công nhân làm việc trong ngành dệt may, sản phẩm Việt Nam được xuất khẩu đi khắp nơi, từ châu Âu, Mỹ đến Nhật Bản. 

Ở thời hiện đại, việc may đo thủ công trở nên xa xỉ với người tiêu dùng. Mặc dù có tiêu chuẩn quốc gia về cỡ số quần áo như TCVN 5782:1994TCVN 5782:2009, việc áp dụng chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp thường sử dụng bảng size riêng, dẫn đến thiếu sự thống nhất trong kích cỡ quần áo trên thị trường. 

Lời kết

Có lẽ vấn đề về kích cỡ quần áo sẽ còn làm chúng ta tranh cãi trong một thời gian dài nữa. Nhưng ngay lúc này, câu hỏi lớn nhất không phải là “Tại sao local brand không làm size lớn hơn?”, mà là “Khi nào các thương hiệu sẽ bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về nhu cầu của khách hàng?” Một câu hỏi khác cũng đáng để tự vấn: “Liệu chúng ta, những người tiêu dùng, đã nói đủ to và rõ ràng về những gì mình mong muốn hay chưa?”

Sự thay đổi có thể không diễn ra trong một sớm một chiều. Nhưng nếu ngay từ hôm nay, mỗi thương hiệu dám thử nghiệm, mỗi người tiêu dùng dám lên tiếng, có lẽ sẽ đến lúc việc mua sắm thời trang không còn là nỗi băn khoăn của câu hỏi “Liệu món đồ này có size của mình không?” mà chỉ đơn giản là niềm vui thuần túy như nó vốn dĩ phải thế.

Thực hiện: Như Quỳnh