Vì sao local brand Việt Nam luôn gặp khó khăn trong việc xây dựng câu chuyện thương hiệu?

Ngày đăng: 02/08/22

Trên thị trường thời trang Việt Nam hiện tại, các thương hiệu nội địa (Local Brand) đua nhau ra đời với tốc độ chóng mặt.

Hệ quả của việc này là khách hàng chưa kịp làm quen với sự tồn tại của những brand trước đó, nay đã có thêm hàng trăm, hàng chục brand mới với muôn hình vạn trạng phong cách, thiết kế, chiến dịch quảng cáo,… bày ra trước mắt.

Câu hỏi đặt ra ở đây chính là: làm thế nào Local Brand có thể trụ vững và “đặt cọc” cái tên của mình trong trí nhớ của người tiêu dùng? 

Ảnh: Pinterest

Câu trả lời cho vấn đề trên hẳn sẽ phải được chia ra và phân tích thành rất nhiều đầu mục, sở dĩ ta cần có nhiều hơn một yếu tố để quyết định chiến thắng của một thương hiệu. Nhưng trong checklist ấy, ‘Xây dựng câu chuyện thương hiệu’ được xem là yếu tố sống còn mà thương hiệu không thể nhắm mắt làm ngơ. Xác định được DNA cùng một câu chuyện hay ho mang đậm bản sắc riêng, nghe có vẻ dễ dàng nhưng lại đang gây ra không ít khó khăn cho nhiều chủ thương hiệu. Lý do đằng sau là gì?

Mơ hồ hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của ‘Xây dựng thương hiệu’ (Branding)

Mặc dù xu thế thời trang thiết kế đang thực sự bùng nổ trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây, vẫn có rất nhiều thương hiệu trên thị trường xuất thân từ những Online Shop với sản phẩm hầu hết được nhập từ một nguồn sỉ khác. Đa phần các brand này phát triển dần nhờ lượng khách hàng tăng đột biến từ quảng cáo trả phí, hoặc từ tệp khách hàng trung thành và dần được nhân rộng theo thời gian hoạt động. Từ đây, một số brand dần chuyển hướng hẳn sang tự thiết kế và sản xuất sản phẩm thay vì tiếp tục bán các mặt hàng nhập, và thế là bài toán xây dựng thương hiệu, cụ thể hơn là đi tìm câu chuyện thương hiệu bắt đầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể loại bỏ thực tế rằng có khá nhiều thương hiệu thiết kế nguyên bản đến nay vẫn đang loay hoay với bài toán này, thậm chí cũng chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về nó. 

Tạm bỏ qua các yếu tố như doanh thu lớn hay một chút may mắn, bởi lẽ chúng đều là yếu tố cần nhưng không đủ để quyết định thương hiệu của bạn có tiếp tục thành công hay không. Nếu ví von đơn giản thương hiệu thời trang như một nồi lẩu, câu chuyện thương hiệu đóng vai trò như phần nước lẩu nước ngon, làm nền và tiền đề không thể thiếu để những thành phần khác trong nồi lẩu ấy được chú ý. Nó quan trọng vì nếu thiếu, ta sẽ không thể thưởng thức được món lẩu ấy một cách đậm vị và trọn vẹn. Vì thế đã đến lúc nên thực sự dành sự đầu tư, chất xám và quan tâm đúng mực đến việc xây dựng câu chuyện riêng cho thương hiệu của bạn!

Tư duy của người dẫn đầu thương hiệu quyết định tất cả

Không phải chủ Local Brand nào cũng có Background chuyên sâu về ngành thời trang, Marketing hay thiết kế, điều này thực sự dễ hiểu vì chỉ cần bạn đủ yêu thích, đam mê với lĩnh vực kinh doanh nói chung và thời trang nói riêng, bạn hoàn toàn có thể trở thành một chủ Local Brand tiềm năng. Tuy nhiên, ngoài việc tự tin với khả năng và sản phẩm của mình, bạn cũng cần có sự tự tin vào phong cách cá nhân, tư duy sáng tạo và tầm nhìn rộng mở với lĩnh vực này. Không ở đâu xa, câu chuyện thường đến từ chính người làm chủ – cá nhân định hình cho văn hóa, bản sắc của thương hiệu. 

Ảnh: Sự kiện nghệ thuật “CHƠI:ĐỒ” từ Duc Studio

Tư duy của người dẫn đầu phản ánh giá trị cốt lõi mà thương hiệu có thể lan tỏa cho cộng đồng. Một Founder cần có sẵn trong mình lập trường vững vàng cùng lối tư duy sáng tạo, đặc biệt họ phải là người hiểu rõ về thương hiệu nhất để đưa ra một cốt truyện có đầy đủ: tính độc nhất – thu hút – tiềm năng – bền vững.

Không có một chuẩn mực hay giới hạn nào cho câu chuyện thương hiệu

Có rất nhiều quyển sách, khóa học từ căn bản đến nâng cao về Fashion Branding, trong đó chắc chắn đều nhắc đến tầm quan trọng của việc xây dựng câu chuyện thương hiệu. Song cũng sẽ chẳng ai trực tiếp ngồi xuống “cầm tay chỉ việc” hay nghĩ sẵn cho bạn một câu chuyện hấp dẫn để áp dụng, và thực tế cũng chẳng có công thức nào cho bài toán câu chuyện thương hiệu cả. Nên nhớ, sự sáng tạo chưa bao giờ có giới hạn và câu chuyện mà bạn sắp kể cũng vậy. 

Ảnh: thương hiệu Leinné

Đầu tiên, bước đơn giản nhất mà bạn có thể làm chính là tự list ra tất tần tật những gì về bản thân mình. Từ sở thích, tính cách, phong cách cá nhân cho đến những mong muốn mơ hồ nhất. Hãy thử hình dung trong đầu: nếu như phải đứng trước 1000 người để nói về câu chuyện của cuộc đời mình, bạn sẽ kể gì? Sau đó, thử ứng dụng nó vào chính thương hiệu mà bạn đang sở hữu. Xem thương hiệu như một nguyên mẫu thực thụ, có tính cách, hình thái tâm lý riêng và cũng có một câu chuyện cần phải kể cho khách hàng của nó. Bên cạnh đó, đừng quên hình dung khách hàng của bạn như những người thân, người bạn đồng hành. Bây giờ hãy thử nghĩ xem nếu muốn lôi kéo hội bạn bè cùng lắng nghe một chuyện nào đó bạn sắp kể, hẳn bạn phải chọn sẵn một câu chuyện đủ hay, đủ thú vị hoặc đủ để khiến người khác đồng cảm hay bị thu hút. Vậy nên đừng tự khoanh vùng bản thân và thương hiệu trong một giới hạn nào đó, câu chuyện mà bạn kể đi xa đến đâu, phụ thuộc vào sức sáng tạo của bạn đấy!

Lung lay khi khách hàng chưa kịp đón nhận câu chuyện của thương hiệu

Sẽ luôn luôn có những Local Brand ra mắt với một bộ nhận diện chỉn chu từ A – Z, thậm chí một trong số họ còn tạo dựng câu chuyện thương hiệu ngay từ ngày đầu thành lập. Tiếc thay, không phải ai cũng đủ kiên định và tin tưởng chính câu chuyện của mình khi thấy khách hàng vẫn chưa chịu đón nhận nó. Vốn dĩ, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã dần khó tính hơn rất nhiều với những sự lựa chọn của họ, nhất là đối với sản phẩm thời trang. Khách hàng có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn mỗi ngày và đọc, nghe vô số câu chuyện đến từ các thương hiệu mà họ theo dõi (Follow) trên Social Media, chính lúc này bạn lại cần trang bị sự kiên nhẫn, niềm tin và bản lĩnh. 

Đối diện với ngành công nghiệp biến đổi liên tục như thời trang, người tiêu dùng cũng gặp trở ngại khi muốn chọn ra một hoặc hai thương hiệu mà họ muốn gắn bó lâu dài. Đồ đẹp ở đâu cũng có, giả cả và chất lượng là yếu tố để so sánh, cân nhắc thêm, chương trình khuyến mãi xuất hiện nhiều lần trong một năm, vậy điều họ cần để trung thành với một thương hiệu nào đó chính là giá trị mà thương hiệu ấy mang lại. Giá trị này nằm ở những cái “độc” mà chỉ riêng thương hiệu ấy có, ví dụ như: sản phẩm signature, chính sách dành cho khách hàng thân thiết, chăm sóc khách hàng (customer service),… và cuối cùng là câu chuyện thương hiệu. Nếu họ chưa gắn bó với thương hiệu của bạn, đừng vội vàng thay đổi chất riêng, khách hàng cũng cần nhiều thời gian để làm quen hơn bạn nghĩ. 

Lựa chọn một câu chuyện thương hiệu truyền cảm hứng

Cuộc sống tất bật và đầy lo toan đã đủ khiến cho mọi người tiêu dùng trở nên nhạy cảm, dễ phản ứng với mọi tác động nhỏ xung quanh. Song đây có thể là một lợi thế không ngờ đến mà nhiều Local Brand nên tận dụng. Muốn giữ chân các khách hàng, chính bạn và thương hiệu phải sắm vai một người đi truyền cảm hứng. Đó có thể là nguồn cảm hứng về cái đẹp, phong cách sống, bài học cuộc sống thông qua lăng kính thời trang,… hoặc bất cứ câu chuyện nào có khả năng chạm đến sự nhạy cảm của khách hàng. 

Ảnh: Pinterest

Nếu bạn dành nhiều thời gian lang thang trên các nền tảng content ngắn như Tiktok, Instagram (Reels), ngoài những video thuần giải trí hay tạo trend, một trong những dạng video được người xem replay hoặc để lại tương tác chính là các video truyền cảm hứng, cảm động, đơn giản là chúng phù hợp với cảm xúc, tâm trạng của người xem ngay thời điểm ấy. Câu chuyện thương hiệu của bạn cũng có tiềm năng tạo được phản ứng tương tự, nếu chúng mang đến thông điệp rõ ràng, có ý nghĩa, truyền đi nguồn cảm hứng cho cộng đồng. Khả năng cao là chúng sẽ tới được tai mắt người tiêu dùng – những người đồng cảm và sẵn sàng đón nhận nguồn năng lượng mà bạn đang truyền đi, bởi những gì bạn đang đem đến cho họ chính là cảm hứng để tiếp tục lắng nghe bạn nhiều hơn. 

Nắm bắt được tầm ảnh hướng của câu chuyện thương hiệu sẽ là tiền đề cho các Local Brand định hình được bản sắc và phát triển lâu dài trong tương lai. Việc xây dựng nên một câu chuyện độc đáo chưa bao giờ là công việc đơn giản, nhưng là một bài học mà bất kỳ Founder nào cũng phải vượt qua.

Nắm bắt được tầm ảnh hướng của câu chuyện thương hiệu sẽ là tiền đề cho các Local Brand định hình được bản sắc và phát triển lâu dài trong tương lai. Việc xây dựng nên một câu chuyện độc đáo chưa bao giờ là công việc đơn giản, nhưng là một bài học mà bất kỳ Founder nào cũng phải vượt qua. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi phần nào giúp ích cho những chủ thương hiệu đang loay hoay trên chặng đường đi tìm chính mình, hy vọng một ngày không xa chúng ta cùng ngồi xuống và kể cho nhau nghe câu chuyện của mình nhé!

Thực hiện: Chi Hảo


Về Chi Hảo: 

Hiện Chi Hảo đang là một Fashion Marketer với hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc cùng các Local Brand Việt. Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 đang định hướng phát triển như một Fashion Blogger cùng Social Project cá nhân mang tên WTH – Wear To Heal: gửi thông điệp chữa lành và self-love thông qua thời trang.


*Bài vở cộng tác bạn vui lòng gửi về hộp thư info@style-republik.com. Thông tin cộng tác viết bài vui lòng xem chi tiết tại đây