Y2K gọi tên Y3K: Khi những nhà tiên tri thời trang “dự báo” tương lai

Ngày đăng: 20/09/24

Ăn mặc như bước ra từ cánh cửa thần kỳ những năm 3000, những nhà tiên tri thời trang khoác lên mình phục sức với khả năng dự đoán tương lai. Y3K là tên gọi chỉ xu hướng thời trang chuyển mình từ Y2K hoài niệm để tiến đến tương lai nhiệm mầu.

Từ những cuộc tranh luận sôi nổi về việc trí tuệ nhân tạo có thể thay thế lực lượng lao động, đến sự ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ và chuyển đổi số trong đời sống hiện tại, các nhà thiết kế đã tận dụng những tư liệu mới nhất về cuộc cách mạng công nghiệp 6.0, thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Kết quả là những thiết kế mang đậm tính “dự đoán” về tương lai, được gọi tên là Y3K – một phong cách táo bạo, đón đầu viễn cảnh của một thế giới xa xôi trên dòng chảy thời gian.

Trong khi thuật ngữ Y2K đã trở nên quen thuộc với mọi người, một làn sóng mới đang bước vào từ điển thời trang: Y3K. Mặc dù vẫn còn xa xôi, nhưng những năm 3000 đã bắt đầu thu hút sự chú ý. Theo Báo cáo Xu hướng Mùa Hè của Pinterest, các lượt tìm kiếm về “Y3K outfits” (trang phục Y3K) trên nền tảng này đã tăng 6030%. Khi tôn vinh một tương lai xa xôi, xu hướng này cũng cố gắng hình dung thời trang và sắc đẹp có thể trông như thế nào trong thiên niên kỷ tiếp theo – những năm 3000.

Giải mã Y3K

Bắt đầu từ sự châm biếm của các thương hiệu Nhật Bản về sự bành trướng mạnh mẽ của công nghệ trong xã hội hiện tại, Y3K là tên gọi chỉ những trang phục đến từ tương lai. Tại Nhật Bản, Y3K có nguồn gốc từ những tiểu văn hóa như Acubi, Sabukaru và Tenshi Kaiwai. Y3K, viết tắt cho Year 3000 là cách đặt tên cho các trang phục đến từ sự hình dung của con người về năm 3000 xa xôi nơi metaverse, trí tuệ nhân tạo và những công nghệ tân tiến khác ngự trị. Kiểu phong cách này là sự kết hợp giữa phong cách thời trang Ma Trận (The Matrix) và công nghệ – thể hiện qua bảng màu kim loại và xám, sử dụng các chất liệu độc lạ, cùng những phom dáng có phần hơi quái dị để tái hiện diện mạo không gian và thế giới tương lai vượt xa khỏi trí tưởng tượng, nơi chỉ có thể thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. 

Trước khi công nghệ phát triển vượt trội như hiện nay, khi con người chưa hình dung đến một thời đại của trí tuệ nhân tạo hay metaverse thì “giải mã tương lai” đã là mảnh đất màu mỡ để các nhà thiết kế thời trang khai phá. Những năm 90, khi xu hướng Y2K vừa bắt đầu nhen nhóm và từ khóa Y3K còn chưa xuất hiện, nhiều thương hiệu thời trang đã mạnh dạn đưa những thiết kế mang hơi thở tương lai lên sàn diễn, tiên phong trong việc giải mã những bí ẩn của thời đại mới thông qua phong cách thời trang cao cấp, được gọi là chủ nghĩa vị lai.

@cinnagal This style/term really started blowing up in 2023 from what I can find!! What are your guys thoughts?? #harajuku #shibuya #japanesefashion #jfashion #altfashion #fashiontrends #y3k #y2k #fashionblogger ♬ Blade Runner 2049 – Synthwave Goose

Chủ nghĩa thời trang vị lai – khi các nhà mốt đề cao giá trị máy móc

Những màn diễn giải tương lai “ghi danh sử sách” không thể quên những tên tuổi làng mốt là Pierre Cardin, André Courrèges, Paco Rabanne, Thierry Mugler, Issey Miyake, Alexander McQueen (1995), Nicolas Ghesquière… Bộ sưu tập có ảnh tưởng từ các tác phẩm khoa học viễn tưởng của thiên niên kỷ trước, góc nhìn về tương lai từ quá khứ đã phần nào định hình hiện tại. Mục tiêu chính yếu là kiến tạo bộ sưu tập nhìn thấu khoảnh khắc đương thời dưới lăng kính của tương lai, từ đó mở ra vô số những điều mới mẻ.

Năm 1969 khi chiếc tàu Apollo cũng hoàn thành sứ mệnh chạm đến mặt trăng như lời khẳng định chắc nịch của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy vào năm 1962: “We choose to go to the Moon”, thì tại địa hạt thời trang đã râm ran những thiết mang mang dáng dấp của không gian và tương lai. Với tư duy thiết kế mang tính tương lai, các nhà dự báo tương lai bằng ngôn ngữ phục trang này đã mang phong cách siêu thực, tiên tri, máy móc và xa rời thực tế đến gần với công chúng. 

NTK André Courrèges (bên trái).
André Courrèges “Moon Girl” 1964 – ra đời trước 5 năm khi con người đặt chân lên mặt trăng.

Thierry Mugler đã có một show diễn thời trang lịch sử với sự hiện diện của 6.000 khán giả vào năm 1984 tại sân vận động Zénith ở Paris.
BST Thu Đông 1999 của Givenchy với họa tiết mạch điện tử dưới thời giám đốc sáng tạo Alexander McQueen.

 

BST Space Age Pierre Cardin 1964.
BST Space Age Pierre Cardin 1964.
BST Space Age Pierre Cardin 1964.
Iris Van Herpen Haute Couture Fall/Winter 2022.

Y3K – Xu hướng đang lên

Mặc dù mang chút sắc thái châm biếm, Y3K đang nhanh chóng chiếm lĩnh làng thời trang. Theo báo cáo từ Pinterest, xu hướng thời trang retro-future đã tăng 170%, trong khi trang phục kết hợp với sneaker màu bạc tăng đến 200%. Những thiết kế mang dáng dấp tương lai luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo. Không chỉ giới hạn trên các sàn diễn, trang phục lấy cảm hứng từ Y3K đang dần lan tỏa khắp thảm đỏ, truyền hình và thậm chí thổi hồn vào phong cách ăn mặc thường nhật.

Bộ đồ robot trong bộ sưu tập Thu/Đông 1995 của Thierry Mugler được Zendaya diện tại buổi ra mắt Dune: Phần Hai ở London.
Kính mắt kim loại Candice Swanepoel trong chiến dịch YEEZY X Gap.
Chiếc váy robot thêu pha lê Swarovski và vi mạch điện tử từ bộ sưu tập Schiaparelli Spring Couture 2024 của Daniel Roseberry.
Trên tay người mẫu là tác phẩm điêu khắc em bé, được chế tác từ các mảnh điện tử và kim loại sáng bóng, tạo nên sự tương phản giữa yếu tố con người và công nghệ. Em bé điện tử được trang trí với hàng loạt các linh kiện, đèn LED, và các vật liệu phản quang, mang đến một cảm giác vị lai và siêu công nghệ (Schiaparelli Spring Couture 2024).

Zendaya và Anya Taylor-Joy là hai diễn viên thường áp dụng “method dressing” trên thảm đỏ – một thuật ngữ dùng để chỉ việc họ mặc trang phục giống với nhân vật mình thủ vai. Những trang phục này, với các đường cong hình học táo bạo, vượt xa khỏi chuẩn mực thẩm mỹ thông thường, như bước ra từ viễn cảnh tương lai. Chất liệu và ý tưởng tưởng chừng viễn vông được biến tấu thành những bộ trang phục có thể mặc, nhìn, và cảm nhận, thu hút mắt nhìn bởi mỹ cảm tiên tri.

Anya Taylor-Joy trong sự kiện ra mắt phim Furiosa.

Từ Âu sang Á, các nhóm nhạc thần tượng ngày càng gây chú ý với phong cách siêu thực và vẻ ngoài đậm chất AI, tiêu biểu như aespa, nhóm nhạc Nhật Bản XG và “nữ sinh điện tử” NewJeans. Hàng loạt tiểu xu hướng như “cybercore”, “aespacore” lấy cảm hứng từ phong cách của những nhóm nhạc đình đám này đã góp phần nhân rộng sự nhận diện và tạo nên cơn sốt mê hoặc với thuật ngữ thời trang mới mẻ Y3K. Với bầu không khí Y3K đang nhen nhóm bao trùm khắp nơi, các cái tên girl band này đang là một trong những tư liệu sống đáng tham khảo để định nghĩa thế nào là thời trang những năm 3000.

aespa.
Nhóm nhạc nữ Nhật Bản có trụ sở tại Hàn Quốc XG.

Từ thời trang đến làm đẹp

Không chỉ chiếm trọn trái tim của giới thời trang, Y3K còn thu hút giới mộ điệu khi mở rộng tầm ảnh hưởng sang lĩnh vực làm đẹp. Từ phấn mắt ánh bạc, nhũ lấp lánh, eyeliner, kính áp tròng đến kiểu tóc, phong cách trang điểm với những chi tiết đính đá, kim loại độc đáo đang được nhân rộng, tiêu biểu qua hình ảnh “siêu thực thể” aespa. Lấy cảm hứng từ một tương lai nơi máy móc và siêu công nghệ thống trị, lối trang điểm Y3K thường gắn liền với ánh kim metallic sáng bóng. Các chất liệu đa dạng như kim cương, kim loại, và nhựa được uốn lượn, chạm khắc thành những phụ kiện độc lạ, nhấn mạnh vẻ ngoài siêu thực. Nhờ công nghệ in 3D hiện đại, những hình tượng vốn chỉ tồn tại trong mơ hay phim ảnh giờ đây trở thành hiện thực, từ cánh tiên cho đến phụ kiện kim loại trừu tượng đã mang đến diện mạo ngoại lai đầy mê hoặc cho người sở hữu.

Diễn viên Florence Pugh tại buổi ra mắt Dune ở London với eyeliner kim loại.
Búp bê sứ Pat McGrath tạo nên “cơn địa chấn” một thời tại Maison Margiela Spring Couture 2024.
XG.
aespa.

Y3K – liệu có trở thành xu hướng?

Tương lai luôn là một ẩn số đầy lạ kỳ bởi chúng ta không thể đoán trước được. Nó mang theo hình dung về siêu công nghệ, tính trừu tượng, và sự phá vỡ những quy chuẩn truyền thống. Khi thách thức các giới hạn thông thường và mang thế hệ trẻ đến gần hơn với viễn cảnh một thời đại xa xôi, Y3K cũng phản ánh những cảm nhận sâu sắc của con người giữa kỷ nguyên công nghệ biến đổi không ngừng, cùng nhận thức rằng có rất nhiều điều đang chờ đợi phía trước.

Thời trang tương lai không phải là khái niệm mới, điển hình là bộ sưu tập “Moon Girl” năm 1964 của André Courrèges – xuất hiện trước khi con người chạm đến mặt trăng vào năm 1969. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và trí tưởng tượng vô hạn, Y3K hứa hẹn sẽ tiếp tục đưa ra những thiết kế táo bạo, điên rồ và vượt xa mọi dự đoán, làm cho thời trang trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Lisa diện thiết kế của thương hiệu La Lune.
La Lune.

Liệu Y3K có trở thành một xu hướng dài hạn hay không vẫn là câu hỏi không có lời đáp, giống như chính tương lai là điều không thể tiên đoán. Nhưng Y3K vẫn là một thuật ngữ đáng chú ý, không chỉ vì ngôn ngữ thời trang khác biệt mà còn bởi những dự đoán về tương lai, nơi khủng hoảng khí hậu có thể xảy ra – như thế giới sa mạc cằn cỗi trong Dune và nơi mà công nghệ siêu việt trở thành hiện thực. Chúng ta có thể không thể tiên tri tương lai xa vời và phi thực, nhưng những hậu quả của hành động hiện tại đã dần hiện hữu. Khám phá Y3K không chỉ là việc đắm chìm vào cái hay từ thế giới ảo, mà còn là đối diện với những hậu quả mà công nghệ và tương lai sẽ để lại.

Thực hiện: Lenna