5 bài học từ Nhà thiết kế Raf Simons: Sự đa cảm của một người yêu nghệ thuật
Ngày đăng: 27/10/21
Raf Simons, bằng một nỗ lực phi thường có thể miêu tả với cụm từ “rũ bùn đứng dậy”, đã trải qua một hành trình dài đi từ ngôi làng nghèo thậm chí không có nổi một cửa hàng quần áo, trở thành người đứng đằng sau những bộ váy áo lộng lẫy xuất hiện tại lễ trao giải Oscar. Raf Simons, giờ đây khi sở hữu một thương hiệu riêng mang tên mình, từng giữ ngôi vị hàng đầu tại Calvin Klein, vẫn chưa thôi thỏa mãn và luôn ôm mộng về một di sản thời trang lớn lao hơn. Với xuất thân bình dị, trong suốt hành trình làm nghề của mình, anh không nổi tiếng nhờ tai tiếng, tất cả chỉ tập trung vào đam mê.
Anh tự miêu tả đam mê ấy bằng câu nói: “Có người hỏi nếu tôi không thở bằng không khí thì sẽ thở bằng gì, câu trả lời của tôi là nghệ thuật.” Bằng sự đa cảm của một người yêu nghệ thuật, sự tỉnh táo của một người tôn thờ chủ nghĩa tối giản, Simons đã thổi hồn vào những thiết kế tươi trẻ, tràn ngập chất họa và thơ nhưng vẫn đầy tính ứng dụng, qua đó gầy dựng nên một đế chế mang chính tên mình.
Đừng ngần ngại thể hiện cảm xúc
Nhà tạo mẫu và cộng tác viên lâu năm Olivier Rizzo nhớ lại ngày anh tốt nghiệp, năm 1993, từ học viện: “Tôi vừa kết thúc show diễn cuối cùng của mình, Paul Gaultier có mặt trong hàng ngũ ban giám khảo và cùng với Raf Simons tiến vào hậu trường. Simons đã khóc. Raf là một người sống rất tình cảm. Anh ấy nhạy cảm và dễ xúc động với tất cả những gì xảy ra xung quanh. Anh ấy nói với tôi rằng: “Những gì bạn đã làm thực sự rất tuyệt vời. Tôi muốn trở thành một phần của thế giới này.” Và Olivier đã nói lại với Raf, “Một ngày nào đó, anh sẽ là một phần của thế giới này.“
Một ví dụ khác về sự nhạy cảm của Raf Simons là trong giai đoạn ở Dior. Khi đó, Raf muốn thử nghiệm kỹ thuật imprimé chaîne (in trên chỉ trước khi dệt) để tái hiện lại những dấu ấn theo trường phái hiện đại của Sterling Ruby trên vải. Mọi chuyện trở nên “bất khả thi” khi chỉ có duy nhất bốn người thợ khắc ở Pháp có thể thực hiện kỹ thuật này và cả bốn người họ đều bận. Và khi một người thợ trong xưởng của Dior có thể thành thục loại kỹ thuật này, những giọt nước mắt của Raf Simons đã rơi. Một lần nữa, những giọt nước mắt trong suốt đó là bằng chứng hữu hình nhất cho những tâm tư mà Raf dành cho tầm nhìn và kế hoạch biến chúng thành hiện thực của mình.
Khiêm tốn là một đức tính tốt
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times năm 2005 với nhà phê bình thời trang Cathy Horyn, mọi người đã được chiêm ngưỡng lối trang trí nội thất tinh tế, vừa mang hào quang của một thiên tài thiết kế, nhưng đồng thời cũng mang dáng dấp của một người đàn ông khiêm tốn. Một chiếc bếp củi, một chiếc ghế sô pha màu đen và một bức tường được dán giấy với hình ảnh đám mây xanh, tất cả là đồ để lại từ người chủ cũ. Dù ở cương vị là người lãnh đạo của Calvin Klein, Raf Simons vẫn sống và sinh hoạt rất bình thường, đi đôi giày Stan Smith và đặt những dấu chân vững vàng trên bản đồ thời trang.
Vẻ đẹp đơn giản của những bông hoa
Mark Colle, người bán hoa tại Antwerp đã làm việc với Raf kể từ bộ sưu tập Thu-Đông 2012 – bộ sưu tập để Raf khép lại một giấc mơ, một câu chuyện đẹp như cổ tích ở thương hiệu nổi tiếng Jil Sander. Đã có những đóa hoa bừng nở trong lồng thủy tinh giữa sàn diễn, như dành tặng cho Raf Simon đang bồi hồi tiễn biệt khán giả Milan để về đầu quân cho Dior. Họ cũng đã làm việc cùng nhau trên những bức tường hoa của Dior, những thành phẩm sáng tạo mà chắc chắn là không có bất kỳ sơ sót nào, dù có trải qua bao nhiêu thập kỷ về sau chăng nữa.
Tuổi trẻ là nàng thơ giàu cảm xúc nhất
Tuổi trẻ luôn là nguồn chất liệu phong phú và xuất hiện nhiều trong suốt chặng đường sự nghiệp của Raf Simons. Ở bộ sưu tập Thu-Đông 1996 “We Come Out At Night”, Simons đã gửi gắm tình yêu dành cho những năm tháng tuổi trẻ đầy nổi loạn của mình qua trang phục như một hoài niệm và tri ân đến làn sóng Punk và Gothic. Không những vậy, tiếp tục theo đuổi con đường “về với những tháng năm tuổi trẻ”, Raf Simons đã kết hợp phong cách lướt sóng đầy phóng khoáng của Mỹ với quy chuẩn ăn mặc khắt khe của Oxbridge lại với nhau. Hai thứ dường như đối lập ấy đã hài hòa làm một ở mùa Xuân-Hè 1997 với bộ sưu tập “16,17, How To Talk To Your Teen”. Cả hai BST này hiện vẫn được thể hiện dưới dạng hình ảnh và video tại một studio ở Paris.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh âm nhạc
Raf Simons là một “ông vua” thiết kế có cách làm việc độc đáo. Raf chia sẻ về khoảng thời gian thiết kế trang phục cho những chàng trai giống như mình, hoàn thành những tác phẩm cho tình yêu với nghệ sĩ David Bowie: “Trong 2 tháng tôi làm việc với bộ sưu tập này, tôi nghe album “Madam Butterfly” và “Paris” của Malcolm McLauren. Tôi không thể sống thiếu âm nhạc và tôi không thể nhìn thấy phụ nữ nếu thiếu âm nhạc”.
Ngày nay, các tác phẩm của nhà soạn nhạc techno đại tài Richie Hawtin, cũng được biết dưới cái tên Plastikman, được anh mở ở nhà, ở studio hoặc tại những show diễn. Âm nhạc vẫn luôn là một yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tạo của nhà thiết kế gốc Bỉ.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Uber Cultured