Những cách tốt hơn để tránh lãng phí khi chọn mua quần áo
Ngày đăng: 12/07/21
Chủ nghĩa tiêu dùng và thời trang nhanh đã khiến chúng ta trở nên điên cuồng chạy theo từng phong cách khi nó trở nên sốt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giờ đây, với năm 2020, khi con người đối mặt trực diện với nhiều khó khăn về kinh tế, khí hậu, dịch bệnh… thì việc mặc nhiều lần một món đồ có khi từ nhiều năm trước không còn là điều buồn cười, mà là ý thức bảo vệ tài nguyên đang dần cạn kiệt trên địa cầu.
Giờ đây chúng cần giảm thiểu lãng phí cho thời trang. Không thể phủ nhận ngành công nghiệp may mặc là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới. Ngành may mặc chịu trách nhiệm về việc sử dụng các chất gây ô nhiễm độc hại, như dùng nhiều thuốc trừ sâu trong khâu trồng bông và thuốc nhuộm trong sản xuất. Chưa kể, hàng chục triệu tấn chất thải dư thừa đổ vào các bãi rác. Theo một nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 11 năm 2018, ngành công nghiệp này tạo ra 10% lượng khí thải carbon toàn cầu – lượng khí thải carbon nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại. Nhuộm vải là nguyên nhân gây ô nhiễm nước lớn thứ hai trên toàn cầu và là nguyên nhân gây ra 20% lượng nước thải toàn cầu (theo nghiên cứu, cần khoảng 2.000 gallon nước để tạo ra một chiếc quần jean điển hình).
Làm thế nào để giảm lãng phí thời trang? Nếu như chúng ta, những người có thu nhập trung bình, không thể chạm tới một chiếc áo khoác thuần chay hàng chục triệu đồng của thương hiệu bền vững như Stella McCartney hay phân vân trước giá cả của một đôi Adidas ultra boost? Kỳ thực chúng ta không cần có thu nhập rất cao hay phải thay thế toàn bộ tủ đồ bằng áo quần có nhãn mác bền vững để “bảo vệ” môi trường. Có nhiều cách tốt hơn để thời trang trở nên ít lãng phí và điều này cũng tốt cho cả tài chính của bạn trong năm khó khăn như hiện nay. Tham khảo 5 điều sau đây!
1. Cân nhắc trước khi mua, nhất là với hàng khuyến mãi
Những đợt “sale off” xuất hiện chóng vánh với tần suất liên tục, bạn vừa trải qua cơn bão “sale” 11.11, tiếp đến là Black Friday, giờ đây các thương hiệu lại trưng biển “sale” 12.12, trong khi Giáng Sinh gần kề. Có những món hàng chúng ta sẽ không bao giờ rút ví khi nó bán nguyên giá, nhưng nếu nó “sale” 50 hay 70%? Mua thôi!
Khoa học đã chỉ ra, trong khi shopping, hai hormone là oxytocin và endorphin sẽ được sản sinh trong cơ thể. Hormone này kích thích não, giúp suy nghĩ tích cực, cảm thấy thoải mái và mang lại niềm vui. Shopping là một cách để nâng tinh thần. Tuy nhiên, đây là liệu pháp… tạm thời. Có bao giờ sau cơn bão “sale” bạn nhận ra rằng mình đã thâm hụt đáng kể tiền tiết kiệm? Trong khi đó, những món đồ “sale” có khi chỉ có thể sử dụng một lần hoặc còn nguyên “tag” trên kệ. Săn “sale” là tốt chứ? Tất nhiên, nhưng hãy cân nhắc xem bạn có thực sự cần đến món đồ đó và sử dụng chúng thường xuyên không đã.
2. Mua quần áo chất lượng tốt hơn
Một số món đồ áo quần được sản xuất với giá thành thấp nhất có thể vì thế chất liệu vải cũng thảm hại, các chi tiết và màu sắc thì được làm qua loa để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Hãy làm phép so sánh nhỏ, một chiếc áo thun ra màu trị giá 100 nghìn, nhanh chóng hỏng phom dáng sau một lần giặt, tức nó chỉ có giá trị sử dụng một hai lần và giá trị cho mỗi lần sử dụng là 50-100 nghìn. Một chiếc áo khác trị giá 300 nghìn nhưng bạn có thể mặc vài tháng trời hoặc thậm chí vài năm sau mấy mươi lần giặt. Đây chỉ là một ví dụ cơ bản. Tất nhiên, không phải cứ hàng mắc tiền thì chắc chắn sẽ bền lâu. Nhưng điều bạn cần là cân nhắc vòng đời của sản phẩm khi mua, tránh sa vào chiếc bẫy “hàng giá rẻ” để tiết kiệm nhưng hóa ra lại không hề tiết kiệm chút nào.
3. Mua quần áo từ các thương hiệu địa phương hoặc thương hiệu bền vững
Một tín hiệu đáng mừng là ngày nay tại Việt Nam có nhiều sáng kiến khởi nghiệp hấp dẫn về thời trang và sự phát triển đáng khích lệ của các thương hiệu theo đuổi tiêu chí bền vững dù bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. (Bạn có thể điểm qua tên các sáng kiến và thương hiệu này tại danh sách đề cử SR Awards của chúng tôi).
Bạn có biết điều gì làm nên tính bền vững cho một thương hiệu thời trang? Đó không phải là việc thương hiệu tự nhận chúng tôi sử dụng chất liệu tốt cho môi trường một cách mơ hồ và chung chung. Tính bền vững được dựa trên tiêu chí thương hiệu có sử dụng chất liệu có nguồn gốc bền vững hay không (quá trình sản xuất chất liệu đó có gây ô nhiễm môi trường nhiều không), công nhân làm việc cho họ từ tạo ra chất liệu cho đến đội ngũ sản xuất và thợ thủ công có được trả lương công bằng (ở mức tối thiểu đủ chi trả cuộc sống hay không) và quy trình làm ra sản phẩm cũng hướng để việc giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bạn có biết, nhiều món hàng thời trang bạn mặc trên người có giá rẻ cực từ việc bóc lột công nhân may, đa phần là phụ nữ và trẻ em, họ phải làm việc trong điều kiện tồi tàn với mức lương không đủ sống. Nên việc ủng hộ cho những thương hiệu mà họ cam kết đối xử công bằng với nhân công cũng là cách mà bạn giúp đỡ những người khác có cuộc sống công bằng hơn.
4. Chú ý đến việc giặt là quần áo
Việc giặt giũ quần áo ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đồ giặt trong nước nặng 6kg có khả năng thải ra tới 700.000 sợi vải vào môi trường, điều này khiến bạn phải suy nghĩ kỹ trước khi cho đồ vào máy giặt, nhất là khi bạn chỉ mặc một lát rồi thôi.
Giặt ở nhiệt độ thấp hơn sử dụng ít năng lượng hơn và áp dụng những thói quen đơn giản, như lộn quần áo từ trong ra ngoài và sử dụng túi giặt cho những món đồ mỏng manh, sẽ tăng tuổi thọ cho quần áo của bạn.
5. Đầu tư vào các món thời trang có vòng đời sử dụng dài lâu
Có một câu nói thế này: “không có gì là tuyệt đối”, điều này cũng đúng với thời trang. Kể cả khi bạn mua sắm đồ cũ đã qua sử dụng (thì chúng cũng cần tài nguyên để giặt tẩy) hay đồ tái chế, thậm chí một món trang phục được cộp mác thời trang bền vững – chúng cũng cần tài nguyên và năng lượng trong quá trình sản xuất/ xử lý/ tái chế. Và không phải món đồ nào cũng có thể tái chế được, thực sự, nên thay vì mua sắm thả ga với suy nghĩ “mình có thể bán lại chúng mà?” hay “mình sẽ quyên góp chúng cho từ thiện thế là ổn” bạn hãy cân nhắc đầu tư những món đồ mà mình sẽ dùng lâu dài. Bạn có biết, nhiều bãi rác thải chất đầy quần áo ở các nước Nam Phi được “quyên góp từ thiện” ở các nước phát triển và chúng thậm chí còn gây hại cho ngành may mặc địa phương.
Việc sử dụng một món thời trang có vòng đời là dài lâu là cách giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực với môi trường so với mua mới một món đồ rồi chỉ sử dụng chúng một, hai lần rồi vứt. Nhất là khi các món đồ kém chất lượng thường được dùng từ loại vải vóc pha nilon và chúng không thể phân hủy trong môi trường.
Thực hiện: Koi