5 “bóng hồng” tái định nghĩa địa hạt thời trang

Ngày đăng: 05/03/25

Gặp gỡ 5 người phụ nữ đã dùng chính thiết kế thời trang của mình để thách thức chuẩn mực và viết lại quy tắc của ngành công nghiệp tỷ đô.

Phía sau những cuộc cách mạng thời trang táo bạo nhất, luôn có những người phụ nữ dám thách thức giới hạn. Họ không chỉ tạo ra những thiết kế đẹp mắt mà còn định nghĩa lại cái đẹp, phá vỡ quy tắc cũ và mở ra những chương mới cho thời trang. Trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cùng Style-Republik điểm qua năm gương mặt nữ quyền đã để lại dấu ấn đậm nét, góp phần thay đổi cách thế giới nhìn nhận về phong cách và sự sáng tạo.

phụ nữ thời trang
(Ảnh: @gap)

Sarah Burton: Người kế vị di sản McQueen

Gây tiếng vang với thiết kế váy cưới mang tính biểu tượng của Công nương xứ Wales, thế nhưng, sẽ chẳng ai ngờ được rằng, Sarah Burton tiếp quản Alexander McQueen giữa một giai đoạn đầy biến động. Sau khi Lee Alexander McQueen qua đời vào năm 2010, bà được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo, tiếp tục duy trì tinh thần lãng mạn u ám của thương hiệu nhưng đồng thời mang đến nét mềm mại, nữ tính hơn. Năm 2011, chiếc váy cưới bằng lụa satin tinh xảo mà bà thiết kế cho Nữ công tước xứ Cambridge đã trở thành một biểu tượng, đánh dấu bước chuyển mình của McQueen dưới thời Burton.

phụ nữ thời trang
Sarah Burton (Ảnh: Getty Images)
Váy cưới của Công nương xứ Wales được thiết kế bởi Sarah Burton khi còn bà còn tại nhiệm ở Alexander McQueen. (Ảnh: Getty Images)

Trong suốt hai thập kỷ, bà đã thổi vào các bộ sưu tập của McQueen sự giao thoa giữa di sản Anh, chất thơ lãng mạn và tính hiện đại. Giờ đây, khi đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo tại Givenchy từ năm 2024, giới mộ điệu đang háo hức chờ đợi cách bà sẽ định hình chương tiếp theo của thương hiệu thời trang Pháp này.

Ugbad Abdi, Indira Scott và Abby Champion trong Alexander McQueen (Ảnh: Stefan D. Ruiz)
Yoon Young Bae trong chiếc váy Alexander McQueen (Ảnh: Cho Gi Seok)

Chemena Kamali: Hồi sinh Chloé với chất Boho hiện đại 

Từ một thực tập sinh dưới thời Phoebe Philo tại Chloé đến vị trí giám đốc sáng tạo vào tháng 10/2023, Chemena Kamali đã đưa thương hiệu này trở lại với vẻ đẹp bay bổng và nữ tính đầy phóng khoáng. Không chỉ kế thừa và phát triển tinh thần boho-chic của Chloé, Kamali còn mang đến một làn gió mới: quyến rũ, mạnh mẽ và hiện đại. Bộ sưu tập Chloé Thu Đông 2024 là một ví dụ điển hình, không chỉ hoang dại, phóng khoáng với những thiết kế bồng bềnh, các items như áo cánh mềm mại, boots cao quá gối hay quần denim cứng cáp được lồng ghép khéo léo trong BST cũng nhanh chóng được giới thời trang đón nhận. 

phụ nữ thời trang
Chemena Kamali (Ảnh: @chemena)

Dưới sự trị vì của Kamali, Chloé nhanh chóng vươn mình để trở thành thương hiệu được các ngôi sao hàng đầu như Daisy Edgar-Jones, Jennifer Lopez, Zoe Saldaña và Sienna Miller yêu thích mỗi khi xuất hiện trên thảm đỏ. Kamali gọi đây là khoảnh khắc định mệnh: “Tôi biết ngay rằng đây chính là nơi mình thuộc về.”

Miuccia Prada: Thách thức chuẩn mực của cái đẹp

Là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 và 21, Miuccia Prada không chỉ thay đổi thời trang, bà định nghĩa lại khái niệm về cái đẹp. Khi tiếp quản thương hiệu Prada vào cuối những năm 1970, thay vì chạy theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ truyền thống, bà chọn cách thách thức và đi ngược lại những “quy luật bất thành văn” về cái đẹp trong ngành công nghiệp tỷ đô. Bộ sưu tập Xuân Hè 1996 hay còn được biết đến là bộ sưu tập “họa tiết xấu xí”, đã tạo nên một cuộc cách mạng, phá vỡ mọi quy tắc khi tôn vinh những gì mà thời trang vốn từ chối: các họa tiết in lấy cảm hứng từ vải bọc nội thất với màu sắc và hoa văn táo bạo, bảng màu tương phản mạnh và những đôi giày mũi vuông góc cạnh.

phụ nữ thời trang
Miuccia Prada (Ảnh: Getty Images)

Như chính bà từng nói: “Xấu xí thì hấp dẫn, xấu xí thì thú vị. Vì chúng luôn mới mẻ” Từ đó, bà tiếp tục tái định nghĩa thời trang bằng những thiết kế mà chẳng ai ngờ tới: váy midi kết hợp giày brogues thô, áo khoác nylon trở thành món đồ xa xỉ, và xu hướng geek-chic với kính dày cùng họa tiết lạ mắt.

Một look trong bộ sưu tập Xuân 1996 của Prada. (Ảnh: Courtesy of Prada)

Miuccia Prada không chỉ tạo ra quần áo, bà tạo ra xu hướng. Và với thương hiệu Miu Miu – đứa con tinh thần của bà cũng được sinh ra với âm hưởng “nổi loạn” ngầm như thế, với những thiết kế chinh phục thế hệ trẻ đầy mới mẻ, táo bạo và trẻ trung như: váy mini, giày ba lê và các items phi giới tính.

Katharine Hamnett: Thời trang – Bền vững và Chính trị

Hơn cả một nhà thiết kế thời trang yêu cái đẹp, Katharine Hamnett sử dụng thời trang chúng như một tuyên ngôn. Là một trong những nhà thiết kế có tầm nhìn xa nhất của thời trang Anh, Hamnett đã tiên phong đưa thời trang chính trị vào xu hướng chủ đạo.

Katharine Hamnett (Ảnh: @katharinehamnett)

Năm 1984, bà gây chấn động khi diện áo phông in dòng chữ “58% KHÔNG MUỐN PERSHING” để phản đối vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp với Thủ tướng Margaret Thatcher. Đến những năm 1990, khi nhận ra tác động tàn khốc của thuốc trừ sâu lên những người nông dân, bà đã đi tiên phong trong phong trào thời trang bền vững, như một lời tiên đoán về việc “bền vững” sẽ trở thành một xu hướng, một phong cách sống sẽ thịnh hành trong tương lai.

Katharine Hamnett, mặc áo phông có khẩu hiệu phản đối để gặp Thủ tướng Margaret Thatcher. (Ảnh: Getty Images)

Giờ đây, Hamnett được coi là người đi trước thời đại. Áo phông in khẩu hiệu đã trở thành biểu tượng của các chủ nghĩa hoạt động đấu tranh liên quan đến chính trị, thời trang bền vững trở thành một phong trào chính thống, và những gì bà từng đấu tranh giờ đây là điều tất yếu của ngành công nghiệp này.

phụ nữ thời trang
(Ảnh: Peter Lindbergh)

Diane von Furstenberg: Thời trang là tiếng nói quyền lực của người phụ nữ

Nếu được chọn là một có một thiết kế mang tính biểu trưng cho tinh thần độc lập của phụ nữ, thì đó chính là chiếc váy quấn của Diane von Furstenberg. Ra đời năm 1974, chiếc váy này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn phản ánh chính cuộc đời bà, từ một công nương ly hôn, Diane đã chọn con đường tự chủ và biến mình thành một trong những nhà thiết kế thành công nhất thời đại.

Diane Von Furstenberg (Ảnh: Getty Images)

“Thông thường, câu chuyện cổ tích kết thúc bằng cảnh cô gái kết hôn với hoàng tử. Nhưng câu chuyện của tôi bắt đầu ngay sau khi cuộc hôn nhân kết thúc.” Bà từng chia sẻ với Vogue. Chỉ trong hai năm, hơn 25.000 chiếc váy quấn được bán ra mỗi tuần. Dù xu hướng có thay đổi, Diane von Furstenberg vẫn luôn là cái tên gắn liền với sự mạnh mẽ, nữ quyền và tinh thần tự do. Không chỉ là nhà thiết kế, bà còn là người dẫn dắt ngành công nghiệp, từng giữ vai trò chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) từ năm 2006 đến 2019.

phụ nữ thời trang
Váy quấn tạo nên thương hiệu của Diane Von Furstenberg. (Ảnh: @dvf)

Ở tuổi 78, Diane vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của mình, với triết lý đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Nếu tôi có một đóng góp, tôi muốn đó là việc chúng tôi trở thành người bạn trong tủ quần áo của phụ nữ. Chúng tôi phục vụ nhu cầu của họ.”

phụ nữ thời trang
(Ảnh: Thea Traff)

Thực hiện: Khánh Hòa