6 cách để thời trang trở nên bền vững hơn trong năm 2024

Ngày đăng: 05/01/24

Bền vững luôn là điểm đến cuối cùng của thời trang. Bước sang năm mới, “địa hạt” thân thiện đấy đã được hình thành bởi 6 định hướng cụ thể. 

Trong suốt năm 2023, mặc dù có không ít công nghệ tiên tiến cũng như các giải pháp cụ thể, thời trang vẫn chưa đi đúng định hướng ban đầu, vẫn chưa đưa ra những giải quyết thực thi cho những vấn nạn về khí hậu. Một báo cáo gần đây của Stand.Earth cho thấy trong số 14 thương hiệu thời trang lớn, chỉ có 4 thương hiệu đặt ra mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính ở mức cần thiết để duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Bước sang năm 2024, khi môi trường đối mặt với hàng loạt vấn đề đáng báo động, có lẽ làng mốt phải “tăng tốc độ”, hành động một cách quyết liệt hơn thế rất nhiều. Một trong những tin đáng mừng, cuối cùng cũng có nhiều bộ luật được đề ra. Điển hình như việc Liên minh Châu Âu đã phê duyệt luật thiết kế sinh thái mới vào tháng 12 vừa qua, trong đó sẽ bao gồm lệnh cấm tiêu hủy các sản phẩm dệt may và giày dép không bán được và các yêu cầu cải thiện tính tuần hoàn trong quá trình thiết kế sản phẩm. Trong khi đó, những đổi mới thú vị, từ thuốc nhuộm thân thiện với môi trường đến công nghệ tái chế mới, có thể giúp cung cấp một số giải pháp cần thiết. “Tôi muốn thấy nhiều người ủng hộ những cải tiến mới hơn; tìm ra nhiều giải pháp để giúp ngành công nghiệp thời trang tiến gần đến tính tuần hoàn thực sự, cũng như giảm lãng phí và sản xuất thừa,” Dio Kurazawa, người sáng lập công ty tư vấn thời trang bền vững The Bear Scouts, cho biết.

Dưới đây là 6 định hướng chủ đạo dành cho tương lai thời trang bền vững năm 2024:

Quyền lực của luật pháp 

Dù có bao nhiêu chiến dịch ủng hộ, kêu gọi đi chăng nữa, tương lai thời trang bền vững sẽ chẳng đi đến đâu nếu thiếu đi sự thi hành của các luật pháp. Những nhà vận động tích cực đã bàn luận về sự thiết thực của các bộ luật trong nhiều năm qua, nhưng đến nay điều đó cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Vào cuối năm 2023, Liên minh Châu Âu đã thông qua luật thiết kế sinh thái mới, mà Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ chính thức áp dụng vào đầu năm 2024. Mặc dù còn nhiều chi tiết vẫn chưa được hoàn thiện nhưng sẽ có lệnh cấm tiêu hủy các sản phẩm dệt may và giày dép không bán được; sự đảm bảo các yêu cầu về độ bền, khả năng tái sử dụng và khả năng sửa chữa của sản phẩm; cũng như việc giới thiệu hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số sẽ giúp mang lại sự minh bạch hơn về cách thức sản xuất các mặt hàng và tác động môi trường của chúng.

Nhu cầu đặt may riêng ngày càng tăng

Sản xuất thừa là một vấn đề lớn trong ngành thời trang, ước tính có khoảng 10 đến 45% tổng số quần áo chưa bao giờ được bán ra. Một trong những lý do chính tạo ra hậu quả này là vì “đường dây” sản xuất” chủ yếu phụ thuộc vào việc các nhà bán lẻ dự đoán khách hàng sẽ mua gì. Từ đó, “lỗ hỏng” xuất hiện – cũng là lúc mô típ đặt may riêng/ sản xuất hay thiết kế theo yêu cầu riêng của khách hàng xuất hiệu. Đây còn được xem là “lời giải” hoàn hảo dành cho “bài toán” khó nhăn về hàng tồn kho. Trên thời trang thế giới, các thương hiệu như Weekday và Desigual đã bắt đầu thử nghiệm mô hình sản xuất này; trong khi Unspun đã hợp tác với Eckhaus Latta trong bộ sưu tập mùa xuân năm 2024 để cung cấp công nghệ 3D – có thể may quần áo trực tiếp từ vải theo yêu cầu của khách hàng. 

Các sản phẩm nhuộm trở nên thân thiện với môi trường hơn

Hiện nay, nhuộm chất liệu/vải được xem là một quá trình gây ô nhiễm nặng nề. Để có được hàng nghìn thước vải màu sắc bắt mắt, chúng ta đã đánh đổi bằng các dòng sông đen ngòm, bốc mùi vì tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động bởi hóa chất từ quá trình xả thải (như ở Bangladesh và Trung Quốc). May mắn thay, thế giới thời trang đã đưa ra được nhiều biện pháp xử lí và đối phó kịp thời. Một trong số đó là sự ra đời của hàng loạt sản phẩm nhuộm thân thiện với mẹ thiên nhiên, chẳng hạn như Colorifix (thuốc nhuộm từ vi khuẩn tự nhiên; Living Ink (thuốc nhuộm làm từ tảo, được sử dụng trong sản phẩm hợp tác gần đây giữa Nike và Billie Eilish); và Air-Ink (được làm từ những thành phần có trong không khí bị ô nhiễm)

Rong biển được “xướng tên”

Da thuần chay hay các chất liệu thân thiện được làm từ nấm thường là “nhân vật chính” trong câu chuyện thời trang bền vững từ rất lâu, trong khi đó rong biển vẫn chưa được chú ý nhiều cho đến tận bây giờ. Stella McCartney – một trong những thương hiệu thời trang thế giới đi đầu trong lĩnh vực này đã cho ra mắt loại sợi mới – “Kelsun”, trên sàn diễn vào mùa xuân năm 2024, được làm từ rong biển. Rong biển dần được “xướng tên” trong nhiều triều đại sáng tạo khác như lần Another Tomorrow đã trình làng chất liệu “SeaCell” – một loại vải được tạo ra bằng cách thu hoạch rong biển một cách có trách nhiệm từ các vịnh hẹp của Iceland.

Công nghệ mới có thể tái chế những chất liệu pha

Tái chế vẫn là một thách thức lớn đối với các thương hiệu mang trên mình sứ mệnh to lớn với môi trường. Theo ước tính, chưa đến 1% quần áo đã qua sử dụng được chuyển thành quần áo mới. Bởi lẽ, quá trình tái chế đã phải đối mặt với các thử thách trong việc tách thành phần trong những chất liệu được pha trộn, cho đến khi công nghệ Circ xuất hiện. Circ đã “thúc đẩy” quá trình tái chế vải một cách dễ dàng hơn gấp nhiều lần, nó phân hủy các vật liệu polycotton thành sợi polyester và Lyocell để có thể tái sử dụng cho quần áo mới. Vào tháng 10, Mara Hoffman là nhà thiết kế đầu tiên trình làng chiếc váy sử dụng công nghệ của Circ.

Công bằng cho công nhân may

Dù tương lai của thời trang bền vững được quyết định phần lớn vào các công nghệ cải tiến, các kỹ thuật cao nhưng sức người luôn là thứ không thể lãng quên, thậm chí cần được quan tâm ngang nhau. Hiện tại, có tới 93% thương hiệu thời trang trả lương thấp cho các công nhân trong xưởng may. Chưa kể đến, nhóm chiến dịch Fashion Revolution đã cảnh báo rằng việc tập trung vào phục vụ nhu cầu sản xuất mẫu mã theo yêu cầu có thể khiến công nhân may mặc chịu thiệt thòi vì “sự gia tăng đột ngột và khó lường”. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đảm bảo được rằng quá trình chuyển giao phải công bằng; trong đó, công nhân ở xưởng may được đảm bảo có việc làm ổn định và được trả lương thỏa đáng, song song, thế giới thời trang phải liên tục đưa các công nghệ mới để có thể chạm đến điểm cuối cùng là bền vững hơn. 

Thực hiện Dory

Theo Vogue