7 cuốn sách về thời trang nhanh giúp bạn mở mang tầm mắt

Ngày đăng: 05/08/23

Ngày càng có nhiều người biết và quan tâm đến thời trang nhanh, một lĩnh vực lớn của ngành công nghiệp thời trang dựa vào việc sản xuất quần áo chất lượng thấp với giá rẻ và nhanh chóng. Không ít người tiêu dùng đã loại bỏ nhanh trang phục này, để giảm tác động đến môi trường.

Theo ước tính, thời trang nhanh tạo ra 92 triệu tấn chất thải dệt may mỗi năm, bên cạnh 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và gần 20% nước thải toàn cầu. Thời trang nhanh cũng đặt ra những vấn đề xã hội quan trọng, cụ thể là cưỡng bức lao động và trẻ em, để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về quần áo với giá thấp. Một số chuyên gia và người ủng hộ đã đưa ra ánh sáng những vấn đề phức tạp xung quanh ngành, đồng thời đề cập đến các giải pháp về cách chúng ta có thể chia tay thời trang nhanh, cũng như cách để đạt được lối sống bền vững hơn.

Dưới đây là 7 cuốn sách hay nhất về thời trang nhanh giúp thay đổi góc nhìn của mỗi người về trang phục và thói quen mua sắm.

Overdressed: The Shockingly High Cost of Cheap Fashion, Elizabeth L. Cline (2012)

Nhà văn kiêm nhà báo Elizabeth Cline là một trong những nhà báo Hoa Kỳ đầu tiên khám phá điều kiện làm việc tồi tệ của ngành may mặc ở Bangladesh, ngay trước thảm họa Rana Plaza năm 2013 cướp đi sinh mạng của hơn 1.130 công nhân. Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, cung cấp một cái nhìn tổng quan về tác động của thời trang nhanh đối với môi trường, nền kinh tế và xã hội. Tác giả đã làm sáng tỏ các vấn đề về công bằng xã hội, quyền con người và quyền lao động trong ngành may mặc, đồng thời khám phá văn hóa tiêu dùng đã dẫn đến mô hình kinh doanh thời trang nhanh như hiện nay. Cline đặt nền móng một cách chuyên nghiệp cho thời trang bền vững và đạo đức hiện đại, cũng như nhắc nhở chúng ta nên nhận trách nhiệm trong việc làm cho thời trang trở nên đạo đức và bền vững hơn.

Fashionopolis, Dana Thomas (2019)

Nhà báo Dana Thomas không ngừng chỉ trích ngành công nghiệp thời trang nhanh ngày nay, cụ thể là cách ngành công nghiệp quần áo tạo ra hàng tỷ sản phẩm may mặc mỗi năm, việc khai thác môi trường và lao động đã nhân lên theo cấp số nhân trong vài thập kỷ qua do hậu quả của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ. 

Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra các gợi ý và giải pháp rất thiết thực: Phát triển đổi mới như quần áo in 3D, sản xuất thông minh, tái chế vải cũng như vật liệu phát triển trong phòng thí nghiệm, đến những ý tưởng sáng tạo có thể giúp quy trình sản xuất giảm suy thoái và ảnh hưởng môi trường. Bên cạnh đó còn là khám phá những cá nhân và công ty thiết kế đang dẫn đầu xu hướng sản xuất thời trang tốt hơn và sạch hơn. Cuối cùng, đây là một cuốn sách tích cực và lạc quan khi nhấn mạnh rằng mỗi người với trí tuệ của mình đều có khả năng ngăn chặn thời trang nhanh ngay từ bây giờ.

To Die For, Lucy Siegle (2011)

Nổi tiếng với những bài viết phong phú về các vấn đề bền vững và môi trường, nhà báo người Anh Lucy Siegle đã đi sâu vào những câu chuyện tàn khốc đằng sau những bộ quần áo mà chúng ta tình cờ mua và mặc trong cuốn sách hấp dẫn về thời trang nhanh này. Siegle cung cấp một cuộc kiểm tra toàn diện trong ngành công nghiệp thời trang, khám phá mọi thứ từ suy thoái môi trường đến các hoạt động bóc lột lao động và không an toàn, đồng thời nhắc độc giả suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa hành vi của người tiêu dùng và sức khỏe kinh tế toàn cầu. Nhưng giữa tất cả những tác động và điều kiện đáng lo ngại này, cuốn sách đưa ra một tầm nhìn rõ ràng và hợp lý về cách giải quyết vấn đề thời trang giá rẻ và số lượng lớn, cách các cá nhân có thể trở thành một “tín đồ thời trang có đạo đức”.

Wardrobe Crisis: How We Went From Sunday Best to Fast Fashion, Clare Press (2016)

Nhà báo thời trang Clare Press đã đưa độc giả vào hậu trường và xem xét toàn bộ hệ sinh thái thời trang, bắt đầu từ các xưởng bóc lột sức lao động đến những trang web trưng bày của các nhãn hiệu thời trang lớn. Tác giả dẫn dắt độc giả qua những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ngành may mặc, bao gồm sự lên xuống của các cửa hàng bách hóa, sự biến mất của các nhà sản xuất giày và quần áo địa phương, và cách các hãng thời trang lớn như Ralph Lauren, Calvin Klein và Zara trở thành thời trang nhanh như ngày hôm nay. Bằng việc tập trung vào nhiều sự kiện và số liệu thống kê quan trọng kết hợp với cách viết vừa hóm hỉnh vừa có sức thuyết phục, Press đưa ra một trường hợp mạnh mẽ để mỗi người suy nghĩ lại về thói quen mua sắm của mình.

Stitched Up, Tansy Hoskins (2014)

Điều khiến Stitched Up khác biệt với nhiều cuốn sách về thời trang nhanh là hình ảnh minh họa từ góc độ kinh tế. Hoskins đi sâu vào các khái niệm về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Mác liên quan đến ngành công nghiệp thời trang, đồng thời phơi bày mối quan hệ “ma cà rồng” giữa sự bóc lột công nhân, môi trường và cơ thể chúng ta. Đặt ra những câu hỏi như liệu thời trang vốn dĩ có phải là phân biệt chủng tộc hay không, liệu thời trang xanh có thể là một lựa chọn thay thế hay không và liệu chúng ta có nên bác bỏ khái niệm về thời trang hay không, cuốn sách này là một cuộc khám phá quan trọng về những ưu tiên đang bị bóp méo của chủ nghĩa tư bản và những tác động của ngành công nghiệp thời trang trị giá 2 tỷ đô đối với xã hội và hành tinh.

Không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm của Hoskins được công nhận là một trong những cuốn sách hay nhất về thời trang nhanh. Nữ diễn viên Emma Watson đã chọn cuốn sách này như một phần trong “Danh sách các cuốn sách cần đọc hết” của mình.

Slave to Fashion, Safia Minney (2017)

Safia Minney là người đã từng xuất bản các tác phẩm về thời trang chậm với vai trò là Giám đốc điều hành của Fair Trade và nhãn hiệu thời trang bền vững, People Tree. Như tiêu đề cuốn sách, Slave to Fashion giải quyết vấn đề nô lệ thời hiện đại và lao động trẻ em trong ngành thời trang, may mặc và giày dép toàn cầu, những người buộc phải sản xuất quần áo mà hầu hết thế giới phương Tây mặc.

Cuốn sách bao gồm tuyển tập các cuộc phỏng vấn và phim tài liệu về nhiều nhóm đối tượng khác nhau (đàn ông, phụ nữ và trẻ em) đã tham gia vào ngành thời trang nhanh này. Trong đó có một phần về Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp Anh báo cáo rằng họ đang thực hiện các bước để đảm bảo rằng chế độ nô lệ và buôn bán người không có trong chuỗi cung ứng hoặc hoạt động kinh doanh của chính họ. Đồng thời, cuốn sách cũng có những nội dung hướng dẫn về các hoạt động thực tiễn cho các công ty thời trang.

Loved Clothes Last, Orsola de Castro (2021)

Được biết đến nhiều hơn với tư cách là người đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo toàn cầu của Fashion Revolution, Orsola de Castro đã thực hiện sứ mệnh của mình là giúp mọi người yêu quý quần áo của họ lâu hơn và chọn những bộ trang phục bền lâu. Cuốn sách gần giống như một cẩm nang hướng dẫn về những cách thiết thực giúp mỗi người tự sửa, mặc lại và thổi sức sống mới vào tủ quần áo của mình để đạt được lối sống bền vững hơn.

Độc giả sẽ được khuyến khích kiểm tra và đánh giá thói quen mua sắm của mình, đồng thời được hướng dẫn cách mua sắm có ý thức hơn để giảm lượng khí thải carbon. Thông qua cuốn sách, bạn có thể thấy mình như đang được học cắt may và nhiều hoạt động thú vị khác.

Chuyển ngữ: Bảo Lam

Theo Earth