8 Nhà thiết kế Châu Á mới nổi trên bản đồ thời trang quốc tế
Ngày đăng: 20/04/22
Sự chú ý đang được đổ dồn vào những nhà thiết kế trẻ tài năng mới trong khu vực châu Á.
Một thế hệ mới của các nhà thiết kế châu Á đã thu hút được sự quan tâm của những người yêu thời trang. Họ đều gây ấn tượng ở những điểm: các mẫu thiết kế bắt nguồn từ chính di sản và văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời hướng tới sự bền vững trong thời trang. Cùng tìm hiểu xem điểm ấn tượng trong phong cách của mỗi nhà thiết kế là gì nhé!
1. YanYan – Hong Kong
YanYan, tựa như một bức thư tình gửi cho HongKong, được thành lập vào năm 2019 với định hướng tôn vinh di sản của thành phố. Được thành lập bởi những người bạn thân thời thơ ấu Phyllis Chan – cựu giám đốc về đồ dệt kim của Rag & Bone – và Suzzie Chung, thương hiệu tập trung và khám phá mọi mặt của đồ dệt – kiểu quần áo không thường được sử dụng trong trang phục truyền thống của Trung Quốc, mang hơi hướng vui tươi và hiện đại.
YanYan có nghĩa là “tất cả mọi người” trong tiếng Quảng Đông, và phản ánh bản chất của cuộc sống hàng ngày trong thành phố, khi bản thân nó là sự chắp vá của những ảnh hưởng. “Bất cứ khi nào chúng tôi cảm thấy lạc lõng hoặc cần một ý tưởng, chúng tôi đến Sham Shui Po hoặc Prince Edward, hoặc một trong nhiều nơi ở Hồng Kông, nơi cái cũ gặp cái mới, đông gặp tây, văn hóa gặp công nghệ,” Chan nói. “Thật là xa xỉ khi có thể sống trong thành phố có thể truyền cảm hứng cho mình, và tôi nghĩ đó là điều khiến các thiết kế của chúng tôi cảm giác thật chân thành.”
Với mục tiêu phát triển bền vững, YanYan đã tìm nguồn cung ứng từ các nhà máy chuyên dụng trên khắp thế giới, sử dụng nguyên liệu chết (Deadstock) và chỉ thừa từ các nhà máy dệt kim. Cardigans, váy và phụ kiện được trang trí bằng màu sắc, hoa văn và các chi tiết tinh tế liên quan đến trang phục Trung Quốc, chẳng hạn như các nút và đường xẻ cúc dứa trên sườn xám. Thương hiệu nhận được sự yêu thích trên khắp thế giới, bao gồm cả diễn viên hạng A của Hollywood – Gemma Chan và nữ diễn viên kiêm người mẫu Nhật Bản – Kiko Mizuhara.
“Khách hàng hoặc người hâm mộ thường liên hệ để cho chúng tôi biết họ cảm thấy gắn bó với sản phẩm của chúng tôi như thế nào. Đã có những người nói với chúng tôi rằng nó nhắc họ nhớ về nhà, hoặc gia đình của họ ở Hồng Kông hoặc Châu Á” bộ đôi tâm sự. “Chúng tôi cũng nhận được câu hỏi từ những người ở nước ngoài về một số yếu tố thiết kế của thương hiệu và những thứ ở Hồng Kông mà chúng tôi đăng trên Instagram; thật vui vẻ khi chia sẻ với họ. ”
2. Bagasáo—Philippines
Được mô tả là “bản dịch mơ hồ của từ ‘hàng ngày’”, thương hiệu Bagasáo của Philippines mang đến cho từ “basic – cơ bản” một ý nghĩa hoàn toàn mới, đáng mơ ước. Nhà thiết kế Joseph Bagasao tốt nghiệp xuất sắc, đứng đầu lớp tại Học viện Thời trang của Philippines và được mệnh danh là Nhà thiết kế của năm của trường. Sau khi làm việc trong bộ phận thêu và đính kết của nhà thiết kế Josie Natori có trụ sở tại New York, Bagasao đã cho ra mắt nhãn hiệu của mình vào năm 2016. Sự cống hiến của anh đối với tính bền vững mang lại nét thẩm mỹ tối giản cho thương hiệu của anh ấy một nét tinh tế và độ bền cao.
Quá trình sáng tạo của Bagasáo rất trực quan và đa cảm: nguồn cảm hứng cho mọi thiết kế bắt đầu từ một cảm xúc, sau đó anh ấy để ý tưởng phát triển thành cấu trúc, màu sắc, dáng và hình thức. Mặc dù các sáng tạo trong bộ sưu tập xuân hè 2022 của anh ấy mang màu sắc trung tính, sạch sẽ, nhưng những đường cắt được sắp xếp hợp lý, kết thúc chu đáo và thường là những silhouettes bất ngờ đã mang đến cho chúng một góc nhìn mới. Nhà thiết kế thích truyền cảm giác bí ẩn vào các tác phẩm của mình, kết hợp các loại vải lạ hoặc từ bỏ tính đối xứng. “Tôi không muốn bất cứ điều gì quá rõ ràng hoặc quá trực quan,” anh nói.
3. Behati – Malaysia
“Được sống trong một nền văn hóa lâu đời là một điều may mắn và tôi muốn mọi người cảm nhận được sự may mắn đó khi mặc đồ Behati,” Kel Wen, bộ óc sáng tạo đằng sau nhãn hiệu Malaysia cho biết. Được thành lập vào năm 2018, Behati hướng tớ bảo tồn các nghề thủ công của quê hương Wen thông qua trang phục phản ánh phong cách và xu hướng ngày nay, đồng thời truyền cảm hứng cho mọi người tìm hiểu về nền văn hóa đa dạng của Malaysia.
Lấy cảm hứng từ tuổi thơ đa văn hoá, Wen muốn tạo ra những trang phục thể hiện tính đặc trưng của một quốc gia là Malaysia. Các thiết kế của anh có các yếu tố truyền thống đặc biệt của Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Iban và Kadazan; Baju Melayu quá khổ, là một ví dụ hoàn hảo cho mục tiêu đó, đã lan truyền trên mạng xã hội. Các thiết kế “trang phục truyền thống của tương lai” của Behati đã đạt được vị thế nổi tiếng nhờ sự nổi tiếng của chúng trong giới nghệ sĩ Malaysia, bao gồm cả giọng hát chim sơn ca Siti Nurhaliza và nữ diễn viên Jihan Muse, những người đã mặc những món đồ đặt làm riêng cực kỳ lộng lẫy của thương hiệu.
4. Jenn Lee – Đài Loan
Jenn Lee là một nhà thiết kế khá nổi loạn và cá tính trong lĩnh vực thời trang bền vững. Cựu sinh viên Đại học Nghệ thuật London đã thành lập nhãn hiệu cùng tên tên của mình vào năm 2017 để trao quyền cho phụ nữ thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo và độc lập của họ, đồng thời giải phóng hình ảnh người phụ nữ hoang dã bên trong: thứ mà cô ấy phản ánh theo phong cách cá nhân của riêng mình. Các thiết kế của cô là sự kết hợp của các yếu tố punk, subcultures, DIY và upcycling, mang ảnh hưởng rất lớn đến từ quê hương cô. “Đường phố ở Đài Loan rất hỗn loạn. Các phong cách được lồng ghép ngẫu nhiên với nhau; phi logic và nó khá hữu cơ,” nhà thiết kế chia sẻ. Thời trang của cô cũng một phần chịu ảnh hưởng bởi thời gian ở London và khi du lịch châu Âu.
Lee đã nắm bắt tiềm năng của metaverse, phát hành các phần trình bày kỹ thuật số về thiết kế trong các mùa trước; bộ sưu tập mới nhất của cô — Love Button Hunter, được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London Thu Đông 2022 — liên quan đến một cuộc truy tìm kho báu VR. Khán giả đắm chìm trong thế giới ảo và phải thu thập ba “nút tình yêu” trong khi mở khóa các thiết kế trong suốt hành trình. Một niềm đam mê khác được tìm thấy trong sự hợp tác giữa các ngành nghệ thuật — cô đã làm việc với các vũ công, nghệ sĩ đồ họa chuyển động thử nghiệm và các nghệ sĩ âm thanh và hình ảnh.
Tinh thần phiêu lưu của Lee lan rộng đến những sản phẩm của cô trong lĩnh vực thời trang bền vững. Ngoài cách tiếp cận “số lượng ít hơn, đa dạng hơn”, chuyên môn của cô là luôn mang đến cho các loại vải một sức sống mới. Điều này bao gồm việc tận dụng sợi phân hủy sinh học độc đáo từ sự hợp tác của cô với nhà cung cấp vải Tex Tile của Đài Loan, các loại vải chống thấm được chứng nhận bền vững bởi kiểm tra viên hóa học Bluesign và các vật liệu đã qua sử dụng.
5. Nong Rak – Thái Lan
Nong Rak có nghĩa là “tình yêu trẻ” trong tiếng Thái, một cụm từ tóm tắt hoàn hảo tinh thần của thương hiệu dệt kim này. Hai đối tác trong công việc và cuộc sống, Home Phuangfueang từ Thái Lan và Cherry W Rain- Phuangfueang từ Mỹ, đã bắt đầu Nong Rak vào năm 2018 như một dự án nhiếp ảnh giữa những người bạn đã phát triển thành một cửa hàng vintage. Vào năm 2020, bộ đôi này đã phân nhánh và bắt đầu tập trung vào việc tạo ra “đồ dệt kim lấy cảm quan làm trung tâm, tập trung vào cảm giác”, từ đó đã đi đầu về thủ công và tính bền vững. Tìm nguồn cung ứng cẩn thận từ các loại sợi cũ, sợi chết và sợi tự nhiên đã qua sử dụng, họ tận dụng một lượng nhỏ các sợi có màu sắc khác nhau, cũng như các loại sợi thủ công được kéo tay và xử lý tối thiểu từ các trang trại nhỏ, cruelty-free và các thợ kéo sợi thủ công.
Mỗi phụ kiện và sản phẩm thời trang độc đáo đều được đan bằng tay không có hoa văn hoặc đan trên máy móc nội địa. Những mảnh mohair chải chuốt, thanh tao của họ, được mô tả là “nghệ thuật sợi dệt siêu hữu cơ”, đã thu hút được lượng người theo dõi khổng lồ trên mạng xã hội, với trang web hiển thị rằng mọi sản phẩm họ tạo ra đều bán được hàng. Thông qua nhãn hiệu và studio sáng tạo của họ, những người sáng lập của Nong Rak hy vọng sẽ tiếp tục tạo ra “những tác phẩm có chất lượng gia truyền, tình cảm đáng để yêu thương và chia sẻ trong nhiều năm tới”.
6. Susan Fang – Trung Quốc
Bạn có thể nhận ra cái tên này từ những phụ kiện hạt thủy tinh siêu thực xuất hiện trên thảm đỏ và trong các bài editorial về thời trang — nhưng sự tập trung vào sự khéo léo và tính bền vững của Susan Fang mới thực sự đáng được chú ý. Kể từ khi ra mắt thương hiệu cùng tên của mình vào năm 2017 sau khi tốt nghiệp trường Central Saint Martins, Fang đã có một danh sách dài các thành tích: lọt vào chung kết Giải thưởng LVMH, Người chiến thắng chú thích sáng tạo của Lane Crawford và sự hợp tác với Zara trong bộ sưu tập capsule dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Cô là nhà thiết kế Trung Quốc đầu tiên được ca ngợi trên toàn cầu trong những cái tên mà gã khổng lồ thời trang nhanh này hợp tác.
Sự trưởng thành trong môi trường đa văn hóa của Susan Fang – cô lớn lên ở Trung Quốc, Canada, Anh và Mỹ — đã dạy cô “những thách thức và vẻ đẹp của quan điểm và nhận thức”. Thương hiệu của cô được xác định bởi tình yêu đối với thiên nhiên và thủ công mỹ nghệ, và mong muốn truyền tải vẻ đẹp và ý thức chữa lành trong thiết kế của mình. Mỗi tác phẩm của Susan Fang đều được sản xuất in-house với đội ngũ nghệ nhân nhỏ của cô và gần đây cô bắt đầu tham gia vào các tổ chức từ thiện, chẳng hạn như cung cấp việc làm tại xưởng sản xuất của mình cho các bà mẹ từ dân tộc thiểu số Yi.
Văn hóa thiết kế của Trung Quốc còn non trẻ, so với châu Âu. Điều này cho phép Susan Fang tự do thử nghiệm. “Đó là thách thức nhưng đồng thời cũng là thời điểm tốt nhất để trở thành một nhà thiết kế châu Á; chúng tôi có thể cực kỳ sáng tạo và thể hiện tiếng nói của mình trên toàn cầu thông qua sự hỗ trợ của các mạng xã hội và công chúng quốc tế,” cô nói. “Không có nhiều hạn chế trong lịch sử đối với việc [thiết kế] phải như thế nào, vì vậy tôi cảm thấy hoàn toàn tự do; Tôi có thể định nghĩa phụ kiện, quần áo, chất liệu, các buổi trình diễn theo một cách hoàn toàn mới ”.
Ví dụ, Susan cố gắng tìm ra những cách mới để làm việc với chất liệu trong mọi bộ sưu tập: cô ấy đã đi tiên phong trong kỹ thuật “Air-Weave” vào năm 2018, một phương pháp độc đáo là dệt thủ công chín lớp vải để tạo khuôn mẫu cho cơ thể người mặc, và trong đó tận dụng các vật liệu còn sót lại. Bộ sưu tập xuân hè 2022 của cô, một cú hit lớn tại Tuần lễ thời trang Thượng Hải, đã ra mắt một kỹ thuật gấp vải tulle mới có tên là “Air flower” và là sự tiếp nối trong việc thể hiện những cảm xúc tích cực của cô thông qua những sáng tạo trong thiết kế và chất liệu. “Tôi thực sự hy vọng mọi người cảm thấy được truyền cảm hứng, được nâng tầm và điều gì đó sâu bên trong sẽ được an ủi,” cô nói.
7. Toton – Indonesia
Toton Januar muốn “kể lại những câu chuyện vốn có của Indonesia qua đôi mắt mới mẻ và tầm nhìn mới”. Được thành lập vào năm 2012, thương hiệu quần áo nữ có trụ sở tại Jakarta đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Woolmark Quốc tế 2017, giải thưởng toàn cầu dành cho những tài năng đang phát triển — lần đầu tiên dành cho một nhà thiết kế người Indonesia. “Đông Nam Á nói riêng vẫn chưa được biết đến là quê hương của thiết kế đương đại; đây là cơ hội của chúng tôi để thay đổi điều đó” – Januar nói.
Những silhouette thơ mộng— sự tái hiện của quần áo từ các tỉnh Aceh và Sulawesi Selatan, Indonesia — trong bộ sưu tập xuân hè 2021 và những chiếc áo corset lấy cảm hứng từ những mảnh sứ của bộ sưu tập thu đông 2021 chỉ là một vài ví dụ về sự hiện đại của thương hiệu. Chúng dựa trên nghệ thuật và tôn vinh truyền thống về sự đa dạng của các kỹ thuật được sử dụng trong việc tạo ra các trang phục dân gian và nghi lễ. Januar cũng tìm thấy những ý tưởng sáng tạo trên đường phố quê hương mình. “Khuôn mẫu tuyệt đẹp của sự hỗn loạn [ở Jarkarta] đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng thường xuyên của tôi,” anh nói. Giống như các thiết kế của anh ấy, “Tôi tin rằng tương lai sẽ không sạch sẽ, trống rỗng hay bóng bẩy mà ngược lại, sẽ rất phong phú với những câu chuyện về cách nhân loại tồn tại”.
8. Minor Miracles—Singapore
Nhà thiết kế người Singapore – Dawn Bey đã kết hợp niềm yêu thích của mình với việc thiết kế hoạ tiết và thời trang vào sự ra mắt của Minor Miracles vào năm 2019, một xưởng in và dệt may với mục đích mang lại cảm giác hạnh phúc cho mọi tủ quần áo và ngôi nhà. Là cựu sinh viên của học viện thời trang Scad Hong Kong và Đại học Quốc gia Singapore, Bey sử dụng các sắc thái vui tươi và các hình in độc quyền để tạo nên những silhouette mượt mà, rực rỡ cho các sáng tạo của mình.
“Nguồn gốc văn hóa của tôi chắc chắn tạo nên một phần con người của tôi, nhưng cũng thử thách tôi vượt qua các ranh giới và chuẩn mực hiện tại, đặc biệt là [khi nói đến] việc sử dụng màu và hình in ở Singapore,” cô nói. Để khuyến khích nhiều người sử dụng màu sắc hơn, thương hiệu đã mở rộng sang lĩnh vực quần áo trẻ em và đồ lifestyle, chẳng hạn như khẩu trang – sản phẩm thiết yếu hiện nay. Toàn bộ quá trình, từ thiết kế và tạo mẫu cho đến lấy mẫu, đều do Bey và nhóm của cô ấy thực hiện in-house.
Thực hiện: Lexi Han
Theo Tatler Asia