9 tips cần nắm rõ để không biến bộ ảnh thời trang của mình thành “thảm họa”

Ngày đăng: 31/05/21

Sau khi được hoàn thiện và đạt các tiêu chí về chất lượng, những ‘items’ của bạn sẽ được tung ra thị trường thông qua những chiến dịch marketing. Để có thể truyền tải thông điệp và ý đồ của nhà thiết kế tới người dùng một cách chính xác nhất, không cách nào hiệu quả hơn một bộ ảnh thời trang. Nếu không có, sẽ chẳng ai có thể hiểu và hình dung được nét đẹp đằng sau dòng sản phẩm đó.

Sản xuất một bộ ảnh thời trang chưa bao giờ là chuyện đơn giản, và quá trình chuẩn bị cho một bộ ảnh có thể lên đến hàng tháng trời. Vì vậy, đầu tư thời gian để sắp xếp những thứ liên quan không bao giờ là thừa. “Dục tốc bất đạt” – Cho bản thân thật nhiều thời gian để chuẩn bị, bạn sẽ đỡ vất vả, và có nhiều không gian sáng tạo hơn cho bộ ảnh của mình. 

Vậy, một bộ ảnh thời trang cần được chuẩn bị những gì, và chuẩn bị như thế nào? Đâu là loại ảnh phù hợp nhất để truyền tải đúng tinh thần của những mẫu thiết kế?

Để trả lời được câu hỏi trên, cần xác định xem bộ ảnh sẽ được dùng cho mục đích gì và xuất hiện ở đâu. Lấy ví dụ đơn giản, bạn muốn giới thiệu bộ sưu tập trên website và các nền tảng mạng xã hội để khách hàng có thể tham khảo và lựa chọn, nên sử dụng những shot hình cận cảnh vào mẫu thiết kế cũng như thể hiện được tính ứng dụng của nó.

Nếu vẫn đang loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu, 9 tips dưới đây sẽ giúp bạn hình dung một quy trình cơ bản nhất để tạo ra một bộ ảnh thời trang.

Tạo một Moodboard 

Việc đầu tiên cần làm là phải định hình rõ nét những gì bạn muốn ở bộ ảnh này.

Trước khi bước vào buổi chụp, hãy tham khảo và sưu tầm lại tất cả những bức hình bạn nghĩ là phù hợp với tinh thần của bộ sưu tập, và tạo thành một Moodboard. Lưu lại tất cả những ý tưởng bạn muốn từ màu sắc, cảm xúc cho đến những pose dáng mà người mẫu cần thể hiện. Điều này giúp bạn và các đồng đội dễ dàng hình dung thành phẩm cuối cùng trông như thế nào, và để đảm bảo trong quá trình chuẩn bị, mọi thứ không bị “trật đường ray” so với ý tưởng ban đầu.

Từ Moodboard đã có, hãy chọn lọc lại những bức ảnh bạn tâm đắc nhất để cùng chia sẻ với nhiếp ảnh gia, stylist và người mẫu. In danh sách này và mang theo nó vào ngày diễn ra buổi chụp hình, để chắc chắn rằng sẽ không bị sót bất kỳ kiểu ảnh nào. Vì sẽ không ai muốn trong bộ ảnh của mình lại thiếu đi một tấm ảnh, như một bức tranh mà vô tình bị mất một mảnh ghép vậy. 

Một trang web có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong việc tạo Moodboard chính là Pinterest.

Một bộ ảnh thời trang thông thường có có 3 kiểu ảnh cơ bản:

Ảnh sản phẩm theo phong cách flatlay:

  • Đây là ảnh với góc chụp chính diện từ trên xuống, sản phẩm được sắp xếp trên mặt phẳng, cùng với các phụ kiện màu sắc xung quanh tạo nên một tổng thể hài hòa
  • Trên ảnh nên thể hiện được mặt trước, mặt sau và mặt bên của mẫu sản phẩm.
  • Đừng quên chụp cận cảnh những chi tiết đắt giá của mẫu thiết kế (những đường cut-out, những hàng khuy,…)

 

Ảnh với mục đích thương mại/Linesheet (thông tin tham khảo dành cho người mua)

  • Là những bức ảnh mà sản phẩm được mặc và thể hiện bởi người mẫu 
  • Không nên phối thêm phụ kiện trong những shot ảnh này, vì nó có thể phân tán sự chú ý của người nhìn khỏi mẫu trang phục.
  • Người mẫu nên thực hiện một dáng pose đơn giản và giữ nó xuyên suốt bộ ảnh. Điều này sẽ duy trì tính nhất quán và tránh cảm giác “rối mắt” trong trường hợp toàn bộ hình ảnh được trình bày cùng nhau.
  • Có thể xem ở chế độ 360˚ để người xem có cái nhìn toàn diện về sản phẩm.
  • Phông nền trắng trơn nên được ưu tiên sử dụng để làm nổi bật sản phẩm

 

Digital lookbook:

  • Lookbook được sử dụng để truyền tải câu chuyện của thương hiệu và tính ứng dụng của sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày
  • Không giống như hình ảnh cho mục đích thương mại, lookbook nên đa dạng bối cảnh cũng như các tạo dáng của người mẫu để thu hút sự chú ý từ người xem
  • Tùy thuộc vào thông điệp bạn muốn truyền tải đến khách hàng, bạn sẽ lên kế hoạch chi tiết để thực hiện một lookbook: cần một hay nhiều người mẫu, nên chụp trong studio hay nên chụp ngoại cảnh,…

Lưu ý: Hãy nghĩ kỹ về việc sẽ sử dụng những tấm ảnh này như thế nào và chúng sẽ được xuất hiện ở đâu, để có thể lựa kích thước, tỉ lệ ngang dọc phù hợp. Đừng quên có một danh sách ghi lại những kiểu ảnh cần có và đối chiếu liên tục trong buổi chụp để tránh thiếu sót hoặc dư thừa bất kỳ tấm ảnh nào.

Chọn nhiếp ảnh gia 

Lựa chọn nhiếp ảnh gia có cùng tần số với bạn là ưu tiên hàng đầu. Nên lựa chọn những người đã có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực thời trang, người sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng định hướng sáng tạo của bạn.

Bắt đầu từ việc tìm kiếm những người tiềm năng cho vị trí này, dựa trên những tác phẩm họ từng làm để xem liệu họ có “cảm” được tinh thần bộ ảnh bạn muốn thực hiện hay không. Nếu thế mạnh của họ là chủ đề trừu tượng với màu sắc ma mị, hẳn sẽ không phù hợp nếu định hướng của bạn là một bộ ảnh hiện đại với bố cục rõ ràng, sắc nét. 

Sau khi tìm được người thích hợp, đừng quên thảo luận về những vấn đề thực tế hơn. Chi phí thực hiện sẽ tính theo giờ hay trọn gói theo ngày? Phần chỉnh sửa hậu kỳ đã bao gồm trong chi phí chưa? Sau buổi chụp, bạn sẽ nhận được bao nhiêu hình ảnh gốc chất lượng cao (file raw), bạn được yêu cầu chỉnh sửa (retouch) bao nhiêu tấm ảnh,… 

Lưu ý: Nên trao đổi thêm với những người trong ngành để hỏi xin lời khuyên về cách làm việc với các nhiếp ảnh gia. Đừng quên hỏi xem liệu ekip của bạn có yêu cầu thêm dành cho nhiếp ảnh gia không, để tránh những phát sinh không đáng có về sau.

Tuyển chọn người mẫu

Sau khi xác định tinh thần cũng như concept của bộ ảnh, bạn cần tìm kiếm những người mẫu phù hợp giúp bạn thể hiện sự hoàn hảo của mẫu trang phục đến với khách hàng.

Bạn cần một cô nàng gai góc với ánh mắt sắc lạnh, một cô gái da nâu khỏe khoắn hay một quý cô đơn giản, thanh lịch?

Bạn sẽ cần tổng cộng bao nhiêu người mẫu? Dựa trên những kiểu ảnh bạn muốn (ảnh đơn, ảnh đôi hoặc ảnh tập thể) nhưng thông thường sẽ chọn tối đa 3 người mẫu, để có thể tiết kiệm chi phí và thời gian trong lúc chụp.

Tùy thuộc vào ngân sách hiện có, bạn có thể liên hệ với các công ty người mẫu để tìm kiếm những gương mặt phù hợp. Chia sẻ với công ty những yêu cầu cụ thể để họ có thể giúp bạn khoanh vùng những ứng viên thích hợp ở mức giá phù hợp (vì tùy vào kinh nghiệm và mức độ nổi tiếng, mỗi người mẫu sẽ có mức cát-xê khác nhau). Ngoài ra, hãy thông báo về buổi tuyển chọn trên mạng xã hội với đầy đủ những thông tin để có thể dễ dàng tìm ra những gương mặt phù hợp nhất. 

Bên cạnh đó, cần phải cân bằng giữa kinh phí và chất lượng của người mẫu. Người mẫu mới vào nghề với cát-xê thấp có thể sẽ không đảm bảo được chất lượng buổi chụp, cũng như truyền tải được những giá trị của sản phẩm.

Lưu ý: Khi tìm kiếm người mẫu, đừng quên ghi lại chiều cao, số đo cơ thể và size giày của họ. Cố gắng sắp xếp buổi thử đồ riêng để có thể giải quyết mọi vấn đề về trang phục, tránh lập cập và mất thời gian cho việc chỉnh sửa vào ngày chụp.

Chọn chuyên gia trang điểm và làm tóc

Bên cạnh trang phục và người mẫu, chuyên gia trang điểm và làm tóc là nhân tố đóng góp một phần quan trọng đến tổng thể của bộ hình. Vì không ai muốn ngắm một người mẫu với gương mặt nhạt nhòa và mái tóc rối bời, dù cho mẫu thiết kế của bạn đẹp đến thế nào.

Bạn có thể nhờ nhiếp ảnh gia giới thiệu chuyên gia trang điểm và làm tóc phù hợp. Nếu ngân sách hạn hẹp, có thể tìm đến những sinh viên với tài năng nổi bật. Hãy đảm bảo rằng dù thế nào đi nữa bạn cũng sẽ nhìn qua những tác phẩm trước đây của họ. Trao đổi với họ về concept của bạn, gửi cho họ moodboard cũng như trang phục của buổi chụp để họ có thể khái quát và chuẩn bị những make-up look, kiểu tóc phù hợp.

Lưu ý: Chắc chắn rằng chuyên viên trang điểm và làm tóc biết rõ về những mong muốn của bạn, và cho họ ít nhất hai tuần để chuẩn bị. Nếu họ có những ý tưởng mới hoặc cần những thêm phụ kiện, 2 tuần sẽ đủ để họ thực hiện hóa những ý tưởng đó.

Địa điểm chụp hình và bối cảnh

Hãy nghĩ về những bối cảnh mình muốn chụp, cùng ekip đi khảo sát để có trước những góc máy đẹp, dự đoán các tình huống thực tế và chuẩn bị những phương án giải quyết để buổi chụp diễn ra không bị gián đoạn.

Giả sử như nếu bạn dự định chụp ảnh ngoài trời vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè, cần lưu ý rằng ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng tới buổi chụp và gây khó khăn cho người mẫu (dễ bị nheo mắt, mệt mỏi)

Ngoài ra, nếu muốn có nét đẹp của thiên nhiên như mùa thay lá hay những cánh hoa rơi trong bức ảnh của mình, hãy tìm hiểu và lựa chọn những loài cây đang vào mùa để tận dụng được chúng.

Bên cạnh đó, đây là những yếu tố bạn cần cân nhắc khi quyết định về địa điểm chụp ảnh:

  • Chỗ chụp có vật dụng để treo quần áo không? Nếu không, bạn cần phải chuẩn bị thêm móc treo di động.
  • Có phòng vệ sinh, phòng thay đổi gần đó không?
  • Cơ sở vật chất: nếu bạn chụp ngoại cảnh, bạn sẽ cần phải chuẩn bị thêm nhiều thứ, ví dụ như nơi thay đồ, nơi nghỉ ngơi, nơi dặm lại make-up và làm tóc.

Nếu bạn chụp một bộ sưu tập đồ bơi vào mùa đông, đừng quên mang theo áo ấm cho người mẫu để sử dụng trong những lúc nghỉ ngơi.

Lưu ý: Bất kể là chụp ở địa điểm nào, hãy đảm bảo bạn có sẵn bộ sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chuẩn bị đầy đủ nước và đồ ăn nhẹ để ekip có thể duy trì năng lượng suốt cả ngày.

Tạo thẻ ghi nhớ cho người mẫu

Trong buổi thử đồ với người mẫu, đừng quên ghi chú và chụp hình lại người mẫu nào sẽ mặc bộ trang phục nào. Như vậy sẽ giúp ekip có cái nhìn tổng quát về sự phù hợp của người mẫu đối với bộ trang phục đó. Đồng thời hạn chế tình trạng nhầm lẫn, trùng lặp diễn ra trong buổi chụp vì bạn không thể nhớ hết tất cả người mẫu nào sẽ mặc bộ đồ nào.

Một vài điểm cần ghi nhớ:

  • Bắt đầu bằng một bức ảnh toàn thân người mẫu đang mặc bộ đồ đó.
  • In tất cả những bức hình và trình bày trên một tấm bảng lớn.
  • Nên có thêm ảnh chụp cận cảnh của giày và phụ kiện.
  • Trên những bức hình cần được thể hiện rõ các phụ kiện sẽ được sử dụng như thế nào và được
  • Liệt kê tất cả các phụ kiện cần có để hoàn thiện một outfit và hướng dẫn sử dụng những phụ kiện đó
  • Bao gồm nhiều thông tin để stylist, người mẫu và nhân viên phụ trách thay đồ có thể hiểu được ý tưởng của bạn và làm việc dựa trên những ý tưởng đó
  • Cuối cùng, ghi lại tên người mẫu cùng với thứ tự chụp, và sắp xếp tương ứng trên mỗi bộ trang phục để ghi nhớ ai sẽ mặc bộ nào và bộ nào nên được mặc trước

Thông báo trước cho người mẫu nếu họ cần chuẩn bị thêm những phụ kiện cá nhân như đồ lót liền thân, đồ lót màu trung tính, áo quây hoặc áo lót dáng cơ bản.

Lưu ý: Nếu bạn có nhiều thời gian để lên kế hoạch cho buổi chụp, bạn có thể liên hệ với các thương hiệu và đề cập với họ về việc cho mượn đạo cụ hoặc phụ kiện. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí và thậm chí có thể giúp bạn quảng bá thương hiệu của mình vì các thương hiệu khác có thể muốn hợp tác.

Lên lịch trình chi tiết cho buổi chụp

Cần có một lịch trình chi tiết của buổi chụp, bao gồm các hạng mục công việc cụ thể kèm với người phụ trách và thời gian để hoàn thành công việc đó. Điều này giúp buổi chụp được vận hàng một cách suôn sẻ, tránh lãng phí nhân lực và thời gian.

Ngoài ra, vì việc làm tóc và trang điểm thường mất nhiều thời gian, bạn có thể sắp xếp để người mẫu và chuyên viên trang điểm có mặt trước và bắt đầu công việc từ sớm. Nhiếp ảnh gia, tùy thuộc vào phạm vi công việc đã thỏa thuận, có thể đến sau khi các người mẫu đã sẵn sàng, hoặc đến sớm để cùng chuẩn bị đạo cụ cho set chụp.

Hãy lên kế hoạch các việc cần làm theo thứ tự, việc nào nên làm trước và làm sau, dự đoán mỗi công việc sẽ mất bao lâu để hoàn thành, đặc biệt là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến như thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng,…

Đừng quên gửi lịch trình chi tiết này đến tất cả mọi người trong ekip, để mỗi người có thể nắm rõ công việc của mình, thời gian bắt đầu cũng như người ở những bộ phận khác (để có thể hỏi khi cần).

Lưu ý: Đừng quên dành thời gian nghỉ trưa và nghỉ giữa giờ trong buổi chụp của bạn.

Chuẩn bị trang phục cho buổi chụp

Những mẫu trang phục được dùng cho buổi chụp nên được chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Cắt tất cả các sợi chỉ dư thừa và may lại các nút áo một cách chắc chắn.

Sau đó giặt ủi tất cả, treo vào túi bóng kính để bảo quản và không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.

Với những bộ trang phục được chụp theo phong cách flatlay hoặc chụp mà không có người mẫu, hãy tháo móc treo và sử dụng băng dính dán vào mặt trong để cố định phom dáng của chúng. Điều này sẽ giảm bớt các công việc chỉnh sửa hậu kỳ cho nhiếp ảnh gia, như phải xóa bớt móc treo, hoặc chỉnh sửa cho bộ đồ được ngay ngắn.

Lưu ý: Cố gắng sắp xếp các mẫu trang phục với nhau theo chủng loại thay vì từng món riêng lẻ. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm các món đồ trong buổi chụp.

Hợp đồng thỏa thuận và chi phí

Khi thực hiện buổi chụp ảnh thời trang với sự tham gia của nhiều người, dù đó là bạn bè hay những chuyên gia trong nghề, nên có các thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu để tránh những phát sinh về sau. Điều này cũng sẽ đảm bảo mọi người biết rõ phạm vi công việc và trách nhiệm của mình, cũng như khoản thù lao xứng đáng họ nhận được sau khi kết thúc dự án.

Trao đổi chi tiết và rõ ràng với từng người, sau đó xác nhận qua email hoặc soạn thảo hợp đồng có chữ ký của cả hai bên. Một vài thông tin mà trong email xác nhận hoặc văn bản thỏa thuận nên có là:

  • Thông tin về đại diện hai bên
  • Thông tin về buổi chụp hình: sẽ diễn ra khi nào và ở đâu.
  • Phạm vi công việc và trách nhiệm của họ đối với buổi chụp này là gì? Đặt ra mức tiêu chuẩn cho công việc của họ để đảm bảo họ hoàn thành nó với chất lượng bạn mong muốn
  • Giá trị của thỏa thuận và điều khoản thanh toán (bao gồm thời hạn thanh toán và hình thức thanh toán)
  • Đối với nhiếp ảnh gia, họ sẽ cần giao lại cho bạn bao nhiêu file hình ảnh gốc/hình ảnh được chỉnh sửa
  • Dự trù trường hợp một trong hai bên muốn hủy thỏa thuận

Hãy thương lượng để không phải thanh toán các chi phí trước buổi chụp. Nếu cần thiết, hãy tạm ứng một khoản để có thể hỗ trợ bên thứ 3 mua các vật dụng cần thiết hoặc chi phí di chuyển. Phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi bạn hài lòng với kết quả công việc cũng như nhận được thành phẩm từ những người mình đã thuê.

Lưu ý: Đảm bảo bạn có hợp đồng thỏa với tất cả các bên, ràng buộc kỹ về các điều khoản và chi phí liên quan. Điều này sẽ hạn chế tối đa các chi phí phát sinh, và giúp bạn quản lý kinh phí trong hạn mức nhất định.

Có thể thấy rằng, sản xuất một bộ ảnh thời trang chưa bao giờ là đơn giản. Cho bản thân thật nhiều thời gian để chuẩn bị, đồng thời hỏi xin ý kiến từ những người đã có kinh nghiệm là một lựa chọn an toàn nếu đây là lần đầu bạn thực hiện một bộ ảnh. Trên đây là những quy tắc cơ bản phần nào giúp bạn chuẩn bị mọi thứ có trình tự hơn, nhưng hãy nhớ rằng sẽ luôn có những rủi ro và bạn cần bình tĩnh, linh hoạt để xử lý chúng. 

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Fashion Insiders