Alaïa Spring 2025 – Pieter Mulier trở về với vòng tay của New York sau hơn bốn thập kỷ

Ngày đăng: 08/09/24

“Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó”, Alaïa Spring 2025 đánh dấu màn trở lại phố thị New York hoa lệ của nhà mốt sau 42 năm; nhưng hơn hết, còn là chuyến thăm “quê hương thứ hai” của chính giám đốc sáng tạo, Pieter Mulier.

Không khí tưng bừng như thường khi của tuần lễ thời trang New York Xuân/Hè 2025 được bắt đầu bằng sự hân hoan bao trùm show diễn trở lại nước cờ hoa trước hết là của Alaïa, sau cùng là của riêng GĐST hiện tại – Pieter Mulier. Vì sao lần tổ chức show diễn ở New York lần này của nhà mốt Pháp lại được làng mốt mong đợi như vậy và được xem là màn trở lại ngoạn mục? Mối liên giao đặc biệt giữa thương hiệu Alaïa, người sáng lập cũng như người hiện đang dẫn dắt nó, với thành phố New York đã được hình thành cách đây hơn bốn thập kỷ.

Bước lên cỗ máy thời gian, du hành về bốn mươi hai năm trước, Azzedine Alaïa, nhà thiết kế huyền thoại được địa đàng thời trang mến gọi là “King of Cling”, đã từng mang “vũ trụ tôn vinh đường cong cơ thể” của mình đến Thành phố New York để trình diễn tại Bergdorf Goodman. Với chất liệu da và vải dệt kim sắc nét từng thớ vải, thẩm mỹ chủ đạo mang đậm khoa học viễn tưởng, bộ sưu tập năm đó đại diện cho phong cách thập niên 80 một cách chân thật nhất. 

Dawn Mello, khi đó là giám đốc thời trang và chủ tịch của Bergdorf Goodman, đã mời Alaïa đến trình diễn bộ sưu tập RTW tại cửa hàng, sau khi bản thân được chiêm ngưỡng trang phục của nhà thiết kế này, trên những người phụ nữ Paris sành điệu trong những bức ảnh của Bill Cunningham được xuất bản trên tạp chí WWD. “Ông ấy khiêm tốn, nhút nhát và rất ngọt ngào, trên hết còn là một người cầu toàn tuyệt đối. Ông ấy đích thân là quần áo, bởi lẽ ông biết rõ rằng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó trong loại ngôn ngữ duy mỹ đó,” Mello đã từng chia sẻ với WWD tại show diễn vào năm 1982, đồng thời tiết lộ thêm rằng 50.000 đô la trang phục bó sát đã bán hết trong hai ngày. Làm việc với tư cách là một nhà thiết kế thời trang cao cấp tại Paris từ những năm 1960, cho tận đến những năm 1980 chính nước Mỹ đã đưa tên tuổi của nhà thiết kế người Tunissia, Azzedine Alaïa lên bản đồ quốc tế khi là gương mặt tiên phong, dẫn đầu xu hướng trang phục bó sát thịnh hành lúc bấy giờ.

Alaïa trở lại New York vào năm 1985. Lần này là để dàn dựng một vở kịch hoành tráng gói gọn ba năm làm nghề của chính ông, tại hộp đêm Palladium. Dresscode của bữa tiệc tối hôm đó hoàn toàn là màu đen. Buổi trình diễn kéo dài một giờ đồng hồ, với sự góp mặt của tất cả các siêu mẫu hàng đầu thời bấy giờ, bao gồm Cindy Crawford, Yasmin Le Bon và Iman,… họ sải bước trên sân khấu với phong cách trình diễn ấn tượng không lẫn vào đâu.

Những khoảnh khắc thời trang biểu tượng này được ghi lại thành những thước phim và chúng ta có thể dễ dàng xem trên Youtube. “Tôi đã xem đi xem lại,”  Pieter Mulier, người đang dẫn dắt chương sáng tạo hiện tại của nhà mốt Pháp chia sẻ. “Tôi đã xem nó ngay trước khi tôi ký hợp đồng với Alaïa. Nó thật đáng kinh ngạc và rất ấn tượng… những chương trình như vậy không tồn tại ở Mỹ vào thời điểm đó. Vì vậy, đó thực sự là một khoảnh khắc bùng nổ đối với nước Mỹ.” Đối chiếu với hiện tại, việc Mulier có thể trình làng bộ sưu tập mới tại Guggenheim đã tạo thành một vòng tuần hoàn của một định mệnh.

Giống như chính Alaïa, Mulier có mối liên hệ chặt chẽ với thành phố này. Nhà thiết kế người Bỉ không còn xa lạ với mảnh đất hoa lệ này; anh đã sống ở khoảng ba năm rưỡi khi làm việc tại Calvin Klein. “Tôi hạnh phúc nhất ở đây”, mặc dù trong quá khứ khi còn làm việc ở Mỹ, không ít lần bản thân anh cảm thấy kiệt sức, cạn kiệt sáng tạo đến mức có lần nghĩ đến từ bỏ giấc mơ thời trang. Và cũng ở tháng trước, nhà thiết kế cũng đã giải bày với tạp chí Vogue rằng, “New York có ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi. Đây là thành phố của sự kiên cường. Và sự kiên cường chính là nơi nuôi dưỡng sự sáng tạo. Thời gian ở New York không chỉ định hình tầm nhìn nghệ thuật của tôi mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong con người tôi. Đó là nơi câu chuyện của Alaïa giao thoa với nhịp đập của thế giới. New York không chỉ là một điểm đến hay một quán trọ mà chính là mái nhà, là lễ kỷ niệm dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của chính Alaïa.”

Quyết định trình làng bộ sưu tập Xuân/Hè 2025 của Alaïa tại New York là một sự công nhận đối với tầm quan trọng của thành phố trong lịch sử phát triển của thương hiệu xa xỉ này, từ cơ hội phát triển thương mại cho đến sự gắn kết với thế giới ngôi sao nổi tiếng của Mỹ. Mulier cho biết: “Mối liên kết giữa nước Mỹ và Alaïa luôn rất mạnh mẽ… Ngay từ đầu, người Mỹ là những khách hàng đầu tiên của Alaïa”. 

Chưa bao giờ có một buổi trình diễn thời trang nào được tổ chức tại tòa nhà mang tính biểu tượng do Frank Lloyd Wright thiết kế. Đúng vậy, trong 85 năm, Alaïa Spring 2025 là show diễn thời trang đầu tiên biến bảo tàng Guggenheim thành sàn runway chuyên nghiệp. Đó là một ngày dài và trọn vẹn với thời trang ở New York. Trong mùa mốt trước, ở Alaïa Fall 2024, Mulier đã để lại dấu ấn khó phai với tạo tác chiếc váy xoắn ốc, ôm ấp cơ thể hay “La Robe Spirale”, mô phỏng hình dáng của địa danh nổi tiếng New York. Theo thông tin được tiết lộ, chiếc váy độc đáo đó được tạo ra từ vải len in 3D, ôm sát cơ thể người mặc. Mulier chia sẻ: “Đại diện bảo tàng Guggenheim đã liên lạc với tôi ngay sau buổi trình diễn để nói rằng chúng thật tuyệt vời. Và khi chúng tôi quyết định đến New York, chúng tôi đã liên lạc với họ và nói rằng sẽ thật hoàn hảo nếu có thể trình làng vũ trụ sáng tạo của Alaïa ở đó”. 

 

View this post on Instagram

 

A post shared by FAMILY STYLE (@family_style)

Họ đã đồng ý và nghệ sĩ Jenny Holzer, người có triển lãm “Light Line” diễn ra trong cùng một khoảng thời gian với show diễn, đã đồng ý “che” các tác phẩm của cô lại khi buổi trình diễn diễn ra. Nhà thiết kế cho biết: “Cả hai chúng tôi, nghệ sĩ và công ty đại diện, đều quyết định rằng việc trưng bày trước một tác phẩm nghệ thuật là không hợp lý; vì đối với riêng tôi, thời trang không phải là nghệ thuật và nghệ thuật không nên nằm trong bối cảnh thương mại.”

Alaïa Spring 2025 bắt đầu với từng sải bước ung dung của các người mẫu trên chiếc cầu thang xoắn ốc, cao vút nổi tiếng của Frank Lloyd Wright. Mulier đưa ra quan điểm riêng biệt của mình về trang phục thể thao của Mỹ nhưng được diễn giải dưới phong cách đặc trưng của Alaïa: không sử dụng khóa kéo hoặc nút cài – một hạn chế về thiết kế mà chính Mulier tự đặt ra sau bộ sưu tập ngoạn mục cuối cùng của mình chỉ sử dụng một loại sợi len merino. “Chúng tôi đã xem xét rất nhiều về lịch sử thời trang của Mỹ và những gì nó từng có”, Mulier nói trong một cuộc phỏng vấn trước buổi trình diễn với WWD. “Tôi sưu tập rất nhiều tác phẩm từ nhiều nhà thiết kế người Mỹ.” Sự say mê của Alaïa dành cho thời trang Mỹ cũng giống hệt như vậy. Ông là một nhà sưu tập nhiệt thành. “Tôi đã thực sự cảm thức tài năng của một số nhà thiết kế người Mỹ mà chúng ta chưa quên ở châu Âu, nhưng thực sự không có danh tiếng như Dior hay Chanel. Và đối với tôi, họ cũng là những vĩ nhân cần được làng thời trang công nhận rộng rãi hơn,” Mulier giải thích.

Vì thế người xem đã được nhìn thấy áo bandeaus và những chiếc “quần nỉ” như những bản “riffs” trên những chiếc áo jersey của Halston vào những năm 1970. Trong khi Pauline Trigère chính là tư liệu cảm hứng cho chiếc áo khoác có mũ trùm đầu hai mặt và áo choàng rộng mặc với quần short trượt ván phù hợp – một trong những kiểu dáng dễ nhận biết nhất của Alaïa.

Charles James, một trong những nhà thiết kế yêu thích của Alaïa, cũng là tư liệu tham khảo trực tiếp cho chiếc áo khoác phao điêu khắc. Những chiếc váy dạ hội của James trong bức ảnh chụp năm 1948 của Cecil Beaton cho tạp chí Vogue là điểm khởi đầu cho những bộ đồ thể thao rộng thùng thình bằng vải taffeta màu pastel nhạt nhất. Mulier cho biết: “Tôi nghĩ thật tuyệt khi mang tinh hoa của thời trang Mỹ vào bộ sưu tập, đó là cảm giác thoải mái, một loại xa xỉ khác với những gì chúng ta biết ở châu Âu”.

“Chúng tôi đã xem xét vô số về phong cách ăn mặc của người Mỹ. Mọi thứ đều xoay quanh kiểu dáng co giãn hoặc ôm sát vào cơ thể”. Điều đó có nghĩa là sứ mệnh tiên quyết trong bộ sưu tập Alaïa Spring 2025 là phải làm sao tạo ra hình những chiếc váy ôm ấp những đường cong của cơ thể; mài giũa những đường cắt thật ngọt và chế tác ra những chiếc váy ngắn, áo ngực và váy gợi cảm mà không có dây buộc hay đường may nào như thể chúng là một lớp da thứ hai của người mặc.

Nếu ở bộ sưu tập trước, Alaïa khiến làng mốt mê mẩn với loạt chiếc áo khoác lông đồ sộ, nhưng lại mềm mại được chia tầng như những đám mây, thì ở Alaïa Spring 2025, bảo tàng Guggenheim đã chiêm ngưỡng những chiếc áo khoác lông cừu chải tuyệt đẹp màu ngà và hồng cam uốn lượn quanh thân, như thể đang “sao chép” kiến trúc của Frank Lloyd Wright.

Mulier đã tạo nên dấu ấn riêng của mình trên kiểu váy trùm đầu và váy ngắn xếp ly tỉ mỉ. Anh ấy đã thử nghiệm với sự bồng bềnh và trừu tượng thông qua một chiếc váy cắt xẻ nhẹ nhàng ôm sát cơ thể hay những tầng váy thướt tha theo chuyển động. Những bộ trang phục cut-out bằng những đường xoắn điêu khắc xung quanh cơ thể, không có bất kỳ dây kéo hay nút cài nào (theo phong cách Azzedine tinh túy), nhiều lần đã khiến người chiêm ngưỡng tò mò không biết nó được bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Chúng được chế tác bằng loại kỹ thuật được sử dụng trong chế tác đồ trang sức, bám chặt vào thân thể người mặc như một chiếc vòng tay và khéo léo giữ nguyên vị trí. Chúng tạo nên một “lãnh thổ”, một vẻ “nhận diện” đậm chất Alaïa nhưng vẫn gợi cảm theo kiểu của Mulier, mà nhà thiết kế đã “cày xới” trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Các người mẫu đeo vòng cổ bằng vàng, được kéo dài từ hoa tai, nhìn từ xa trông giống như tai nghe có dây. Mulier cho biết: “Chỉ duy nhất ở New York, tôi sẽ không trình diễn show diễn này ở Paris.” Mặc dù, Alaïa Spring 2025 sở hữu quy mô khá nhỏ so với sự ngoạn mục từ màn trở lại New York cách đây 42, hội tụ 250 khách, nhưng thương hiệu đã dành riêng một khu vực đặc biệt ở tầng một dành cho 100 sinh viên.

“Đây là một điều gì đó rất dân chủ mà tôi nghĩ cũng rất New York”, Mulier nói về sự hợp tác với Viện Pratt, FIT và Trường Thiết kế Parsons. Mulier muốn tôn vinh quá khứ của thương hiệu tại Hoa Kỳ cũng như đền đáp lại tầm quan trọng của đất nước này, thành phố này đối với sự thành công của thương hiệu. Giám đốc sáng tạo không ngừng nhấn mạnh thị trường Hoa Kỳ hiện là thị trường tác động mạnh nhất về doanh số bán hàng của Alaïa. Dựa trên các bộ sưu tập được đón nhận nồng nhiệt trong nhiệm kỳ của Mulier và các phụ kiện như giày lưới và giày mary jane đính đinh tán, thương hiệu đang bắt tay vào kế hoạch mở rộng thị trường bán lẻ. Sau khi Alaïa quay trở lại thị trường bán lẻ tại New York lần đầu tiên kể từ năm 1991, với một cửa hàng đầy nghệ thuật trên phố Mercer ở SoHo khai trương vào năm ngoái, Alaïa sẽ mở thêm các cửa hàng tại Beverly Hills, Las Vegas và Miami.

Và đây không phải là kết thúc cho câu chuyện tình yêu của Alaïa với New York. Thương hiệu này hứa hẹn một chuỗi hoạt động độc quyền. Vào Chủ Nhật, tại Brant Foundation, ông sẽ tổ chức một buổi xem riêng tư về những bản sao ảnh chưa từng được trưng bày trong bất kỳ triển lãm nào trước đây, của những bức ảnh Andy Warhol chụp tại buổi trình diễn năm 1982 mà Alaïa được dàn dựng tại hộp đêm Palladium. Đó là lúc một huyền thoại thời trang đã được hồi sinh một cách kỳ diệu. 

Thực hiện Dory

Theo Vogue, WWD, ELLE USA