Chơi giày đúng “chất” như người trẻ thượng lưu châu Á
Ngày đăng: 24/04/19
Cũng giống như trang sức, đồng hồ hay xe hơi, sưu tầm sneaker cao cấp đã trở thành một mục tiêu mà giới nhà giàu, hoặc thế hệ quý ông đang điều hành các công ty lớn hết lòng đón nhận.
Sự yêu thích không biên giới
Các quý ông sưu tập giày có quyền được phô trương, khi bằng cách nào đó, đã lùng sục ra một đôi giày hiếm, hoặc một tạo phẩm có phiên bản giới hạn. Việc này từng được tờ The Peak mô tả “hồi hộp như một cuộc rượt đuổi” và “đầy ám ảnh như giới chơi hàng”. Thực vậy, giới chơi giày liên tục tìm kiếm thông tin về mẫu giày độc, từ các trang web như Highsnobiety.com, Hypebeast.com và Sneakernews.com để cập nhật các thiết kế mới nhất hoặc đang giảm giá, bởi những đôi giày độc bản này, có thể bán hết trong nháy mắt.
Ví dụ, Francis Tan (giám đốc sáng tạo Germs Digital, hiện sống tại Singapore), hiện sở hữu khoảng 130 đôi giày thể thao, bao gồm cả phiên bản Adidas Yeezy 350 Boost Turtle Dove, phiên bản đầu tiên hiếm hoi của nhà thiết kế và rapper Kanye West.
Tủ giày của Tan được dán đầy decal của thương hiệu trượt ván Supreme, từng gây cơn sốt lớn khi ra mắt BST sneaker cùng Louis Vuitton hồi đầu năm 2017. Trong tủ giày này, đôi giày Yeezy 750 có đế gum phát sáng trong bóng tối gần như là một báu vật. “Tôi yêu chúng đến mức đã mua tận hai đôi – một để mang và một để giữ cho đến khi đôi đầu tiên bị hao mòn”, Tan cho hay.
Marcus Chew cũng là một sneakerhead, giám đốc tiếp thị của NTUC Profit có gần 100 đôi giày và ưu tiên các thiết kế hoặc hợp tác phiên bản giới hạn như đôi Hender Scheme x Adidas ZX 500, nổi bật với mũi giày da màu nude đặc trưng của thương hiệu Nhật Bản. Để giữ cho đôi giày yêu quý của mình nguyên vẹn, anh xử lý bằng chất chống thấm nước và bụi bẩn và thường xuyên làm sạch giày sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài đam mê, sở thích này cũng là một yếu tố hoài niệm. Cả Chew và Tan đều lớn lên với tình yêu dành cho sneaker nhưng có túi tiền hạn chế để thỏa mãn đam mê. Giờ thì tài chính không còn là vấn đề đối với họ nữa. Ngoài ra, ngày nay các quy tắc ăn mặc đã thay đổi trong nhiều năm qua, khiến việc phối một bộ suit cùng giày sneaker đã không còn quá xá lạ, hoặc được đánh giá là thật “hợp thời trang” khiến sneaker được ưa chuộng hơn bao giờ hết.
Các quy tắc ăn mặc đã thay đổi trong nhiều năm qua và sneaker đã trở nên dễ tiếp cận hơn.
Sự trỗi dậy của những đôi sneaker thượng lưu
Mặc dù giày thể thao từ lâu đã có một sức hút nhất định – lúc mà Air Jordans của Nike ban đầu được sản xuất cho cầu thủ bóng rổ Michael Jordan vào những năm 1990 trở thành đôi giày được sưu tập đầu tiên, nhưng trong những năm gần đây, giày sneaker mới thật sự bùng nổ, một phần do hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp đã nhảy vào phân khúc sneaker.
Theo Mandeep Chopra, giám đốc điều hành của cửa hàng giày sneaker Limited Edt có trụ sở tại Singapore, những ảnh hưởng của thời trang cao cấp trong thị trường sneaker đã dẫn đến cục diện những người tiêu dùng mới bị thu hút. “Khi các thương hiệu thể thao truyền thống hợp tác với các nhà thiết kế như Alexander Wang và Virgil Abloh (giám đốc nghệ thuật của Louis Vuitton), càng làm người tiêu dùng yêu thích những đôi sneaker hơn”.
Người ta cho rằng chính đôi giày thể thao Triple S của Balenciaga, do Demna Gvasalia thiết kế và được giới thiệu từ năm 2017, đã thay đổi đáng kể cuộc chơi sneaker. Có giá từ 795 USD, Triple S thống lĩnh thị trường sneaker sang trọng, bao gồm 52% doanh số trong danh mục này trên StockX (một sàn giao dịch chứng khoán sneaker), với giá bán lại trung bình là 1.162 USD.
Ngày nay, rất khó để các nhãn hiệu thiết kế đưa giày thể thao vào dòng sản phẩm theo mùa của những nhà mốt như Dior Homme, Gucci, Louis Vuitton và Zegna, thay vào đó, họ tập trung cho sneaker. Chẳng hạn Salvatore Ferragamo còn phát triển hẳn một dự án Salvatore Ferragamo Sneaker với các chuyên gia hàng đầu. Điều này đã dẫn đến mức tăng trưởng ấn tượng trong thị trường sneaker.
Thị trường giày thể thao toàn cầu, trị giá 64,3 tỷ USD năm 2017, dự kiến sẽ tiếp tục tăng ít nhất 5% trong sáu năm tới. Thị trường bán lại thứ cấp cũng đang phát triển mạnh.
Bí quyết để “chơi” giày
Có một vài yếu tố có thể đẩy giá của một đôi giày thể thao lên. “Nếu chúng được sản xuất với số lượng giới hạn và được đánh số,“ một vị CEO chuyên sưu tập giày cho hay. Phiên bản giới hạn của các bản gốc như Nike Air Max 1 hay Adidas Stan Smith cũng được thèm muốn. Chúng cũng được coi là hiếm hoặc có thể sưu tập khi được thổi phồng và được cộng đồng các blogger hay influencer “mong muốn”.
Nhiều năm qua, thiết kế Yeezy của Kanye West vẫn luôn một sản phẩm được yêu thích, cũng như những mẫu giày bóng rổ thấp cổ Nike Air Max 1. Ngoài ra, một mẫu giày khác cũng rất đáng được sưu tập, mẫu Air Force 1s – phiên bản Off-White từ Virgil Abloh.
Các nhà sưu tầm nói rằng, thường thì có một vài cách để tậu một đôi sneaker đáng giá. Chẳng hạn, các thương hiệu phát hành những BST có phiên bản giới hạn, và các sneakerhead phải xếp hàng hàng giờ, với hy vọng sẽ chộp lấy một đôi ngay khi chúng được mở bán tại store. Ngoài ra, tại các sự kiện văn hóa đường phố, như Culture Cartel, các hãng sneaker cũng mang đến những tác phẩm hiếm hoi để thu hút đám đông.
Một đôi giày sneaker đạt được vị thế sùng bái thường từ những nhà thiết kế, nhạc sĩ hoặc nghệ sĩ hợp tác với các thương hiệu giày tạo ra, bao gồm Puma, Reebok và Asics.
Ngoài ra, những người không kiên nhẫn có thể mua trực tiếp tại các trang web bán lại như GOAT và StockX, tất nhiên giá bán có thể tăng lên gấp nhiều lần so với giá trị bán lẻ trên thị trường. Một điều khả thi hơn, là nhờ một người bạn săn lùng ở một quốc gia khác, trong trường hợp chúng không được bán hoặc mở bán quá chậm tại store gần nhà.
Nhưng các nhà sưu tầm thường không ngại khó để có được những đôi sneaker trong mơ. Thực tế tại Singapore, Anh hay Mỹ, thậm chí là Nhật Bản, một số mẫu giày được bán với giá tăng vọt vào một thời điểm nào đó. Các nhà sưu tầm giày, khi đó không chỉ là người biết chi tiền mua sắm, mà ngược lại, có thể thu về một con số không nhỏ khi bán ra mẫu đồ chơi của mình, và rồi dùng số tiền này để tái đầu tư!
Thực hiện: Đức Anh