Chúng ta vẫn được phép chỉ trích một buổi trình diễn thời trang chứ?
Ngày đăng: 16/10/24
Câu chuyện xảy ra giữa Lyas – một phóng viên thời trang và nhà mốt Dior khiến làng mốt nhận ra sự thật phía sau cái nghề hào nhoáng của các biên tập viên/ nhà phê bình thời trang trong kỷ nguyên mới.
Tuần qua, Elias Medini, hay còn được gọi là Lyas – một influencer và phóng viên thời trang của Tạp chí Interview, đã đăng một video trên TikTok; trong đó anh chia sẻ rằng sau khi chỉ trích một buổi trình diễn gần đây trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris (anh không nói rõ là buổi trình diễn nào, nhưng mọi người đều đoán là Dior), anh đã được một người trong ngành liên hệ. Đầu tiên, người đó hỏi tại sao anh lại chia sẻ ý kiến tiêu cực trên mạng xã hội, sau đó buộc tội anh rằng lời chỉ trích của anh xuất phát từ sự kỳ thị phụ nữ đối với nhà thiết kế nữ – không phải là lời buộc tội trực tiếp mà là lời đe dọa đạo đức giả biến chủ nghĩa cấp tiến thành vũ khí. Medini cũng cho biết rằng các nhân viên của thương hiệu giấu tên đã vu khống anh, gọi anh là người kỳ thị phụ nữ và thiên vị.
@ly.as0♬ son original – lyas
“Cuộc chiến” này đã vạch trần sự thật mà tất cả các biên tập viên thời trang – từ lâu trước khi xuất hiện các influencer cùng phát ngôn tự do, phải đối mặt với một số những vấn đề ràng buộc nghiêm ngặt bao gồm sự kiểm duyệt từ thương hiệu, cũng như thao túng suy nghĩ đáng sợ. Bộ phận PR thương hiệu, ngoài việc đóng vai trò là cầu nối liên lạc giữa công ty và báo chí, còn đóng vai trò như “cảnh sát chính trị” của ngành thời trang – một lực lượng cảnh sát trừng phạt những lời phản bác và bất đồng chính kiến của các nhà phê bình. “Vũ khí” quen thuộc luôn xuất hiện đầu tiên trong cách “xử phạt” của họ là câu nói: “Chúng tôi rất tiếc vì bạn đã viết…” và kết thúc bằng (thường sẽ không được nêu ra trực tiếp) sự khai trừ khỏi các buổi trình diễn và sự kiện của thương hiệu. Điều này đã từng xảy ra với Cathy Horyn, một biên tập viên bị cấm tham gia các show diễn của Saint Laurent sau khi chỉ trích Hedi Slimane. Cách trừng phạt – bị liệt vào “blacklist” của những nhà mốt vẫn đang âm thầm xảy ra với nhiều nhà phê bình thời trang. Dần dà, các biên tập viên trở nên sợ hãi khi bày tỏ chính kiến của mình, đơn giản là vì họ sợ đánh mất “chén cơm”, sự nghiệp của họ bị đe dọa. Khi nhà phê bình thời trang lại không có quyền thành thật với chính ý kiến của mình, điều này khiến làng mốt tự hỏi: ta vẫn có thể chỉ trích thời trang không?
Có hai loại nhà phê bình/ phóng viên thời trang: một là loại “cổ điển”, làm việc trong một ấn phẩm hoặc tòa soạn dễ dàng kết nối với nhiều thương hiệu trong ngành; loại còn lại là xuất hiện trong kỷ nguyên số. Đó là những người chia sẻ chính kiến của mình và đăng các bài đánh giá trên bất kỳ nền tảng xã hội nào cũng như ở bất kỳ định dạng nào. Trong khi những phóng viên thời trang “chính thống” bị ràng buộc bởi các điều lệ trong quan hệ đối tác, thì những người phê bình trong thời đại mới được tự do phát ngôn hơn, bởi lẽ họ không có gì để mất cũng không sợ làm mất lòng các thương hiệu. Từ đó, chúng ta cũng nhận ra được bản chất thực sự của phương tiện truyền thông thời trang, đặc biệt là các tạp chí – hoạt động như những “chiếc loa” quảng cáo nhiều hơn là các ấn phẩm văn hóa.
Các công ty truyền thông trong ngành công nghiệp thời trang giờ đây như “bộ khuếch đại” hoạt động chăm chỉ, phục tùng những mục đích quảng bá bảo thủ mà các thương hiệu lẫn tập đoàn công nghiệp lớn đặt ra. Nếu bạn làm việc cho một thương hiệu nào đó, bạn không được phép phê bình hay nói xấu về thương hiệu, và hình thức chỉ trích được chấp nhận nhất chính là sự im lặng. Điều này dần trở thành một quy ước bất thành văn của báo chí thời trang: những gì bị bỏ qua hoặc không được đề cập đến đồng nghĩa với những lời chỉ trích. Trong quá khứ, quy ước này ít khi được khuyến khích; bởi lẽ, đối với những nhà phê bình khó tính, những lời chỉ trích khắc nghiệt chính là nguồn động lực giúp các nhà thiết kế phát triển, từ đó “đào tạo” ra một thế hệ tiếp nối vô cùng tài năng. Trong khi, sự im lặng mà các nhà phê bình thời trang ngày nay buộc phải làm theo hay lời ca ngợi “giả tạo”, về cơ bản là hạ thấp tiêu chuẩn trong thế giới thời trang; dần dà tạo ra một thế hệ người “tiêu thụ” vô cùng dễ tính.
Tất nhiên, không chỉ có các tòa soạn hay tạp chí bị bắt buộc cam kết. Ngay cả những cá nhân độc lập cũng có thể bị ép buộc đưa ra chính kiến tích cực một cách lịch sự hơn, với lời hứa hẹn rằng việc thay đổi quan điểm của họ sẽ mở ra một “chân trời mới”. Điều này đã xảy ra trong những năm gần đây với Brenda Waischer, một influencer thời trang sau một thời gian dài chỉ trích Dior, đã được chào đón đến các sự kiện và show diễn của họ. Sau “lời dụ ngọt” của nhà mốt Pháp, nữ influencer đã xóa tất cả các tweet cũ của cô ấy và nhanh chóng trở thành “cận thần” nhiệt tình nhất của họ. Đây là một chiến lược thông minh cho các thương hiệu: biến kẻ thù thành đồng minh của mình. Các thương hiệu còn đưa ra những lời hứa về cuộc sống tốt đẹp, các chuyến đi cho giới báo chí, thậm chí tặng những món quà quý giá. Tất cả những đặc ân đó đã đủ để tạo ra sự “đồng cảm” và gián tiếp “mua chuộc” được lời khen ngợi hoặc những đánh giá công khai tích cực.
Điều này dẫn đến một thực tế đáng buồn cho ngành thời trang. Quyền lực giữa thương hiệu và công ty truyền thông đánh mất sự cân bằng. Vào những năm 90, các nhà phê bình không khác gì những con “sư tử” hung hăng, tự do tự tại; vì báo chí (báo giấy nói chung) là kênh truyền thông duy nhất kéo gần thế giới thời trang hào nhoáng đến công chúng. Họ thật sự là những người có quyền năng, họ có thể tạo nên tên tuổi cho một nhà thiết kế bất kỳ và cũng có thể phá tan danh tiếng của một thương hiệu. Chính một nhà phê bình thời trang, Carmel Snow, người đã đặt tên cho New Look của Dior; Diana Vreeland là “điểm xuất phát” cho sự nghiệp thành công của Edie Sedgwick và là cố vấn cho phong cách mang tính biểu tượng của Jackie Kennedy; Isabella Blow đã đưa Lee McQueen thoát khỏi sự tối tăm; Anna Wintour đã tạo dựng sự nghiệp của John Galliano và chính Franca Sozzani đã nuôi dưỡng sự nghiệp của các siêu mẫu và nhiếp ảnh gia thời trang hàng đầu hiện nay.
Khi thời đại thay đổi, kỷ nguyên số bắt đầu, quỹ đạo cũng thay đổi. Trước đây, các nhà báo là “người gác cổng” của thời trang, nhưng dần dần bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận các buổi trình diễn cao cấp, hay khám phá các thương hiệu mới, lan truyền về một nhà thiết kế mới hoặc tìm ra xu hướng mới. Báo chí và những nhà phê bình cũng đã mất đi quyền lực của mình, “tiếng nói” của họ cũng chẳng còn sức nặng. Khán giả đại chúng dẫn trở nên dễ tính, thậm chí là thiên vị. Một khi, có một nhà phê bình nào đó đứng lên phản đối, thì chắc chắn nhà phê bình đó mới là vấn đề. Bởi lẽ, trong cảnh quan thời trang hiện tại, thành công của một thương hiệu không còn phụ thuộc vào các ấn phẩm in mà phụ thuộc vào phạm vi tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội. Khi “tiếng nói” của nhà phê bình không còn giá trị, công chúng nắm trong tay quyền quyết định thành công hay thất bại của bộ sưu tập, hơn hết là sự thành công của thương hiệu.
Nhiều thách thức mà một nhà phê bình thời trang hiện đại phải đối mặt xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố: sức mạnh thương mại của các thương hiệu đối với báo chí, sự mất thẩm quyền của các nhà phê bình – những người phải đối mặt với một lượng khán giả ngày càng thiên vị, và cả sự nhạy cảm quá mức của các thương hiệu đối với các phán đoán và thậm chí là lời đánh giá gián tiếp.
Ngày nay, bộ phận phụ trách mảng PR của một thương hiệu không ngần ngại gọi đến phòng tin tức vì thương hiệu của họ được đề cập tình cờ trong một bài viết về một điều gì đó khác; họ phàn nàn về một tính từ không quá tích cực, hoặc can thiệp theo mọi cách có thể vào hoạt động biên tập của ấn phẩm. Thật đáng tiếc, trong thời đại đề cao sự trung thực trong cách thể hiện cá tính lẫn bày tỏ quan điểm cá nhân, tiếng nói của các nhà phê bình lại mất giá trị, mặc dù họ chỉ đang làm đúng công việc của mình.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine