Sinh viên thiết kế thời trang (Phần 1): Thừa nhân lực – Thiếu việc làm – Giải pháp nào?
Ngày đăng: 01/12/24
Ngành công nghiệp thời trang đang có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp thiết kế nhưng lại không có đủ các vị trí công việc để những nhân lực này phát triển. Các chuyên gia cho rằng việc thúc đẩy tìm kiếm dành cho các công việc thuộc “hậu trường” có thể mang tới một số giải pháp.
Câu chuyện này nằm trong loạt bài ‘Giải mã giấc mơ thời trang” dựa trên cuộc khảo sát độc quyền 300 nhà thiết kế thời trang bởi Vogue Business. Mục tiêu của loạt bài viết là để đánh giá cách các nhà thiết kế đang vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại của ngành hàng xa xỉ thế nào và đâu là cách ngành này có thể vươn lên mạnh mẽ hơn từ đó.
Công việc hậu trường ít được ghi nhận
Quay trở lại năm 2020, lịch trình hàng loạt buổi trình diễn thời trang đã bị xáo trộn bởi đại dịch toàn cầu. Alessandro Michele, khi đó là giám đốc sáng tạo của Gucci, đã tận dụng cơ hội hiếm có này để xác định lại về format của buổi trình diễn và các cách thức tổ chức.
Sự kiện này đã lên đến đỉnh điểm với buổi phát trực tiếp kéo dài 12 giờ, trong đó một số thành viên trong nhóm thiết kế của ông đã làm người mẫu cho chính tác phẩm của họ. Buổi thuyết trình đã nêu bật một sự thật khó chịu rằng: những người trong đội ngũ phía sau và chịu trách nhiệm hiện thực hóa tầm nhìn của một nhà thiết kế ngôi sao nào đó thường hiếm khi được chú ý (tương tự như những công nhân sản xuất quần áo).
Rất ít nhà thiết kế phản đối quan điểm này. Trong thời gian làm việc tại Valentino, Pierpaolo Piccioli được biết đến với việc đưa đội ngũ thợ may của mình lên sân khấu trong phần chào kết. Pharrell Williams đã làm điều tương tự sau màn ra mắt BST đầu tiên tại Louis Vuitton, quy tụ rất nhiều ngôi sao hàng đầu vào năm 2023. Sarah Burton cũng làm điều tương tự sau buổi trình diễn Xuân/Hè 2020 của nhà Alexander McQueen.
Dù các thương hiệu xa xỉ luôn đề cao sự thủ công tinh xảo, nhưng những người thợ thủ công tài hoa đứng sau các sản phẩm lại ít khi được biết đến. Có chăng chỉ một số ít thương hiệu lớn như Chanel hay Dior (dưới thời Maria Chiuri) thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện hoặc chiến dịch để tôn vinh họ.
Mặc dù có những nỗ lực nhất định để ghi nhận công sức của đội ngũ thiết kế, nhưng nhìn chung họ vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều người tham gia khảo sát của Vogue Business, trong đó có những người đang làm việc ở khâu hậu trường của ngành thời trang, đều mong muốn thay đổi điều này. Một người tham gia khảo sát chia sẻ: “Chúng ta cần ủng hộ và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ thiết kế, những người thầm lặng đứng sau giám đốc sáng tạo. Hãy để mọi người biết đến họ, những người thực sự tạo nên các sản phẩm thời trang mỗi mùa.”
Chúng ta cần ủng hộ và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ thiết kế, những người thầm lặng đứng sau giám đốc sáng tạo. Hãy để mọi người biết đến họ, những người thực sự tạo nên các sản phẩm thời trang mỗi mùa.
Thay đổi cách nhìn nhận về nghề nghiệp trong ngành thời trang
Các chuyên gia tin rằng, để ngành thời trang phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về các vị trí nghề nghiệp. Hiện nay, có quá nhiều người muốn trở thành nhà thiết kế, trong khi những công việc kỹ thuật quan trọng khác lại bị thiếu hụt nhân lực.
Bà Orsola De Castro, một chuyên gia có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang – người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Fashion Revolution và cơ quan thúc đẩy thay đổi Estethica, chia sẻ rằng: “Chúng tôi cần nhiều những sinh viên thay vì mơ ước trở thành những nhà thiết kế nổi tiếng như Martin Margiela thì họ quan tâm nhiều hơn đến các vị trí kỹ thuật then chốt, ví dụ như Trưởng bộ phận thời trang cao cấp tại các nhà mốt.”
De Castro cho rằng, để đạt được điều này, bản thân các trường đào tạo thời trang cần thay đổi, thể hiện rõ quan điểm này trong mọi khâu tuyển dụng, chính sách giữ chân nhân tài và cách thức ghi nhận đóng góp.
Điều này đồng nghĩa với việc làm cho công việc ở chuỗi cung ứng và các vai trò kỹ thuật trở nên hấp dẫn và sáng tạo hơn. Bà De Castro nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ thấy sự tôn trọng dành cho những người xuất sắc trong việc may vá hoặc cắt may. Nếu không có tiền lương xứng đáng hoặc sự công nhận, những công việc này vẫn sẽ không hấp dẫn. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo rằng những tài năng này được đề cử cho giải thưởng và được chú ý từ báo chí?” (Trong năm nay, Giải thưởng LVMH đã thêm vào Giải thưởng Savoir-Faire để vinh danh kỹ năng thủ công, chuyên môn kỹ thuật, khả năng sáng tạo hoặc sự cải tiến trong bền vững, mặc dù những hạng mục này vẫn đang chỉ dành cho các thương hiệu độc lập, không phải các thương hiệu thuộc tập đoàn lớn.)
Liệu các nhà thiết kế có thể đảm nhận những công việc khác ngoài thiết kế? Olya Kuryshchuk, cựu sinh viên thiết kế thời trang tại Central Saint Martins và là người sáng lập 1 Granary, cho rằng: “Thiết kế là một nền tảng vững chắc, giúp bạn có nhiều lợi thế khi làm việc trong ngành thời trang. Nhiều vị trí công việc khác nhau đều có thể hưởng lợi từ những người có kiến thức và kỹ năng về thiết kế.”
Bà Adi Maoz-Cohen, Giám đốc giáo dục của trường thiết kế Istituto Marangoni London, cho biết sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, chẳng hạn như dự báo xu hướng, phát triển sản phẩm, tư vấn về thời trang bền vững, thiết kế thời trang kỹ thuật số,… “Chúng tôi tin rằng người làm sáng tạo không chỉ là các nhà thiết kế, và sự sáng tạo cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thiết kế thời trang” – bà nói.
Trong chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, cũng có nhiều vai trò tiềm năng cho những người được đào tạo về thiết kế. Kể từ sau đại dịch, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng đối với các thương hiệu khi các nhà lập pháp đòi hỏi chuỗi cung ứng phải minh bạch hơn và quá trình thẩm định phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, từ các vị trí thủ công truyền thống đến hậu cần và tìm nguồn cung ứng. Các chuyên gia nhận định rằng, với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, cùng với cơ hội phát triển nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng, các công việc trong chuỗi cung ứng sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn.
Các thương hiệu xa xỉ đang thay đổi như thế nào?
Nhiều thương hiệu sang trọng đã tập trung vào các kỹ năng trong chuỗi cung ứng trong những năm gần đây như một cách để phân biệt chất lượng cao cấp – và lý giải cho việc tăng giá. Chiến dịch ‘Bottega for Bottegas’ của Bottega Veneta trong năm 2022 và 2023 nhằm mục đích “truyền đạt tầm nhìn toàn cầu” và “tôn vinh phong cách sống của Ý” bằng cách giới thiệu những người thợ lành nghề.
Năm 2021, Fendi triển khai dự án “Hand in Hand”, hợp tác với 20 nghệ nhân đến từ 20 vùng miền khác nhau của Ý để tạo ra những chiếc túi Baguette phiên bản giới hạn. Vào tháng 4 năm nay, Tập đoàn OTB đã cho ra mắt bộ phim tài liệu về các công ty đối tác tại Ý với tên gọi “M.A.D.E., Made in Italy, Made Perfectly”. Bộ phim ra mắt đúng dịp kỷ niệm 10 năm chương trình hỗ trợ tài chính cho chuỗi cung ứng của tập đoàn.
Vào tháng 9 vừa qua, tại Tuần lễ Thời trang Milan, Gruppo Florence – một công ty sản xuất hàng xa xỉ của Ý sở hữu 35 nhà máy chuyên biệt – đã giới thiệu bộ phim tài liệu ngắn “Le Mani della Moda” (Bàn tay của Thời trang). Bộ phim được thực hiện với sự hợp tác của trường Central Saint Martins, nhằm tôn vinh những người thợ thủ công lành nghề tại 5 nhà máy của Gruppo Florence.
Bên cạnh những nỗ lực truyền thông, nhiều thương hiệu xa xỉ còn đầu tư vào các chương trình đào tạo và ươm tạo nhân tài cho chuỗi cung ứng, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt thợ thủ công lành nghề.
Ví dụ, Staff International (bộ phận sản xuất của tập đoàn OTB) có một học viện nghề thủ công mang tên Scuola Dei Mestieri, đào tạo các kỹ năng quan trọng như tạo mẫu và may đo. Tập đoàn LVMH cũng thành lập Viện Métiers d’Excellence, truyền dạy những kỹ năng thủ công truyền thống cho các thế hệ thợ thủ công tương lai.
Ông Ben Barry, trưởng khoa thời trang của trường Parsons, cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang có thể áp dụng kiến thức của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ giới hạn trong việc tự tạo dựng thương hiệu hoặc làm việc cho một nhãn hiệu có sẵn. Họ có thể tham gia vào các sáng kiến về thời trang bền vững, đổi mới công nghệ, hoặc góp phần định hình các chính sách về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Thời trang là một lăng kính mà qua đó, họ có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đến nhiều ngành công nghiệp.”
Trên đây là một số giải pháp nhằm giải quyết phần nào tình trạng thiếu hụt nhân lực cũng như công việc cho các sinh viên thiết kế thời trang. Có thể thấy, ngành công nghiệp thời trang đang dần thay đổi để thích nghi với tình hình thực tế. Các thương hiệu xa xỉ đang nỗ lực để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch hơn, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho các bạn trẻ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về góc khuất trong con đường sự nghiệp của các nhà thiết kế trẻ, cũng như những hướng đi mới đầy tiềm năng cho họ.
Thực hiện: Linh J.
Theo Vogue Business