Đằng sau cơn sốt tăng giá của những chiếc túi xách xa xỉ là gì?
Ngày đăng: 09/12/24
Dựa trên dữ liệu toàn diện từ Joor, một nền tảng bán sỉ online, thị trường túi xách xa xỉ toàn cầu đang trải qua một sự điều chỉnh, dường như họ đang hướng tới mức giá phù hợp hơn với người tiêu dùng.
Phân tích mới nhất dựa trên các giao dịch túi xách trên toàn thế giới đã cung cấp một góc nhìn chi tiết về thói quen chi tiêu của khách hàng và chiến lược của các nhà bán lẻ. Mặc dù danh mục túi xách vẫn duy trì khối lượng giao dịch ổn định, nhưng giá cả và lựa chọn của người tiêu dùng đang có sự thay đổi rõ rệt.
Đáng chú ý nhất là mức giá từ 250-500 USD cho 1 chiếc túi đã trở thành phân khúc lý tưởng cho các phụ kiện xa xỉ, với tỷ lệ giao dịch tăng từ 63% lên 70% trong giai đoạn 2021-2024. Ngược lại, phân khúc siêu xa xỉ – những mẫu túi có giá trên 1.000 USD – đã giảm mạnh, từ 7% xuống còn 3% trên tổng số đơn đặt hàng.
Sự khác biệt ở từng khu vực khác nhau
Các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ có sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng túi xách xa xỉ. Mỗi khu vực có những ưu tiên riêng, từ phân khúc xa xỉ dễ tiếp cận, tập trung vào giá trị, đến sự đầu tư vào các sản phẩm cao cấp nhất. Điều này có thể sẽ giúp các thương hiệu điều chỉnh chiến lược và nhu cầu của người mua sắm để phù hợp với từng vùng.
- Bắc Mỹ – thị trường này chủ yếu hướng đến hàng xa xỉ dễ tiếp cận, với 84% số túi xách nằm trong khoảng giá 250-500 USD.
- Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) ghi nhận tỷ lệ mua sắm tiết kiệm cao nhất, với 57% số túi xách có giá dưới 250 USD.
- Thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) vẫn ‘dẫn đầu’ trong cuộc đua hàng xa xỉ cao cấp, với 10% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua chiếc túi có giá trên 1.000 USD và 35% trên 500 USD.
Xu hướng phong cách
Dữ liệu cũng cho thấy sự tăng trưởng của nhiều phong cách túi xách trong những năm gần đây. Túi tote, vốn thống trị thị trường ở mức 12% trước đại dịch thì nay đã lên mức đỉnh điểm là 50% vào năm 2023 – mặc dù gần đây đã giảm xuống còn 41% trong tổng số các phân loại túi vào năm 2024. Sự suy giảm thị phần của xu hướng này lại đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các dòng túi khác:
- Túi đeo vai: Tăng từ 13% lên 17%
- Túi xách quai trên: Tăng từ 5% lên 8%
- Ba lô: Tăng từ 3% lên 5%
Góc nhìn từ các chuyên gia trong ngành
Ngành túi xách từ lâu đã đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong ngành thời trang, không chỉ bởi giá trị doanh thu mà còn nhờ khả năng tạo dấu ấn thương hiệu mạnh mẽ. Trong bối cảnh nhiều thương hiệu xa xỉ đang phải đối mặt với các điều kiện thị trường đầy thách thức như sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và áp lực kinh tế, dữ liệu vẫn chỉ ra cho chúng ta những cơ hội đáng kể. Đặc biệt, các thương hiệu tập trung vào phân khúc giá dễ tiếp cận cùng với việc cung cấp các thiết kế hợp xu hướng, được người tiêu dùng săn đón, đang có tiềm năng chiếm lĩnh thị phần lớn hơn.
Điều này cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược giá và sản phẩm có thể trở thành chìa khóa thành công trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hiện nay.
Các thương hiệu châu Âu vẫn duy trì sự thống trị của hàng xa xỉ
Bất chấp sự thay đổi của thị trường, các thương hiệu châu Âu vẫn tiếp tục thống trị thị trường túi xách cao cấp, với 90% túi có giá trên 1.000 USD có xuất xứ từ các thương hiệu có trụ sở tại khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi). Những cái tên nổi tiếng trên nền tảng bán sỉ – Joor – như Chloé, Coperni, The Row, Marc Jacobs, Tory Burch, Michael Kors và Kate Spade đã góp phần củng cố kết luận này.
Các tác động sâu sắc hơn
Các dữ liệu từ Joor – một công ty đang xử lý đơn đặt hàng cho hơn 14.000 thương hiệu và 650.000 người mua trong ngành thời trang trên 150 quốc gia – cho thấy một tầm nhìn kinh tế rộng hơn. Người tiêu dùng đang trở nên sáng suốt hơn, ưu tiên giá trị và tính linh hoạt hơn là các sản phẩm được bán với giá cao.
Xu hướng này cũng cho thấy người tiêu dùng đang tìm cách cân bằng giữa nhu cầu mua sắm theo sở thích cá nhân và các yếu tố thực tế, điều này báo hiệu khả năng tái cơ cấu sâu sắc và lâu dài trong thị trường phụ kiện xa xỉ.
Thực hiện: Mỹ Tâm