Thực hư tin đồn Versace và Jimmy Choo được rao bán?

Ngày đăng: 19/12/24

Chỉ vài tuần sau khi thương vụ sáp nhập giữa hai tập đoàn thời trang lớn Tapestry và Capri Holdings không thành công, có vẻ như Capri đang tiến hành “dọn dẹp” lại danh mục thương hiệu của mình. Hiện đang rộ lên tin đồn rằng Capri đang trong giai đoạn rao bán cả Versace và Jimmy Choo, có nghĩa là tập đoàn xa xỉ này chỉ còn lại thương hiệu Michael Kors trong hệ thống.

Theo các nguồn tin tài chính của WWD cho biết Capri đang làm việc với Barclays để tìm người mua lại 2 thương hiệu này. Quá trình này được cho là mới chỉ bắt đầu, do đó vẫn chưa rõ liệu hai thương hiệu này sẽ được mua lại chung hay riêng. Hãng truyền thông cho biết một “data room” (một không gian lưu trữ các tài liệu quan trọng của doanh nghiệp được dùng cho quá trình thẩm định trong các giao dịch như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp – M&A – hoặc kêu gọi đầu tư) của hai thương hiệu này đang được thiết lập cho các bên mua tiềm năng trước dịp Giáng sinh.

Capri Holdings Limited - Capri Holdings Limited Announces Fourth Quarter and Full Year Fiscal 2020 Results
3 thương hiệu chủ chốt của tập đoàn Caprri Holdings

Hình thức bán vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên có thông tin cho rằng Barclays đang cân nhắc tổ chức một cuộc đấu giá, trong đó các bên quan tâm sẽ phải nộp đơn đề nghị mua qua nhiều vòng. Tương lai của Capri đã bị đặt dấu hỏi vào đầu năm nay sau khi thương vụ mua lại trị giá 8,5 tỷ USD từ Tapestry bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) chặn lại trong một vụ kiện chống độc quyền. Sau khi tuyên bố quyết định, giá cổ phiếu Capri đã giảm đáng kể và thỏa thuận sáp nhập cuối cùng đã bị chấm dứt.

The FTC Challenges Tapestry's Acquisition of Capri: An Analysis of Market Impact and Consumer Choice | Coresight Research
Tapestry từng có ý định mua lại Capri nhưng không thành công sau phiên tòa trong năm nay

Nhu cầu hàng xa xỉ giảm liệu có ảnh hưởng đến tương lai của ngành? 

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy tiềm năng của thương hiệu Michael Kors vẫn được duy trì. Vào tháng 11, tập đoàn đã thông báo rằng chủ tịch của họ, John Idol, sẽ đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành cho nhãn hiệu New York như một phần của “kế hoạch tái tổ chức và các sáng kiến ​​cắt giảm chi phí”. Philippa Newman cũng đã được thăng chức làm giám đốc sản phẩm, sau khi giữ chức chủ tịch phụ kiện và giày dép của thương hiệu trong khoảng thời gian gần đây.

Những thay đổi như vậy đã diễn ra sau giai đoạn bán hàng không mấy khả quan của Capri. Trong quý thứ hai của năm, báo cáo doanh thu của tập đoàn đã giảm 16,4%. Jimmy Choo là thương hiệu duy nhất trong danh mục đầu tư của Capri ghi nhận mức tăng, với doanh thu tăng 6,1% trong quý. Trong khi đó, Versace và Michael Kors báo cáo mức giảm lần lượt là 28,2% và 16%.

Liệu rằng tương lai của tập đoàn này sẽ như thế nào?

Nhu cầu hàng xa xỉ toàn cầu giảm được coi là nguyên nhân khiến doanh thu giảm, một lập luận mà chính nhà thiết kế Michael Kors đã nhấn mạnh trong quá trình tố tụng tại tòa liên quan đến vụ sáp nhập Capri và Tapestry. Khi được triệu tập lên bục, Kors lập luận rằng ngành công nghiệp đã “chạm đến ngưỡng bão hòa thương hiệu”, đồng thời thừa nhận rằng thương hiệu của riêng ông đã không còn được người tiêu dùng ưa chuộng nữa.

Mặc dù thị trường có phần ảm đạm, vẫn có một số nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến Capri. Theo hồ sơ gần đây nộp lên SEC, công ty quản lý tài sản Oddo BHF đã mua 610.000 cổ phiếu của gã khổng lồ thời trang này với tổng giá trị khoảng 25,9 triệu USD. Tương tự, Geode Capital Management LLC cũng đã tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của tập đoàn này lên 2,2% trong quý 3 năm nay, nâng tổng giá trị sở hữu lên khoảng 82,4 triệu USD.

Thực hiện: Mỹ Tâm