Thương vụ LVMH – KAPITAL: Ý nghĩa đối với các thương hiệu ngách tại châu Á

Ngày đăng: 12/01/25

Gần đây, Highsnobiety, kênh truyền thông uy tín về thời trang và văn hóa streetwear, đã đưa tin rằng vào năm 2024, L Catterton, quỹ đầu tư tư nhân được LVMH hậu thuẫn, đã mua lại phần lớn cổ phần của KAPITAL, thương hiệu denim Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu. Điều này biến LVMH thành cổ đông lớn nhất của KAPITAL. 

Thông tin này gây xôn xao trong cộng đồng người hâm mộ trung thành, những người trân trọng tính độc đáo và sự cẩn trọng của thương hiệu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa suốt gần bốn thập kỷ. Họ lo ngại liệu việc gia nhập LVMH có thể làm thay đổi định hướng kinh doanh của KAPITAL.

Đồng thời, thương vụ này cũng thu hút sự chú ý từ giới chuyên gia, đặc biệt là những người theo dõi chiến lược đầu tư của LVMH. Đầu tư vào một thương hiệu ngách như KAPITAL, nổi bật với sự sáng tạo phi chính thống và tính độc quyền, dường như không điển hình trong chiến lược thường thấy của tập đoàn này, vốn tập trung vào các thương hiệu xa xỉ đại chúng hơn. Điều đáng nói là động thái này diễn ra khi LVMH đang đối mặt với sự sụt giảm 31 tỷ USD giá trị thị trường giữa bối cảnh ngành hàng xa xỉ toàn cầu suy thoái.

Bài viết sẽ phân tích ý nghĩa chiến lược của thương vụ LVMH-KAPITAL trong năm 2024 và đưa ra bài học cho các thương hiệu ngách tại châu Á trong việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững, dựa trên các yếu tố nổi bật từ thương vụ này.

Thương vụ LVMH – KAPITAL đã diễn ra thế nào?

Đầu tiên, để hiểu về thương vụ đầu tư của LVMH vào KAPITAL, cần điểm qua những điểm nổi bật làm nên sức hấp dẫn của thương hiệu này. KAPITAL là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật thủ công truyền thống Nhật Bản và phong cách thẩm mỹ lấy cảm hứng từ văn hóa Mỹ. 

Cre: Bodega

Thành lập vào năm 1985 bởi Toshikiyo Hirata (ông vừa qua đời vào tháng 4, 2024) tại Kojima, Nhật Bản – thủ phủ của ngành công nghiệp denim Nhật, KAPITAL nhanh chóng trở thành biểu tượng cho dòng denim cao cấp, những thiết kế sản xuất giới hạn, và triết lý sáng tạo độc đáo. Triết lý wabi-sabi – vẻ đẹp của sự bất hoàn hảo và sự phù du – được KAPITAL khéo léo lồng ghép với phong cách phương Tây, tạo nên một bản sắc riêng biệt gây tiếng vang trên toàn cầu.

Sức hút của KAPITAL lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều đối tượng khác nhau, từ những người đam mê thời trang thường nhật cho đến các ngôi sao nổi tiếng. Những sản phẩm nổi bật như áo khoác denim patchwork hay các thiết kế lấy cảm hứng từ họa tiết bandana đã giúp thương hiệu xây dựng một danh tiếng vững chắc. Các sự hợp tác của KAPITAL, chẳng hạn như những sản phẩm mang cảm hứng từ Bob Marley, càng làm tăng thêm giá trị thương hiệu. 

Được công nhận là một trong những thương hiệu thời trang danh tiếng nhất Nhật Bản, KAPITAL không chỉ thu hút sự quan tâm trong nước mà còn tạo dựng được lượng người hâm mộ trung thành trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ, nơi các cộng đồng thời trang tiên phong luôn săn đón các sản phẩm của hãng.

Daniel Craig được bắt gặp mặc mẫu áo “Bone” sweater, nổi bật với họa tiết xương sườn và cột sống đầy ngẫu hứng ở mặt sau. Sản phẩm từng được niêm yết trên trang web của H. Lorenzo với giá 458 USD và đã thu hút sự chú ý nhờ thiết kế độc đáo và tay nghề thủ công chất lượng cao. Photo cre: Reddit; couvertureandthegarbstore.

Mặc dù quá trình và cách thức mà KAPITAL nhận được khoản đầu tư từ LVMH được giữ khá kín đáo, nhưng khả năng cao thương vụ này bao gồm việc đánh giá kỹ lưỡng về giá trị thương hiệu, vị thế trên thị trường và tiềm năng phát triển toàn cầu. Trước khi thương vụ diễn ra, KAPITAL thực sự đã khẳng định vị thế là một thương hiệu thời trang ngách với danh tiếng toàn cầu trong lĩnh vực denim và streetwear. 

Do vậy, có thể nói những yếu tố then chốt góp phần vào thành công của thương hiệu bao gồm di sản thủ công Nhật Bản, nổi bật với dòng denim cao cấp và kỹ thuật nhuộm truyền thống, kết hợp thẩm mỹ độc đáo giữa Nhật Bản và Americana. Với các bộ sưu tập giới hạn và chiến lược marketing tinh tế, thương hiệu thu hút cả khách hàng ngách trung thành lẫn sự chú ý toàn cầu, đặc biệt trong các cộng đồng thời trang tiên phong tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Những yếu tố này chính là lý do LVMH, thông qua nhánh đầu tư L Catterton, quyết định đặt cược vào thương hiệu denim Nhật Bản đã có hơn 40 năm âm thầm nhưng bền bỉ phát triển này. KAPITAL không chỉ đại diện cho nghệ thuật thủ công mà còn mở ra một cơ hội để LVMH khai phá tiềm năng của thị trường denim và thời trang ngách toàn cầu.

Quyền lợi đôi bên là gì? Liệu KAPITAL có mất đi “chất” của mình?

KAPITAL x LV – BST Louis Vuitton Men Xuân Hè 2013. Ảnh Louis Vuitton

Câu hỏi về việc liệu KAPITAL có thể duy trì bản sắc độc đáo của mình dưới sự hỗ trợ từ LVMH hay không đã được đặt ra bởi nhiều ý kiến, trong đó có bài viết từ Highsnobiety. KAPITAL vốn nổi tiếng với tính niche, phục vụ một nhóm khách hàng ngách trung thành với các thiết kế giới hạn, chiến lược phân phối tinh tế và cách tiếp cận không mainstream. Điều này làm nên sức hút đặc biệt và bản sắc riêng của thương hiệu, tạo nên giá trị độc quyền trong thị trường thời trang ngách toàn cầu.

Theo Highsnobiety, sự can thiệp của LVMH thông qua L Catterton, dù mang lại nguồn lực tài chính, mạng lưới phân phối toàn cầu và khả năng mở rộng quy mô, cũng có thể tiềm ẩn rủi ro làm suy giảm chính những yếu tố này. Những thay đổi như tăng cường sản xuất hoặc mở rộng phân phối có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa tính độc quyền và việc phục vụ thị trường đại chúng. Điều này có thể làm loãng đi sức hấp dẫn vốn có của KAPITAL trong mắt các tín đồ thời trang yêu thích giá trị thủ công và sự khan hiếm.

Tuy nhiên, chiến lược của LVMH trong thương vụ này lại cho thấy một cách tiếp cận thận trọng hơn. Ta cần lưu ý rằng LVMH hay L Catterton đều không hoàn toàn sở hữu KAPITAL. Thay vào đó, gia đình Hirata (nhà sáng lập) và các cổ đông khác dường như vẫn giữ quyền sở hữu thiểu số. Điều này đảm bảo rằng các giá trị cốt lõi của thương hiệu được bảo tồn. 

KAPITAL x LV – BST Louis Vuitton Men Xuân Hè 2013. Ảnh Louis Vuitton

Hơn nữa, các thương vụ trước đây của LVMH, như với Rimowa hay Off-White, đã chứng minh rằng tập đoàn này có khả năng quản lý những thương hiệu niche mà không làm mất đi bản sắc của chúng, bằng cách giữ một khoảng cách nhất định trong các khía cạnh sáng tạo.

Điều đáng chú ý là, giữa bối cảnh LVMH ghi nhận sự sụt giảm 31 tỷ USD trong giá trị thị trường năm 2024 và ngành xa xỉ toàn cầu đối mặt với suy thoái, tập đoàn này vẫn kiên định thực hiện các quyết định đầu tư chiến lược như thương vụ với KAPITAL. 

Việc này thể hiện tầm nhìn dài hạn của LVMH trong việc xây dựng danh mục thương hiệu không chỉ dựa trên các yếu tố tài chính ngắn hạn mà còn dựa trên giá trị văn hóa và tiềm năng phát triển lâu dài. 

Do đó, mặc dù những lo ngại về việc mất bản sắc của KAPITAL là chính đáng, sự hợp tác này có thể sẽ mang lại cơ hội để thương hiệu cân bằng giữa việc mở rộng quy mô và bảo tồn bản sắc. Điều quan trọng sẽ là mức độ tự do sáng tạo mà LVMH và L Catterton cho phép KAPITAL duy trì, cũng như cách thương hiệu quản lý sự tăng trưởng mà không đánh mất tính độc đáo vốn có.

Ý nghĩa đối với các thương hiệu ngách tại châu Á

Bộ sưu tập KOUNTRY HARDBALL của KAPITAL lấy cảm hứng từ văn hóa bóng chày Mỹ những năm 1940, kết hợp hài hòa giữa phong cách retro và hippie Mỹ với chất liệu denim tái cấu trúc sáng tạo đặc trưng của thương hiệu. Photo: KAPITAL

Thương vụ LVMH đầu tư vào KAPITAL mang lại những bài học quan trọng cho các thương hiệu ngách tại châu Á đang tìm kiếm cơ hội hợp tác từ các tập đoàn toàn cầu. Trước hết, việc duy trì bản sắc thương hiệu là yếu tố cốt lõi. Cam kết của KAPITAL với di sản thủ công và định vị ngách đã làm nổi bật thương hiệu trong mắt nhà đầu tư. Các thương hiệu châu Á cần bảo tồn giá trị văn hóa riêng biệt của mình trong khi chuẩn bị cho quá trình mở rộng quy mô.

Ngoài ra, tập trung vào thị trường ngách là một chiến lược hiệu quả. Thống trị một phân khúc cụ thể, như denim cao cấp hoặc hàng thủ công tinh xảo, không chỉ giúp gia tăng giá trị thương hiệu mà còn nâng cao sức hút với nhà đầu tư. Đồng thời, để mở rộng thành công, các thương hiệu cần cải thiện chuỗi cung ứng, tăng cường hiện diện trên nền tảng số, và nâng cao năng lực sản xuất.

Cuối cùng, chú trọng đến tính bền vững đã trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong ngành xa xỉ toàn cầu. Các thực hành thân thiện với môi trường không chỉ đáp ứng kỳ vọng thị trường mà còn thu hút nhà đầu tư tìm kiếm giá trị dài hạn. Bài học từ KAPITAL chính là kim chỉ nam để các thương hiệu ngách tại châu Á xây dựng chiến lược phát triển bền vững, mở ra cơ hội hợp tác và khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Item áo jacket KAPITAL KOUNTRY BORO đình đám ra mắt vào 2022. Cre: KAPITAL

Thương vụ LVMH đầu tư vào KAPITAL nhấn mạnh chiến lược của tập đoàn trong việc nuôi dưỡng các thương hiệu ngách giàu giá trị văn hóa với tiềm năng phát triển toàn cầu. Đối với các thương hiệu đương đại tại châu Á, con đường để mở rộng quy mô và thu hút đầu tư nằm ở việc cân bằng giữa tính chân thực, sự xuất sắc trong vận hành và tính bền vững. Bằng cách tập trung vào những nguyên tắc này, các thương hiệu ngách có thể định vị mình để đạt được thành công và sự công nhận trên toàn cầu.

L Catterton là gì và hoạt động như thế nào với LVMH?

L Catterton là một công ty đầu tư tư nhân toàn cầu được thành lập vào năm 2016 thông qua sự hợp tác giữa Catterton, LVMH và Groupe Arnault. LVMH và Groupe Arnault sở hữu chung 40% công ty, trong khi 60% còn lại thuộc về các đối tác của L Catterton. Sự hợp tác này kết hợp chuyên môn đầu tư của Catterton với kinh nghiệm trong lĩnh vực thương hiệu xa xỉ của LVMH, giúp công ty thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào các thương hiệu tiêu dùng và xa xỉ tiềm năng trên toàn cầu.

Thực hiện: Linh J.

Tham khảo từ: Highsnobiety, Hypebeast, L Catterton, LVMH